LỊCH SỬ LINH ĐẠO NGÔI LỜI: THUẬN THEO THẦN KHÍ*

0
481

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD (chuyển ngữ)

Lm. Hermann Fischer, SVD (tác giả)**

Sau tiến trình “đặt tên cho Dòng Ngôi Lời”, Cha Arnold đã có một thời gian phân định để cuối cùng những kế hoạch của Ngài biểu tỏ một ước muốn thuận theo thần khí để làm sức mạnh cho Hội Dòng lớn lên…

—O—

Ít nhiều, chương trình này đi đến sự hoàn tất bằng lòng đạo đức nhiệt thành dành cho Chúa Thánh Thần mà Cha Arnold đã và đang thúc đẩy từ năm 1884. Ngài cũng muốn các thành viên của Hội Dòng tiếp tục thúc đẩy việc đạo đức này. Đây là một biến cố “đăng quang” cho sự thăng tiến đời tu của ngài. Vị trí trung tâm của việc sùng kính Chúa Ba Ngôi hòa với việc sùng kính đặc biệt dành cho Ngôi Ba, sau việc tôn sùng dành cho Ngôi Hai Thiên Chúa. Từ sự liên quan đặc biệt với việc cư ngụ của Thiên Chúa trong các tâm hồn, cha Arnold được hướng dẫn gần hơn với lối nghĩ Tin Mừng, chính là đến với sự cư ngụ của Chúa Thánh Thần. Chỉ từ việc đạo đức này và thông qua dấu ấn Tin Mừng, chiều sâu của linh đạo ngài trưởng thành sâu hơn và trở nên sống động trong sự hiểu biết của linh đạo: về sự cư ngụ của Chúa Thánh Thần nói chung; trong trật tự của ân sủng mà Arnold gọi là “Vùng Đất của Mặt Trời” (Land of the Sun); trong việc sùng kính Thánh Tâm mà Arnold yêu mến vô cùng; trong việc nắm bắt bản chất của sứ vụ Giáo hội; và trong sự hiểu biết phẩm trật thiên đàng của các tôi tớ và bạn hữu của Thiên Chúa, các thiên thần và các thánh. Linh đạo của ngài đã nhận lãnh một tâm hồn kết hợp tất cả và sự sống trao ban, lớn lên trong sự hiệp nhất tự nhiên. Khi cha Arnold khẳng định ngài cân nhắc đến việc thôi thúc sùng kính nhiệt thành dành cho Chúa Thánh Thần, một trong những ân sủng cao cả nhất của đời sống ngài, thì ngài không hề nói phóng đại. Đối với ngài và Hội Dòng, hồng ân này là món quà không thể so sánh được, là hạt giống vô hạn và là hoa trái thần linh.

Làm thế nào cha Arnold lại có sự liên quan đến sùng kính Chúa Thánh Thần trong suốt 25 năm vừa qua trong cuộc đời ngài? Khi nhìn lại, chúng ta phải tự hỏi: Thân phụ gương mẫu, người đã tham dự Thánh Lễ mỗi Thứ Hai để tôn vinh Chúa Thánh Thần và đã nồng nhiệt nói về công trình của Chúa Thánh Thần, đã tác động đến người con Arnold ra sao? Chúng ta có thể hiểu điều này trong sự quyết tâm của Arnold trước khi ngài được thụ phong linh mục: “Mỗi ngày Thứ Hai, tôi sẽ dâng lễ kính Chúa Thánh Thần, Đấng là sự sống và là sức mạnh của tinh thần tôi.” Bằng lối thận trọng của mình, Arnold ý thức về sự ràng buộc ngài đang cam kết; ngài ý thức chu toàn điều này suốt đời. Chắc chắn, sự dấn thân quyết tâm làm điều này là thành quả từ mẫu gương của thân phụ. Chúng ta đã thấy làm thế nào thân phụ của Arnold đã bảo đảm cho cái mình hứa dàng riêng Thánh Lễ ngày Thứ Hai cho Chúa Thánh Thần. Vào lúc qua đời của thân phụ, cha Arnold đã giữ thói quen này được 9 năm. Di ngôn lúc hấp hối của thân phụ dành con con cái là việc thúc đẩy sùng kính Chúa Thánh Thần phải được ghi dấu ấn sâu hơn nữa.

