LỜI SỐNG (Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm ABC)

0
216

Bài đọc 1: Cv 2,1-11; Bài đọc 2: 1Cr 12,3b-7.12-13

Tin Mừng: Ga 20,19-23 (hoặc Ga 15,16-27; 16,12-15)

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Dothái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

—– o0o —–

Suy niệm

CHÚA THÁNH THẦN (Tu sĩ  Giuse Hồ Xuân Hương, SVD)

Chúa Thánh Thần được diễn tả dưới nhiều hình ảnh và danh xưng khác nhau: gió, lửa, khí, nước, Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi,… Mỗi hình ảnh, danh xưng phần nào nói lên bản tính của Ngài. Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy được vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.

Khi các môn đệ đóng kín cửa vì sợ người Do Thái, Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, và việc đầu tiên Ngài làm là trao ban bình an và Thánh Thần. Đúng vậy, các môn đệ không thể ra đi mà không có bình an của Chúa Thánh Thần. Bình an của Chúa Thánh Thần giúp các ông can đảm làm chứng cho Chúa Phục Sinh, giúp các ông sẵn sàng chết vì Tin Mừng, và giúp các ông luôn cảm thấy tràn trề niềm hy vọng giữa trăm chiều thử thách.

Kitô hữu ngày nay phải đối diện với nhiều thử thách và cam go. Vậy nên, có nhiều anh chị em sợ hãi, trốn tránh và đóng kín trước những thực tại của xã hội. Để mở tung được cánh cửa đến với mọi người, điều quan trọng trước tiên là Kitô hữu phải cảm nhận được Chúa Thánh Thần đang hiện diện trong tâm hồn mình. Chính Chúa Thánh Thần là tác nhân, và là nguồn động lực thúc đẩy công cuộc truyền giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả: “Tôi rất ước ao để cổ võ một mùa rao giảng Tin Mừng nhiệt thành, vui mừng, quảng đại, táo bạo, và tràn đầy tình yêu. Nhưng tôi biết rằng không có động lực nào có thể đủ nếu không có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đốt cháy trong lòng chúng ta. Vì Ngài là linh hồn của việc truyền giáo của Hội Thánh” (Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 261). Ngoài ra, Kitô hữu cũng được mời gọi làm sống lại những ân huệ của Chúa Thánh Thần khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức để từ đó đi sâu hơn vào mối tương quan với Ngôi Ba Thiên Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho chúng con cảm nhận được bình an, sức sống, và lửa yêu mến Ngài trong tâm hồn chúng con. Nhờ đó, chúng con can đảm rao giảng và làm chứng Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.


ƠN THÁNH THẦN (Tu sĩ Đaminh Trần Vĩnh Trung, SVD)

Trong thế giới vật chất này, con người luôn cảm  thấy  bất  an  về  rất  nhiều mối đe dọa. Các Tông đồ cũng vậy, họ sợ người Do Thái truy lùng nên đã trốn trong một căn phòng đóng kín. Thời khắc tuyệt vọng ấy, Đức Giêsu đã hiện ra và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”, để vực dậy một tinh thần đang chết mòn vì sợ hãi cho các môn đệ.

Sách Công vụ Tông Đồ thuật lại: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2, 1-4). Thật vậy, Chúa Thánh Thần đã luôn hiện diện và hoạt động tích cực trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Ngài thúc đẩy các Tông đồ từ tình trạng thất vọng, yếu nhược trở nên nhiệt thành, từ chỗ giới hạn về Lời Chúa lại trở nên đầy khôn ngoan, và từ tình trạng nhút nhát, sợ hãi đã trở nên can đảm công khai làm chứng cho Tin Mừng.

Cũng vậy, Kitô hữu hôm nay luôn được mời gọi sống theo Thánh Thần. Như Thánh Phaolô xác quyết: “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc xác thịt, còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí” (Rm 8, 5). Hẳn nhiên, chúng ta sẽ được lãnh nhận những hiệu năng phát xuất từ thần khí, đó là thần khí khôn ngoan và hiểu biết, lo liệu và sức mạnh, thông minh và đạo đức, cùng ơn kính sợ Thiên Chúa, gọi là bảy ơn Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ hoạt động khiến ta rung động trước Lời Chúa, để khám phá ra tính cách thời sự của Tin Mừng trong cuộc sống xã hội ngày nay.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài đến thổi vào cuộc đời chúng con luồng sinh khí mới, hầu chúng con được canh tân và biến đổi để trở thành những tông đồ nhiệt thành trong thời đại hôm nay. Amen.


 

THỔI HƠI THÁNH THẦN (Lm. G.B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm B
Bài tiếp theoTHỰC HÀNH ĐẠO ĐỨC BÌNH DÂN TRONG VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG