Cầu nguyện như Giêrêmia

0
613

Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Lời thì thầm con dâng lên Chúa…?

Cầu nguyện có nghĩa là nói, là thưa chuyện với Chúa. Nhưng khi nghe cách nói chuyện của Giêrêmia với Thiên Chúa (Gr 20,7-9), chúng ta sẽ phải ngạc nhiên lắm. Thật lòng mà nói chúng ta gặp khó khăn với cách cầu nguyện như vậy. Câu hỏi được đặt là: Chúng ta có được phép nói với Chúa như vậy không? Lối cầu nguyện như vậy nghe như không phù hợp với truyền thống đạo đức, với các quan niệm và phong tục trong văn hóa chúng ta.

Trong mọi trường hợp, dù với lí do gì, thì lời nói của vị ngôn sứ nghe dễ chạm tự ái, không ngoan đạo chút nào mà như một lời xúc phạm. Giêrêmia không thưa chuyện với Chúa. Ông phản đối to tiếng, làm ầm ĩ lên. Ông cãi vã với Chúa và la hét vào mặt Chúa. Lí do là vì ông cảm thấy mình bị Chúa dụ dỗ, bị lừa dối và rồi bị chính Chúa bỏ rơi. Ông hét ra hết tất cả những điều đã ứ đọng lâu ngày trong hồn mình:Người đã dụ dỗ tôi, lạy Yavê, và tôi đã để mình bị dụ …”

Bất cứ ai biết về ơn gọi và cuộc đời của ngôn sứ này, thì hiểu cho ông và nỗi thất vọng đầy giận dữ của ông. Khi còn trẻ, Giêrêmia được kêu gọi dành trọn cuộc đời mình làm miệng cho Thiên Chúa. Phần mình, ông không hứng thú chút nào cho công việc đó. Ngay từ đầu, khi được Thiên Chúa mời gọi, ông dường như đã cảm nhận trước được những gì sẽ xảy ra, nên đã tìm cách chối: “Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!” (Gr 1,6). Giêrêmia muốn né tránh để bảo vệ mình. Nhưng Thiên Chúa đã không buông: “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi” (Gr 1,7tt).

Rồi Giêrêmia đã để cho lời hứa này khuất phục mình, và bắt đầu cuộc hành trình trong vai làm người phát ngôn của Thiên Chúa. Đó là một con đường dài với nhiều đắng cay. Ông không vì mình mà nhân danh Thiên Chúa để gay gắt phản đối sự bất công và áp bức quanh ông. Qua việc làm đó, ông rơi vào một cuộc xung đột đe dọa tính mạng với những người có quyền lực và giàu có thời đó.

Là ngôn sứ ông nhìn thấy trước rằng: chủ trương liên minh của các nhà lãnh đạo của dân ông sẽ dẫn đến thảm họa. Nhưng dù có cố gắng thế nào, dù có cảnh báo lớn tiếng đến đâu, Giêrêmia cũng chỉ chứng kiến ​​​​sự thất bại của chính mình. Giêrusalem cuối cùng bị người Babylon san bằng, và những cư dân còn sống sót của nó bị bắt đi lưu đày; trong đó có cả Giêrêmia. Ông không thể ngăn chặn các thảm họa. Trái lại, ông chỉ làm tăng thêm nỗi đau khổ của chính mình bằng những lời cảnh báo liên lỉ. Thay vì được lắng nghe, ông chẳng nhận được gì ngoài sự chế giễu, khinh thường, thậm chí cả bắt bớ, ngược đãi.