Trong mười hai năm đầu chức linh mục của Arnold, chúng ta có rất ít thông tin về sự phát triển linh đạo nơi ngài. Những gì chúng ta biết được đến từ những hoạt động của ngài liên kết với hội Tông đồ Cầu nguyện hướng bản tính đạo đức sùng kính Thánh Tâm của ngài. Điều ngài gặp được trong tâm hồn chính là lời cầu nguyện với Chúa Thánh Thần do cha Ramiere viết; Arnold chắc chắn đã cảm nghiệm được từ lời nguyện này. Chúng ta không rõ cha Arnold có biết gì về những tác phẩm giá trị của Hồng y Tổng giám mục Edward Manning, The Activity of the Holy Spirit on Earth and The
Inner Mission of the Holy Spirit
(Hoạt động của Chúa Thánh Thần trên Trái đất và Sứ vụ Nội tại của Chúa Thánh Thần). Những tác phẩm này đã xuất hiện bằng bản dịch tiếng Đức trong năm 1867 và 1877. Mặc dù cha Arnold đã dạy tiếng Anh cho các lớp trung học, nhưng ngài không mấy thích thú văn chương khổ hạnh tiếng Anh. Chẳng hạn, ngài chưa bao giờ đề cập đến những sách của nhà diễn thuyết, the Oratorian (cha Fredrick William Faber) khá phổ biết vào thời đó.

Có hai tác phẩm bằng tiếng Đức đã ảnh hưởng sâu sắc đến Arnold. Đầu tiên là quyển The Activity of the Trinity (Hoạt động của Chúa Ba Ngôi, 1885) của Herman Schell. Quyển sách này được sánh như “mỏ vàng” kiến thức nhằm thúc đẩy thuyết khổ hạnh (asceticism) của cha Arnold và cho việc sùng kính Chúa Ba Ngôi, Ngôi Lời, và Chúa Thánh Thần. Arnold đã viết thư chúc mừng tác giả. Tương tự, quyển sách The Gift of the Pentecost (Ân sủng của Lễ Ngũ Tuần, 1887) của Moritz Meschler, S.J. mang lại cho Arnold nhiều niềm vui. Đây là quyển sách duy nhất về văn học mang tính khổ hạnh gần đây hơn mà Arnold đã trích dẫn và nhắc đến trong nhiều cuộc hội họp. Khi những quyển sách này ra đời, cha Arnold đã chuyển sang sống sùng kính Chúa Thánh Thần rồi. Arnold cũng liên lạc với Tổng Giám mục Otto Zardetti (?-1902), người cũng rất thích những tác phẩm của Hồng y Manning và dùng lời nói cũng như biên soạn để tôn kính Chúa Thánh Thần; nhưng mối quan hệ này chỉ bắt đầu vào những năm 1860.

Khi dõi theo những tuyên bố tu trì của cha Arnold sau năm 1870, chúng ta thấy hành trình sùng kính Chúa Thánh Thần là một sự phát triển lộ ra tự nhiên từ việc sùng kính Chúa Ba Ngôi. Thỉnh thoảng, Arnold cho thấy những tư tưởng sùng kính sâu sắc và truyệt mỹ về Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, vào năm 1874, Arnold viết trong một tạp chí nhỏ của ngài: “Chúng ta hãy ngợi khen Chúa Ba Ngôi, nhưng đặc biệt là Ngôi Thứ Ba chí thánh, nhờ Ngài và nói theo ngôn ngữ của các thánh, Thiên Chúa ban chính mình trong ơn thánh hóa của Ngôi Thứ Ba như nụ hôn của Đấng Sáng Tạo – Chúa Cha, hoặc một Đấng Lang Quân,… do đó, chúng ta nên yêu mến Chúa Thánh Thần thật nhiều; chúng ta yêu mến và tôn vinh Ngài đặc biệt nơi Thánh Tâm Chúa Kitô, thông qua trung gian này mà Chúa Thánh Thần được sai đến với chúng ta.” Rồi, Arnold cầu khẩn với Chúa Thánh Thần bằng lời cầu nguyện cảm động. Trong mỗi số tạp chí, Arnold đều dẫn vào bằng lời nguyện ngắn sau: “Xin ban cho con ân sủng của Chúa Thánh Thần từ sự viên mãn của Trái Tim tình yêu Chúa.”

