Truyện Một Tâm Hồn – Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1/10)

0
1952

Thầy Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời

Chị thánh Têrêsa nổi bật lên như là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của sự thánh thiện Kitô giáo. Nơi Chị, sự thánh thiện Kitô giáo không còn là một điều mơ hồ, trừu tượng hay xa vời với đời sống con người, trái lại, được biểu lộ thật cụ thể và rõ nét. Để làm sáng tỏ điều đó, tôi muốn trình bày đôi nét về đời sống thiêng liêng độc đáo của thánh nhân. Những điều đó được khởi đi từ một tác phẩm hết sức gần gũi khi nhắc đến thánh nữ, tác phẩm “Truyện Một Tâm Hồn”.

Chị thâm thuý một cách dịu dàng và dịu dàng một cách thâm thuý

Như có tác giả đã nói rằng: “Chị thánh rất sành sỏi về đời sống nội tâm của mình”. Tuy ở một độ tuổi còn khá trẻ nhưng Chị đã có một đời sống nội tâm sâu sắc. Chị cảm nếm được điều mà bao thánh nhân hằng tìm kiếm“Sự thánh thiện của người Kitô hữu hệ tại ở đâu?” Têrêsa nói rằng: “Sự thánh thiện hệ tại chỗ thực hiện ý của Chúa và sống sao cho vừa ý Ngài…”[1].

Thánh nhân đã khám phá được thế đứng của con người trong tương quan với Thiên Chúa, dẫu những con người đó có là thánh nhân đi chăng nữa. Dù là những vị thánh lớn hay những vị thánh nhỏ đều ví tựa như những bông hoa trước mặt Thiên Chúa trong vườn hoa của Người. Tất cả những bông hoa đó đều chẳng làm nhiệm vụ gì khác hơn là “được dựng nên để làm vui cái nhìn của Thiên Chúa nhân lành khi Người đặt họ xuống dưới chân Người”[2], còn giữa những con người ấy có khác chăng là mỗi người – một loài hoa. Nếu như các vị thánh lớn có thể sánh ví với các bông huệ và bông hồng thì các vị thánh kia cũng bằng lòng làm những bông cúc mùa xuân hay những bông hoa tím.

Một cái nhìn đức tin đầy sự dịu dàng trong chiều kích tương quan với Thiên Chúa, thánh nhân đã cảm nhận được trong vườn hoa ấy, Thiên Chúa đã “cúi xuống” để vun xới mảnh đất, để chăm tỉa… để rồi những bông hoa ấy mới được triển nở và trở nên “những bông hoa đơn sơ làm Người say đắm”. Một sự hạ mình để biểu lộ tình yêu của Người. Thánh nhân đã thốt lên rằng: “Bởi lẽ đặc tính của tình yêu là hạ mình xuống”. Tình yêu vô biên của Thiên Chúa nhân lành được thánh nữ cảm nghiệm và diễn tả qua những cử chỉ yêu thương đầy dịu dàng nhưng không kém phần sâu sắc. Trong kinh nghiệm thần bí của mình, thánh Gioan Thánh Giá cũng đồng ý với cảm nghiệm đó khi Ngài viết: “Tình yêu muốn hoàn toàn thoả mãn thì phải hạ mình xuống, hạ mình tới tận hư vô”.[3] Thật chẳng dễ gì để có được một kinh nghiệm tâm linh như vậy, hơn hết, đó là “quả ngọt” của một đời sống gắn bó mật thiết trong Đức Kitô của thánh nữ.

Chị tinh tế một cách ngây thơ và ngây thơ một cách tinh tế

Chị thánh say sưa và cảm thấy chẳng có chút ngần ngại nào khi thưa chuyện cùng Chúa Giêsu. Chị thân thưa với Chúa tất cả, từ những niềm vui khi được nhận những món quà hay lúc Rước Lễ lần đầu… cho đến những nỗi buồn của sự mất mát, xa rời những người thân yêu; chị thân thưa với Chúa những khoảnh khắc ân sủng trong tình Chúa và cả những lúc thấy mình yếu đuối, bị cám dỗ bủa vây; chị chia sẻ với Chúa những cảm nếm trong đời sống thiêng liêng nhưng cũng không giấu giếm những kinh nghiệm đời thường nơi tu viện, dẫu đó là những kinh nghiệm bị chị em, Bề Trên hiểu lầm… Tất cả những điều đó chị đã nói với Chúa bằng một sự đơn sơ lạ kỳ, một sự đơn sơ đến mức “tinh tế”.

