Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XXII Thường Niên, Năm B (Mc 7,1-8.14-15.21-23)

0
943

TỪ ĐÔI BÀN TAY KHÔNG THANH SẠCH ĐẾN TÂM HỒN Ô UẾ

Chú Giải Tin Mừng CN XXII TN B

Chú giải của linh mục Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

Bản văn và dịch sát nghĩa (Mc 7,1-8.14-15.21-23)

Hy Lạp Việt
Καὶ συνάγονται πρὸς αὐτὸν οἱ Φαρισαῖοι καί τινες τῶν γραμματέων ἐλθόντες ἀπὸ Ἱεροσολύμων.

2 καὶ ἰδόντες τινὰς τῶν μαθητῶν αὐτοῦ ὅτι κοιναῖς χερσίν, τοῦτ᾽ ἔστιν ἀνίπτοις, ἐσθίουσιν τοὺς ἄρτους

3 -οἱ γὰρ Φαρισαῖοι καὶ πάντες οἱ Ἰουδαῖοι ἐὰν μὴ πυγμῇ νίψωνται τὰς χεῖρας οὐκ ἐσθίουσιν, κρατοῦντες τὴν παράδοσιν τῶν πρεσβυτέρων,

4 καὶ ἀπ᾽ ἀγορᾶς ἐὰν μὴ βαπτίσωνται οὐκ ἐσθίουσιν, καὶ ἄλλα πολλά ἐστιν ἃ παρέλαβον κρατεῖν, βαπτισμοὺς ποτηρίων καὶ ξεστῶν καὶ χαλκίων [καὶ κλινῶν]-

5 καὶ ἐπερωτῶσιν αὐτὸν οἱ Φαρισαῖοι καὶ οἱ γραμματεῖς· διὰ τί οὐ περιπατοῦσιν οἱ μαθηταί σου κατὰ τὴν παράδοσιν τῶν πρεσβυτέρων, ἀλλὰ κοιναῖς χερσὶν ἐσθίουσιν τὸν ἄρτον;

6 Ὁ δὲ εἶπεν αὐτοῖς· καλῶς ἐπροφήτευσεν Ἠσαΐας περὶ ὑμῶν τῶν ὑποκριτῶν, ὡς γέγραπται [ὅτι] οὗτος ὁ λαὸς τοῖς χείλεσίν με τιμᾷ, ἡ δὲ καρδία αὐτῶν πόρρω ἀπέχει ἀπ᾽ ἐμοῦ·

7 μάτην δὲ σέβονταί με διδάσκοντες διδασκαλίας ἐντάλματα ἀνθρώπων.

8 ἀφέντες τὴν ἐντολὴν τοῦ θεοῦ κρατεῖτε τὴν παράδοσιν τῶν ἀνθρώπων.

9 καὶ ἔλεγεν αὐτοῖς· καλῶς ἀθετεῖτε τὴν ἐντολὴν τοῦ θεοῦ, ἵνα τὴν παράδοσιν ὑμῶν στήσητε.

10 Μωϋσῆς γὰρ εἶπεν· τίμα τὸν πατέρα σου καὶ τὴν μητέρα σου, καί· ὁ κακολογῶν πατέρα ἢ μητέρα θανάτῳ τελευτάτω.

11 ὑμεῖς δὲ λέγετε· ἐὰν εἴπῃ ἄνθρωπος τῷ πατρὶ ἢ τῇ μητρί· κορβᾶν, ὅ ἐστιν δῶρον, ὃ ἐὰν ἐξ ἐμοῦ ὠφεληθῇς,

12 οὐκέτι ἀφίετε αὐτὸν οὐδὲν ποιῆσαι τῷ πατρὶ ἢ τῇ μητρί,

13 ἀκυροῦντες τὸν λόγον τοῦ θεοῦ τῇ παραδόσει ὑμῶν ᾗ παρεδώκατε· καὶ παρόμοια τοιαῦτα πολλὰ ποιεῖτε.

14 Καὶ προσκαλεσάμενος πάλιν τὸν ὄχλον ἔλεγεν αὐτοῖς· ἀκούσατέ μου πάντες καὶ σύνετε.

15 οὐδέν ἐστιν ἔξωθεν τοῦ ἀνθρώπου εἰσπορευόμενον εἰς αὐτὸν ὃ δύναται κοινῶσαι αὐτόν, ἀλλὰ τὰ ἐκ τοῦ ἀνθρώπου ἐκπορευόμενά ἐστιν τὰ κοινοῦντα τὸν ἄνθρωπον.

16 T

17 Καὶ ὅτε εἰσῆλθεν εἰς οἶκον ἀπὸ τοῦ ὄχλου, ἐπηρώτων αὐτὸν οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ τὴν παραβολήν.

18 καὶ λέγει αὐτοῖς· οὕτως καὶ ὑμεῖς ἀσύνετοί ἐστε; οὐ νοεῖτε ὅτι πᾶν τὸ ἔξωθεν εἰσπορευόμενον εἰς τὸν ἄνθρωπον οὐ δύναται αὐτὸν κοινῶσαι

19 ὅτι οὐκ εἰσπορεύεται αὐτοῦ εἰς τὴν καρδίαν ἀλλ᾽ εἰς τὴν κοιλίαν, καὶ εἰς τὸν ἀφεδρῶνα ἐκπορεύεται, καθαρίζων πάντα τὰ βρώματα;

20 ἔλεγεν δὲ ὅτι τὸ ἐκ τοῦ ἀνθρώπου ἐκπορευόμενον, ἐκεῖνο κοινοῖ τὸν ἄνθρωπον.

21 ἔσωθεν γὰρ ἐκ τῆς καρδίας τῶν ἀνθρώπων οἱ διαλογισμοὶ οἱ κακοὶ ἐκπορεύονται, πορνεῖαι, κλοπαί, φόνοι,

22 μοιχεῖαι, πλεονεξίαι, πονηρίαι, δόλος, ἀσέλγεια, ὀφθαλμὸς πονηρός, βλασφημία, ὑπερηφανία, ἀφροσύνη·

23 πάντα ταῦτα τὰ πονηρὰ ἔσωθεν ἐκπορεύεται καὶ κοινοῖ τὸν ἄνθρωπον. (Mk. 7:1-23 BGT)

1 Những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư, đến từ Giê-ru-sa-lem, tụ họp quanh Đức Giê-su.

2 Vì họ thấy vài môn đệ của Người ăn bánh mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.

3 Vì những người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều không ăn gì trừ khi đã rửa tay, vì họ nắm giữ truyền thống của tiền nhân.