Lúc thành lập ngôi nhà truyền giáo ở Steyl, cha Bề Trên Arnold Janssen đã yêu cầu việc sùng kính Chúa Thánh Thần hằng ngày. Vào sau các giờ kinh sáng, các thành viên phải hát bài thánh ca “Veni Creator…”, rồi sau đó cha Arnold dẫn cộng đoàn đọc bảy lời nguyện tôn vinh Chúa Thánh Thần. Phong tục này vẫn còn thịnh hành. [Ở nhiều cộng đoàn ngày nay, thánh ca “Veni Creator Spiritus” được hát lúc bắt đầu các giờ kinh sáng]. Thật vậy, lúc ban đầu, việc tôn sùng Chúa Thánh Thần ít nhiều là phông sau của việc sùng kính Thánh Tâm. Tuy nhiên, sau năm 1884, Chúa Thánh Thần được đưa lên trước và ngày nay cha Arnold đã thúc đẩy việc sùng kính trở nên rất nhiệt thành. Điều gì đã thúc đẩy Arnold làm như vậy? Câu trả lời chắc chắn là có tác nhân bên ngoài. Việc có những nguyên nhân khác nhau cùng hoạt động hay không, chúng ta không biết, nhưng có lẽ ở đây, như đã thường xảy ra trong đời Arnold, một ngoại cảnh nhỏ đã giải phóng một năng lượng tội tâm tiềm ẩn khổng lồ, và ngài đã khám phá tác nhân bằng hành động sáng tạo tuyệt vời. Từ năm 1878, Cha bề trên Janssen đã làm quen với linh mục Ferdinand Medits người Áo-Hungary. Trong 30 năm, tình thân hữu gắn kết sâu hơn và họ đã gọi nhau bằng ngôn từ thân thiết: “bạn” và “anh em”.  Mong ước xây dựng ngôi nhà truyền giáo ở nước Áo, Bề Trên Janssen đã liên hệ với Hoàng tử-Tổng Giám mục của Salzburg. Tổng Giám mục đã giới thiệu Arnold cho cha Medits, người sống ở Vienna (Áo) nhưng làm việc hăng say và hào phóng cho việc rao giảng về các việc truyền giáo và giảng tĩnh tâm ở Hungary. Cha Medits nổi tiếng trong Giáo hội ở Vienna nên ngài ở vị thế giúp đỡ cha Arnold rất nhiều, và Arnold cũng tin tưởng ngài. Trong những năm 1878 và 1879, họ đã thảo luận khoảng sáu khả năng đặt nền móng cho ngôi nhà truyền giáo, nhưng lần nào cũng bị tạm thời trì hoãn.

