Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật XXIX Thường niên – Năm C

0
415

Bài Ðọc I: Xh 17, 8-13

“Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim, Ông Môsê nói với ông Giosuê rằng: “Ngươi hãy tuyển lựa các chiến sĩ ra chiến đấu với người Amalec: ngày mai tôi sẽ cầm gậy Thiên Chúa trong tay lên đứng trên đỉnh núi”. Ông Giosuê thực hiện như lời ông Môsê đã dạy, và ra chiến đấu với người Amalec. Còn ông Môsê, Aaron và Hur thì đi lên đỉnh núi. Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế. Bấy giờ tay ông Môsê mỏi mệt, người ta liền khiêng tảng đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và ông Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Bởi đó hai tay ông không còn mỏi mệt cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giosuê dùng lưỡi gươm đánh đuổi người Amalec và quân dân nó.

Bài Ðọc II: 2 Tm 3, 14 – 4, 2

“Người của Thiên Chúa được hoàn hảo, để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.

Cha khuyến cáo con trước tôn nhan Thiên Chúa và Ðức Kitô, Ðấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết, nhân danh cuộc xuất hiện của chính Người và vương quốc của Người: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn.

Phúc Âm: Lc 18, 1-8

“Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'”.

Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Bài giảng chủ đề: PHẢI CẦU NGUYỆN LUÔN

 Tu sĩ Phaolô Phan Tấn Thịnh,SVD 

Như câu dẫn nhập của đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay muốn nhắc nhở chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện, và không được nản chí để chờ ngày Chúa quang lâm. Tư tưởng này liên kết với cả hai bài đọc 1 và 2. Bài đọc 1 kể về cuộc giao tranh giữa dânÍtraen với quân Amalếch.Khi ông Môsê giơ tay lên trời cầu nguyện thì quân Ítraen thắng trận, nhưng khi mỏi tay quá, ông hạ cánh tay xuống thì quân Ítraen lại thua.Vì thế, ông Aharon và ông Khua phải đỡ hai tay ông Môsê cho đến khi mặt trời lặn. Trong bài đọc 2, thánh Phaolô nhắn nhủ môn đệ thân tín của mình là Timôthê hãy trung thành với việc đọc Sách Thánh và đem ra giảng dạy cho đến ngày Chúa quang lâm vì đây là quyển sách được Thiên Chúa linh hứng. Như thế, đoạn Tin Mừng này rất phù hợp cho chúng ta trong những ngày cuối của mùa phụng vụ thường niên.

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu: Vì sao Đức Giêsu lại khuyên dạy chúng ta phải kiên trì và thường xuyên cầu nguyện? Ý nghĩa của việc cầu nguyện? Có những lúc chúng ta cầu nguyện nhưng chẳng được nhậm lời, vậy phải chăng lời khuyên của Đức Giêsu không thực tế? Đâu là giáo huấn của các Tông Đồ về việc thực hành lời khuyên của Đức Giêsu?

Mạch văn của bài Tin Mừngnói về ngày Chúa quang lâm. Khi người Biệt phái hỏi Đức Giêsu về thời gian Triều Đại Thiên Chúa đến, Người đã trả lời: “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Người ta sẽ không nói : Ở đây này! hay Ở kia kìa!, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,20-21). Ngay sau đó, Đức Giêsu nói với các môn đệ về những dấu chỉ của ngày quang lâm, vừa bất ngờ và nhanh như chớp. Vì ngày này đến bất ngờ, nên các môn đệ phải luôn sẵn sàng. Do ngày quang lâm không có hạn định rõ ràng, việc mong chờ theo dòng thời gian sẽ làm mỏi mòn tâm khảm mọi người; người ta không còn ao ước nồng nhiệt như thuở ban đầu, nên Đức Giêsu dạy phải luôn nhiệt tâm, phải cầu nguyện không ngừng.

