ĐÀO TẠO NHỮNG MÔN ĐỆ TRUNG THÀNH VÀ SÁNG TẠO

0
216

Cha Tổng Quyền Paulus Budi Kleden và Ban Lãnh Đạo

Nền tảng để đảm bảo sức sống lâu dài của bất kỳ cộng đoàn tu trì nào trong thời hiện đại nằm ở chất lượng đào tạo tu trì. Lúc chúng ta sắp bước vào Tổng Tu Nghị thứ 19 (TTN), phần phía sau phương châm của chúng ta nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc trở thành “Những Môn Đệ Trung Thành và Sáng Tạo Trong Một Thế Giới Bị Tổn Thương”.

Vì thế, việc đào tạo hiệu quả bao gồm một tầm nhìn mở rộng và đổi mới về tiến trình này và cố gắng trau dồi các môn đệ bằng đức tin sâu sắc và sự khéo léo, phản chiếu gương mẫu của Chúa Giêsu Kitô. Kết quả là, việc đào tạo trở thành một hành trình liên tục mà trong đó các cá nhân liên tục tìm cách đào sâu hơn vào mối tương quan của họ với Chúa Giêsu, là Thầy, là Ánh Sáng, và là Ngôi Lời đã làm người.

Làm thế nào để thúc đẩy tính sáng tạo và lòng trung thành trong vai trò môn đệ thông qua việc đào tạo? Làm thế nào quá trình đào tạo có thể góp phần vào việc phát triển các môn đệ trung thành và sáng tạo? Quả thực, có nhiều câu trả lời cho những câu hỏi này. Chúng ta hãy khám phá một ý nghĩa và những con đường được rút ra từ việc thực hành đào tạo SVD hiện nay và từ sứ vụ đào tạo của Chúa Giêsu, Rabbi – thầy dạy, có thể làm sáng tỏ khi nêu lên những thắc mắc này.

Đào tạo trong Dòng Ngôi Lời

Trong những năm gần đây, cộng đoàn tu trì đã trải qua một cuộc “xuất hành” đáng kể. Trong vài năm qua, hơn 2000 nam giới không phải giáo sĩ đã rời bỏ đời tu. Theo một cuộc khảo sát do báo Le’Osservatore Romano thực hiện từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 12 năm 2021, số lượng các tu sĩ không phải giáo sĩ trên toàn cầu giảm 1,6%, từ 50.569 xuống 49.774 người.

Sách Niên Giám Giáo hoàng báo cáo mức giảm 8% về số tu sĩ nam không giáo sĩ từ năm 2013 đến năm 2018, nghĩa là mức giảm trung bình hàng năm là 1,6%—nghiên cứu gần đây về Anh em Tu huynh SVD do Thầy Douglas Simonetti SVD thực hiện cho thấy mức giảm 12% giữa năm 2012 và năm 2018, với mức giảm trung bình hàng năm là 2%. Sự suy giảm này đã tăng nhanh từ năm 2018 đến tháng 2 năm 2024 với mức giảm trung bình hàng năm là 3%. Tuy nhiên, dữ liệu về các linh mục dòng toàn cầu và trong Hội Dòng của chúng ta cho thấy sụt giảm đáng kể hơn một chút so với các thành viên không phải giáo sĩ.

 Cha Bề Trên Tổng Quyền Paulus Budi Kleden đã thừa nhận thách thức mà mọi thành viên SVD ngày nay phải đối mặt: cổ vũ ơn gọi và phát triển các chương trình đào tạo hiệu quả trong các Tỉnh Dòng, Miền Dòng và Giáo Điểm (PRM).

 Chất lượng đào tạo trong Hội Dòng chúng ta bắt đầu bằng cách tiếp cận một cách sáng tạo và đổi mới để hiểu khái niệm đào tạo. Nó không còn bị giới hạn ở các giai đoạn ban đầu mà bao gồm ba giai đoạn chính: Cổ vũ ơn gọi, Đào tạo ban đầu và Đào tạo liên tục (thường huấn).