4 thức gì từ ngoài chợ, họ không ăn trừ khi đã rửa, và có nhiều điều khác nữa mà họ được dạy phải giữ như rửa ly tách, bình lọ và các ấm đồng.

5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không đi[1] theo truyền thống của tiền nhân, nhưng ăn bánh với tay ô uế?”

6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, như đã được viết rằng:

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.

7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,
vì chúng dạy những giáo huấn luật lệ của con người.

8 Các ông khéo chối bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà giữ vững truyền thống của người phàm.”

9 Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.

10 Vì ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào sỉ nhục cha mẹ, thì phải bị xử tử!

11 Còn các ông, các ông lại bảo: “Người nào nói với cha với mẹ rằng: “co-ban”, nghĩa là lễ phẩm, cái mà cha mẹ có thể hưởng từ con.”

12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa.

13 Các ông hủy bỏ lời của Thiên Chúa và trao ban truyền thống của các ông. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”

14 rồi, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ:

15 Không có cái gì từ bên ngoài đi vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái đi ra từ con người, mới là cái làm cho con người ra ô uế.

[16 Ai có tai nghe thì nghe!”]

17 Khi Đức Giê-su đã đi vào nhà từ đám đông, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy.

18 Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế,

19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bao tử người ta, rồi rồi đi ra ngoài vào toilet?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch.

20 Người nói: “Cái gì từ trong con người đi ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.

21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,

22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, con mắt xấu xa, phỉ báng, kiêu ngạo, ngu muội.

23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong đi ra, và làm cho con người ra ô uế.”

 

 

Bối Cảnh bản văn

Đoạn Tin Mừng Mc 7,1-23 là đoạn đầu của chương 7. Nó tiếp nối ngay sau đoạn kết của chương 6, một đoạn tóm tắt về khả năng chữa bệnh của Đức Giê-su và sự kỳ vọng của dân chúng trong các làng mạc Ga-li-lê dành cho Người: “Người đi đến đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào người ta cũng đặt những kẻ đau ốm ở ngoài đường, ngoài chợ, và xin Người ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm vào thì đều được khỏi” (6,56). Tuy nhiên, giữa sự hâm mộ kỳ vọng ấy, sứ vụ của Đức Giê-su luôn gặp phải những sự chối từ, chống đối từ nhiều hạng người: Những kinh sư cho rằng Người bị “quỷ ô uế” (3,22); Dân cùng làng Na-gia-rét (6,1-5); Hê-rô-đê và tình nhân, qua hình ảnh giết Gioan Tẩy Giả, là vị ngôn sứ cũng là người Tiền Hô của Đức Giê-su (6,17-32); Hình ảnh các môn đệ được căn dặn “giũ bụi chân lại” để làm bằng chứng phản đối, đối với những nơi không tiếp đón (6,11). Đoạn Tin Mừng này sẽ cho thấy một thành phần chống đối mới. Đó là các lãnh đạo Do Thái: Những kinh sư và những người Pha-ri-sêu. Đây có thể nói là bằng chứng rõ nét sự nâng cao mức độ chống đối, chối từ vị ngôn sứ, vì sự chống đối này đến từ những đấng bản quyền của Do Thái giáo (hai nhóm cùng đến từ Giê-ru-sa-lem), những người tinh thông luật lệ và truyền thống.[2] Cuộc tranh luận về luật ô uế và thanh sạch trong đoan Tin Mừng này sẽ tiếp nối bằng sứ vụ đến với dân ngoại của Đức Giê-su, ngoài vùng Ga-li-lê. Điều đó cho thấy rằng Đức Giê-su vượt qua truyền thống xem người ngoại là dân tộc ô uế của dân Do Thái, để đến và chữa lành cách bệnh nhân ngoài Do Thái. Chủ đề “thanh sạch” nối kết chặt chẽ với các luật lệ về thanh sạch trong sách Lê-vi. “Các ngươi phải là thánh vì ta là Đấng Thánh” là mệnh lệnh được lặp đi lặp lại trong sách Lê-vi (Lv 11,44.45;19,2; 20,26; Cf. 1 Pr 1,16). Chủ đề này lại nối kết cách chặt chẽ với chủ đề về một trái tim yêu mến và sùng kính Chúa đích thực được nói đến trong sách Isaiah: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm; chúng chỉ kính sợ Ta theo lệnh của người phàm, nhưng đó chỉ là sáo ngữ” (Is 29,13). Sách Đệ Nhị Luật cũng đã nêu lên chuẩn mực của tình yêu dành cho Chúa là phải “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực” (Đnl 6,5; Cf. Đnl 10,12; 11,13; 13,3; Gs 22,5; 1 Sm 12,24). Đoạn Tin Mừng này cũng nhắc lại một trong Mười Điều Răn quan trọng: “Tôn vinh cha ngươi và mẹ ngươi” (Mc 7,10; Xh 20,12; Đnl 5,16) và án tử dành cho kẻ nguyền rủa cha mẹ được công bố trong sách Lê-vi: “Bất cứ người nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ thì máu nó đổ xuống đầu nó” (Lv 20,9; Cf. Xh 21,17). Những đặc tính xấu xa xuất phát từ lòng người (7,21-22) cũng được nhắc đến trong thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm 1,29-31) và những bản văn Tân Ước khác.

 

Cấu trúc bản văn

Bản văn Mc 1,1-23 có thể được chia thành 3 phần dựa theo đối tượng đối thoại với Đức Giê-su. Phần thứ I: là phần đối thoại giữa Đức Giê-su và nhóm các kinh sư và những người Pha-ri-sêu, gồm 3 cặp tiểu phần song song với nhau (A//A’; B//B’; C//C’). Phần thứ II: là câu chuyện giữa Đức Giê-su và đám đông, gồm có một cặp tiểu phần song song với nhau (A//A’). Phần thứ III: là giáo huấn Đức Giê-su dành riêng cho các môn đệ, gồm hai cặp tiểu phần song song với nhau (A//A’; B//B’).

Cấu trúc 3 đoạn văn: 7,1-13; 7,14-15; 7,16-23

I.   Những Người Pha-ri-sêu và các Kinh Sư (7,1-13)

Bối cảnh: Nhân vật những người Pha-ri-sêu và các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem (7,1)

(A) Ăn bánh chưa rửa tay (7,2)

(A’) Không ăn gì khi chưa rửa: truyền thống tiền nhân (7,3-4)

(B) Tại sao ăn bánh với tay ô uế? (7,5).

