LỜI SỐNG (Thứ Ba, tuần 2 MC)

0
940

Bài đọc: Is 1,10.16-20

Tin mừng: Mt 23,1-12

Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.

Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.

Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.

Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

—– o0o —–

—– SUY NIỆM —–

QUYỀN BÍNH (Tu sĩ  Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD)

Người đời thường cho rằng: Quyền bính là để thống trị người khác, vì khi có quyền là có tiền; có tiền là có địa vị; có địa vị là có danh vọng và có danh vọng là có bổng lộc. Bởi thế, trong xã hội, người ta cố đạt tới địa vị cao nhất bằng mọi giá để có được quyền bính. Tuy nhiên, trong trình thuật Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một quy luật sống nghịch thường: Quyền bính là để phục vụ.

Khung cảnh Lời Chúa hôm nay vừa là những lời chỉ trích của Chúa Giêsu về thái độ trực thượng, lạm dụng quyền bính, lối sống giả hình, chuộng hình thức của các Luật sĩ và nhóm biệt phái; vừa là lời dạy dỗ của Người dành cho dân chúng và các môn đệ về cách thế sử dụng quyền bính. Đối với các luật sĩ và biệt phái, quyền bính là để thống trị, áp đặt và ra lệnh cho người khác. Họ ngồi trên toà cao để phán, để được người ta trọng vọng; thích ngồi chỗ nhất để ra lệnh. Họ thích ngồi trên cao chỉ tay năm ngón mà không thèm động ngón tay để lay thử. Họ nói mà không làm, ngôn lành bất nhất. Chúa Giêsu đã chỉ trích và lên án gay gắt lối sống trịch thượng và quyền hành này. Người đã đưa ra một chuẩn mực khác thường cho các môn đệ cũng như dân chúng về việc sử dụng quyền bính: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11).

Nhìn lại thế giới chúng ta đang sống, đạo cũng như đời luôn bị tha hoá và lấm lem bởi quyền bính và thói háo danh lợi của các Kinh sư và người Pharisiêu. Khi phản tỉnh lại chính mình, thử hỏi chúng ta có bị tha hoá hay lem luốc bởi cái thói tham chức quyền, danh vọng, địa vị và tiền bạc không? Ước gì lời căn dặn của Thầy Giêsu hôm nay chạm đến cõi lòng ta và biến đổi đời sống của chúng ta để trở thành người phục vụ mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, trong Mùa Chay thánh này, xin Ngài giúp chúng con luôn biết sống khiêm nhường, đừng ham danh lợi, chức quyền, địa vị nhưng luôn nhớ rằng làm lớn là để phục vụ anh chị em mình. Amen.


GIẢ HÌNH (Tu sĩ Carôlô Lê Văn Toàn, SVD)

Là con người có lẽ ai cũng muốn mình đẹp, tốt lành và dễ thương trong mắt mọi người. Thế nhưng, cái đẹp, cái tốt đó phải có thật ở bên trong con người chứ không phải như các nhà thông luật Do Thái giả dối, mà Chúa Giêsu đã lên án trong bài Tin Mừng hôm nay.

Những người Pharisêu xưa đã sống như những diễn viên, họ mang những “mặt nạ”, “trang điểm” bên ngoài thật đẹp. Họ đóng kịch và khoe khoang để chứng tỏ cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được tiếng khen. Họ muốn cho thế gian thấy vẻ đạo đức giả tạo không thực tâm của mình. Thế nhưng, không chỉ những người Pharisêu xưa mới như thế, chính trong thời đại hôm nay, mỗi người chúng ta cũng dễ bị ảnh hưởng điều này. Bởi vì, cám dỗ lớn nhất của con người là đam mê quyền lực. Ai cũng thích được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng. Nhưng vì không có danh đích thực nên phải giả dối và tìm mọi cách để đạt được mục đích, chức quyền, nên đã gây biết bao đau khổ và lừa dối mọi người. Người ta mang mặt nạ và che giấu giới hạn của mình vì sợ người khác biết thì coi thường và khinh chê. Thế nhưng, họ không biết rằng họ không thể giả dối trước mặt Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta không chỉ làm đẹp bên ngoài nhưng cần đẹp từ bên trong. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, người xưa khuyên cần xây dựng con người có tâm hồn tốt lành và đức hạnh, cần có phẩm chất và đời sống nội tâm sâu sắc. Là con Chúa, chúng ta tìm đến và noi gương Ngài, sống chân thật và thánh thiện dù phải chịu thiệt thân. Chúng ta bước theo Chúa bởi vì, “Chúa là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Lạy Chúa, chúng con thường đến với nhau và với Chúa bằng những thứ mặt nạ, xin ban thêm sự can đảm, khiêm nhường cho chúng con để chúng con khỏi đánh lừa Chúa, đánh lừa chính mình và mọi người. Amen.