Trái lại, những điều mà chị thưa chuyện hay “thỉnh ý” Chúa lại tế nhị làm sao. “A! Tại sao Chúa Nhân Lành lại cho con ánh sáng này? Tại sao Người đã cho một đứa trẻ còn quá nhỏ thấy được một điều mà nó không thể hiểu… Đây là một trong các mầu nhiệm mà chúng ta chắc chắn sẽ hiểu khi ở trên Trời để đời đời làm chúng ta thán phục vĩnh viễn!…[4]. Thánh nhân trình bày với tất cả niềm đơn sơ, đơn sơ của một tâm hồn biết chân nhận“Mọi thứ con có là do Chúa”.

Chị táo bạo một cách tế nhị và tế nhị một cách táo bạo

Thánh nhân đã chọn Đức Kitô làm tất cả, làm đối tượng duy nhất và rồi Đức Kitô trở thành điểm quy chiếu cho đời sống của Ngài. Như trên đã nói, thánh nữ ý thức được sự thánh thiện, sự trọn lành của đời mình hệ tại ở đâu. Thế nên, lời mời gọi của Thầy Chí Thánh: “Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Ðấng trọn lành” (Mt 5,48) có lẽ đã được Ngài suy gẫm rất nhiều. Thánh nhân cũng nói trong tự thuật của Ngài: “Con hiểu rằng muốn làm thánh thì phải chịu đau khổ nhiều, luôn tìm kiếm điều hoàn hảo nhất và quên mình; con hiểu rằng sự trọn lành có nhiều cấp độ và mỗi linh hồn được tự do đáp lại các đề nghị của Chúa… tóm lại là chọn lựa giữa những hy sinh mà Người đòi hỏi”[5]. Thánh nữ dường như hiểu rõ được hành trình nên trọn lành sẽ như thế nào.

Thế nhưng, ở độ tuổi của mình, thánh nữ đã không ngần ngại thân thưa cùng Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, con chọn tất cả những gì Chúa muốn… con không muốn làm thánh nửa vời”[6]. Điều đó thực sự quá sức tưởng tượng. Một sự táo bạo của một người trẻ. Dĩ nhiên, sự táo bạo đó không khởi đi từ một sự bồng bột, nóng vội hay bộc phát nhưng là “tuyên ngôn” sau một hành trình dài ấp ủ ngay từ thuở ấu thơ cho đến lúc bấy giờ. Điều đó có lẽ cũng là hợp lý, bởi đó là điều đến sau một thời gian đắm chìm trong tình yêu của Thiên Chúa, nhưng cũng phải thừa nhận đó là một sự táo bạo của thánh nhân.

Một sự táo bạo cần thiết cho tình yêu, như Ngài đã viết trong tự thuật: “…Nhất là con bắt chước thái độ của Madalena (x. Lc 7, 36-38), sự táo bạo đáng ngạc nhiên hay đúng hơn đầy tình yêu của bà làm rung động Trái Tim của Giêsu[7]. Với Ngài, Ngài bị lôi cuốn bởi điều đó và Ngài cảm nhận được điều đó.

“Sau khi chết, con sẽ làm mưa hoa hồng. Từ thiên đàng, con sẽ tiếp tục làm phúc xuống cho trần gian!”[8] tâm tình trước khi lìa đời của thánh nữ sau những ngày tháng chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo cũng toát lên sự táo bạo của một tình yêu dành cho con người. Sự táo bạo ấy được diễn tả không “rầm rộ” hay “ồn ào” nhưng được thỏ thẻ tâm tình với Thầy Giêsu trong những lời cầu nguyện của thánh nhân. Thế rồi, điều đó được Chúa Giêsu vui lòng đón nhận. Sự táo bạo của một thiếu nữ nhưng đã trở nên phương thế hữu hiệu cho những ai muốn chạy đến cùng Chúa Giêsu. Ở trên trời, thánh nhân chắc hẳn vẫn hằng chuyển cầu cùng Chúa cho Giáo hội, cho các linh mục, cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội cũng như cho những người muốn bước theo Chúa như thánh nhân đã nhắc đến nhiều lần trong các bức thư của mình.