(B’) Lòng là quan trọng nhất: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng (7,6-7)

(C) Bỏ điều răn Chúa giữ truyền thống người phàm (7,8 -12)

(C’) Bỏ lời Chúa mà lưu truyền truyền thống (7,13)

II. Đám đông (7,14-15)

Bối cảnh: Đức Giê-su và đám đông (7,14)

(A) Cái đi vào từ bên ngoài không thể ô uế hóa con người (7,15a)

(A’) Cái đi ra từ con người có thể ô uế hóa con người (7,15b)

III. Các môn đệ trong nhà (7,17-23)

Bối cảnh: Đức Giê-su và các môn đệ, trong nhà (7,17-18)

(A) Cái từ bên ngoài đi vào không thể ô uế hóa con người (7,18b)

(B) Không đi vào lòng nhưng đi vào trái tim nhưng đi vào bao tử và đi ra toilet (7,19)

(A’) Cái từ trong con người ra mới ô uế hóa con người (7,20)

(B’) Từ lòng người, phát xuất những ý định xấu (7,21-23)

 

 

Một số điểm chú giải

  1. Các kinh sư và những Pha-ri-sêu
  • Pha-ri-sêu: Là một nhóm tôn giáo sùng đạo Do Thái. Pharisaios trong tiếng Hy Lạp có nguồn gốc từ động từ “paras” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “tách ra”, “phân chia ra”. Đây là một nhóm những người đạo đức giữ luật một cách chặt chẽ tách ra khỏi những người vô luật lệ và vô thần. Luật lệ là trung tâm của suy nghĩ của họ và đời sống thực hành của họ. Sử gia Josephus tường thuật rằng “những người pha-ri-sêu đã đưa ra cho người dân một loạt những luật lệ mà họ tiếp nối truyền thống cha ông của họ, những điều không được chép trong Luật Mô-sê”. Chính vì thế mà người Sa-đốc phản đối những người pha-ri-sêu vì họ chỉ giữ những gì được viết ra trong Luật Mô-sê.[3] Thời Đức Giê-su, ước tính có khoảng 6000 người thuộc phái pha-ri-sêu. Phái này gồm có các kinh sư (Mc 2,16), các tiến sỹ luật và cả một số tư tế nữa. Những ưu điểm của những người pha-ri-sêu: nhiệt tâm truyền giáo (Mt 23,15); niềm ưu tư về đời sống trọn lành, công chính (Mt 5,20)[4]; chay tịnh (Mc 2,18; Mt 12,14; Lc 5,33). Họ ngồi trên tòa Mô-sê mà giảng dạy dân chúng những lời đúng đắn (Mt 23,2). Họ quan tâm đến ngày giờ mà Triều Đại Thiên Chúa đến (Lc 17,20). Đức Giê-su cũng từng dùng bữa tại nhà một người pha-ri-sêu (Lc 7,37; 11,37; 14,1). Phao-lô cũng là một người pha-ri-sêu (23,36); Ông Ni-cô-đê-mô cũng là một người pha-ri-sêu. Ông đã đến gặp Đức Giê-su ban đêm (Ga 3,1); Đứng ra bảo vệ Đức Giê-su trước các lãnh đạo Do Thái (7,50) và cuối cùng táng xác Đức Giê-su (Ga 19,39). Công vụ Tông Đồ nhắc đến một người pha-ri-sêu nổi tiếng có uy tín đã đứng ra bảo vệ cho các Phê-rô và các tông Đồ trước Thượng Hội Đồng Do Thái. Đó là ông Gamaliel (Cv 5,34-39) (Gamali-el: Chúa là phần thưởng của tôi). Nói như thế để độc giả có một cái nhìn quân bình hơn về những người Pha-ri-sêu trong bối cảnh Tân Ước. Các tác giả Tin Mừng rất nhiều lần mô tả Pha-ri-sêu như là đối thủ tranh luận với Đức Giê-su nhiều vấn đề (thanh sạch, Sa-bát, ăn chay, li dị…), có những âm mưu gài bẫy Đức Giê-su (Lc 11,54; Mt 22,15; Mc 12,13). Họ được mô tả như những người giả hình, sống đạo hình thức (Mc 7,6; Mt 23; Lc 12,1); tham lam tiền bạc (Lc 16,14). Gay gắt nhất, là họ có ý định giết Đức Giê-su (Mc 3,6). Trong bối cảnh này, họ tranh luận với Đức Giê-su về nghi thức rửa tay trước khi ăn và bị Đức Giê-su gọi là giả hình.
  • Các Kinh sư: Danh xưng “gramateus” trong Tiếng Hy Lạp có nghĩa là: kinh sư, ký lục, thư ký, chuyên gia Thánh Kinh, thầy dạy Luật Mô-sê, người chép, nghiên cứu, giải nghĩa Sách Thánh. Họ là những thầy dạy (Mt 7,29; Mc 1,22) và còn được gọi là các luật gia, các tiến sỹ luật. Một vài người trong số họ là thành viên của Thượng Hội Đồng (Mt 16,21; Cf. 26,3). Một vài kinh sư được cho là chấp nhận giáo huấn của Đức Giê-su (Mt 8,19: Thưa Thầy, Thầy đi đâu tôi cũng xin đi theo), nhưng hầu hết họ đều chống đối Đức Giê-su.[5] Họ cũng được Đức Giê-su xem là công chính theo chừng mực (Mt 5,20). Họ nghiên cứu về nơi Đấng Ki-tô sinh ra (Mt 2,4); nghiên cứu về Nước Trời (Mt 13,52); nghiên cứu về ngày trở lại của ngôn sứ Ê-li-a (Mt 17,10; Mc 9,11). Thời Cựu Ước nhắc nhớ đến một vị kinh sư chứng nhân tử đạo và là gương mẫu cho muôn người qua muôn ngàn thế hệ. Đó là kinh sư E-la-da. Thời vua An-ti-ô-khô (Antiochus IV, 215-164) bắt đạo Do Thái, Ông đã bí ép buộc ăn thịt heo là thịt bị cấm theo luật Do Thái. Những người chủ tọa bữa tiệc cúng các thần trái với Lề Luật đã khuyên ông chuẩn bị một loại thịt mà ông được phép ăn và giả vờ ăn cúng như vua đã truyền. Nhưng ông đã trả lời dứt khoát: “Ở tuổi chúng tôi giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già E-la-da đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói của dân ngoại. Rồi bởi tôi giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bi lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già” (2 Mcb 6,24-25). Và cuối cùng ông đã hiên ngang tiến ra nơi hành hình để chịu tử đạo một cách anh dũng. Tuy nhiên, cùng với nhóm những người pha-ri-sêu, họ thường xuyên tranh luận với Đức Giê-su (Mc 2,16; Mt 15,1; Mc 7,1.5; Mc 11,27; Lc 5,30); họ cũng bị xem là giả hình (Mt 23). Họ vu cáo rằng Đức Giê-su bị quỷ vương Bel-dê-bul ám và dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ (Mc 3,22). Cùng với các kỳ mục, các thượng tế, họ gây đau khổ cho Đức Giê-su (Mt 16,21; Mt 26,57; Mc 8,31), kết án xử tử Người (Mt 20,18; Mc 10,33); tìm cách giết Người (Mc 11,8; Mc 14,1).
  1. Truyền thống của tiền nhân: Luật lệ của người Do Thái thuở sơ khai chỉ có Luật của ông Mô-sê. Luật của Mô-sê theo nghĩa hẹp là Mười Điều Răn và Bộ Luật Giao Ước. Theo nghĩa rộng thì nó bao gồm tất cả các điều khoản được ghi trong Ngũ Thư (Năm cuốn sách đầu tiên của bộ Thánh Kinh Do Thái). Tân Ước thường đề cập đến “Sách Luật và các ngôn sứ” (Lc 16,16; Rm 3,21) chính là đề cập đến Ngũ Thư và các sách ngôn sứ, nghĩa là hai trong 3 phần quan trọng của Thánh Kinh Do Thái (Torah, Neviim, Ketuvim). Cách nói đó cũng tượng trưng cho toàn bộ Sách Thánh Do Thái. Theo thời gian, có thêm một bộ Luật khác nữa gọi là Luật truyền khẩu. Bộ luật này chủ yếu là diễn giải, áp dụng của Luật Mô-sê vào thực tế đời sống. Có rất nhiều quy tắc luật lệ chi li được đưa ra cho muôn vàn khả năng và tình huống trong cuộc sống. Bộ Luật này có thể là truyền thống tiền nhân mà những người Pha-ri-sêu và kinh sư đề cập trong đoạn Tin Mừng này. Tiền nhân ở đây có thể hiểu như là những chuyên gia về luật lệ thời xưa như là Hillel và Shammai. Hai chuyên gia này là đại diện cho hai trường phái Luật Truyền Khẩu trong truyền thống Do Thái cổ xưa. Những nguyên tắc luật lệ truyền khẩu này sau đó cũng được viết xuống vào khoảng thế kỷ thứ 3 CE và được biết đến như là Mishnah.[6]

