LỜI SỐNG (Thứ Hai, tuần 2 MC)

0
846

Bài đọc: Đn 9,4b-10

Tin Mừng: Lc 6,36-38

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng  xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì  sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

—– SUY NIỆM —–

CHO ĐI (Tu sĩ  Gioakim Võ H. Quốc Vương, SVD)

Cho đi hay làm việc bác ái là một việc làm tốt đẹp luôn được cả xã hội mời gọi thực hiện. Nhưng cho đi một thứ gì đó thật không dễ dàng, bởi được nhận lãnh, hay được chiếm giữ thì mang lại niềm vui và dễ dàng hơn. Vì thế, để thực hiện một hành động yêu thương chia sẻ, chúng ta cần rất nhiều nỗ lực, và quan trọng hơn cả là cậy vào ơn Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mời gọi các Tông Đồ, cũng như mỗi Kitô hữu hãy quảng đại cho đi: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6,38a), không chỉ thế, Người còn hứa hẹn cho chúng ta: “Người sẽ đong cho anh em đủ lượng đã dằn đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6,38b). Thật hạnh phúc khi mà những gì chúng ta làm lại được chính Thiên Chúa trả công. Tuy vậy, trong xã hội ngày nay có không ít người làm việc thiện nguyện chỉ là để cân bằng cuộc sống của mình. Những việc bác ái giúp họ không bị dằn vặt trong những suy nghĩ của mình. Xa hơn, tiêu cực hơn nữa là có những người làm việc tốt chỉ vì cái danh, họ muốn được truyền thông xã hội công nhận và biết đến. Tất nhiên, vẫn có những con người tốt lành, họ cho đi vì tình yêu thương, vì sự đồng cảm với đồng loại. Và dĩ nhiên, những điều tốt đẹp tôi làm ấy cũng cần đến một điểm tựa để những điều tôi làm có một ý nghĩa nào đó cho chính mình. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cho đi. Vì chính chúng ta đã được nhận lãnh từ Thiên Chúa, Đấng làm tròn đầy ý nghĩa của ta thì chính mỗi người cũng phải biết cho đi như vậy.

Lạy Chúa, chúng con ai cũng có trong mình lòng tốt, lòng quảng đại với tha nhân. Nhưng chúng con lại quên mất rằng những điều tốt đẹp ấy chính là do Ngài đặt để vào. Xin cho chúng con biết ý thức hơn những giá trị tốt đẹp mà chúng con làm là xuất phát từ tình yêu của Ngài, để chúng con gắn kết với Ngài trong mọi hành động bác ái, yêu thương. Amen.


LÒNG NHÂN TỪ (Tu sĩ Giuse Phạm Văn Tịnh, SVD)

Lòng nhân từ thường được dùng để nói đến những người có tấm lòng vị tha hay lòng thương người… “Lòng nhân từ” là một đức tính tốt hay là một nhân đức tốt lành xuất phát từ Thiên Chúa và chính Ngài đã đặt để nơi cõi lòng mỗi con người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ: “Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng Nhân Từ.” (Lc 6,36). Với lời mời gọi này, Chúa Giêsu muốn chúng ta nhìn lại bản thân về lòng nhân từ mà Chúa đã đặt để nơi cõi lòng mỗi người từ muôn thuở. Chúng ta được Thiên Chúa ban cho lòng nhân từ nhưng nhiều khi chúng  ta  không chia sẻ lòng nhân từ ấy cho mọi người, khiến tương quan giữa ta với tha nhân bị đổ vỡ. Những bất hoà và đau khổ trong cuộc sống thường do chúng ta  thiếu lòng nhân từ với nhau. Bước theo Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi sống chứng nhân về lòng nhân từ bằng việc nối kết lại các mối tương quan giữa con người với nhau; đặc biệt là mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng ban phát tình yêu và lòng nhân từ. Chúa cần lòng nhân từ của con người hơn là mọi hy lễ, vì đó là cách làm chứng cho sự hiện diện của Ngài tốt nhất nơi cuộc sống trần gian. Trên Thập giá, bằng việc xin Chúa Cha tha thứ cho những người hại mình, chính Đức Giêsu đã thực thi lòng nhân từ ấy: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).

