LỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 27 TN)

0
405

 

Bài đọc: Gn 4,1-11

Tin Mừng: Lc 11,1-4

Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”

 —– o0o —–

Suy niệm

DANH THÁNH CHA VINH HIỂN (Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Trí Long, SVD)

Đức Giêsu cầu nguyện là một hình ảnh  đẹp,  cuốn  hút   các   môn   đệ. Điều đó thôi thúc các ông thân thưa với Người: “Thưa thầy xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Đáp lại ước nguyện đó, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, mở đầu với lời cầu xin: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Lc 11,2).

Đức Giêsu đã không dạy các môn đệ cầu xin điều này, điều kia trước. Nhưng, trước hết, Người dạy các ông: “khi cầu nguyện, anh em hãy nói: ‘lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển’” (Lc 11,2). Đó phải là lời cầu nguyện nền tảng. Quả vậy, Đức Giêsu đến trần gian để mạc khải cho con người về danh thánh vinh hiển của Thiên Chúa. Biết bao công việc tốt đẹp mà Đức Giêsu đã làm cùng những giáo huấn của Người không nhằm mục đích nào khác hơn là để thánh ý Thiên Chúa được thực thi và danh Cha được vinh hiển. Nhìn về hành trình rao giảng của Đức Giêsu, không ít lần Người đã được đám đông tung hô và thán phục. Thế nhưng, Người đã không vì lẽ đó mà tìm cách vinh danh mình, trái lại, tất cả đều nhằm làm danh thánh Cha vinh hiển. Thật vậy, Đức Giêsu đã nêu gương cho các môn đệ không chỉ trong lời cầu nguyện mà còn bằng chính cuộc sống.

Quả thế, lời cầu nguyện “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Lc 11,2) cũng phải trở thành sứ vụ của người môn đệ Đức Giêsu. Người môn đệ không thể chỉ lo tìm cách làm vinh danh bản thân. Đối lại, học nơi gương Thầy Giêsu, mỗi người phải ra sức cầu nguyện và sống chứng nhân để làm cho danh thánh Cha được vinh hiển. Bên cạnh đó, lời cầu nguyện này cũng tựa như kim chỉ nam hướng dẫn người môn đệ trong lời nói, suy nghĩ và việc làm. Nhờ đó, cuộc sống của chúng ta mỗi ngày một thăng tiến hơn, hầu xứng đáng với lời thân thưa “lạy Cha”.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa về lời kinh tuyệt hảo mà Chúa Giêsu đã dạy cho chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết năng cầu nguyện với lời kinh Lạy Cha và can đảm sống chứng nhân hầu làm sáng danh Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.


 

CẦU NGUYỆN NHƯ CHÚA DẠY (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


 

HỌC CẦU NGUYỆN (Tu sĩ Giuse Hoàng Văn Bình, SVD)

Nếu như hơi thở là yếu tố không thể tách rời đối với sự sống con người thế nào, thì cầu nguyện cũng cần thiết cho đời sống Kitô hữu như vậy. Bởi thế, cầu nguyện được coi là phương thế cần thiết nhất để đạt tới một đời sống đức tin chân thật, nhận biết và yêu mến Thiên Chúa và đáp lại lời mời gọi nên thánh của Người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, dường như thái độ đầy thân tình và tin tưởng phó thác của Chúa Giêsu khi cầu nguyện với Chúa Cha đã gây được âm hưởng và ấn tượng mạnh nơi các Tông Đồ, nên khi Người cầu nguyện vừa xong, các ông đã thỉnh cầu: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Đáp lại lời cầu xin ấy, Chúa Giêsu đã trao cho các ông Kinh Lạy Cha. Đây là lời cầu nguyện căn bản, nền tảng và tuyệt hảo nhất vì xuất phát từ chính tâm hồn của Chúa Giêsu. Và cũng là lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa vì hội đủ mọi tâm tình khi cầu nguyện: tôn vinh, chúc tụng, ca ngợi, tuyên xưng, tín thác và cầu xin.

Ngày hôm nay, chúng ta được mời gọi học biết cầu nguyện bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Người còn ban Thánh Thần để giúp ta cầu nguyện trong mọi lúc, ngang qua mọi biến cố của đời sống hằng ngày. Vì thế, khi Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha Trên Trời, Người cũng dạy về sự quan phòng của Chúa Cha (x. Mt 6,11.34). Thật vậy, hiệu quả của việc thành tâm cầu nguyện chính là sự biến đổi, khiến chúng ta có thể làm những việc mà người không biết cầu nguyện không thể làm được; dẫn chúng ta đến những chọn lựa mà người không cầu nguyện sẽ không thể chọn lựa, hoặc chọn lựa sai.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết năng cầu nguyện trong sự khiêm nhường và tín thác vào Chúa. Ngỏ hầu đời sống tâm linh của chúng con được triển nở mỗi ngày. Amen.


 

XIN THA TỘI CHÚNG CON (Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD)

Có lẽ ai trong đời cũng đã hơn một lần phạm phải một lầm lỗi nào đó. Cảm  giác mang tội chẳng lấy làm dễ chịu chút nào, trái lại chúng luôn đè nặng tâm hồn. Lỗi lầm càng dằn vặt tâm hồn bao nhiêu thì khi được tha thứ, niềm vui và hạnh phúc lại càng được nhân lên bấy nhiêu. Đây cũng là cảm nghiệm của Vịnh gia khi thốt lên: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được thứ tha, người có tội mà được khoan dung” (Tv 32,1).

Lời nài xin sự tha thứ trong bài Tin Mừng hôm nay là lời cầu xin thứ tư trong tất cả năm lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ. Trong lời cầu nguyện này, ta thấy có hai phần đan quyện vào nhau: “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”. Như thế, lời cầu xin này nếu muốn được Thiên Chúa chấp nhận thì phải có điều kiện. Điều kiện là phải tha cho người phạm lỗi với mình trước. Càng tha nhiều thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha nhiều; tha thứ ít thì cũng được như thế; và nếu không tha thứ, thì cũng khó lòng lãnh nhận ơn thứ tha.

Có một thực tế là con người luôn cầu xin Thiên Chúa tha cho những lỗi phạm của mình, thế nhưng, đến lượt mình, người ta lại chẳng chịu tha thứ cho người khác. Giả như Thiên Chúa cũng đối xử với ta như ta đối xử với tha nhân thì làm sao ta có thể lãnh nhận ơn tha thứ của Ngài. Một tâm hồn độ lượng, luôn sẵn lòng tha thứ cho những người phạm lỗi với mình là cần thiết để ơn tha thứ của Thiên Chúa đổ tràn xuống cuộc đời ta. Hơn nữa, tha thứ cho những người làm ta tổn thương cũng là một điều hợp lẽ công bằng, vì rằng, nhiều lần chúng ta cũng được anh chị em tha thứ cho những lỗi phạm của ta.

Lạy Chúa, xin cho con nhớ tới những lần con được Chúa và mọi  người  tha  thứ để con cũng biết sống bao dung và tha thứ cho những người làm con tổn thương. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 27 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Năm Tuần 27 TN)