 

  1. Rửa tay: Rửa tay có thể đơn giản là khử khuẩn hay làm sạch bụi bẩn trước khi ăn cơm. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, rửa tay hẳn là một nghi thức trong truyền thống của người Do Thái, chứ không riêng gì nhóm người kinh sư – pha-ri-sêu. Không những rửa tay trước khi ăn bánh mì, nhưng còn rửa tất cả thức gì mua ngoài chợ về trước khi ăn. Những thói quen này được gọi là truyền thống của tiền nhân, chứ không phải là vấn đề y tế. Theo Mishnah (Luật truyền khẩu) của Người Do Thái. Đôi bàn tay phải được rửa nhẹ trước khi ăn những thức ăn không thánh hiến (Mishnah Hagiga 2,5). Tuy nhiên, đôi bàn tay phải được dìm trước khi ăn những đồ ăn thánh, nghĩa là những thứ cần phải được dâng cho đền thờ, hay là phần nào hay hoàn toàn tận hiến cho bàn thờ và phải được ăn trong sân đền thờ. Vì Mishnah nới rằng nếu đôi bàn tay của một người không sạch, thì toàn thân sẽ không sạch (ibid.). Đòi hỏi phải rửa tay trước khi ăn thức ăn hằng ngày, thường được được hiểu là một sự cải cách của nhóm Pha-ri-sêu hay kinh sư. Đó là một phần của khuynh hướng mở rộng những luật lệ Thánh Kinh liên quan đến sự thánh thiện của các tư tế đối với những người Do Thái.[7] Thánh Kinh Cựu Ước chỉ nói đến việc các tư tế phải thanh tẩy các bàn tay theo nghi thức trước khi dâng hiến lễ (Xh 30,18-21; 40,30-32). Bằng chứng khảo cổ học cho thấy nhiều người Do Thái thế kỷ thứ nhất CE cố gắng sống trong tình trạng thanh tẩy theo nghi thức. Lá thư của Aristeas, có lẽ được viết bởi một người Do Thái ở Alexandria, cho thấy rằng 72 dịch giả bản Bảy Mươi (LXX) rửa đôi tay của họ trong biển cùng với những lời cầu nguyện hằng ngày.[8] Có một từ khá khó hiểu liên quan đến việc rửa tay trong đoạn này. Đó là danh từ “fugme”, lối tặng cách (πυγμῇ) được đặt ngay trước động từ rửa. Danh từ “fugme” có nghĩa là cái “nắm tay” (nắm đấm). Có 3 cách giải thích:[9] (1) “Cho đến cổ tay, hay là nắm tay” (nghĩa là đôi bàn tay được rửa bằng cách đổ nước trên chúng cho đến cổ tay) (mishnah Yadayim 2,3); (2) “Với một nắm tay đầy nước” (Đôi bàn tay được rửa với ¼ loga = kích cỡ một quả trứng rưỡi, đổ trên đôi bàn tay); (3) “Với bàn tay hình chén” (vị trí trong đó những người Do thái hiện đại giữ đôi bàn tay trong khi họ rửa chúng).
  1. Giả hình (ὑποκριτής)[10]: “hupokrites” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa gốc là một diễn viên trên sân khấu đời xưa. Diễn viên thường đeo mặt nạ che dấu mặt thật của mình hoặc là hóa trang thành một nhân vật trong tuồng. Chính vì thế mà nó cũng có nghĩa là “giả hình”, “đạo đức giả” để diễn tả một người sống không thật, giả bộ trước mặt người khác. Đó là những người tâm hành bất nhất. “Muốn đánh lừa người khác, kẻ giả hình tự lừa chính mình và trở nên mù quáng về tình trạng riêng của mình, không thể nhìn thấy ánh sáng.” Trong bối cảnh đoạn Tin Mừng này “những kẻ giả hình” được áp dụng cho những kinh sư và những người pha-ri-sêu. Nhiều chỗ khác trong Tin Mừng, Đức Giê-su cũng than trách nhóm kinh sư và pha-ri-sêu là những kẻ giả hình, đặc biệt trong chương 23 của Tin Mừng Mát-thêu. Đám đông cũng có khi bị cho là “những kẻ giả hình”, vì họ biết cách giải thích các hiện tượng đất trời mà không biết giải thích thời gian hiện tại (thời của Đấng Mê-si-ah) (Lc 12,56). Phê-rô cũng bị Phao-lô có lần chỉ trích là hành động giả hình khi ông đến An-ti-ô-ki-a (Gl 2,9-13).
  1. Lòng (καρδία, tâm, trái tim)[11]: Sự giả hình của những kinh sư và Pha-ri-sêu trong đoạn Tin Mừng này được Đức Giê-su lý giải bằng lời của ngôn sứ Isaiah: “Thờ kính Chúa bằng môi miệng, còn lòng thì xa Chúa”. “Kardia” trong tiếng Hy Lạp là trung tâm của toàn bộ đời sống thể lý, tinh thần, trí năng. Nó là trung tâm và là nguồn của toàn bộ đời sống nội tại, với suy nghĩ, cảm xúc, và ý muốn. Con tim là trung tâm của những quyết định về đạo đức, đời sống luân lý, những nhân đức (một con tim thuần khiết, một con tim tinh tuyền, thánh thiện). Đặc biệt trái tim là nơi phát xuất tình yêu và lòng trắc ẩn, tình Chúa và tình người. Trong phần lõi của sách Đệ Nhị Luật, bài giảng thứ hai của ông Mô-sê (ch.5 – 26), ông kêu mời Ít-ra-el là “Hãy Nghe!”