ẢNH HƯỞNG CỦA THÂN PHỤ ĐẾN LINH ĐẠO CỦA CHA THÁNH ARNOLD JANSSEN*

0
302

 

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD (chuyển ngữ)

Lm. Hermann Fischer, SVD (tác giả) [1]

Để làm quen với linh đạo của Cha Thánh Arnold, chúng ta cần thiết nhìn lại sự hình thành đức tin của Ngài từ lúc khởi đầu. Ngài đã may mắn có được những ảnh hưởng giáo dục tốt nhất ở chung quanh Ngài ngay từ thời thơ ấu. Mái nhà của cha mẹ, học đường, nhà trọ, chủng viện, các mối quan hệ, và môi trường xung quanh là những nơi Ngài làm việc như là một sinh viên và linh mục trẻ; tất cả đều lành mạnh và tích cực. Giáo dục và sự gương mẫu đã củng cố hành vi ân sủng, vì thế Ngài lớn lên với lòng đạo mạnh mẽ và bầu khí lành mạnh. Điều này không gì khác hơn là góp phần vào thiên hướng cao cả của tâm hồn cho những điều tu tập; nó chắc chắn cũng đã dẫn đến một quá trình tổng thể của tâm hồn tu trì và lối sống luân lý. Sự phong phú và tính cá nhân của lòng trung hiếu cũng có dấu ấn từ môi trường này.

Arnold Janssen kế thừa đạo nghĩa từ cha mẹ thánh thiện

Tinh thần gia đình đã hình thành trong Cha Arnold giúp phản chiếu đời sống tâm linh của ngài. Cha mẹ của ngài là đôi vợ chồng Kitô giáo gương mẫu. Họ được phúc với mười một người con và trung thành phụng sự Chúa. Như là một gia sản quý báu, họ đã trao cho con cái mình một nền giáo dục đặt trên thánh luật của Thiên Chúa. Đời sống cầu nguyện của họ đạt mức là ngôi trường tốt nhất đời sống tâm linh của con cái. Lòng sùng đạo của những con người miền thôn dã mang lại sự hiểu biết đạo đức sâu sắc và đặc biệt. Sự dạy dỗ của gia đình, nhà thờ, và trường học mà chính cha và mẹ trong gia đình Janssen đã tạo ra thật quá tốt để truyền đạt một kiến thức cơ sở về sống đạo. Và vì vậy, nó cũng truyền lại một tình yêu sâu thẳm và lòng trung thành vào những đòi buộc và thực hành đạo đức căn bản. Cách sống đạo của họ còn cho thấy sự vững chắc và sức mạnh thần học. Nhận thức đúng về Thiên Chúa và mối liên hệ đúng với Ngài đã được nắm bắt với sự chắc chắn và rõ ràng đáng kinh ngạc bởi những người giản dị, và họ cũng dựa theo nhận thức đó làm nguyên tắc thực hành sống đạo. Do đó, họ có thể để lại cho con cái không những một gia tài sống đạo, mà còn quan trọng hơn đó là sự hiểu biết sâu sắc về sự giàu có và vẻ đẹp uy nghi của Thiên Chúa, cũng như căn tính và nét đẹp của thờ phượng Chúa.

May mắn thay, có nhiều cách để biết về cha mẹ của thánh Arnold. Họ giúp chúng ta hiểu những nét chính về linh đạo của thánh Arnold. Chúng ta có thể dõi theo những điểm linh đạo chính, vì con cái của họ, nhất là người con cả Arnold, đã kế thừa từ cha mẹ.

Việc sùng kính Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh: Việc này có lẽ bắt nguồn từ thân phụ của Arnold là ông Gerhard Janssen vì ông thực sự là con người của cầu nguyện. Trong nhà thờ, ông đầy lòng tôn kính và người ta có thể thấy sự hết lòng cầu nguyện thể hiện trên ánh mắt của ông. Vào các ngày Chủ Nhật, ông đã tham dự Thánh lễ sớm (trong thinh lặng) và Thánh lễ sau (hát xướng). Ông đã dự Thánh lễ có hát xướng để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là phong tục gia đình và mọi người đều phải làm như vậy. Trong giờ hấp hối, ông đã yêu cầu con cái của mình, từng người phải hứa tham dự Đại Lễ (High Mass) mỗi tuần để tạ ơn vì muôn hồng ân của tuần đã qua. Phương châm của ông là “Mọi thứ với Chúa.” Ông đã sống liên tục trước nhan Chúa và trong sự liên kết với Ngài. Khi người con linh mục là cha Arnold hỏi ông rằng ông có sợ chết không, thì ông trả lời, “Không. Chúa Giêsu ở với cha thì tại sao cha lại phải sợ?”

