Con Người Huyền Nhiệm Vì Có Lương Tâm

0
340
Photo: Quora.com

Tác giả: Chim Bằng

Có bao giờ bạn hối hận vì đã nói dối với cha mẹ, người thân, bạn bè? Có bao giờ bạn tiếc nuối vì làm tổn thương người mình yêu? Có bao giờ bạn day dứt vì đã ăn trộm một cái gì đó của người khác? Có bao giờ bạn buồn sầu vì đã không giúp đỡ một người nghèo khổ gặp trên đường? v.v… Ắt hẳn trong cuộc sống, mỗi người dù ít hay nhiều đều có những ray rứt vì một lời nói, hành vi nào đó mà chính mình gây hại cho người khác hay có khi ray rứt kể cả khi đã bỏ qua một việc tốt. Và những ray rứt đó cứ theo ta 1 tuần, 1 tháng, 1 năm hay thậm chí cả một đời. Thứ làm cho con người ray rứt, khắc khoải đó chính là Lương Tâm.

Con người là một huyền nhiệm. Bởi vì con người có lý trí để hiểu biết, có tự do để chọn lựa, có tình yêu để hy sinh. Nhưng con người còn huyền nhiệm bởi con người là loài duy nhất có lương tâm. Và lạ thay, dù kể cả không được giáo dục, không được huấn luyện, không được ai nói cho biết, ai cũng thấy rằng có một thứ (lương tâm) ở trong cõi lòng mình mách bảo bản thân làm lành, lánh dữ, cắn rứt khi làm việc xấu xa, hân hoan khi làm điều thiện hảo. Rồi con người nhận ra:

Lương tâm là Thiên phú, nghĩa là lương tâm tự có sẵn trong mỗi con người sống trong xã hội; là lòng lành tự nhiên mà mỗi con người vẫn có; là tấm lòng Trời sinh ra sẵn tốt, biết điều nhân nghĩa. Còn đối với Kitô giáo: Lương tâm chính là tiếng nói của Thiên Chúa, là lề luật mà Thiên Chúa đã đặt sẵn nơi tâm hồn con người để nhắc nhở họ làm lành lánh dữ,Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33). Vì lương tâm có sẵn trong mỗi người, nên lương tâm là quan tòa duy nhất biết rõ việc làm của mỗi người, khiến một người tự phân xử đúng sai hành động của mình. Người ta dù thoát khỏi bản án luật pháp nhưng không thể tránh khỏi bản án lương tâm. Dù có trốn đi đâu hiểm hóc trên thế gian này, người ta vẫn bị lương tâm bắt gặp. Kể cả những người vô thần không tin vào thần thánh họ vẫn sợ lương tâm. Vậy nên, người ta ví lương tâm như con mắt luôn dõi theo, nhìn thấy tận tâm can mỗi người, lương tâm như chiếc lưới lồng lộng nên cái tâm bất chính khó mà chạy thoát, lương tâm như tiếng nói vang lên trong cõi lòng nhắc nhở hành động của mỗi người. Nhà thơ người Pháp Victor Hugo đã miêu tả nỗi khổ sầu của Cain (nhân vật trong Kinh Thánh) qua bài thơ Lương tâm[1] như sau:

Cain lánh Thiên Chúa tìm đường tẩu thoát/
Lùi lũi đi vào lúc chiều tà/
Riêng Cain nằm trằn trọc canh khuya/
Ngửa mặt nhìn vòm cao ảm đạm/
Thấy một con mắt mở trừng trừng/
“Tìm chỗ dấu ta mau!” Cain thét/..:
“Ta muốn ở sâu dưới đất/
Như một kẻ đáy mồ thui thủi sống cô đơn/
Ta khuất mắt với đời, đời với ta khuất mắt!”/
Con mắt trong mồ sâu… con mắt vẫn nhìn!