. Động từ “nghe” trong thần học Cựu Ước có bao hàm cả “lắng nghe” và “vâng lời”. Điều mà vị ngôn sứ muốn họ phải nghe là: “Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh chị em hết lòng [לֵבָב], hết linh hồn [נֶפֶשׁ], hết sức lực [מְאֹד] anh chị em. Những lời này tôi truyền cho anh chị em hôm nay, phải ghi tạc vào lòng của anh chị em” [לֵבָב] (Đnl 6,5-6; Cf. Mc 12,30.33; Mt 22,37). Trái tim là nơi để yêu mến Chúa, là để cất giữ lời Chúa truyền. Đức Maria đã gìn giữ hoài trong tim mình kho tàng “lời” mà những người mục đồng đã kể lại cho Mẹ (Lc 2,19.51). Trái tim cũng là nơi hướng về kho tàng: “Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng người cũng ở đó” (Mt 6,21; Lc 12,34). Cả điều thiện và điều ác đều phát xuất từ “lòng” người: “Người tốt lấy ra từ kho tàng tốt của của trái tim để làm điều tốt; còn người xấu lấy ra từ kho tàng xấu mà làm điều xấu, vì từ sự đầy dư của trái tim mà miệng nói ra” (Lc 65,45). Trong đoạn văn này từ “lòng” (trái tim) xuất hiện 3 lần. Lần thứ nhất nó diễn tả tình yêu và tâm ý dành cho Chúa, ngược lại với việc thờ phượng bằng “môi miệng” (7,6). Đó cũng là sự đối lập giữa thực tâm và giả dối, giả hình. Lần thứ hai, “trái tim” được dùng đối lại với “bao tử” là nơi chứa thức ăn từ ngoài đi vào (7,19). Lần cuối cùng, “lòng” là nơi xuất phát đủ thứ khuynh hướng xấu (7,21). Không nghiêng về điều thiện là chính Chúa thì “lòng” sản sinh ra những ý định xấu.
  1. Cô-ban”: Động từ dùng diễn tả lòng “thờ kính” Chúa, và động từ “tôn kính” cha mẹ là một. Dẫn chứng tiêu biểu mà Đức Giê-su đưa ra để dẫn chứng cho việc những người Pha-ri-sêu và kinh sư chối bỏ điều răn của Chúa, mà lại thiết lập truyền thống của họ” (7,9) là “tôn kính cha mẹ” (7,11). “Kính trọng” cha mẹ bao hàm cả việc phụng dưỡng về vật chất như cung cấp đồ ăn thức uống, quần áo, cùng với việc đi lại.[12] Cách hiểu này phù hợp với dẫn chứng cụ thể mà Đức Giê-su đưa ra. Đó là: thay vì để người ta phụng dưỡng cha mẹ, truyền thống của tiền nhân lại chỉ dẫn cho người ta lảng tránh bổn phận bằng câu nói: “Bất cứ thứ gì mà cha mẹ có thể hưởng từ con là Korban”. “Korban” là chuyển tự của một từ Híp-ri và Aram, có nghĩa là một lễ phẩm, hoặc của lễ hy sinh.[13] Đó là một cách thức thoái thác trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ mà Đức Giê-su xem đó như là chối từ điều răn của Chúa.
  1. Cái bên ngoài con người đi vào … Cái bên trong con người đi ra: Đức Giê-su dùng cặp ý tưởng này hai lần: Một lần khi Người nói với đám đông và một lần Người giải thích cho các môn đệ. “Cái từ bên ngoài đi vào” trong bối cảnh này là đồ ăn thức uống, vì trong đoạn trước Đức Giê-su đáp trả lại cho thắc mắc của những người kinh sư và pha-ri-sêu rằng tại sao các môn đệ của Người lại không thanh tẩy tay trước khi ăn bánh mì. Có thể họ ngụ ý rằng, nếu các môn đệ ăn uống với đôi tay không thanh sạch như thế thì sẽ bị ô uế. Thông tin của người thuật chuyện cũng cho biết là những người pha-ri-sêu và mọi người Do Thái không ăn thứ gì mua ngoài chợ về, trừ khi chúng được dìm trong nước (7,4). Những thức ăn ấy, và đôi tay chưa thanh tẩy ấy không thể làm cho người ta ô uế được. Người thuật chuyện cũng thêm vào ghi chú rằng: “Như thế, Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch” (7,19). Đây là lời tuyên bố hết sức gây tranh cãi bởi vì Sách Thánh Cựu Ước (Lv 11) đã ghi rất rõ ràng những con vật không thanh sạch, và chỉ định cho những người trong dân thánh không được ăn (ví dụ như: Lạc đà, ngân thử, thỏ rừng, heo, đại bàng, diều hâu, ó biển…). Sách Công Vụ Tông Đồ cũng ghi lại thị kiến tại rất nổi tiếng của Phê-rô tại Joppa (Cv 10,9-16). Trong thị kiến, Phê-rô thấy ba lần một tấm vải buộc bốn góc được thả từ trời xuống đất, trong đó là mọi giống vật bốn chân và rắn rết sống trên đất, cùng mọi thứ chim trời. Rồi, có tiếng từ trời phán rằng: “Đứng dậy! làm thịt mà ăn”. Phê-rô đã trả lời rằng: “Lạy Chúa không thể được, vì không bao giờ con ăn những gì ô uế và không thanh sạch. Tiếng từ trời lại phán bảo lần thứ hai: “Những gì Thiên Chúa đã công bố là thanh sạch thì ngươi chớ gọi là ô uế”. Việc ấy xảy ra đến ba lần. Thị kiến này ngụ ý muốn ông Phê-rô đến với gia đình ngoại giáo của ông Cor-nê-li-ô, viên đại đội trưởng người Rô-ma. Sau đó, Phê-rô đã đến và rao giảng và làm phép rửa cho cả nhà ông Cor-nê-li-ô (Cv 10,34-48). Thánh Phao-lô, trong bài giảng về lợi ích của việc ăn hay kiêng những thức ăn được cho là ô uế, cũng đã nói rằng: “Tôi biết và được thuyết phục trong Chúa Giê-su Ki-tô rằng không có gì tự nó là không thanh sạch; nhưng nó không thanh sạch cho bất cứ ai nghĩ nó là không thanh sạch” (Rm 14,14). Ngài cũng khuyên rằng: “Đừng vì thức ăn mà phá hủy công việc của Thiên Chúa. Đã hẳn mọi thức ăn đều thanh sạch, nhưng sẽ là sai lầm, nếu vì ăn thứ gì đó mà làm cho người khác vấp ngã” (Rm 14,20). Dường như đã có một sự tranh luận không nhỏ trong cộng đoàn các ki-tô hữu sơ khai, giữa những người ki-tô hữu gốc Do Thái và những người ki-tô hữu gốc dân ngoại liên quan đến truyền thống thanh sạch – ô uế. Cộng đoàn Mác-cô cũng đang gặp phải vấn đề này. Công bố của Đức Giê-su chắc hẳn làm vui lòng những tín hữu dân ngoại, nhưng lại gây không ít khó khăn cho tín hữu gốc Do Thái. “Điều từ bên trong con người đi ra” là những ý định xấu xa mà Đức Giê-su đã liệt kê. Đây là những điều về luân lý đạo đức[14], không liên quan gì đến đồ ăn thức uống cả.