 

LÀM GƯƠNG (Phêrô Trần Nhật Trường)

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, khi muốn kiểm chứng một điều gì đó, người ta có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời. Cũng từ thực tế đó, con người dần quen với việc phải thấy thì mới tin. Những bài giảng hay, những lời dạy đúng đắn sẽ không còn mang nhiều ý nghĩa nếu người ta không thực hành điều đã nói.

Ngang qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng dạy cho độc giả mọi thời một điều tương tự. Người mạnh mẽ chỉ trích sự giả hình của các kinh sư và người Pharisêu: “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23,3). Thật ra, Đức Giêsu không chống đối, không bãi bỏ những tinh túy của Lề Luật hay các giá trị của truyền thống. Đúng hơn, Người chỉ muốn nhấn mạnh đến chiều kích thực hành những điều tốt lành đó trong đời sống.

Lời chỉ trích của Đức Giêsu nhắm vào các kinh sư và người Pharisêu cũng chính là lời Người dạy chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi thực hành cách chân thành những giá trị Tin Mừng chứ không chỉ “diễn” thật hay để người khác khen ngợi. Cùng một tư tưởng đó, Đức Giêsu cũng muốn hướng con người đến những giá trị chân thật trong đời sống, đó là cảm nhận và sống Lời Chúa bằng cả đức tin và hành động. Sống được những gì mình rao giảng là một thử thách không hề dễ dàng đối với con người ngày nay khi họ phải đối diện với rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Thế nhưng, giống như vàng phải chịu thử lửa, thì giá trị của những lời nói sẽ được biểu lộ rõ nét hơn qua chính hành động, đời sống của ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống những gì Chúa dạy, không phải qua môi miệng nhưng còn qua chính những hành động thiết thực trong cuộc sống; để từ những hành động cụ thể đó, con phản chiếu ánh sáng, sự thật và chân lý của Chúa đến với mọi người.


GIẢ HÌNH (Thầy Giuse Hoàng Văn Bình – Học viện Ngôi Lời)

Trong các trình thuật liên quan đến những cuộc tranh luận của Đức Giêsu với giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái, chúng ta không ít lần nghe thấy Đức Giêsu quở trách họ là những kẻ giả hình. Điều này quả thực rất nặng nề, nhưng lại là một thực tế nơi họ.

Giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái được Đức Giêsu nhìn nhận là những người kế thừa ông Môsê. Vì thế, một mặt, Người khuyên dân chúng nghe theo những giáo lý mà họ giảng dạy. Nhưng mặt khác, Người lại căn dặn dân chúng đề phòng và tránh làm theo những việc họ làm, bởi lẽ lời giảng của họ hoàn toàn mâu thuẫn với những việc họ làm.

Mang danh Kitô hữu không có nghĩa là chúng ta sẽ miễn nhiễm với căn bệnh của thời đại mang tên giả hình. Một thí dụ điển hình là lối sống đạo theo thói quen với các nghi lễ mang tính hình thức bên ngoài mà thiếu vắng chiều sâu nội tâm. Hay có những lúc, chúng ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa nơi nhà thờ hơn là một Thiên Chúa đồng hành với đời sống thường ngày của chúng ta. Những lúc đó, chúng ta đang đánh mất sự hiện diện của Chúa nơi trái tim mình, trong gia đình hay nơi cộng đồng ta đang sống. Vì thế, bổn phận quan trọng nhất của người Kitô hữu là phải thực sự lấy Chúa làm nền tảng cho đời sống của mình, chứ không chỉ là tuyên xưng suông.

Quả thực, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hồi tâm nhìn lại đời sống của bản thân xem có điều gì là giả hình hay không? Trước mặt người đời, chúng ta có thể che đậy một cách hoàn hảo, nhưng trước nhan Thiên Chúa mọi giả dối đều được tỏ lộ, bởi chưng “không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.” (Lc 12,2).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con gạt bỏ lối sống cũ, lối sống của sự giả hình để xứng đáng với danh xưng Kitô hữu ngang qua lời nói và việc làm của chúng con. Amen.


 

ĐÂU LÀ CHUẨN MỰC? (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Hai, tuần 2 MC)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Tư, tuần 2 MC)