LỜI SỐNG (Thứ Hai Tuần 23 TN)

0
387

Tin Mừng: Lc 6,6-11

Một ngày sabát khác, Đức Giêsu cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!”Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không.


Suy niệm

“GIỮ” VÀ “SỐNG” NGÀY SABÁT (Tu sĩ Phêrô Phùng Mai Duẩn, SVD)

Người Do Thái dành riêng ngày Sabát để thờ phượng Thiên Chúa. Đó là điều đã in hằn trong tâm thức của họ. Thế nên, luật giữ ngày Sabát được họ tuân giữ cẩn thận. Tuy nhiên, đối với một số người, đặc biệt là những kinh sư và người Pharisêu, việc giữ luật trở thành điều bắt buộc, họ giữ khoản luật hơn là sống ý nghĩa của lề luật. Do đó, việc giữ ngày Sabát thay vì quy hướng về Thiên Chúa, lại trở thành cơ hội để họ soi mói và bóp nghẹt người khác.

Luật Môsê quy định ba mươi chín điều không được phép làm trong ngày Sabát. Các điều cấm này nhằm mục đích giúp con người hướng lòng trí về Thiên Chúa. Tuy nhiên, các kinh sư và những người Pharisêu lại dựa vào đó để bắt lỗi Đức Giêsu nhằm tố cáo Người. Họ tức giận và khó chịu khi Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát. Hành động của họ bộc lộ một thái độ giữ luật máy móc mà thiếu đi chiều sâu ý nghĩa của việc giữ luật Sabát.

“Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6,9), câu hỏi của Đức Giêsu không những dành cho các kinh sư ngày xưa mà còn cho mỗi chúng ta hôm nay. Quả thực, ngày Sabát không phải là được phép làm điều này hay cấm làm điều kia nhưng là chúng ta đã làm được gì tốt đẹp trong ngày đó. Chúng ta đang “sống” hay là chỉ đang “giữ” ngày của Chúa mà thôi? Quả vậy, dường như, người Kitô hữu ngày nay đang dừng lại ở việc giữ giới răn với sự chịu đựng. Họ cảm thấy bị đè nặng bởi những điều luật, dẫn đến việc giữ đạo chỉ còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, trong đời sống xã hội, không ít người đã chối từ Thiên Chúa hầu tiến thân trong công việc hay vì một lợi ích nào đó. Cho nên, chúng ta đang phải chứng kiến một thực trạng đau xót rằng một số Kitô hữu “có đạo” ở nhà thờ mà “vô đạo” trong cuộc sống.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống ý nghĩa “ngày của Chúa”, để qua đó, chúng con trưởng thành hơn trong việc sống đức tin của mình. Amen.


 

CHỮ TÌNH CHIẾN THẮNG (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

NỀN TẢNG CỦA LỀ LUẬT (Tu sĩ Phêrô Lê Việt Tân, SVD)

Đối với một con người sống trong xã hội, lề luật là một dạng biểu hiện của đạo đức. Người tốt phần nào được định nghĩa là người biết giữ lề luật. Thế nhưng, điều đó là chưa đủ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ cho ta một giá trị khác phổ quát và nền tảng hơn trong việc thi hành lề luật.

Đứng trước những con người luôn xét đoán chi li về lề luật như các Kinh Sư và những người Pharisêu, Đức Giêsu đã đặt một câu hỏi tưởng như rất dễ mà lại rất khó: “Ngày Sabát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu người hay giết người?”. Không ai trong họ có thể trả lời được. Qua đó, chúng ta thấy rằng, giá trị cốt lõi nhất của mọi lề luật không hệ tại ở những gì được phép hay không được phép “trên mặt chữ”, nhưng quan trọng nhất vẫn là những luật đó có mang lại những điều tốt đẹp cho con người hay không. Tình thương yêu hay lòng bác ái là nền tảng và là đỉnh cao của mọi lề luật, như thánh Phaolô đã từng nói: “Yêu thương là chu toàn lề luật.” (Rm 13,10)

Thật vậy, trong suốt lịch sử nhân loại, luật nào phục vụ cho sự sống, sự tự do và hạnh phúc của con người thì sẽ tồn tại; ngược lại, luật nào xúc phạm đến những giá trị cơ bản của con người sẽ bị xóa bỏ và thay đổi. Thế nhưng, ngày nay vẫn còn nhiều người đem lề luật để xét đoán người khác, giữ lề luật một cách khắt khe và cứng nhắc. Thậm chí lề luật vẫn đang là một công cụ của kẻ mạnh để đàn áp những giá trị của con người. Lời Chúa hôm nay như một lời nhắc nhở đến mỗi người chúng ta trong cách sống và thi hành lề luật. Chúng ta có đặt tình yêu thương và lòng bác ái làm nền tảng và cùng đích trong việc chu toàn các lề luật không?

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết quảng đại chu toàn mọi bổn phận và lề luật với lòng yêu mến, luôn nhìn tha nhân với ánh mắt bao dung và tha thứ. Amen.


 

KIỆN TOÀN LỀ LUẬT (Tu sĩ Phaolô Trần Văn Bằng, SVD)

Lề luật được sinh ra để uốn nắn con người đi vào trong con đường thiện lành hầu đạt được bình an cho cuộc sống. Dưới nhãn quan của Chúa Giêsu, lề luật không chỉ là những quy định, phép tắc, luật lệ khắt khe bó buộc con người phải giữ, nhưng còn phải được kiện toàn trong Đức ái.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mặc thêm cho lề luật bộ áo của Đức ái để nó được kiện toàn. Quả thế, giữ ngày Sabát là một luật buộc vô cùng quan trọng và được giữ một cách nghiêm ngặt đối với người Do Thái. Luật đó không có bất kì một sự giảm trừ nào. Do đó, khi chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành người bị bại tay trong ngày Sabát, các kinh sư và những người Pharisêu tỏ ra rất tức giận và tìm cách tố cáo Người. Tuy nhiên, qua hành động chữa lành người bại tay, Chúa Giêsu đã rất khôn khéo dạy cho các ông cách thực hành lề luật phải được dựa trên Đức ái. “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”

Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều lúc chúng ta thực hành lề luật một cách quá cứng nhắc. Vì thế, khi nhắc đến lề luật chúng ta luôn có cảm tưởng về sự gò bó, khó chịu và dành cho nó một cái nhìn tiêu cực. Chúng ta vẫn không cảm nhận được vẻ đẹp của câu nói “ta giữ luật để luật giữ ta” bởi thứ lề luật chúng ta giữ thiếu mất một chiều kích quan trọng là Đức ái. Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay như một cách thế Chúa Giêsu muốn gửi đến cho chúng ta một sự kiện toàn về lề luật khi đặt nó trên nền tảng của tình yêu thương.

Lạy Chúa, nhiều lúc con cảm thấy mình giữ luật một cách quá cứng nhắc và khô khan mà thiếu đi tình thương đối với bản thân và tha nhân. Xin cho con luôn biết nhìn nhận lề luật trong vẻ đẹp của tình người để con sống luật với sự tự do, an bình và tình yêu mến. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 23 TN-A)
Bài tiếp theoGIÁO XỨ VĨNH TUY: NGHI THỨC NHẬN XỨ VÀ THÁNH LỄ TẠ ƠN