  1. Làm ô uế: Trong đoạn văn Mc 7,1-23 khái niệm “ô uế” xuất hiện đến 7 lần. Có hai lần tính từ “không sạch” (κοινός, koinos) được dùng đi kèm với danh từ “đôi bàn tay” (χερσίν, kherxin) (7,2. 5). Ăn uống với đôi bàn tay không thanh sạch sẽ dẫn đến toàn bộ cơ thể không thanh sạch. Thanh sạch ở đây mang tính luân lý, tinh thần, tôn giáo hơn là vấn đề vệ sinh, y tế, để khỏi nhiễm khuẩn. Động từ “làm cho ô uế” (κοινόω, koinoo) được sử dụng 5 lần (7,152.18.20.23). Có thể thấy rằng đoạn văn này được khởi đầu bằng việc đề cập đến đôi tay “không thanh sạch” của các môn đệ (7,2) và được kết thúc bằng việc Đức Giê-su công bố những cái gì làm cho người ta ô uế (7,23). Khái niệm “ô uế” đóng khung đoạn văn (mở đầu và kết thúc). Cấu trúc này được gọi là cấu trúc inclusio trong văn chương Hy Lạp (mở đầu và kết thúc cùng một ý tưởng, hay từ ngữ). Tại sao “sự ô uế” lại đáng quan tâm như thế trong văn hóa Do Thái? Trong Tin Mừng chúng ta cũng đã từng gặp thấy một loại quỷ được gọi là “tinh thần ô uế” (unclean spirit) (Mt 10,1; 12,43; Mc 1,23.26.27; 3,11.30; 5,2.8.12). Đức Giê-su phải trục xuất những con quỷ này ra khỏi con người, vì chúng làm băng hoại và hủy diệt con người cả hồn lẫn xác. “Sự ô uế” đáng sợ bởi vì nó có thể làm cho người ta bị tách ra khỏi Thiên Chúa và cả cộng đồng, không được tham dự vào các nghi lễ tôn giáo. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa luôn mời gọi rằng: “Anh chị em hãy thánh hiến chính mình và phải thánh vì chính Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh chị em, là Đấng Thánh; Anh chị em đừng làm cho linh hồn mình (ψυχὰς) ra ô uế vì mọi vật nhỏ bò trên đất” (Lv 11,44.45). Như thế, sự “ô uế” là ngược lại với sự thánh thiện, là căn tính của Thiên Chúa. Sách Lê-vi ghi lại rất chi tiết những chỉ dẫn liên quan đến “thanh sạch” và “ô uế”. Có đến 3 chương trong sách Lê-vi (Ch.11,12,13,14) dành để nói về những điều hay những vật làm cho người ta ra “ô uế” và phải làm thế nào để thanh tẩy. Vì thế, việc xác định “thanh sạch” và “ô uế” đóng vai trò rất quan trọng trong Do Thái giáo, vì nền tảng Cựu Ước.[15] Cộng đoàn Qumran (là nơi được cho rằng các bản văn Biển Chết được sao chép) thực hành việc thanh tẩy rất chặt chẽ. Thanh sạch là những người đàn ông của cộng đoàn, ô uế là những người xúc phạm đến Chúa (1QS 5,13f). Đức Giê-su không xem trọng những luật liên quan đến thức ăn sạch hay ô uế trong cách đối xử với con người. Người thường ngồi ăn với những người thu thuế và những người tội lỗi (Mc 2,15-17; Lc 15,1-2). Người thẳng thừng chối từ ranh giới giữa thanh sạch và ô uế theo như cách nghĩ của những người Pha-ri-sêu và kinh sư. Vì thế, có lúc, đối thủ của Người đã xem Người như là bị “tinh thần ô uế” ám (Mc 3,30). Trong Bát Phúc, Đức Giê-su dạy rằng: “Phúc cho ai có con tim trong sạch, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Một con tim tinh khiết sẽ định hướng toàn bộ sự hiện hữu của một con người về sự thánh thiện, là món quà của Chúa.[16] Con tim không thanh sạch sẽ làm cho con người toàn thể ra ô uế, với những khuynh hướng xấu xa, đê tiện.
  1. Những tính hư nết xấu: Tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, con mắt xấu xa (ghen tỵ), phỉ báng, kiêu ngạo, ngu muội. Một số tác giả cho rằng những thói xấu này vi phạm nghiêm trọng Mười Điều Răn.[17] Cách hiểu này xem ra hợp lý, vì trước đó, Đức Giê-su cũng đề cập đến việc các kinh sư và pha-ri-sêu chối bỏ các điều răn của Chúa, mà nắm giữ truyền thống của tiền nhân (7,9). Danh sách này hơi khác với danh sách trong Mát-thêu: Giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống (Mt 15,19). Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu Rô-ma còn liệt kê một danh sách dài hơn về tính hư nết xấu của những người không thèm nhận biết Thiên Chúa (không xem xét việc có Chúa trong nhận thức của mình): “Lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan giá họa. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương” (Rm 1,29-31). Ngoài ra, còn nhiều danh sách tương tự được ghi lại trong các sách Tân Ước.[18] Đây có thể là những danh sách thói xấu được vay mượn từ các nguồn văn chương trong vùng. Những danh sách kiểu như thế rất thông thường trong các tác phẩm Stoic (trường phái triết học Hy Lạp, tk.III CE). Triết gia người Do Thái Phi-lô có một danh sách những tính xấu lên đến 150 đơn vị (trích trong Sacrifice of Abel and Cain, 32).[19]

