LỜI SỐNG (15/9, Đức Mẹ Sầu Bi, lễ nhớ)

0
780
Photo: FAVPNG.com

Bài đọc: Hr 5,7-9

Tin Mừng: Ga 19,25-27

Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlêôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

 —– o0o —–

Suy niệm

ĐAU BUỒN TRONG HY VỌNG (Tu sĩ Phêrô Trần Văn Dương, SVD)

Nếu có một bức tranh nào có thể diễn tả được sự đau khổ của một người mẹ, thì đó là một bức tranh vẽ một người mẹ đang đứng bất lực nhìn đứa con hấp hối và chết trên thập giá của danh họa Michelangelo Buonarroti.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan cũng đã vẽ một bức tranh về một người mẹ. Người mẹ đó đã rất đau khổ khi chứng kiến con mình phải vác cây thập giá nặng nề, bị đóng đinh, bị người ta dùng lưỡi đòng đâm vào trái tim và rồi đau đớn ôm lấy xác con vào trong vòng tay của mình. Người mẹ đau khổ đó không ai khác hơn là Đức Maria, người Mẹ của chúng ta. Thế nhưng, sự đau khổ đó không làm Mẹ mất hết hy vọng, lòng Mẹ vẫn luôn tràn ngập niềm tín thác vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Xét về thể xác, chắc chắn lòng mẹ không khỏi tan nát, bi thương trước cái chết của người con, nhưng trong con tim, Mẹ vẫn có niềm hy vọng, luôn hướng về một tương lai tươi sáng của sự Phục Sinh vinh hiển của con Mẹ. Bởi thế, hôm nay Giáo Hội mừng kính Mẹ và cùng vui mừng với Mẹ, vì nỗi đau tột cùng của Mẹ là phải chứng kiến cái chết thê thảm của con nhưng Mẹ vẫn ngập tràn niềm hy vọng.

Trong thân phận yếu đuối của con người, ai cũng phải trải qua đau khổ. Đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì chiến tranh. Đau khổ vì tù đày, kỳ thị, bất công. Và đau khổ lớn nhất của thân phận con người đó là sự chết chóc đau thương. Nhưng đứng trước mọi đau khổ đó, thánh Gioan đã cho ta thấy được “ánh sáng nơi cuối đường hầm” qua việc đón nhận Đức Maria làm mẹ mình. Lời nói cuối cùng của Chúa Giêsu nói với thánh Gioan, “Đây là Mẹ của anh”, như mời gọi chúng ta đón Đức Maria về nhà mình, về với hết tâm hồn mình, để Đức Maria dạy ta con đường của tin yêu, hy vọng vào sự sống vĩnh cửu mai sau.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là tấm gương sáng cho chúng con về một niềm tin yêu hy vọng ngay cả khi gặp nỗi đau khổ tột cùng trong cuộc sống. Xin Mẹ luôn đồng hành với chúng con trên những chặng đường Thánh Giá của cuộc lữ hành trần thế này. Amen.


LỜI TRĂN TRỐI (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI MẸ! (Tu sĩ G. B. Cao Xuân Tiến, SVD)

Trong biến cố tử nạn của Đức Giêsu, Kinh Thánh thuật lại rằng: “Đứng gần thập giá, có thân mẫu Người…” (Ga 19,25a). Chỉ một câu thôi nhưng đã toát lên được tất cả mọi nỗi đau của Đức Maria khi phải chứng kiến cái chết của con mình.