Cain đã chạy trốn thật xa, chạy suốt một đời đến khi tuổi già, ông xây lên những bức tường xung quanh, đắp những mảnh che thật lớn, đào những hố thật sâu, nhưng ở đâu ông cũng thấy con mắt nào đó trừng trừng nhìn ông, gợi lại cho ông về hành vi sát hại em mình. Cain đã đau khổ biết bao. Không chỉ có Cain bị lương tâm lên án, trong Kinh Thánh người ta có thể thấy nhiều câu chuyện khác nữa từ thuở tạo thiên lập địa cho đến mãi sau này. Adam và Eva lỗi luật cấm, hai ông bà chạy trốn trong những lùm cây. Davit giết người và ngoại tình phải cay đắng thốt lên: “Bao lâu con lặng thinh chưa thú lỗi, thì tâm cốt con rã rời, cả ngày đêm gào thét. Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng, nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt” (Tv 32,3-4). Phêrô chối Chúa 3 lần đã ra ngoài thành mà khóc lóc suốt đêm, Giuđa bán Chúa đã phải thắt cổ tự tử tìm đường giải thoát. Ôi lương tâm! quan tòa mà Thiên Chúa đã đặt để nơi tâm khảm mỗi người để khi chưa có luật pháp thì người đứng lên xét xử, để khi đã chạy ra khỏi luật pháp thì cũng chỉ còn ngươi phán xét công minh. Lương tâm do đó:

Vượt trên cả nhân luật và lý trí. Con người làm ra luật lệ để điều chỉnh các hành vi cho phù hợp với đạo đức. Lý trí giúp con người phân biệt phải trái đúng sai. Thế nhưng, vì con người làm luật nên cũng chính họ phá luật. Vì con người có tự do nên lắm khi họ lại lập luận, biện minh cho hành động của mình. Lương tâm nằm sẵn đó, âm thầm, lặng lẽ nhưng mỗi khi có sai quấy nó đứng lên chống lại. Vào khoảng thập niên 70, một bác sĩ Mỹ tên là Bernard Nathelson đã thành lập chương trình có tên là “kế hoạch hóa gia đình”, đàng sau cái tên hoa mỹ ấy là cả một kỹ thuật phá thai dã man. Chỉ trong vòng 19 tháng, bác sĩ Nathelson đã tiến hành tới 60.000 vụ phá thai. Thế nhưng đến một lúc không chịu nổi tiếng nói của lương tâm, Nathelson đã đóng cửa trung tâm và tuyên bố: Tại sao tôi thay đổi ý kiến. Đó không phải là vì tôi tin vào tôn giáo, bởi lẽ như tôi nhiều lần xác nhận tôi là một người vô thần; tôi thay đổi ý kiến là một phần dựa trên thực tế không thể chối cãi: một bào thai thực sự là một đời sống cần được bảo vệ. Tôi đã bị day dứt sâu xa vì cái chết của 60.000 trẻ thơ vô tội mà chắc chắn tôi đã gây ra. (x. D. Wahrheit. Tìm về cõi phúc, 23-24). Ở một số nơi, pháp luật cho phép người ta phá thai. Họ dựa trên những chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa công lợi, quyền lợi người nữ, vv. Thế nhưng ở đâu, ta cũng đọc được những hối tiếc, cắn rứt, đau khổ của những người mẹ, người cha, người bác sĩ, người cộng tác phá thai khi lấy đi một sinh mạng vô tội. Dù được luật pháp cho phép, dù được lý trí biện minh, nhưng cả hai cánh tay đó không vượt qua được tiếng nói của con tim, tiếng nói từ trong sâu thẳm con người rằng: Sự sống là vô giá, là thiêng liêng, cao cả; sự sống cần được bảo vệ, yêu thương; không ai có quyền trên mạng sống người khác.

Photo: media.licdn.com

Lương tâm thật khó hiểu thấu. Lương tâm là quà tặng mà Thiên Chúa ban cho con người; Là ánh mắt của Người để con người biết dù trong bóng tối, một mình vẫn còn có Người dõi theo. Là tiếng nói của Người vang vọng trong thâm tâm để hướng dẫn mỗi người tìm và đi đến Chân-Thiện-Mỹ. Lương tâm là người bạn đồng hành tốt bụng. Vì thế hãy chăm sóc, dưỡng nuôi và trân quý Lương Tâm.

 Chú thích:

[1] Victor Hugo, Lương tâm (La conscience) trích theo bản dịch của Khương Hữu Dụng, đăng trên https://www.thivien.net/

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Ba, Tuần 6 Phục Sinh)
Bài tiếp theoĐÀO TẠO NHỮNG MÔN ĐỆ TRUNG THÀNH VÀ SÁNG TẠO