Thân phụ của cha Arnold là con người thầm lặng và luôn cầu nguyện trong thời gian làm việc ngoài đồng hoặc khi ông dắt ngựa đi tản bộ. Thân phụ đã chia sẻ với con cái mình những điều thật ấm áp về những kỳ công, quyền năng và tình yêu Thiên Chúa. Vào các ngày Chủ Nhật và các đại lễ, bài giảng thường được thảo luận sau khi ăn tối, và con cái được xét mình xem coi điều gì chúng cần phải chú ý hơn. Sau đó, thân phụ kiểm tra về giáo lý của con cái, dạy và hướng dẫn chúng giống như một linh mục. Mỗi chiều tối trong suốt Mùa Chay, thân phụ đọc thánh thư và Tin Mừng trong ngày đồng thời giải thích các bài đọc. Tương tự, vào các chiều tối mùa đông, những đoạn Tin Mừng, sách Công vụ Tông đồ, các thư của Thánh Phaolô hoặc các truyền thuyết thánh thiêng đều được đọc và được giải thích với tính cách giáo dục. Chủ đề bao quát chính là hướng đến tôn vinh Chúa và sự cần thiết trung thành phụng sự Chúa. Thân phụ hiểu công trình của Thiên Chúa nơi từng ngôi của Chúa Ba Ngôi và đưa đến việc sùng kính toàn thể Ba Ngôi.

Việc Tôn Kính Ngôi Lời: Thân phụ của cha Arnold đã rất nhấn mạnh đến khởi đầu Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Lúc khởi nguyên đã có Ngôi Lời…” Cũng vậy, khi một con gia súc ốm, cả thân phụ và thân mẫu đều dùng Tin Mừng Gioan để cầu nguyện. Trong suốt bảy tháng của năm, từ cuối tháng Mười đến cuối tháng Tư, đoạn Tin Mừng “Lúc khởi nguyên đã có Ngôi Lời” đều vang lên mỗi tối trong mái ấm gia đình Janssen sau khi lần chuỗi Mân Côi và đọc Kinh Cầu Loreto.

Theo những câu chuyện của họ, rõ ràng, con cái họ có được ấn tượng sâu sắc. Người viết sách này có thể xác minh việc này từ kinh nghiệm trong chính gia đình mình, nơi người mẹ đã thực hành thói quen tương tự. Bà thường đọc, “Lúc khởi nguyên đã có Ngôi Lời,” trong giờ kinh sáng với con cái. Bà cũng đọc và cầu nguyện với đoạn Kinh Thánh đó trong lúc bão tố, khó khăn hoặc đau khổ. Tuy con cái học lời cầu nguyện này qua việc “nghe,” nhưng do việc đã thường xuyên nghe đi nghe lại nên không ai “dám” cầu nguyện với bà. Chúng dè dặt (lắng đọng) với sự tôn trọng cao. Dường như chỉ có người mẹ mới có thể cầu nguyện quá thánh thiện như thế. Kinh nghiệm đạo đức này từ đời sống gia đình đã luyện nên một ảnh hưởng sâu sắc đến khuynh hướng đạo đức thiêng liêng của cha Arnold. Chúng ta chắc chắn đây là nguồn tình yêu sùng kính Ngôi Lời của ngài. Về sau, việc sùng kính này đã sinh hoa trái khi ngài quyết định đặt nền móng ở Steyl, Hà Lan với cái tên “Dòng Ngôi Lời.”