Linh hoạt hay cổ vũ ơn gọi

 Khi việc đào tạo trong Hội Dòng của chúng ta tiến triển để có sự phát triển liên tục, chúng ta cũng phải đón nhận một quan điểm mới về việc linh hoạt ơn gọi. Thay vì chỉ dựa vào việc xác định và bổ nhiệm những người hoặc các nhóm cổ vũ ơn gọi, chúng ta nên nâng cao nhận thức rộng rãi hơn về việc cổ vũ ơn gọi trong toàn Hội Dòng. Bằng cách tiếp cận nhiệm vụ này với sự sáng tạo và lòng trung thành, chúng ta có thể vượt qua những trở ngại và thách thức có thể nảy sinh.

Một cách tiếp cận thực tế là nhận ra rằng việc linh hoạt ơn gọi đòi hỏi nhiều điều hơn là việc chiêu mộ các ứng sinh. Nó bao gồm việc nuôi dưỡng, hướng dẫn và hỗ trợ các cá nhân ở mọi giai đoạn hành trình. Thay vì chỉ nhấn mạnh đến ơn gọi linh mục, chúng ta nên làm nổi bật sứ vụ ơn gọi tu sĩ truyền giáo rộng hơn. Trọng tâm chính của chúng ta phải luôn là thúc đẩy đời sống truyền giáo, bao gồm tu huynh và linh mục.

Ngoài ra, chúng ta phải thừa nhận rằng linh hoạt ơn gọi không phải là trách nhiệm riêng của những người hoặc nhóm cổ vũ ơn gọi được bổ nhiệm. Đó là nhiệm vụ mà mọi thành viên của Hội Dòng đều chia sẻ, bất kể vai trò hoặc bối cảnh sứ vụ của họ. Tuy nhiên, thật cần thiết để nhận ra rằng ở một số Tỉnh Dòng/ Miền Dòng/ Giáo điểm, rõ ràng cần có sự hỗ trợ liên tục, dõi theo các kế hoạch chiến lược, thực hiện và thường xuyên đánh giá để đảm bảo những nỗ lực cổ vũ ơn gọi thực tế.

 Đào tạo ban đầu

 Một nhóm các anh em SVD, có xuất xứ khác nhau và được Tổng Quyền bổ nhiệm, gần đây đã soạn thảo một tài liệu có tựa đề là Cẩm Nang Đào Tạo Chung, nhằm mục đích hướng dẫn bao quát cho việc đào tạo cả các tu huynh và linh mục. Một trong những thách thức gặp phải trong quá trình phát triển là thiết lập một chương trình đào tạo ban đầu thống nhất và gắn kết giữa tất cả các Tỉnh Dòng/ Miền Dòng/ Giáo Điểm (TMG). Khó khăn này xuất phát từ các bối cảnh khác nhau mà ở đó việc đào tạo diễn ra ở các TMG khác nhau.

Nói chung, việc đào tạo ban đầu của chúng ta thường tuân theo một tiến trình định sẵn thông qua các giai đoạn tiền tập viện, tập viện, và sau tập viện. Tuy nhiên, điều cần thiết cần lưu ý là trong khi Cẩm Nang Đào Tạo cung cấp một khuôn khổ toàn diện cho việc đào tạo, thì việc đào tạo ban đầu chỉ là một khía cạnh của phạm vi rộng hơn của nó.

Tài liệu này là một công cụ có giá trị, khuyến khích các TMG tiếp tục trung thành và đổi mới trong việc sửa đổi, canh tân và cập nhật các chương trình đào tạo của mình. Những nỗ lực như vậy là cần thiết để bảo đảm cho Hội Dòng chúng ta tiếp tục tồn tại và phát triển lâu dài.