Trong tông sắc về Năm Thánh Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa, số 13, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ:“Người Kitô hữu cần xót thương như Chúa Cha, vì nơi lòng thương xót, chúng ta tìm thấy bằng chứng về cách thức Thiên Chúa yêu thương chúng ta,… Ngài đến giúp chúng ta bất cứ khi nào chúng ta cầu khẩn Ngài.”

Lạy Chúa, lòng nhân từ là ơn Chúa ban và là nền tảng của đời sống Kitô hữu. Xin Chúa giúp chúng con biết sẵn sàng chia sẻ lòng nhân từ của Chúa đến với mọi người để chúng con được hưởng hạnh phúc, an vui trong cuộc sống hàng ngày. Amen.


 

ĐẤNG NHÂN TỪ (Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD)

Lúc khởi đầu, Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên  Chúa vì Người muốn con người nên giống chính Người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc nhở ta qua lời dạy: “Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”.

Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng nhân từ, là Đấng giàu lòng xót thương. Bởi thế, Chúa Giêsu mời gọi ta hãy trở về với hình ảnh con người nhân từ như Thiên Chúa tạo dựng lúc ban đầu để trở nên con cái đích thực của Chúa. Để làm được điều đó, Chúa Giêsu dạy ta thể hiện lòng nhân từ với tha nhân bằng cách không xét đoán, không lên án, hãy tha thứ, hãy cho đi vì “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.

Tuy nhiên, do hậu quả của tội lỗi, chúng ta thường đi lạc xa với những điều Thiên Chúa muốn. Chúng ta thường hay xét đoán người khác hơn là tự vấn lương tâm; muốn kết án người khác hơn tự mình chịu trách nhiệm… Bởi vậy, để có lòng nhân từ như Cha ở trên trời thì ta phải nỗ lực vượt lên mỗi ngày và sống có lòng quảng đại tha thứ cho ai xúc phạm đến mình, cho đi những gì mình có mà không cần đáp đền. Thực hành những điều đó để noi gương Thiên Chúa là Đấng nhân từ, trở nên giống Cha mình hơn, để xứng đáng được gọi là con cái của Thiên Chúa. Có như thế, Thiên Chúa mới vui mừng khi chúng ta trở nên giống Người, Đấng nhân từ.

Lạy Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt hảo của Đấng nhân từ, xin Ngài ban thêm cho con sức mạnh để vượt thắng những bản năng do chính tội lỗi con gây ra, để con mỗi ngày nên giống Chúa hơn. Amen.


 

ĐỪNG VÀ HÃY (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)


SỐNG NHÂN TỪ (Thầy Phaolô Trần Văn Bằng – Học viện Ngôi Lời)

Lòng nhân từ là một trong những đức tính cao quý nhất của một con người. Khi sống nhân từ với người khác, chúng ta sẽ nhận ra được bản chất đích thật của mình và chạm đến hạnh phúc thiên đàng giữa trần thế.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống đức tính cao đẹp đó: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” Lòng nhân từ được Chúa Giêsu nhắm tới khởi đi từ cách hành xử giữa con người với nhau, rồi từ đó người ta sẽ chạm tới lòng nhân từ của Thiên Chúa mà Người đã đối xử với chúng ta. Lòng nhân từ mà chúng ta được mời gọi phải được biểu hiện ngang qua các việc làm cụ thể: không xét đoán, không lên án, nhưng tha thứ, trao ban và sẻ chia cho người khác. Sống trong sự nhân từ với tha nhân, phần thưởng chúng ta nhận được thật lớn lao từ Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không bị Ngài xét đoán, không bị Ngài lên án, nhưng được Ngài tha thứ, bù đắp cân xứng những hành động yêu thương của mình.

Con người chúng ta mang trong mình đầy rẫy những thiếu sót và giới hạn. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta luôn là những tội nhân bất xứng. Vì thế, khi chúng ta thiếu nhân từ với người khác, chính là lúc chúng ta đi vào con đường của sự kiêu ngạo, của chia rẽ và hận thù. Vì thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu hôm nay như một quy chiếu để con người trở về với bản chất tốt đẹp của mình, từ đó sẵn sàng bước tới với anh em trong sự yêu thương, tha thứ và trao ban.

Lạy Chúa, xin mở rộng lòng trí chúng con, để chúng con biết sống quảng đại và nhân từ với người khác. Khi sống được như thế là chúng con đang nhân từ với chính bản thân mình và đang được Chúa chúc lành cho chúng con. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 2 MC – B)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Ba, tuần 2 MC)