Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 22 Thường Niên – Năm B

0
275

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Bài đọc 1: Đnl 4, 1-2.6-8; Bài đọc 2: Gc 1,17-18.21b-22.27;

Tin Mừng Mc 7,1-8a.14-15.21-23

1 Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.

3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.

5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.”

14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.

21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”


 

HÀNH ĐỘNG BẰNG TRÁI TIM

Tu sĩ F.X. Nguyễn Trung Tuyến, SVD

“Xin mọi người nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ.”

Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta khám phá ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng truyền dạy chân lý một cách trung kiên và dũng cảm. Lời Chúa như là một lời nhắc nhở mỗi người chúng ta. Truyền thống, luật lệ và nghi thức là những điều cần thiết, nhưng không được quên điều tiên quyết của luật Chúa là yêu thương. Tôn kính Thiên Chúa qua phụng vụ là điều phải làm, nhưng phải đặt trái tim và cuộc sống của mình vào trong đó. Chúng ta vẫn có thể bị lẫn lộn cái chính với cái phụ.

Trong bài đọc một, ông Môsê quả quyết với dân rằng Thiên Chúa yêu thương dân Người và muốn cho họ được thành công, đạt được những ước vọng. Họ sẽ mãn nguyện nếu họ tuân giữ những giáo huấn của Thiên Chúa. Thiên Chúa cam kết với dân rằng sẽ ban cho họ một đất nước làm gia nghiệp; và Người đã giữ lời hứa. Trong khi đó, dân thì lại bất trung. Từ khi đi vào đất Canaan, lúc nào dân cũng có khuynh hướng từ bỏ đạo của mình mà theo đạo của các dân láng giềng. Họ thường từ bỏ các điều răn, từ việc không tuân giữ ngày Sabát cho đến việc bất kính cha mẹ; họ cũng vi phạm những điều răn liên quan đến việc bảo vệ người nghèo và công bằng xã hội. Một cách tổng quát chúng ta thấy rằng: thứ nhất, Thiên Chúa ban đất cho dân để họ được sống hạnh phúc. Thứ hai, miền đất Thiên Chúa trao ban sẽ là miền đất của công lý và hòa bình. Thứ ba, Đất Thánh là không gian trong ấy mọi người học cách sống theo Luật của Thiên Chúa.

Trong bài đọc hai, thánh Giacôbê Tông Đồ nói đến mọi ơn lành và phúc lộc, nhất là Lời chân lý, đều phát xuất từ Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng cũng là Cha yêu thương của chúng ta. Nếu ví Thánh Kinh như một tấm gương, thì Thánh Kinh có thể vạch trần sự kiêu hãnh của chúng ta, phơi bày sự dối trá, tính tham lam hoặc ghen tương của chúng ta. Nhưng, Thánh Kinh cũng bảo đảm rằng Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo chúng ta theo hình ảnh của Người. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và ân sủng của Người không chỉ đủ mà còn dư tràn để biến đổi chúng ta. “Hãy đón nhận Lời có sức cứu độ của Thiên Chúa và đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22). Thánh nhân nói tiếp “chỉ nghe Lời Thiên Chúa thôi thì không đủ”. Thật vậy, chỉ nghe Lời của Thiên Chúa thôi thì sẽ không dẫn đến sự lớn lên trong ân sủng và trong các nhân đức. Chúng ta phải vừa là “người lắng nghe” vừa là “người thực hành” Lời Thiên Chúa. Lời Thiên Chúa có sức mạnh biến đổi chúng ta – nhưng mức độ cao thấp còn tùy thuộc sự cộng tác của chúng ta với Lời ấy. Vì thế chúng ta được mời gọi đọc Thánh Kinh mỗi ngày; đồng thời biến những gì mình đọc được ra thành hành động.

Bài đọc một liên kết khăng khít với bài đọc hai để cùng nhau đưa ra lời khuyên bảo giúp chúng ta trở thành những người biết sống và thực hành lời Chúa. Thánh Giacôbê khẳng định rằng nếu chúng ta là những người chân thành sống lời Chúa dạy bảo thì những ơn lành và phúc lộc của Chúa ban sẽ tràn đầy trong cuộc sống, và cuộc sống của chúng ta sẽ có những kết quả tốt đẹp. Ngang qua việc tham dự Thánh lễ và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta hãy tự hỏi bản thân đã đem Lời Chúa về gia đình, và có sống, thực hành Lời đó không? Lý do nào cản trở chúng ta thành tâm đem Lời Chúa vào trong đời sống hàng ngày? Nếu chúng ta chỉ nghe mà không thực hành thì như lời thánh Giacôbê nói, chúng ta đang tự lừa dối chính mình.