Việc Sùng Kính Chúa Thánh Thần: Đây là việc sùng kính nữa mà thân phụ của Arnold ưa thích. Arnold nói về thân phụ của mình rằng: “Thân phụ đã sùng kính Chúa Thánh Thần theo cách đặc biệt. Ngài đã tham dự các lễ sáng Thứ Hai để vinh danh Chúa Thánh Thần. Bằng cách rất sinh động, ông cũng đã nói cho con cái về việc sùng kính Chúa Thánh Thần. Ông nhấn mạnh cách mà Chúa Thánh Thần đem bình an đến cho các linh hồn và các gia đình; làm thế nào Chúa Thánh Thần đong đầy niềm vui vào trong tâm hồn khi phụng sự Chúa; làm sao Chúa Thánh Thần thúc giục người ta hướng về làm việc thiện; làm thế nào Chúa Thánh Thần chúc phúc cho những cánh đồng và đồng cỏ. Những người con chúng tôi đã nhìn vào thân phụ với sự kinh ngạc bất cứ khi nào ông dạy dỗ và thúc giục chúng tôi sùng kính Chúa Thánh Thần. Bên cạnh việc tham dự thánh lễ vào các ngày Chủ Nhật để tôn vinh Chúa Ba Ngôi, con cái cũng hứa bên dường hấp hối của thân phụ là sẽ tham dự Thánh lễ vào các ngày Thứ Hai (hoặc nếu có trở ngại, thì vào các ngày Thứ Ba) để tôn vinh Chúa Thánh Thần, nhằm cầu xin những ơn cần thiết cho tuần kế tiếp. Để thực hiện lời hứa này, con cái được nhắc nhở bằng chính gương mẫu hành động của ông và lời sùng kính sốt sắng dành cho Chúa Thánh Thần. Họ có thể không bao giờ quên di sản rất quý giá này.” Chúng ta sẽ thấy trong trường hợp đặc biệt của cha thánh Arnold về việc sùng kính Chúa Thánh Thần cách đặc biệt của ngài, và làm thế nào ngài rất trung thành với điều đó. Nơi nền móng của hai Dòng nữ mà cha đã gọi tên là “Các Nữ tỳ Chúa Thánh Linh,” cha Arnold đã nguyện dâng lòng trung thành đặc biệt của ngài, hoàn toàn đề cao việc phụng sự Chúa.

Ở thân phụ Janssen, công việc sứ vụ của Hội Thánh có một người bạn và nhà hảo tâm đặc biệt vào lúc sự quan tâm về các sứ vụ ở Đức suy sụp. Thân phụ đã ký tên vào tạp chí Yearbook of the Propagation of Faith (Sách Năm của Hội Truyền Bá Đức Tin) cho gia đình mình. Thân phụ đã đọc tạp chí cho con cái vào buổi tối ấm áp. Sau đó, ngài nói về những nhà truyền giáo rất sinh động: “Này các con! Họ là những anh hùng của đức tin. Họ đã từ bỏ mọi sự vì Chúa.”

Thân phụ rất quý chức linh mục và luôn nói với con cái rằng “Những phúc lành lớn lao nhất cho một cộng đoàn là những linh mục tốt. Những cộng đoàn như vậy là vững mạnh. Điều này cho thấy tại sao Các Ngày Bốn Mùa[2] lại rất quan trọng do có thêm các lời cầu nguyện cho có nhiều linh mục tốt và thánh thiện.”

Việc tăng cường nuôi dưỡng các lời cầu thay nguyện giúp là một niềm vui đặc biệt cho con người sốt sắng này. Tâm hồn thân phụ rộng mở và nhìn mọi thứ bằng con mắt đức tin; do đó, tất cả những lời cầu được nguyện trong suốt các giờ kinh chiều. Ngay khi có một cuộc khủng hoảng trong Giáo hội hoặc trên thế giới, ông đã yêu cầu nguyện xin cho việc đó. Ví dụ, khi Arnold lần đầu tiên thuật lại với gia đình về sự ngược đãi Giáo hội Công giáo ở Ireland, thân phụ của Arnold đã gợi ý đọc một kinh “Lạy Cha” vào các giờ kinh chiều để cầu nguyện cho đất nước Ireland. Tất cả những đặc điểm đạo đức này về thân phụ, chúng ta có thể xác định như có một bản sao trong người con trai Arnold.

Còn nữa…, phần sau, đón đọc ảnh hưởng từ thân mẫu của cha thánh Arnold Janssen

_____________________

[*] Tựa đề bài viết do người dịch đặt.

[1] Trích dịch sang tiếng Việt từ tác phẩm của Hermann Fischer, You Are the Temple of the Holy Spirit. Người dịch chuyển ngữ dựa theo bản dịch tiếng Anh của linh mục Paul LaForge, SVD (Manila, Philippines: Logos Publications Inc., 1996, 1999), trang 1-4.

[2]: Các Ngày Bốn Mùa (Ember Days): ngày xưa, đây là ba ngày dành cho việc thống hối vào bốn dịp trong năm, gồm những ngày thứ Tư, Sáu, Bảy sau Lễ Tro, sau Lễ Hiện Xuống, sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/9), và sau lễ thánh Luxia (13/12). Phụng vụ ngày nay để cho các Đức Giám mục địa phương ấn định. [Chú thích của người dịch bản tiếng Việt].

Bài trướcAi Tín: Ông Cố Giuse Mai Danh Dục thân phụ của Thầy Giuse Mai Văn Dương
Bài tiếp theoVũ khúc: VỮNG BƯỚC LÊN ĐƯỜNG/ Sáng tác: Tập sinh Giuse Phạm Công Minh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.