Giêrêmia thực sự muốn bỏ cuộc, muốn bịt tai lại trước lời kêu gọi và thúc giục ông liên lỉ. Ông muốn có được sự bình yên, nhưng Thiên Chúa đã không chịu buông thả ông. Vị ngôn sứ không thể thoát ra khỏi vòng tay Thiên Chúa. Chính vì thế, ông không thể kiềm chế được nữa và lớn tiếng kêu thét lên: “Người đã dụ dỗ tôi, lạy Yavê, và tôi đã để mình bị dụ. Người đã uy hiếp tôi và đã thắng: suốt ngày tôi đã nên trò cười, cả lũ chúng nhạo báng tôi … Vì lời Yavê nên cho tôi mới phải chịu hổ nhục và bị chế diễu suốt ngày. Tôi những tự nhủ: Tôi sẽ không nghĩ đến nữa, tôi sẽ không nói nhân Danh Người nữa! Nhưng nơi lòng tôi như lửa bừng bừng, bị dồn ép trong xương cốt tôi ”(Gr 20,7-9).[1]

Những lời nghe thật thảm thương và đau lòng, do sự thất vọng lớn với Thiên Chúa. “Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi“ là lời Thiên Chúa đã hứa với Giêrêmia. Một lời nghe thật tuyệt vời! “Ta ở với ngươi.” Nhưng Ngài ở đâu? Cách nào? Giêrêmia không cảm nhận được sự hiện diện đó! Nên chỉ là những lời nói trống rỗng! “Lạy Chúa, Ngài đã lừa dối con. Ngài đã bỏ rơi con một mình!”

Những người có ơn gọi làm ngôn sứ hiếm khi có được một đời thoải mái dễ chịu, mặc dù thế giới này rất cần đến họ. Hỏi tại sao họ lại có số phận nghiệt ngã như vậy ư? Thưa vì bản chất công việc ngôn sứ gắn bó chặt chẽ với tính cách thẳng thắn, không ba phải để làm vừa lòng mọi người, tinh thần phản kháng, khả năng phê bình liêm khiết của họ. Tất cả những tính cách này có tiềm năng xung đột, gây va chạm cực kỳ lớn. Xung đột, bị tổn thương, thất bại, và với chúng là việc tự nghi ngờ và cám dỗ muốn buông tay đầu hàng. Tức là bất trung với lời mời gọi và sự đồng ý lúc ban đầu – tất cả những điều này dường như đã được lập trình sẵn trong ơn gọi làm ngôn sứ.

Nhưng làm thế nào để có thể đứng vững trong những thử thách đó? Làm sao có thể chịu đựng được cuộc sống như vậy, khi nguy hiểm thường trực rình rập và luôn bị choáng váng vì những đòi hỏi quá sức? Không có loại băng chắc chắn nào dành cho những vết thương kiểu này, và lại càng không có phương pháp chữa trị cuối cùng. Câu chuyện về những thất vọng, tức giận, cãi vã với Chúa của Giêrêmia và về ơn gọi và đời ông, có thể chỉ cho chúng ta một lối đi, và đó có lẽ là con đường khả thi duy nhất dành cho những người sống như vị ngôn sứ này.

Cầu nguyện theo cách của mình

Nói với Chúa là cầu nguyện. Nhưng Giêrêmia không cầu nguyện bằng những lời lẽ trơn tru ngọt ngào như chúng ta quen. Ông không lập lại những lời đã cũ. Giêrêmia không quỳ xuống, không tìm thinh lặng hay chiêm niệm để vượt lên trên nỗi đau khổ của mình. Giêrêmia cũng không xin Chúa thêm sức mạnh để vác thập giá của mình. Và ông chắc chắn đã không nói lời cảm ơn, vì bằng một cách nào đó ông đã có thể chịu đựng được mọi thứ cho đến nay. Không! Trái lại, Giêrêmia cầu nguyện ở đây theo một cách, mà cho đến ngày nay vẫn còn xa lạ với chúng ta. Và đây quả là một điều đáng tiếc.

Giêrêmia không xin cũng không cảm ơn. Ông than van, phàn nàn, tố cáo – lòng đầy cay đắng, giận dữ, đầy trách móc và không chút kiềm chế. Giêrêmia hét to lên rằng ông không thể và không muốn tiếp tục; rằng ông đã hết kiên nhẫn và mất hết niềm tin vào Thiên Chúa. Mặt khác, dù ông có bày tỏ các cảm giác tiêu cực khi bị Thiên Chúa bỏ rơi đến mức nào, thì ông vẫn hướng về Thiên Chúa. Ông bày tỏ lòng mình theo cách của ông: trực tiếp, thẳng thắn, chân thành và không che đậy.