Hãy Trung thành và Sáng tạo trong việc Đào tạo Liên tục

 Một thách thức đáng kể mà đời sống thánh hiến ngày nay phải đối mặt là xu hướng chỉ giới hạn việc đào tạo vào những giai đoạn đầu, thường chỉ liên kết nó với các cơ sở, trung tâm hoặc chủng viện đào tạo. Cách hiểu hạn hẹp về đào tạo này có thể dẫn đến quan niệm sai lầm rằng quá trình đào tạo của họ được hoàn tất một khi các cá nhân rời khỏi các tổ chức này. Do đó, nó nuôi dưỡng một suy nghĩ rằng những lời khấn trọn đời đánh dấu đỉnh cao của hành trình đào luyện của một người, mà không cần phải phát triển thêm nữa.

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng việc đào tạo vượt xa giới hạn của các tổ chức chính thức và tiếp tục trong suốt cuộc đời người. Sự hiểu biết này đòi hỏi phải thay đổi quan điểm hướng tới việc đào tạo liên tục, nhấn mạnh đến sự phát triển cá nhân và cộng đoàn. Việc đào tạo không tĩnh tại mà khá năng động, liên quan đến các cá nhân ở mọi lứa tuổi và mọi giai đoạn của đời tu. Vì vậy, chúng ta phải cam kết trung thành và sáng tạo trong việc đào tạo liên tục, quý trọng bản chất liên tục và phát triển của đời tu.

Sự trung thành và sáng tạo theo ba nguyên tắc đào tạo người “làm thầy” của Chúa Giêsu

 Chúng ta quay trở lại thời của Chúa Giêsu và xem hai năm sứ vụ công khai của Người như một thời kỳ đào tạo. Theo các Tin Mừng, Chúa Giêsu được các môn đệ và những người theo Người gọi là Rabi. Từ góc độ này, chúng ta hãy xác định Chúa Giêsu như là nhà đào tạo, các môn đệ như là người thụ huấn, và môn đệ hữu như là “người thầy”, có thể hiểu là một thời kỳ đào tạo. Việc đào tạo làm thầy của Chúa Giêsu là một mẫu gương tuyệt vời về việc đào tạo có chất lượng, nơi Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho các môn đệ của mình một cách sáng tạo và trung thành theo ba nguyên tắc đào tạo.

 Chấp nhận bản thân; Tự kỷ luật; Từ bỏ chính mình

Chấp nhận bản thân. Chúa Giêsu Kitô trân quý cả thiên tính và nhân tính mà không phủ nhận chúng. Ngài nhận ra mình là Đấng Cứu Thế và Con Thiên Chúa trong khi cũng thừa nhận nguồn gốc trần thế của mình là Giêsu người Nazareth, cư dân xứ Galilê (Mt 4,12-18. 27,69; Mc 1,14-16). Ngài có xuất thân khiêm nhường, sinh ra trong một gia đình có thu nhập thấp và được nuôi dưỡng bởi người cha thợ mộc ở ngôi làng nhỏ Nazareth, nằm trong vùng nghèo khó của Galilê. (Mt 13,55; 4,23; Mc 2,1).

Khi kêu gọi và tuyển chọn các môn đệ, Chúa Giêsu xác định cách nhất quán lai lịch và xuất thân của các ông, chấp nhận các môn đệ như chính các ông là và nơi mà các ông xuất thân (Mt 4,18-22; 9,9; Mc 1,16-20; 2,13-14). Hành trình tự chấp nhận bản thân đối với những môn đệ như Phêrô thường đầy thử thách, được đánh dấu bằng những giây phút kháng cự và chối từ Chúa Giêsu (Ga 13,6-8; Mt 26,70,72,74), dẫn đến những giai đoạn nghi ngờ và quay về cuộc sống trước đây của họ (Ga 20,6-10; 21,3-7). Sau khi phục sinh, Phêrô cuối cùng đã chấp nhận căn tính của mình là người theo Chúa Giêsu và dấn thân hoàn toàn cho sứ vụ của mình (Ga 21,17), chứng minh lòng trung thành cho đến cùng.