Trong tiến trình các cuộc gặp gỡ diễn ra, cha Arnold đã nhận thấy cha Medits là “con người hảo tâm, không tìm kiếm lợi ích cho riêng mình nhưng để tôn vinh Thiên Chúa nhiều hơn và vì lợi ích của Giáo hội và các linh hồn.” Hai người tôi tớ của Thiên Chúa cùng song hiệp tương đắc, và cha Medits đã ảnh hưởng sâu sắc đến cha Arnold, điều này có ý nghĩa rất lớn cho bản tính độc lập của Arnold. Sau này, cha Arnold đã xin Bề trên Tổng quyền Dòng Lazarists cho cha Medits đến Steyl với vai trò Giám tập cho các [ứng sinh] linh mục và tu huynh, đồng thời giúp huấn luyện một tập sư. Arnold xin cha Medits cố vấn và cũng tự tin giữ lập trường của mình. Năm 1883, cha Medits viết cho cha Arnold một lá thư về việc sùng kính Chúa Thánh Thần: “Tôi thấy đã muốn viết cho cha lâu rồi nhưng hoãn lại vì tôi muốn biết ý Chúa rõ ràng hơn. Bây giờ, tôi tin rằng ý Chúa muốn tôi viết cho cha. Tôi thấy chính mình bị thôi thúc, hỡi cha Bề Trên đáng kính, cha cũng nên khuyến khích việc sùng kính nồng nàn đối với Chúa Thánh Thần trong Hội Dòng của cha. Chắc chắn đây không chỉ đơn thuần là vận may mà việc phụng vụ đạo đức đầu tiên được tổ chức trong ngôi thánh đường mới được hoàn tất ở Steyl, như tôi đã đọc trên báo, vào Chủ Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đâu. Ngôi thánh đường của cha đã được cung hiến cho các thánh thiên thần. Chúa Thánh Thần là Đấng tôn vinh các tôi tớ [thiên thần] của Ngài, vậy thì ngôi thánh đường lại không đáng được cung hiến cho Người Thầy của các thánh thiên thần sao? Và theo lý trước tiên, Chúa Thánh Thần không phải là vua các thiên thần sao? Do đó, tôi thấy bị thôi thúc viết để cha thực hiện bằng cách thêm lời khẩn nguyện vào lời nguyện ý nghĩa “15 phút đọc một lần” (Quaterly Hour Prayer) của cha: ‘Xin sai Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha đến với chúng con.’ Chúng ta hãy nhận thức rõ ràng sự linh hứng thiêng liêng của Chúa Thánh Thần và trung thành học để làm theo những linh hứng ấy.

“Tất cả những thói xấu của các linh mục phát sinh vì họ chạy theo sự dẫn dắt của các thần riêng của họ và không phải là sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhiều người chắc chắn trở thành thứ đồ chơi của các tinh thần thế tục và ngay cả của tà thần. Thiên Chúa không thể nào để cho một cộng đoàn mà các thành viên của nó, cứ kêu cầu Ngài sau mỗi 15 phút ‘Xin sai Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha đến với chúng con’ trở thành con mồi cho các tà thần và những người nô lệ tinh thần thế gian. Người ta không thể nào nghĩ rằng các thành viên của Hội Dòng đầy tín thác cầu nguyện ‘Xin cho chúng con thân quen với những linh hứng thánh thiện của Chúa và học tuân theo chúng cách trung thành’ mà lại là những người tìm kiếm tinh thần riêng, tự đánh mất chính mình; hoặc là nói, sẽ bị dẫn vào sự dối gạt tự tôn thờ mình. Thứ hai, trong cộng đoàn thánh thiện của cha, cha trân quý, tôn trọng, ngợi khen Ngôi Lời bằng tất cả tấm lòng. Tôi đề nghị cha luôn nhớ rằng: ‘Cuộc sống của tôi càng trở nên đời sống của Ngôi Lời thì tôi càng chuẩn bị tốt hơn để lãnh nhận bảy ơn Chúa Thánh Thần. Bằng cách này, tôi càng có trải nghiệm phong phú hơn về những hoạt động của Chúa Thánh Thần, vị vua của đời sống nội tâm và trong linh hồn tôi.’ Điều gì tôi thôi thúc tôi viết thì tôi đã chia sẻ với cha, người bạn thân tín của tôi” (Cha Medits).

