MỌI KHOẢNH KHẮC CÓ CHÚA

0
299

“Ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa” (Tv 143,8)

Thầy Giuse Nguyễn Đình Trường- Học Viện Ngôi Lời

Trong ý hướng giải quyết câu hỏi:“Làm sao để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng?[1], tác giả của cuốn sách “A Monk in the World – Cultivating a Spiritual Life” Wayne Teasdale đã chọn đời sống của người đan sĩ như là một cách thế giải đáp cho câu hỏi trên.

Đan sĩ là tu sĩ sống theo cộng đoàn đan viện và theo một tu luật, để chuyên chăm phụng sự Thiên Chúa bằng đời sống chiêm niệm và lao tác trong thinh lặng. Đời đan tu là hình thức tu trì có đặc tính là chiêm niệm.[2] Thế nên, từ những điểm nêu trên, việc tác giả chọn người đan sĩ làm “mẫu thức” để giúp thăng tiến đời sống thiêng liêng cũng là điều hợp lý.

Trong cuốn sách của mình, tác giả đã trình bày hình ảnh đan sĩ là người đã dâng hiến cuộc đời mình để tìm kiếm Chúa[3]. Đời sống chiêm niệm của họ về cơ bản là một hành trình đạt đến sự gần gũi với Ngài. Bản chất của đời sống đan viện không phải là một cơ cấu nhưng là việc thực hành nội tâm và trọng tâm của thực hành ấy là cầu nguyện chiêm niệm[4]. Sự chiêm niệm phải là sự ngụp lặn sâu trong tình yêu của Thiên Chúa. Sau cùng, tác giả đã dẫn vào định nghĩa của một đan sĩ Benedictine, David Steindl-Rast nói:“Nếu Thiên Chúa là điều bạn nghĩ đến đầu tiên khi vừa thức giấc vào buổi sáng mai, bạn là một đan sĩ”[5].

Liệu rằng định nghĩa đó có thể áp dụng cho mọi người tu sĩ nói chung được chăng? Thiết nghĩ, xét về ý hướng và bình diện mà định nghĩa nêu lên, thật là thích hợp không những cho người sống đời đan tu mà cho tất cả mọi người tu sĩ nói chung. Bởi lẽ, định nghĩa ấy được trình bày dựa trên bình diện đời sống nội tâm, điều mà mọi người tu sĩ đều không thể thiếu. Một người tu sĩ có đời sống nội tâm thực sự thì đời dâng hiến của họ giống như ngôi nhà được xây trên nền đá tảng vững chắc là chính Chúa Giêsu. Đời sống nội tâm thực sự làm cho đời dâng hiến được khởi sắc, sống động, tươi vui trong mọi hoàn cảnh, mọi thử thách, trong mọi công việc dấn thân phục vụ và mọi hoạt động.[6]

Qua đó, định nghĩa trên có thể trình bày lại như sau: “Nếu Thiên Chúa là điều bạn nghĩ đến đầu tiên khi vừa thức giấc vào buổi sáng mai, bạn là một tu sĩ”. Từ định nghĩa này, một sự khám phá là điều cần thiết thay vì chỉ dừng lại ở con chữ mà thôi.

Nghĩ đến Chúa khi vừa thức giấc

Trước hết, điều này ngụ ý một ý thức về sự hiện diện của Chúa ngay lúc này đây khi ta vừa thức giấc. Ý thức về giây phút hiện tại ngay lúc bấy giờ, đó là giây phút Chúa ban và giây phút đó thuộc về Chúa. Ngay lúc hiện tại ấy, chúng ta khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong tâm khảm ta là điểm đầu tiên và cốt lõi. Tác giả Eckhart Tolle trong tác phẩm “The Power of Now” đã nhấn mạnh khi chúng ta nhận thức rõ ràng sự hiện diện rất thật của “giây phút hiện tại” đó chính là chìa khoá của “cảm thức tâm linh” và sự khai mở.[7] Từ ý thức đó, người tu sĩ được dẫn đến việc khám phá ra “Nghĩ đến Chúa khi vừa thức giấc” là một sự khởi đầu, một sự định hướng.“Nghĩ đến Chúa” không chỉ khi thức giấc mà còn trong suốt cả ngày sống và suốt cả cuộc đời.

Nghĩ đến Chúa trong cả ngày sống

Một mối lo ngại lớn xuất hiện nơi đời sống của người tu sĩ hiện nay, đó là sống như đời sống thiêng liêng và đời sống thường nhật là hai điều phân tách. Bạn có thể sẽ đi dự giờ Kinh Sáng, Thánh Lễ vào lúc đầu ngày như một thói quen nhưng trong suốt phần còn lại của ngày sống, bạn sẽ sống như Chúa không tồn tại. Điều đó rất dễ xảy đến bởi lẽ có quá nhiều thứ, dẫu tốt đẹp hay tồi tệ, cuốn ta theo vòng xoáy của nó. Dĩ nhiên, nghĩ đến Chúa trong ngày sống không miễn trừ những trăn trở về cuộc đời, về xã hội và về Giáo Hội hay cả những vấn nạn của bản thân, những lầm lỗi hay thiếu sót… nhưng hơn hết chính là ý thức nhớ đến Chúa và liên kết với Ngài trong mọi biến cố, suy tư trăn trở ấy.