Bình luận tổng quát

Những khó khăn ngăn trở đến từ những người đồng hương là một phần không thể thiếu, trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của những vị ngôn sứ xưa nay. Đức Giê-su, Thiên Chúa Nhập Thể, vị ngôn sứ của Tin Mừng Nước Thiên Chúa, cũng không ngoại lệ. Ngài đã nếm trải bao sự chống đối từ những người cùng làng đến những người xa lạ. Tuy nhiên, cuộc tranh luận trong đoạn Tin Mừng Mc 1,1-23 ở một cấp độ cao hơn. Đây là cuộc tranh luận giữa những người “học cao hiểu rộng”, “có chức có quyền”, đến từ kinh thành Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem chính là tử địa của vị ngôn sứ Giê-su. Những người quyền cao chức trọng đến từ đó hẳn không mang đến cho Đức Giê-su những điều dễ chịu. Các môn đệ của Đức Giê-su hẳn nhiên là người Do Thái. Tuy nhiên, có lẽ khi theo Đức Giê-su, các ông đã không giữ các tập tục của tiền nhân: “Thực hành nghi thức thanh tẩy đôi bàn tay trước khi ăn uống”. Hoặc là, họ không thuộc nhóm những người Do Thái sùng đạo nên không giữ tập tục này một cách kỹ lưỡng như những kinh sư và pha-ri-sêu. Dù lý do là gì cũng không quan trọng. Đó chỉ là khung nền, nguyên cớ cho cuộc tranh luận về lòng thờ kính Thiên Chúa đích thực. Đức Giê-su không giải thích lý do tại sao các môn đệ của Người lại không rửa tay trước khi ăn uống. Người nói thẳng vào vấn đề “tấm lòng” của một người thờ kính Thiên Chúa đích thực. Thanh tẩy đôi bàn tay trước khi ăn cũng như thanh tẩy lòng mình, con người mình trước khi tham dự tiệc Chúa. Lời trích của ngôn sức cho thấy “dân này thờ Chúa bằng môi miệng, còn trái tim của họ thì xa Chúa”. Đó là một thái độ thờ phượng giả dối, giả hình. Bằng chứng là họ giữ các tập tục của tiền nhân (rửa tay trước khi ăn) nhưng lại bỏ lơ những điều răn của Thiên Chúa. Một trong những điều răn quan trọng là “tôn kính cha mẹ”. Nại lý do là “Cor-ban” (lễ phẩm), những tập tục của tiền nhân cho phép người ta thoái thác trách nhiệm chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ của mình. Đó là thờ kính Chúa bằng môi miệng, mà không có tấm lòng yêu mến điều răn Chúa thật sự. Sự giả hình thể hiện ở chỗ là chỉ có những nghi thức bên ngoài mà không có lòng yêu mến bên trong.