Bằng lời ngỏ ấm áp dành cho việc tôn sùng Chúa Thánh Thần, cha Medits dựa vào sự “thúc bách nội tâm” thuần túy; tuy nhiên, chắc chắn cũng có ngoại lực khiến cho cha Arnold truyền bá việc sùng kính Chúa Thánh Thần. Hội Anh Em của Chúa Thánh Thần (the Confraternity of the Holy Spirit) có các trụ sở tại nhà thờ của hội dòng ngài tại Vienna. Do đó, đây là điều tự nhiên để cho ngài và các anh em linh mục làm việc hăng say để truyền bá việc sùng kính Chúa Thánh Thần và chiêu mộ các thành viên cho hội này. Vào ngày 3/10/1887, trong nhà thờ này, cha Arnold đã hoàn toàn hiến dâng chính mình cho Chúa Thánh Thần. Cha Medits đã không đề nghị với cha Arnold chỉ bằng lá thư này mà thôi. Ngài đã quay đi quay lại nói về việc này trong các lá thư khác. Chắc chắn, họ thường nói chuyện này khi gặp nhau. Nửa năm trước khi cha Arnold Janssen qua đời, ngài đã viết trong lá thư cuối cùng cho cha Medits: “Bạn đã nói quá nhiều nhằm động viên tôi dâng hiến chính mình cho Chúa Thánh Thần.” Điều này cho thấy, việc sùng kính quý giá dành cho Chúa Thánh Thần đã đến nhờ cha Medits. Cha Medits đã nổi tiếng và được tìm kiếm như là vị linh hướng của các linh hồn, ngài đã truyền bá việc sùng kính Chúa Thánh Thần. Các linh hồn đã sốt sắng quay về nhờ cha Medits, và qua đó đã ảnh hưởng đến cha Arnold. Bằng chứng cho thấy trong các lá thư của cha Arnold.

Chúng ta không tìm thấy đáp từ của Đấng sáng lập cho lá thư được đề cập trên đây. Tuy nhiên, ngài đã rõ ràng hành động theo những đề nghị trong thư, bởi vì ngài đã ngay tức khắc giới thiệu việc cầu khẩn với Chúa Thánh Thần trong lời nguyện thường đọc “15 phút đọc một lần”. Trong đời sống cá nhân của ngài cũng như trong việc tu dưỡng linh đạo của nền tảng tu trì, việc sùng kính Chúa Thánh Thần giờ đây được đưa lên hàng đầu. Lược đồ Hiến pháp từ Tổng tu nghị đầu tiên của hội dòng ở Steyl (1885) đã ghi rõ điều đó. Việc tôn sùng Chúa Thánh Thần giờ đây được áp dụng giống như sùng kính Ngôi Lời. Ngay trong điều đầu tiên, hiến pháp viết: “Mục đích của Hội Dòng là khẩn cầu Ngôi Lời và loan truyền việc sùng kính Chúa Thánh Thần… Các ngày thứ Hai được dâng đặc biệt cho Chúa Thánh Thần… Nhưng đại lễ Chúa Ba Ngôi là Bổn Mạng và lễ quan trọng nhất của Hội Dòng.”

Từ đây trở đi, cha Arnold đã làm việc vô cùng nhiệt tình để truyền bá việc sùng kính Chúa Thánh Thần. Ngài đã gọi Chúa Thánh Thần là “Cha của Dòng Ngôi Lời”. Cha Arnold đã dâng hiến hai dòng nữ cho Chúa Thánh Thần: Dòng Nữ tỳ Chúa Thánh Linh Truyền giáo (SSpS) và Dòng Nữ tỳ Chúa Thánh Linh Chiêm niệm (SSpSAP). Arnold đã đặt việc cầu nguyện và sùng kính Chúa Thánh Thần là mục đích trước tiên của họ. Ngài chăm nom để những ngôi thánh đường đẹp của Hội Dòng được thánh hiến cho Chúa Thánh Thần ở Nam Shantung, New Guinea, và Nhật Bản. Ngài cũng năng động dùng sách vở và các tác phẩm nghệ thuật để tôn vinh Chúa Thánh Thần. Cha Arnold cũng nhắc nhiều đến Chúa Thánh Thần trong các lá thư. Ngài đã dùng mọi phương tiện để tha thiết mong các linh mục hãy trau dồi việc sùng kính Chúa Thánh Thần. Ngài đã rất vui khi nghe biết những gì đã thực hiện để tôn vin Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn, việc xuất bản thông điệp tôn vinh Chúa Thánh Thần (Divinum illud munus) của Đức Giáo hoàng Leo XIII (9/5/1897) đã làm cho ngài rất vui mừng. Đây hoàn toàn là theo khát mong của tâm hồn ngài. Thông điệp này đã yêu cầu giữ tuần cửu nhật mãi mãi để kính Chúa Thánh Thần vào Ngày Lễ Ngũ Tuần trong toàn thể Giáo hội.