Vì Chúa chậm đến và xem ra làm ngơ trước những điều ngang trái trong xã hội: người lành bị chèn ép, kẻ dữ thì mặc sức tung hoành, nên dễ làm cho đức tin con người chao đảo, dễ buông xuôi. Do vậy, Đức Giêsu mới đưa ra dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy như một chủ đề tương phản: con người bạo ngược, ích kỷ còn biết làm việc thiện chỉ vì muốn yên thân phương chi Thiên Chúa tốt lành lại không minh xét hay từ chối lời cầu xin của các người được tuyển chọn sao? Tuy nhiên, kết thúc dụ ngôn Chúa Giêsulại đưa ra một lời cảnh báo:“Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8); điều này như mời gọi chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem mình có mãi trung thành với Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng cho dù có gặp những thử thách, gian truân trong cuộc sống giống như Người hay không? Trên thập tự giá, đáp lại  những lời thách thức của quân lính: “Nếu ông là vua dân Do thái, hãy cứu lấy mình đi” (Lc 23,37), Người vẫn tiếp tục cầu nguyện với Thiên Chúa Cha “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).Lời cảnh báo của Đức Giêsu sau này được thánh Augustinô đúc kết như sau:“lex orandi, lex credendi” (luật cầu nguyện là luật của đức tin). Lòng tin phải thể hiện ra bằng môi miệng, và từ lời nói sẽ dẫn đến việc làm để minh chứng cho lời nói như thánh Giacôbê đã nói “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).

Chúng ta đừng nghĩ rằng cầu nguyện chỉ là “xin – cho”. Cầu nguyện trước hết là đối thoại với Thiên Chúa để biết Ngài là Đấng nào và chúng ta là gì trong vũ trụ. Từ nó nảy sinh ra tâm tình ngợi khen, chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa trong niềm hân hoan nhảy mừng “vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136); sau đó chúng ta mới nhìn đến thân phận của mình đang thiếu thốn những gì để cầu xin, khẩn nài cho mình hay chuyển cầu cho tha nhân. Sau nữa, khi cầu nguyện, chúng ta cũng không quên sám hối vì những thiếu sót của chúng ta trong bổn phận đối với Thiên Chúa là người Cha rất nhân hậu của chúng ta.

Nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta thấy rằng ngay từ khởi nguyên, con người đã đối thoại thân mật với Thiên Chúa dưới hình ảnh của một cuộc đi dạo trong vườn địa đàng vào lúc gió thổi trong ngày (St 3,8). Vì vi phạm luật Chúa, con người đã trốn tránh Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người tội lỗi, vẫn tìm cách đối thoại với con người để khôi phục cho con người địa vị bị đánh mất bằng cách loan báo cho con người một tia hy vọng: từ dòng dõi của người nữ sẽ xuất hiện một người sẽ chiến thắng ma quỷ, kẻ cầm đầu chước cám dỗ và sự dữ (St 3,15).

Tin vào lời Chúa hứa, qua dòng lịch sử với những biến cố thăng trầm, dân Ítraen đã hướng về Thiên Chúa để kêu xin Thiên Chúa sớm thực hiện lời hứa này :

“Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,

Cậy trông ở li Người.

Hồn tôi trông chờ Chúa,

Hơn lính canh mong đợi hừng đông.

Hơn lính canh mong đợi hừng đông

Trông cậy Chúa đi Ítraen hỡi

Bởi Chúa luôn từ ái một niềm,

Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

Chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen

Cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.” (Tv 129,5-8)

Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa và ban ơn cứu độ cho chúng con.Chúa sẵn sàng ban ơn cứu độ cho ai kính sợ Chúa, để vinh quang của Người hằng chiếu tỏa trên đất nước chúng ta (Tv 85,5-8.10).