Câu chuyện tranh luận về truyền thống giữ “nghi thức rửa tay” lại được tiếp tục bằng sự kiện Đức Giê-su gọi đám đông đến mả bảo rằng: “Tất cả hãy nghe tôi và hãy hiểu” (Mc 7,14). Lời mời gọi này phảng phất lời mời gọi nổi tiếng “shema” (Hãy nghe đây) của ông Mô-sê trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 6,5). Qua đó, Đức Giê-su công bố một điều mới mẻ và long trọng cho toàn bộ dân chúng. Không có cái gì từ bên ngoài đi vào làm cho người ta ra ô uế, nhưng cái từ bên trong con người đi ra mới làm cho người ta ra ô uế (Mc 7,15). Tuyên bố này đụng chạm đến truyền thống Cựu Ước, quy định về những con vật ô uế, không ai được ăn (Lv 11). Phải chăng Đức Giê-su muốn chấn chỉnh những điều luật liên quan đến những con vật không thanh sạch trong sách Lê-vi? Có lẽ là không. Điều Người muốn nhấn mạnh ở đây là linh hồn của lề luật. Nó hệ tại ở trái tim con người. Nói như thánh Phao-lô: “Không có gì tự nó là không thanh sạch” (Rm 14,14). Thiện ác tại tâm. Chính từ lòng người sinh ra những điều tốt lành; cũng chính lòng người sinh ra những ý định xấu xa, tội lỗi. Tuy nhiên, lời công bố của Đức Giê-su cũng làm cho chính các môn đệ cũng phải bối rối, khó hiểu. Suy cho cùng, họ cũng là những người Do Thái. Dù cho họ không quá đạo đức truyền thống thì họ cũng biết ít nhiều về luật lệ cấm ăn thịt những con vật bị xem là ô uế. Đức Giê-su đã giải thích một cách cặn kẽ bằng một minh chứng cụ thể. Mọi thức ăn đều đi vào bao tử rồi đi ra ngoài toilet. Chúng không xâm chiếm “trái tim” và làm ô uế con người. Ngược lại mọi suy nghĩ ý định xấu lại xuất phát từ trái tim của con người. Những thói hư tật xấu mà Đức Giê-su liệt kê (tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, con mắt xấu xa, phỉ báng, kiêu ngạo, ngu muội) chắc chắn chưa phải là tất cả nhưng chúng tượng trưng cho toàn bộ những thói xấu trong con người. Chúng cũng gợi nhớ đến những điều cấm căn bản trong Thập Điều (Xh 20,1-17; Đnl 5,1-22). Lòng người, trái tim con người, nếu không hướng về Chúa là chân, thiện, mỹ thì sẽ hướng về ma quỷ là cội nguồn của mọi thói hư tật xấu giết chết con người. Tranh luận của Đức Giê-su với những kinh sư và những người pha-ri-sêu, những chỉ dẫn của Người dành cho đám đông và những lời giải thích dành cho các môn đệ cũng là tổng quan của những vấn đề không thể tránh khỏi trong cộng đoàn Mác-cô thế kỷ thứ nhất. Đó là một cộng đoàn bao gồm hai nhóm tín hữu riêng biệt: (i) Các tín hữu gốc dân ngoại với những thực hành của riêng họ (ii) Các tín hữu gốc Do Thái với những phong tục và truyền thống lâu đời của họ. Làm sao để dung hòa giữa hai nhóm người này là một bận tâm không nhỏ của những lãnh đạo của cộng đoàn. Họ phải tìm cách giải thích Lề Luật, truyền thống một cách khéo léo và uyển chuyển sao cho cốt lõi, nét đẹp của Lền Luật Do Thái không bị mất đi, mà vẫn tìm được sự đồng thuận của những người gốc dân ngoại.

Mục tiêu và cùng đích của mọi thánh luật, mọi nghi thức đều là giúp người ta vươn đến sự thánh thiện của Thiên Chúa, là Đấng Thánh. “Trái tim”, “lòng người” là yếu tố quan trọng nhất trong mọi thực thi lề luật và nghi thức. Trong mọi việc các tín hữu làm để phụng thờ Thiên Chúa, có bao nhiêu tấm lòng người tín hữu đã đặt trong đó. Nếu như mọi hành động, suy nghĩ, lời nói của họ đều phát xuất từ trái tim yêu thì họ sẽ đạt đến Chúa, Đấng là nguồn chân thiện mỹ. “Phúc cho những ai có trái tim tinh tuyền, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Một trái tim trong sạch sẽ giúp cho người ta nhìn thấy Chúa trong mọi người, mọi loài thụ tạo, ở mọi nơi, trong mọi lúc. Thánh Phan-xi-cô là vị thánh của hòa bình, của sự hòa hợp với thiên nhiên, bởi trong mọi sinh vật cỏ cây hoa lá ông đều nhìn thấy Chúa. Ngài có thể nói chuyện với cỏ cây, hoa lá, mặt trời, mặt trăng bởi lẽ trong mọi loài thụ tạo thánh nhân thấy được vẻ đẹp của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Sở dĩ thánh nhân có thể thấy Chúa trong mọi loài thụ tạo bởi vì ngài có một trái tim yêu tinh tuyền không bị vấy bẩn bởi những suy nghĩ xấu xa, hèn hạ.

Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] Động từ “bước đi” trong Cựu Ước và Do Thái giáo sau này, là ẩn dụ cho việc “sống trong một cách thức cụ thể”, “sống cuộc sống của mình trước Chúa” (X. Ed 36,25-27)

[2] R.T. France, The Gospel of Mark. A Commentary on the Greek Text (NIGTC; Grand Rapids, 2002) 276.

[3] H. Bietenhard, The New International Dictionary of New Testament Theology Vol.2 (ed. C. Brown) (Grand Rapids 1976) “Pharisee”, 811.

[4] X. Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh (Phân Khoa Thần Học Học Viện Piô X Đà Lạt – Việt Nam dịch từ nguyên bản “Vocabulaire de Théologie Biblique”) (Hà Nội, 1973,1974,1975) “Pha-ri-siêu”, 1039-140.

[5] N. Hillyer, The New International Dictionary of New Testament Theology Vol.2 (ed. C. Brown) (Grand Rapids 1976) “scribe”, 477-482.

[6] W. Barclay, The Gospel of Mark. Lecturers in the University of Glasgow (DB; Philadelphia 2000) 164.

[7] A.Y. Collins – H.W. Attridge, Mark. A Commentary on the Gospel of Mark (Hermeneia: Minneapolis, MN 2007) 345.

[8] Ibid.

[9] J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary (AYB; New Haven – London 2008) XXVII, 441.

[10] A Greek-English lexicon of the New Testament and other early Christian literature (ed. F.W. Danker) (BDAG; Chicago – london 2001) “ὑποκριτής”, 1038.

[11] BDAG, 590.

[12] J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary, 444.

[13] J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary, 445.

[14] Ibid.

[15] The food laws of Lv. 11 and 17, and the whole concept of ritual purity which underlies them, were of central importance to Jewish culture and identity. Together with the rite of circumcision and their observance of the sabbath, the literal adherence to these dietary laws served to mark out the Jews as the distinctive people of God, and to separate them socially from other people (R.T. France, The Gospel of Mark. A Commentary on the Greek Text, 276).

[16] H. Hubner, “Unlean and Clean”, The Anchor Bible Dictionary (Ed. D.N. Freedman) (NewYork – London – Toronto – Sydney 1992) Vol.6, Si – Z, 742.

[17] J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary, 456.

[18] “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gl 5,19-23; Cf. Cl 3,5-8; 1 Pr 4,3.15…).

 [19] J. Marcus, Mark 1–8. A New Translation with Introduction and Commentary, 459.

Bài trướcLỜI SỐNG (Thứ Sáu Tuần 21 TN)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Thứ Bảy Tuần 21 TN)