LỜI SỐNG (Thứ Năm, Tuần 11 TN)

0
388

Tin Mừng: Mt 6,7-15

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”


 

Suy niệm

CHA (Tu sĩ Phêrô Phùng Mai Duẩn, SVD)

Cha, bố, thầy…là những từ thông dụng mà những người con hay dùng để gọi đấng sinh thành của mình. Những từ này không chỉ mang ý nghĩa là đại diện cho mối quan hệ cha-con, nhưng còn thể hiện sự thân thiết và tình yêu thương trong đó.

Người cha có một vị trí quan trọng trong gia đình. Cha là người lo lắng, bảo vệ và luôn đồng hành với con cái. Bởi đó, người con cảm thấy thoải mái và an toàn khi ở trong vòng tay yêu thương của cha mẹ mình. Khi nhìn vào Cựu Ước, con người thường quan niệm về một Thiên Chúa hay nổi giận, ghen tuông và trừng phạt dân của Người. Đức Giêsu đã đến thay đổi quan niệm sai lạc này. Ngài giới thiệu cho nhân loại một vị Thiên Chúa luôn yêu thương và giàu lòng thương xót. Đặc biệt, Thiên Chúa không phải là Đấng ở nơi xa xôi nhưng là người Cha luôn gần gũi với dân của Người. Mọi người là con cái của Thiên Chúa, đều được gọi Thiên Chúa là Cha và luôn được Người yêu thương hết mực. Mặt khác, Kitô giáo không phải là một tôn giáo của sự sợ hãi, của những sự áp đặt nhưng là tôn giáo của tình yêu thương. Con người được Thiên Chúa yêu thương, quan phòng và nâng đỡ trong mọi gian khó của phận người.

Bởi đó, mỗi người phải cảnh tỉnh lại bản thân, để thấy rằng chúng ta có đang xem Thiên Chúa như là người Cha của chúng ta hay không? Hay là chúng ta đang để cho tiền bạc và những ham muốn xấu xa chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa. Đối với chúng ta, Người là vị Thiên Chúa hay trách phạt, vị Thiên Chúa ở trên trời cao thẳm, xa vời vợi hay là vị Thiên Chúa của tình yêu, Người Cha nhân hậu, luôn yêu thương và đón nhận con cái mình trở về. Chỉ khi có mối tương quan cha-con mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta mới dám đến gần Người, cầu xin Người và đặt trọn niềm tín thác vào Người như Cha vậy.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn nhận Người là Cha, vị Cha thật sự của chúng con. Để khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng con có thể chạy đến tìm sự an ủi nơi vòng tay yêu thương và ấm áp của Cha. Amen.


 

LỜI CẦU NGUYỆN ĐẸP Ý CHA (Lm. G. B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Chúa Giêsu khẳng định rằng Chúa Cha đã biết rõ những gì con cái Người cần trước khi chúng cầu xin. Vậy tại sao lại cần cầu nguyện khi mà Chúa Cha đã biết những gì chúng ta mong muốn và chờ đợi? Và cầu nguyện thế nào mới đẹp ý Cha?

Trước hết, bản chất của cầu nguyện không phải chỉ để xin, mà quan trọng hơn là để thiết lập và duy trì một cuộc gặp gỡ, một mối tương quan giữa Thiên Chúa là Cha và những đứa con của Người. Những đứa con đến với Cha với sự xác tín và phó thác vào Cha hằng yêu thương. Cha biết rõ nhu cầu của từng đứa con, biết đứa nào cần gì nhất, hiểu rõ điều gì tốt nhất cho từng đứa con. Vậy nên cầu nguyện là để con được gặp Cha, được ở bên Cha, và biết trao phó mọi vui buồn sướng khổ trong tay Cha, để tuỳ Cha định liệu điều gì phù hợp nhất cho mình.

Hơn nữa, một người cha yêu thương con cái hết mực sẽ không từ chối lời cầu xin chân thành cho những nhu cầu thật sự quan trọng và cần thiết của con cái mình. Người cha mẫu mực và khôn ngoan sẽ ban cho những đứa con của mình những gì lợi ích thật sự và lâu bền. Người cha thấu hiểu và biết nhìn xa trông rộng sẽ dành cho con mình những gì đem lại niềm vui và bình an thật sự, cho tương lai và hạnh phúc vững bền, chứ không phải những gì mau qua chóng tàn. Thiên Chúa là một người cha như thế.

Vấn đề đám con cái chúng ta có đủ nhạy bén và tỉnh táo để nhận ra tình thương của Cha: tình thương dạt dào nhưng không uỷ mị, không bị cảm tính chi phối mà chiều con hư; tình thương vừa sâu sắc, vừa khôn ngoan, lại vừa nghiêm minh để con không ở lại vào tình thương của Cha mà đi sai đường; tình thương đủ lớn để mềm dẻo, bao dung những khi con lầm lỗi, nhưng cũng đủ nghiêm khắc để răn dạy con nên người tốt. Nếu chúng ta hiểu được tình thương của một Thiên Chúa là Cha như thế, thì lời kinh “Lạy Cha” luôn là lời cầu nguyện đẹp ý Cha nhất.

Lạy Cha, xin giúp chúng con hằng ghi nhớ lời cầu nguyện đẹp ý Cha mà thực hành với hết lòng kính mến. Amen.


 

THA THỨ VÀ CỨU ĐỘ ( Tu sĩ G.B. Cao Xuân Tiến, SVD)

Đã mang thân cát bụi, con người khó tránh khỏi những khổ đau. Có những vết thương hằn trên thân xác, cũng có những đắng cay, khổ sầu làm hồn ta chẳng thể nguôi ngoai. Có những phản bội ghì ta xuống trong hố sâu sầu hận. Cuộc đời vì thế cũng u hoài, đau khổ, bế tắc và phiền não mãi trong vô minh.

Dẫu vết sẹo có thể xóa nhòa nhờ vài kỹ thuật y khoa, nhưng vết thương lòng làm sao ta xóa được? Đức Giêsu đã đến mang theo Tin Mừng cho loài người. Lời cứu độ giải hòa trời cao với đất thấp. “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con…” (Mt 6,12). Quả thật, phận người, ai cũng bất toàn, lỗi tội, cần được Thiên Chúa thứ tha. Bởi ai cũng đã từng đưa bàn tay nhơ uế ra mà “đóng đinh” Người vào Thập Giá. Lẽ nào, mình xin được tha thứ mà lại không thể thứ tha. Giêsu Cứu Chúa, khi hấp hối trên thập tự cũng đã thốt lên lời tha thứ cho kẻ đóng đinh Người, kể cả người tội lỗi cùng bị đóng đinh kề bên, cũng là đã tha thứ cho tôi. Lẽ nào tôi mãi nuôi lòng thù hận, mở miệng kết án, đưa tay đổ máu kẻ Chúa thương tha.

Quả thật, tha thứ đâu chỉ vì sự công bằng, mà còn là tự giải thoát. Tha thứ không chỉ mở lối, trao ban cho người cơ hội trở về, mà còn là giúp ta thoát khỏi ngục tù thù hận, là xóa lòng cay đắng của một quá khứ thương đau. Tha thứ giúp ta làm hòa với chính mình, tìm lại sự thanh thản với trời đất. Tha thứ còn giúp ta mở ra với tương lai, với cuộc sống sắc màu thi vị. Tha thứ sẽ cứu độ ta và mở ra tương quan với người, với trời và đất.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ơn can đảm và lòng quảng đại, để tha thứ cho chính mình và cho tha nhân. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Tư, Tuần 11 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Sáu Tuần 11 TN)