Dân Ítraen dành riêng một bộ sách nguyện gồm 150 Thánh vịnh để thường xuyên ca tụng, tạ ơn, thống hối, và cầu xin Thiên Chúa ban ơn cho cá nhân cũng như tập thể. Đức Giêsu là một người Ítraen, hẳn nhiên Người đã tiếp nhận kho tàng quý giá này và Người thường xuyên cầu nguyện cùng với Chúa Cha vào những thời điểm khác nhau trong ngày cũng như trước những biến cố quan trọng của đời Người đến nỗi các môn đệ đã xin Người dạy họ cách cầu nguyện(Lc 11,1). Tin Mừng theo thánh Luca đã ghi nhận cho chúng ta các buổi cầu nguyện của Người. Đối với Đức Giêsu, “lương thực của Thy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Với kinh nghiệm sống kết hợp mật thiết với Chúa Cha, nên Người đã khuyên dạy chúng ta hãy thường xuyên cầu nguyện.

Như trên đã nói, cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, để nhận biết Chúa, nhận biết mình. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu được rằng vì sao có những lúc chúng ta cầu nguyện nhưng không được nhậm lời. Đó là vì chúng ta tìm ý riêng tư của ta thay vì tìm ý Chúa để thi hành; hay có thể Thiên Chúa muốn thử thách lòng trung kiên của chúng ta. Chúng ta hãy nghe giáo huấn của ngôn sứ Isaia,“Đức Chúa phán: Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt ta. Đừng làm điều ác nữa.Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bằng, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ. Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng hoa màu trong xứ. Còn nếu các ngươi từ chối mà phản nghich, các ngươi sẽ phải ăn gươm ăn giáo (Is 1,15-17.19-20)

Và lời dạy của thánh Giacôbê: “Anh em không có là vì anh em không xin; anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4,3).

Để tìm thánh ý Chúa, chúng ta phải thi hành theo giáo huấn của thánh Phaolô: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27). Tác giả thư Hípri cũng đưa ra hình ảnh Đức Giêsu cầu nguyện và được nhậm lời để giúp cho chúng ta hiểu thế nào là được nhậm lời: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời vì có lòng tôn kính” (Hr 5,7). Chúng ta hãy nhớ lại trong vườn Cây Dầu, Đức Giêsu đã cầu nguyện cùng với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42). Sau ba lần cầu nguyện như thế, Người đã vững tin, bình tĩnh để hiến thân chịu chết cứu độ con người.

Tiếp theo sau giáo huấn của Chúa Giêsu về việc phải cầu nguyện luôn và kiên nhẫn chờ ngày Chúa quang lâm, các Tông Đồ cũng đưa ra các lời khuyên nhủ để củng cố thêm cho giáo huấn này. Thánh Giacôbê nói:“Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5,7-8). Và thánh Phêrô cũng khuyên bảo:“Anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền không chi đáng trách và sống bình an. Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ (2 Pr 3,14-15).

Còn thánh Phaolô thì cảnh báo tín hữu thành Thêxalônica về những lừa dối sẽ nổi lên vào ngày Chúa quang lâm để mời gọi họ hãy tỉnh thức và cảnh giác:“Thưa anh em, về ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào” (2 Tx 2,1-3).

Tóm lại, Đức Giêsu và các Tông Đồ có mối bận tâm rất lớn về ơn cứu độ mà Chúa đã thực hiện và người tín hữu sẽ được nhận lãnh vào ngày Chúa quang lâm. Vì thế, Chúa Giêsu và các môn đệ của Người đã cảnh báo, khuyên nhủ chúng ta “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

Ngoài ra, chúng ta còn phải có tâm tình khiêm tốn , tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, không tự mãn, không chỉ trích, không chê bai người khác trong khi cầu nguyện nữa. Giáo huấn này chúng ta sẽ được nghe Đức Giêsu dạy bảo trong dụ ngôn về hai người lên đền thờ cầu nguyện vào Chúa nhật tuần tới.

 

Bài trướcKinh nghiệm OTP tại Chilê của Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai,SVD
Bài tiếp theoAudio Lời Chúa + Suy niệm Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.