Quả thế, khi Đức Giêsu bị đóng đinh, hấp hối trên thập giá, Mẹ đã ở đó. Cả cuộc đời của mẹ, niềm hạnh phúc và đau khổ, đều gắn liền với con. Nhớ lại niềm vui khi xưa, từ con lúc thành thai, chín tháng mười ngày, lúc chập chững, bước đi, đến lúc khôn lớn là cả một quãng thời gian hạnh phúc. Thế nhưng, tình cảnh của Mẹ giờ đây thật bi đát. Chứng kiến cái chết của con mình trên thập giá, tận mắt nhìn thấy người ta phỉ nhổ, nhạo cười, xúc phạm, cùng những roi đòn, những chiếc đinh đóng ngập sâu vào chân tay, nghe rõ từng hơi thở dồn dập của con trên thập giá, Mẹ đứng đó mà chết lặng. Thật quá đau đớn và ê chề, đôi mắt Mẹ thẫn thờ, chân tay rũ rượi. Thật không có một người phụ nữ nào đủ sức chịu đựng nỗi đau thương như thế. Nhưng Mẹ vẫn ở đó, tình yêu đã giúp Mẹ đứng vững trong biển đau thương của con mình.

Sự đau khổ của Mẹ không chỉ dừng lại ở đó. Ngày hôm nay, con cái loài người vẫn còn sống trong tội lỗi. Vẫn còn đó bao đau khổ, tội lỗi, hận thù, bất hạnh tràn ngập thế gian. Mẹ vẫn “đứng gần thập giá Chúa”. Nước mắt Mẹ vẫn cứ chảy. Trái tim Mẹ vẫn thổn thức cho nhân loại. Quả thật, hình ảnh của Mẹ là một lời mời gọi để mỗi người Kitô hữu hoán cải tâm hồn, thật tâm trở về với Chúa và sống trong tình yêu của Người.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết sống như Mẹ, biết cho đi, dấn thân cho sứ vụ, hầu giúp xây dựng thế giới này tốt đẹp hơn. Amen.


 

“ĐÂY LÀ MẸ ANH!” (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Trong những giờ phút sau cùng trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trăn trối Đức Mẹ cho Tông Đồ thân tín Gioan. Lời trăn trối này có ý nghĩa gì với Mẹ Maria, với Tông Đồ Gioan và chúng ta ngày nay?

Trước hết, đối với Mẹ Maria, lời trăn trối của Chúa Giêsu thể hiện sự quan tâm, chăm sóc dành cho người mẹ đã sinh ra và dưỡng dục mình. Như một con người thật sự, một đứa con trong gia đình, thì dù đang trải qua những giờ phút đau đớn trên thập giá, Chúa Giêsu vẫn thể hiện sự quan tâm và lòng hiếu thảo. Dù là Con Thiên Chúa, nhưng khi sinh ra trong gia đình nhân loại, Chúa Giêsu đã sống trọn kiếp người với tình thương và lòng hiếu kính dành cho người mẹ nhân loại của mình.

Hơn nữa, đối với Tông Đồ Gioan, Chúa Giêsu sắp trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, lại sinh ra một gia đình mới, gia đình của người biết nghe theo lời Chúa Giêsu: “kể từ giờ đó, môn đệ đón Mẹ về nhà mình” (x. Ga 19,27). Ngôi Lời đã từng đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đó nhận (x. Ga 1,11), thì giờ đây qua sự vâng phục vô điều kiện của thánh Gioan, một gia đình mới có Mẹ Maria, có người môn đệ thương mến và có cả những ai tin vào Đức Giêsu để nhờ tin mà cũng được làm con Thiên Chúa (x. Ga 1,12).

Cuối cùng, là Kitô hữu, chúng ta cũng thuộc về gia đình và con cái Thiên Chúa nếu chúng ta có Đức Mẹ trong nhà mình, trong lòng mình. Chúng ta thuộc về gia đình Thiên Chúa khi lắng nghe và sống lời Chúa (x. Mc 3,35; Mt 12,50). Chúng ta thuộc về gia đình của Chúa khi biết sống nhân ái với nhau như dấu chỉ để người khác nhìn vào mà nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu (x. Ga 13,34-35).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thay đổi cách sống để thuộc về gia đình của Chúa, như Mẹ Maria và thánh  Gioan Tông Đồ.

Bài trướcGx. Mỹ Thanh đón cha Tân Quản xứ và Tân Phó xứ, 10/09/2023
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 23 TN)