Nhiều tác giả lớn không ngần ngại gọi thánh nhân với những danh xưng thật đẹp. John Wu[9], một tác giả nổi tiếng đã trình bày về thánh nhân như là một trong những gương mặt tiêu biểu của sự thánh thiện Kitô giáo. Sự thánh thiện mà John Wu trình bày thật đẹp biết bao. Sự thánh thiện nơi thánh nữ đã được John Wu trình bày từ những cảm nghiệm riêng tư của ông, bởi chính cuốn sách “Truyện Một tâm hồn” đã đưa John Wu gia nhập đạo Công giáo. Ông bị lôi cuốn bởi sự thánh thiện của Kitô giáo được toát lên qua gương mẫu của thánh nữ. Ông bị chinh phục bởi một cuộc sống hoàn toàn thống nhất nhờ gắn bó với Đức Kitô nơi thánh nữ: “Sự quan tâm đến những điều nhỏ bé nhất, với một sự tự do nội tâm lớn nhất, với sự thoát ly triệt để nhất”[10]. Trong một tác phẩm của mình, ông viết:

“Nếu Kitô giáo đã làm thoả mãn lý trí tôi chính là vì đã giới thiệu cho tôi một Thượng đế vừa rộng rãi, vừa có ngôi vị. Còn chị Têrêsa đã củng cố niềm tin tôn giáo của tôi bằng tâm hồn thanh khiết, thoát tục của chị…[11]

“Đối với tôi, Thánh Têrêsa là một tiêu biểu rõ nét về đời sống thiêng liêng trong thời đại chúng ta, bởi chị rất sành sỏi về đời sống nội tâm của mình…Ngày mai dù chị đã làm những phép lạ phi thường, nhưng chị vẫn giữ tâm hồn bé nhỏ như một mầm non. Vì thế, chúng ta biết rằng, trong đời sống thiêng liêng, không gì quan trọng bằng lòng chân thành[12]

Sau cùng, xin mượn lời của Đức giáo hoàng Piô XII, lúc còn là Hồng y Pacelli, đã nói năm 1925 khi ngài là đại diện Tòa Thánh sang Pháp nhân dịp phong Thánh cho Chị Têrêsa và làm phép đền thờ Lisieux người ta xây cất kính Thánh nữ, làm lời cầu nguyện và cũng là lời kết cho bài viết:

“Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người… Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi… Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm”[13].

[1] Hoa Trắng Cát Minh, Truyện Một Tâm Hồn, nxb Tôn giáo (2016), tr. 40.

[2] Sđd, tr. 40

[3] Sđd, tr. 40

[4] Sđd, tr. 87.

[5] Sđd, tr. 59.

[6] Sđd, tr. 59.

[7] Sđd, tr 461.

[8] “When I die, I will send down a shower of roses. From the heavens, I will spend my heaven by doing good on earth.”

[9] John Wu (Gioan Trịnh Xuân Vũ) (1899 – 1986), một trong những nhân vật nổi bật của Công giáo Trung Hoa ở thế kỷ XX. Ông du học Hoa Kỳ và trở thành một nhà luật học danh tiếng, được mời đi giảng thuyết nhiều nơi trên thế giới. Ông đã dịch Đạo Đức Kinh ra tiếng Anh. Ông trở lại Công giáo năm 1937. Năm 1947, ông được cử làm Đại sứ của Trung Hoa tại Toà Thánh.

[10] Lm Phêrô Trần Ngọc Anh, Nhân học Kitô giáo, Tập Một, nxb Đồng Nai (2018), tr. 369.

[11] Sđd, tr. 371.

[12] Sđd, tr. 370.

[13] http://www.vietcatholicnews.net/News/html/246885.htm

Bài trướcHẠT GẠO NHÂN ÁI 5 – VÙNG SƠN CƯỚC
Bài tiếp theoGX. THÁNH GIA: ĐÓN ÂN SỦNG, NHẬN YÊU THƯƠNG 2020