LỜI SỐNG (14/9, Suy Tôn Thánh Giá, Lễ kính)

0
1148

Bài đọc: Ds 21,4b-9

Tin Mừng: Ga 3,13-17

Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 

—– o0o —–

Suy niệm

DẤU CHỈ TÌNH YÊU (Tu sĩ G. B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Thập giá là biểu tượng của hình phạt và sự chết chóc, nhưng khi Chúa Giêsu tự nguyện bước lên, thập giá trở thành thánh giá là dấu chỉ của tình yêu cứu độ.

Trước hết, thánh giá là cái thang dẫn lên trời. Tin Mừng Gioan khẳng định chưa từng có ai đã lên trời ngoại từ Chúa Giêsu là Đấng từ trời xuống nên không thể có ai khác chỉ cho nhân loại đường về trời, ngoại trừ Chúa Giêsu. Ngay cả khi nhân loại phạm tội và bị xa cách Thiên Chúa, Người vẫn vì yêu thương mà không bỏ rơi con người, nhưng chấp nhận để Con của Người đổ máu trên thánh giá để bắc cho nhân loại cái thang dẫn về trời.

Hơn nữa, Chúa Giêsu tự nguyện bước lên thánh giá vì yêu. Ngày xưa khi dân Israel phạm tội, Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê treo con rắn đồng lên cao để ai nhìn lên đó mà tỏ lòng sám hối thì được tha tội và khỏi phải chết (x. Ds 21,4- 9). Ngày nay, Chúa Giêsu chịu treo cao trên thập giá, để những ai nhìn lên đó mà tin vào tình yêu Thiên Chúa thì được tha thứ và giao hòa với Người. Sau cùng, mừng lễ suy tôn thánh giá, Giáo Hội không có ý tôn vinh một biểu tượng của hình phạt và sự chết. Nhưng thánh giá là dấu chỉ giúp chúng ta nhận ra tình yêu của một Thiên Chúa không chấp nhận bỏ cuộc, không lùi bước trước tội lỗi con người, nhưng làm tất cả để con người khỏi phải chết đời đời. Thánh giá nhắc chúng ta rằng chỉ có tình yêu mới chiến thắng mọi thứ ghen ghét và hận thù; chỉ khi yêu người ta mới chấp nhận hạ mình xuống thật thấp để nâng người khác lên; chỉ có tình yêu mới đem lại bình an, hạnh phúc và sự sống đích thực, cả ở đời này lẫn đời sau.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận bị treo cao trên thập giá để chúng con hiểu Chúa yêu chúng con dường nào, yêu đến nỗi chấp nhận mất mạng để chúng con được sống luôn mãi trong tình yêu của Thiên Chúa. Xin mở rộng con tim chúng con, không chỉ để hiểu Chúa yêu chúng con thật nhiều, mà còn để biết yêu thương nhau; vì yêu mà tha thứ cho nhau; vì yêu mà xoá bỏ mọi hận thù mà sống hạnh phúc và bình an. Amen.


 

DẤU CHỈ TÌNH YÊU (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

THẬP GIÁ (Tu sĩ Giuse Trương Văn Thức, SVD)

Thập giá đã từng là một hình phạt, là thứ khổ hình dành cho các nô lệ hay tử tội nguy hiểm. Hình phạt thập giá không những đem đến một cái chết thê thảm mà còn là một sự hổ thẹn, nhục nhã cho người bị kết án. Thế nhưng, trên cây thập giá Đức Kitô lại biến thành cây Thánh Giá và là biểu tượng tình yêu của Người đối với nhân loại.

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan cho ta thấy thập giá không phải là một đau khổ hay nhục nhã mà là vinh quang của Thiên Chúa đã đến. Vì chính từ thập giá, nguồn ơn cứu độ được ban cho chúng ta. Giờ đây thập giá không còn là một sự nhục nhã nữa, nhưng trở thành một phương thế cứu chuộc con người cách hữu hiệu; trở thành một đòi buộc cho những ai muốn bước vào cõi vinh quang theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu và nó cũng trở nên vinh quang, niềm tự hào cho những người Kitô hữu đích thực.

Khi chiêm ngắm thập giá Đức Kitô, chúng ta nhận ra tình yêu và sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ mà Người đã thực hiện. Ngang qua sự khổ nạn và phục sinh, Đức Kitô đã mở ra cánh cửa Thiên đàng cho những ai trung thành bước theo Người trên con đường tiến về quê trời.

Trong đời sống hằng ngày, mỗi người chúng ta đều phải vác lấy cây thập giá của đời mình. Có người vác thập giá của sự ốm đau, bệnh tật, cô đơn, nghèo đói,…

Có người giàu sang sung túc nhưng cũng vác lấy thập giá của sự bất an, lo âu, sợ hãi,… Ước gì mỗi người chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Chúa qua thập giá, để những nỗi đau, lo âu, muộn phiền của chúng ta được Thiên Chúa xoa dịu, đỡ nâng và ban sức mạnh.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết trân trọng giá trị của thập giá để rồi vui vẻ đón nhận và kiên trì vác thập giá đời mình mà theo Ngài. Amen.


 

THÁNH GIÁ TUYỆT ĐỈNH CỦA TÌNH YÊU (Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD)

“Đây là gỗ thánh giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian.”

Là câu mà vị chủ sự đã xướng khi cử hành nghi thức suy tôn thánh giá chiều thứ Sáu Tuần Thánh. Quả thật, cây thập giá vô tri, ghê sợ, biểu tượng của sự chết chóc nay đã biến thành cây thánh giá cứu độ cho muôn người nhờ Đấng bị treo lên đó.

Đức Giêsu xuống thế gian, Ngài không tìm vinh quang bằng con đường êm ái. Nhưng vinh quang của Ngài là thập giá, thi hành thánh ý Chúa Cha: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Người Do thái hy vọng Thiên Chúa đến sẽ xét xử thế gian và trừng phạt kẻ xấu. Nhưng ngờ đâu Thiên Chúa lại đưa chính Con của mình lên thập giá để thế gian được cứu độ. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, Người đến không phải để lên án thế gian, nhưng để cứu thế gian” (Ga 3,17). Đây là một câu nói có sức trấn an, một mạc khải phải làm cho lòng chúng ta tràn ngập niềm vui và hy vọng. Vui vì chúng ta sẽ được thông dự vào đau khổ của Đấng đã bị treo trên thập giá; hy vọng vì chúng ta sẽ được cùng phục sinh với Người. Thánh giá mang lại nguồn hy vọng, toàn thắng và sự sống đời đời.

Người Kitô hữu phải hãnh diện về biểu hiệu của thánh giá. Chúng ta không được dừng lại ở thánh giá mà phải tìm cho ra ý nghĩa của việc mang vác thánh giá. Vì có sự liên hệ giữa thánh giá và sự phục sinh nên Ðức Giêsu mời gọi người môn đệ vác lấy thánh giá để theo Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nhận được tình Chúa yêu thương khi ngước nhìn lên thánh giá, nơi mà Ngài bị treo lên, là nguồn tình yêu vô hạn, là niềm an ủi và là nguồn sức mạnh để giúp chúng con vững tin, can đảm và cậy trông vác thánh giá mỗi ngày theo Chúa. Amen.

Bài trướcCầu nguyện như Giêrêmia
Bài tiếp theoGx. Mỹ Thanh đón cha Tân Quản xứ và Tân Phó xứ, 10/09/2023