Quan trọng hơn việc tôn kính bên ngoài còn là sự định hình thiêng liêng và sùng kính Chúa Thánh Thần, việc sùng kính trong tâm hồn và những hiệu quả của nó trong đời sống cầu nguyện và phấn đấu thực hành nhân đức. Chúng ta sẽ nói điều nhiều hơn trong chương 6. Tôn sùng Chúa Thánh Thần là tột đỉnh cả bên trong lẫn bên ngoài của linh đạo cha Arnold. Ngài đã nắm được không những vị trí trung tâm của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà còn là ý nghĩa của những sứ vụ mang tính vĩnh cửu và trần thế của các Ngôi Vị Thiên Chúa vì đời sống ân sủng trong các linh hồn. Cha Arnold đã nâng niu những chân lý này bằng đức mến cao cả. Tất cả những chi tiết về lòng sùng kính của Thánh Arnold được đặt trên nguyên tắc của mầu nhiệm trung tâm này. Đức Maria là người trung gian đầu tiên của tất cả ân sủng. Đức Maria là Tỳ nữ của Chúa Cha Hằng Hữu, là Mẹ của Chúa Con Nhập Thể, và là Hiền thê Trinh khiết của Chúa Thánh Thần. Lòng mến của cha Arnold dành cho Trái tim Vẹn sạch Đức Maria được đặt nền tảng trong việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đối với Arnold, Thánh Tâm là nơi cư ngụ tuyệt vời nhất của Thiên Chúa, đồng thời là sự mạc khải và là hình ảnh của Ngôi Lời Nhập Thể hướng về Chúa Cha và loài người. Các thánh và các linh hồn mồ côi là những bạn hữu của Thiên Chúa, và nơi họ, Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ngự trị. Các thiên thần là những hiệp sĩ và là các tôi tớ của Thiên Chúa. Họ xứng đáng được chúng ta yêu mến, và việc tôn kính sự uy nghiêm của Thiên Chúa hiện diện trong họ cũng giống như ở trong chúng ta.       (Còn nữa)

_____

[*] Tựa đề bài viết do người dịch đặt.

[**] Trích dịch sang tiếng Việt từ tác phẩm của Hermann Fischer, You Are the Temple of the Holy Spirit. Người dịch chuyển ngữ dựa theo bản dịch tiếng Anh của linh mục Paul LaForge, SVD (Manila, Philippines: Logos Publications Inc., 1996, 1999), trang 20-25.

_____

Liên kết nhanh đến các bài trước:

Bài 8: Lịch sử linh đạo Dòng Ngôi Lời: Đặt tên Hội Dòng

Bài 7: Arnold Janssen và Thuở thành tựu

Bài 6: Cha Arnold với Hội Tông đồ Cầu nguyện: Chứng nhân

Bài 5: Cha Arnold với Hội Tông đồ Cầu nguyện: Bén duyên

Bài 4. Người linh mục trẻ Arnold

Bài 3. Con đường học vấn của cha Arnold

Bài 2. Thân mẫu Cha Arnold

Bài 1. Ảnh hưởng của thân phụ cha Arnold 

Bài trướcQUÝ TÂN LINH MỤC DÂNG THÁNH LỄ TẠ ƠN TẠI CỘNG ĐOÀN THẦN HỌC
Bài tiếp theoCỘNG ĐOÀN NHÀ CHÍNH NGÔI LỜI NHA TRANG MỪNG LỄ THÁNH ARNOLD JANSSEN