Bài Tin Mừng hôm nay khởi đi từ chuyện các môn đệ không rửa tay trước khi ăn. Hành vi này đã bị những người Biệt phái và Luật sĩ lên án: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Thật ra Ðức Giêsu chẳng phản đối gì chuyện rửa tay, nhưng Ngài thấy rõ vẻ giả hình của họ vì họ chẳng để ý đến chuyện tẩy rửa trái tim. Rửa tay để được yên tâm, mãn nguyện, tránh khỏi phải rửa tâm hồn là điều khó hơn. Ðức Giêsu cho ta thấy cái ô uế thực sự lại không đến từ đụng chạm hay ăn uống. Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong trái tim mỗi người. Nó không từ ngoài vào, nhưng từ trong ra. Nười kể ra mười hai ý định xấu xa bắt nguồn từ trái tim, ý định xấu dẫn đến hành động không đẹp. Chúng ta cần trở về với trái tim của mình, can đảm nhìn thẳng vào cái tôi của bản thân. “Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed 18,31). Hãy cậy dựa vào Chúa để được Người “ban cho các ngươi một trái tim mới” (Ed 36,25tt).

Cuộc sống hằng ngày của tất cả chúng ta bị ảnh hưởng, bằng cách này hay cách khác, không ít thì nhiều, bởi những hoàn cảnh, tình huống bên ngoài hay những người chung quanh. Tùy theo và qua những ảnh hưởng này tác động vào trong con người mà chúng ta biểu lộ ra bên ngoài những cảm tình, tư tưởng, lời nói, hành động tiêu cực hay tích cực, cần thiết và hữu ích cho đời sống. Chẳng hạn như sự bày tỏ tình thương và sự lo lắng của một người mẹ, người cha đối với con cái hay những người trong gia đình; thái độ khi tham gia giao thông; hành vi xếp hàng thứ tự để mua hàng, để khám bệnh, v.v.; ý thức không xả rác ngoài đường phố, nơi công cộng hay chung quanh nhà thờ. Cách nào đó, những thái độ và hành vi đó làm lộ lên con người bên trong của mỗi người chúng ta.

Hay nói cách khác, cuộc sống hằng ngày của chúng ta bị chi phối, ảnh hưởng bởi luật lệ xã hội, bởi những trách nhiệm và bổn phận với gia đình và tôn giáo. Chúng ta nhận biết luật lệ rất cần thiết cho đời sống vì chúng bảo vệ và duy trì cho chúng ta một đời sống hạnh phúc, bình an và tự do, cũng như nhân phẩm được tôn trọng. Do đó, cần phải phân định rõ ràng giữa sạch sẽ và ô uế, thánh thiện và tội lỗi, cái tâm bên trong và hình thức bên ngoài. Bởi vì, cái nguồn chính yếu đích thực của tất cả đời sống luân lý nằm ở “trái tim” con người.

Đây là dịp rất tốt để chúng ta nhìn lại chính mình. Chúng ta hãy kiểm chứng lại những hành vi của mình. Tất cả sẽ trống rỗng, nếu thái độ bên trong và điều mà người khác nhìn thấy nơi chúng ta không tương ứng, thích hợp với nhau. Những việc đạo đức, những việc lành, những việc thiện có phát xuất từ tâm hồn yêu mến biết ơn, hay chỉ là để khoe khoang, phô trương. Đơn cử, chúng ta tham dự Thánh lễ chỉ vì thói quen, truyền thống, hay là tự thẳm sâu của tâm hồn muốn bày tỏ lòng yêu mến Chúa. Những bài Kinh Thánh tuần này nhắc nhở và giúp chúng ta hiểu, ý thức được những ảnh hưởng khác biệt của luật lệ hay hoàn cảnh trong đời sống tôn giáo, cũng như nguyên nhân, cội nguồn của lời nói, hành động và thái độ của chúng ta biểu lộ ra bên ngoài. Thật vậy, nếu chúng ta thành tâm sống giáo huấn của Thiên Chúa thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ được hạnh phúc. Và chính cuộc sống của chúng ta sẽ làm vinh danh Thiên Chúa. Đồng thời ánh sáng của Chúa ở trong chúng ta sẽ chiếu tỏa đến muôn người. Cũng vậy, nếu trong mỗi gia đình, cha mẹ, con cái đều ý thức và thành tâm trung thành và chu toàn những bổn phận trong tình yêu thương, thì chắc chắn rằng gia đình đó sẽ luôn hạnh phúc và thuận hòa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con dọn sạch những bề bộn nơi trái tim. Xin biến đổi trái tim con, để nó trở nên đơn sơ, thanh sạch và thánh thiện hơn. Ước gì con luôn biết nhìn mọi sự, mọi người, bằng trái tim bao dung của Chúa. Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình, trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn để yêu mến mọi người. Amen.

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXII TN-B (Mc 7,1-8.14-15.21-23)
Bài tiếp theoAnh đang làm gì cho dân vậy?