Khi chấp nhận căn tính và sứ mạng của mình, Chúa Giêsu sẽ thẳng thắn từ bỏ sức mạnh và quyền bính, thay vào đó chọn cách trung thành thực hiện Thánh Ý Chúa với lòng khiêm nhường (Pl 2,5-8). Sự dấn thân hy sinh này là mẫu gương Chúa Giêsu toàn tâm toàn ý cho kế hoạch của Thiên Chúa.

Tự kỷ luật. Trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, các môn đệ của Người đã trải qua việc đào tạo tự kỷ luật qua nhiều thái độ và hành động khác nhau, bao gồm cầu nguyện, tỉnh thức, hỗ trợ lẫn nhau (như đã thấy trong Vườn Ghếtsêmani – Mt 26,36-45; Mc 14,32-41), cũng như sự phục vụ và khiêm nhường (Mt 22,8-12; Lc 22,24-27; Ga 13,13-17). Việc tự kỷ luật này đóng vai trò như một động lực và một lối sống, giúp họ thực hiện ý muốn của Chúa một cách trung thành và sáng tạo trong các lĩnh vực truyền giáo của mình.

Trước khi kêu gọi các môn đệ và bước vào sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã nêu gương về tính tự kỷ luật qua việc chuẩn bị mình như một người thầy và người hướng dẫn tài giỏi (Mt 4,1-11; Lc 4,1-13). Ở đây, tự kỷ luật bản thân không phải là hình phạt mà là cởi mở với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hoặc ý muốn của Thiên Chúa. Kinh nghiệm bị cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc cho thấy thái độ tự kỷ luật bản thân bắt nguồn từ sự tín thác vào Chúa Thánh Thần.

Mẫu gương Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Người, trong đó có chúng ta, được tràn đầy hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần (Mt 4,1 – Πνεύματος Ἁγίου) thay vì chỉ dựa vào ý muốn hay ước muốn của riêng mình. Với tư cách là những thành viên của Dòng Ngôi Lời, chúng ta nhớ đến Đấng sáng lập Arnold Janssen, người đã nhấn mạnh tính tự kỷ luật và sự tín thác vào Chúa Thánh Thần và Thánh Ý Chúa.

Từ bỏ chính mình. Trong giáo huấn của Thầy Giêsu, tự từ bỏ là một nguyên tắc nền tảng trong việc đào tạo, bản chất của nó nằm trong giới răn Yêu Thương (Ga 13,34-35; Ga 15,12-17; Mt 22,36-40). Để theo Chúa Giêsu và trở thành những môn đệ trung thành, chúng ta phải thực hiện việc từ bỏ bản thân một cách triệt để.

Nguyên tắc này được lặp lại trong những đoạn văn như Luca 14,33, ở đó Chúa Giêsu tuyên bố rằng người ta phải từ bỏ mọi của cải, và Matthêu 16,24, trong đó ngài nhấn mạnh sự cần thiết của việc từ bỏ chính mình. Lời kêu gọi từ bỏ này không chỉ bao hàm của cải vật chất mà còn cả những ràng buộc cá nhân, bao gồm cả các mối quan hệ và thậm chí cả lợi ích cá nhân.

Để trở thành những môn đệ trung thành và sáng tạo, chúng ta phải nghe theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, từ bỏ mọi của cải và ràng buộc thế gian, vác thập giá mình mà theo Người (Mt 6,19-21,24,25-28; Mt 16,25; Mt 19,21; Mc 10,21; Lc 9,61-62; Lc 14,25-33). Sự từ bỏ này không chỉ là một hành vi thể lý mà còn là một khuynh hướng nội tâm sâu sắc của việc từ bỏ và tuân theo ý muốn của Thiên Chúa.

                        – Cha Tổng Quyền Paulus Budi Kleden và Ban Lãnh Đạo

____________________________

(Tu sĩ Giuse Hồ Xuân Hương chuyển ngữ; Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD hiệu đính bản dịch. Nguồn: Arnoldus Nota, May 2024, tr. 1-3).

Bài trướcCon Người Huyền Nhiệm Vì Có Lương Tâm
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 6 Phục Sinh)