Ý thức có Chúa trong ngày sống, người tu sĩ mới có thể có “chất” Chúa để trao ban cho người khác khi cử hành các Bí tích hay khi gặp gỡ, chia sẻ được. Thế nên, Thánh Augustinô đã từng hết lời nhắn nhủ: “Trên hết tất cả, anh em hãy làm cho lòng mình đầy tràn Thiên Chúa trước đã, rồi sau đó anh em mới có thể chia sẻ, đem Chúa cho người khác được.”[8] Dẫu rằng những điều đó chưa bao giờ là dễ dàng cả nhưng người tu sĩ vẫn phải không ngừng hướng đến.

…trọn cả cuộc đời

Điều đó cần được tiếp nối ngày qua ngày và xâu chuỗi thành chính cuộc đời của người tu sĩ. Người tu sĩ không thể chỉ nghĩ đến Chúa giây phút đầu ngày, còn thời gian trong ngày muốn nghĩ gì thì nghĩ… hay xa hơn, người tu sĩ chẳng thể chỉ cam kết với Chúa trong ngày tuyên khấn nhưng phải là suốt cả cuộc đời dâng hiến. Thế nhưng, trong những lúc tăm tối của cuộc đời: thất bại, vấp ngã hay thử thách ơn gọi…, liệu người tu sĩ có đủ “lương thiện” để còn nghĩ đến Chúa như là ý nghĩ đầu tiên hay chăng? Nếu một người tu sĩ mà đã có một sự ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện rất thật của Thiên Chúa, điều ấy sẽ không phải là trở ngại quá lớn cho họ. Họ có thể nao núng nhưng sẽ chẳng dễ dàng gục ngã, bởi lẽ, đời sống nội tâm của họ đã được xây trên nền đá tảng vững chắc là chính Chúa Giêsu.

Từng giây phút, từng ngày sống và cả cuộc đời, đó mới thực sự là hành trình đích thực. Thiết nghĩ, hướng về Chúa mỗi ngày sống như là bậc thang, mỗi ngày sống trọn là bước một bước tới đích điểm. Sau cùng, mỗi ngày sống lại đạt được từ chính ý thức giây phút đầu tiên. Giây phút đầu tiên mở ra cho cả cuộc đời và cuộc đời đã hoàn tất ngay từ giây phút đầu tiên.

Tóm lại, người tu sĩ nghĩ đến Chúa ngay giây phút vừa thức giấc, nghĩ đến Chúa trong suốt cả ngày sống và xuyên suốt cả cuộc đời. Hành trình ấy thật chẳng ngắn ngủi và dễ dàng chút nào, nhưng điều đó mới làm nên giá trị của đời tu, một nỗ lực trên chặng đường thuộc trọn về Chúa như Thánh Augustinô đã từng thốt lên:“Tâm hồn con khắc khoải cho tới khi được nghỉ an trong Chúa.”[9] Xin cho mỗi người tu sĩ luôn ý thức và khao khát điều đó mỗi ngày trong đời dâng hiến. Và xin cho lời Thánh vịnh 143 nên như lời thì thầm trên môi trên miệng của họ mỗi khi vừa thức giấc: “Lạy Chúa, ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Ngài.”

[1] “How to Cultivate a Spiritual Life?”

[2] HĐGMVN, Từ điển Công giáo, Nxb Tôn giáo, tr. 242.

[3]“A monk, then, is a person who has dedicated his or her life to seeking God”.

[4] Wayne Teasdale, A Monk in the World – Cultivating a Spiritual Life, Introduction Living as a monk in the world, xxvi.

[5]If the first thing you think of in the morning when you wake up is God, then you are a monk!”.

[6] Mother Teresa, Tâm hồn tràn ngập niềm vui, Dịch giả: Lm. Philipphê Trần Công Thuận, Nxb Tôn giáo, tr. 262.

[7] Eckhart Tolle, The Power of Now: A Guide to Spiritual Enlightenment, New World Library (1999), tr. 41- 42.

[8] Mother Teresa, Tâm hồn tràn ngập niềm vui, Dịch giả: Lm. Philipphê Trần Công Thuận, Nxb Tôn giáo, tr. 268.

[9] Sđd, tr. 269.

Bài trướcBản tin CƠN BÃO TÌNH NGƯỜI-Hướng về Miền Trung # Số 2
Bài tiếp theoĐTC công bố tên 13 tân Hồng y