Và khi làm như vậy, ông đặt nền móng cho một khởi đầu mới trong mối quan hệ của ông với Thiên Chúa. Giêrêmia làm chứng bằng lời cầu nguyện than van thảm thương, thậm chí là lời buộc tội. Đây là một kinh nghiệm chúng ta gặp trong Cựu Ước, nhất là trong sách Thánh Vịnh,[2] và cả trong những lời kêu van cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá. Các bậc thầy của đời sống thiêng liêng trong Kitô giáo cũng xác nhận kinh nghiệm đó. Họ nói: “Thiên Chúa ở gần chúng ta nhất, khi mà nỗi đau của chúng ta vì sự vắng mặt của Người lớn nhất.”

Lời cầu nguyện là lời than thở về cuộc đời mình, về số phận và những đau khổ của mình, thậm chí về hành vi gây thất vọng của Thiên Chúa, sự xa cách và không hành động của Ngài. Đây là một lời cầu nguyện đến từ nỗi tuyệt vọng và từ những nghi ngờ, hướng trọn vẹn tới Thiên Chúa. Cho nên đó không phải là dấu hiệu của một đức tin yếu kém. Đó cũng không phải là một biểu hiện sự thiếu đạo đức và tôn kính, và chắc chắn không phải là những lời bổ báng. Trái lại, lối “nói với Chúa“ của ngôn sứ Giêrêmia có thể là biểu hiện của niềm cháy lửa và sâu sắc nhất đối với Thiên Chúa.

Thật ra, nó cũng giống như trong các mối quan hệ giữa con người chúng ta. Những mối quan hệ không có vấn đề, nơi người ta chỉ nói với nhau những lời ngọt ngào, điều tốt đẹp, nơi người ta tỏ ra tử tế nhưng không thật với nhau, thì đó không nhất thiết phải là những mối quan hệ chân thành, vững bền và sâu đậm nhất. Đúng hơn, chính những người chân thật và kiên quyết nhất mới là người chịu đựng cái khác và kẻ khác: Họ nói với nhau về những nghi ngờ, sợ hãi và khốn khổ, cũng như về những nghi ngại về nhau. Họ không tránh lời phê bình nơi người khác, lời than thở về hành vi sai trái của mình hoặc về sự thiếu hiểu biết của chính mình.

Và những gì áp dụng cho mối quan hệ giữa con người với nhau, thì cũng giúp chúng ta hiểu hơn tương quan của mình với Thiên Chúa. Cần nhìn nhận ra rằng: lời cầu nguyện với những lời được mài giũa trơn bóng, được nói ra với thái độ bình tĩnh thanh thản và hạ mình, không nhất thiết phải là lời cầu nguyện sốt sắng nhất. Trong khi đó, các lời cầu nguyện trong tuyệt vọng, giận dữ vì “bị Chúa bỏ rơi”, được nói hay đúng hơn là được hét to trước mặt Chúa, phản ảnh một tấm lòng chân thật thẳng thắn. Ít nhất, đó là một cuộc gặp gỡ và đối đầu thực sự, nó là một mối quan hệ đầy sinh lực với Thiên Chúa.

Và ở đâu sự tuyệt vọng về ý muốn của Thiên Chúa, hoặc sự vắng mặt của Người lớn đến mức người ta phải kêu la trước mặt Thiên Chúa, thì chính ở đó Thiên Chúa vẫn hiện diện như một đối tác. Ngay lúc đó lời hứa của Ngài với Giêrêmia đã thành hiện thực: “Đừng sợ…, vì ta ở cùng con.” ●

Chú thích

[1] Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn.

[2] Các Thánh vịnh than van: 44, 60, 74, 9,80, 83, 89.

Bài trước148 NĂM DÒNG NGÔI LỜI (SVD) HIỆN DIỆN TRÊN THẾ GIỚI | Bề Trên Tổng Quyền [Tiếng Việt]
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (14/9, Suy Tôn Thánh Giá, Lễ kính)