Anh đang làm gì cho dân vậy?

0
508
Moses leads the Hebrews people to Canaan. Dorling Kindersley / Getty Images

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Tiêu chuẩn chọn người lãnh đạo

Kinh Thánh cho nhiều gợi ý liên quan đến việc lãnh đạo cộng đoàn. Một đoạn được tham khảo nhiều là câu chuyện của ông Môsê với bố vợ, ông Gítrô, tư tế ở Mađian (Xh 18,13-27).

Khác với thực tế loay hoay tìm người tài đức, vì không biết người có tài cán là ai và đang ẩn nấp ở chốn nào[1] để có thể thu hút, trọng dụng và đãi ngộ, bố vợ của Môsê khuyên: “Hãy xem trong toàn dân”. Nói vậy là khác với thực tế ưu đãi con ông cháu cha, người nhà của những ai có quyền có tiền hay của các nhóm các phe. Chỉ tìm ở đó, nên khó moi ra người tài (thật). Hơn nữa, nếu muốn tìm người suy thật, nói thật, làm thật như mình thì phải tính với một hiệu quả thật, là cứ phải tìm hoài ngàn năm. Chỉ muốn người có tài theo khuôn mẫu (hạn hẹp) nhất định phản ánh một sự cố hiểu lầm, vì kẻ có tài thường cũng là người ưa có tật.

Các khẩu hiệu kêu gọi làm khác hơn nghe hợp lí[2], nhưng ít khi được thực hiện như được hô hào nên đâu lại vào đấy. Tất nhiên có nhiều nỗ lực suy tìm các nguyên nhân cho cái loay hoay nhiều đời. Thực tế là muốn và cần rượu mới mà vẫn cứ ôm chặt bầu da cũ, nên mọi nỗ lực kiếm tìm lối phát triển buộc kết thúc ở nơi chúng vẫn luôn phải kết thúc. Muốn có sáng tạo vô biên mà không chịu gỡ rào chắn là một mâu thuẫn tự thân.

Nhạc phụ của Môsê đặt tiêu chuẩn cho người được chọn làm thủ lãnh các nhóm dân như vậy: Họ là nhữngngười có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không ham của bất chính.” Truyền thống Israel giữ lời khuyên này, khi chọn những “người khôn ngoan, thông minh và từng trải” (Đnl 1,13) làm thủ lãnh. Mà khôn ngoan là người biết kính sợ Chúa (Tv 111,1). Là “bạn hữu với Thiên Chúa” (Kn 7,14) họ biết phân định phải trái và những gì cần phải làm. Kinh nghiệm dạy Israel nên chọn người “người thông hiểu và có học” khi cần ổn định đất nước (Cn 28,2).

Các thủ lãnh được nhắc nhở phải công minh chính trực khi phân xử: không quyết định theo số đông, không được thiên vị người yếu thế khi họ có việc kiện tụng, khiến công lý bị sai lệch. Họ “không được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ sáng mắt hóa ra đui mù và làm hỏng việc của những người công chính.” Quan tâm đến quyền lợi của người nghèo, đồng cảm với người ngoại kiều là điều được nhấn mạnh – từ kinh nghiệm của mình (và của tổ tiên) khi là ngoại kiều ở đất Ai-cập.” (Xh 23,2-9). Một đặc điểm quan trọng nổi bật, không thể thiếu, nơi người đứng đầu có tài là họ cần có “con tim biết lắng nghe” – như Vua Salomon (1 V 3,9).

Moses Pleading with Israel. the Providence Lithograph Company 907

… con tim biết lắng nghe  

Đoạn Kinh Thánh giữa Môsê và bố vợ (Xh 18,13-27) không là một hướng dẫn cho việc huấn luyện người lãnh đạo. Nhưng trong đó có nhiều điều liên quan được chạm đến, những gì đóng một vai trò quan trọng khi bàn về đề tài này, và mở ra những viễn ảnh đáng được lưu ý.

Người lãnh đạo cần được giải thoát trước khi muốn hướng dẫn người khác đến tự do. Ai muốn có đổi thay thì cần phải thay đổi bản thân. Điều kiện cần thiết trước tiên là bằng lòng để người khác “dự giờ” làm việc của mình. Phải chịu vạch áo cho người xem lưng. Nhưng phải tin tưởng mạnh đủ thì mới dám đồng ý như vậy: tự tin và tin người. Rồi, biết lắng nghe và biết đón nhận điều hay lẽ phải được đề nghị là những đức tính phải có nơi người tài được chọn.  

Ở đây cần hỏi ai là người tài, để được chấp nhận như là người có thẩm quyền quan sát và phản ảnh lại các ghi nhận, cũng như đưa các đề nghị thay đổi? Và câu hỏi đi liền: Có thể chờ đợi thái độ biết lắng nghe nơi các lãnh đạo ưa hiểu mình như là Trời con – những người cho mình có ơn toàn tri, toàn năng và toàn quyền? Nghĩa là có khả năng lo liệu hết mọi sự.

Thực tế cho thấy: người được Thiên Chúa chọn cách đặc biệt như Môsê dễ bị đẩy vào cám dỗ, là một mình giải quyết hết mọi chuyện – tất nhiên với ý rất tốt lành. Cũng vậy, những người tự cho mình có một sứ vụ không ai thay thế được cũng ưa “bao” hết mọi cấp, nhúng tay vào và kiểm soát hết mọi điều, vì cho rằng phải quan tâm đến mọi sự cho hết mọi người vào mọi lúc mọi nơi. Chịu ảnh hưởng bởi lối suy đó, chúng ta không ngạc nhiên là các thủ lãnh to nhỏ đạo đời thường gặp khó khăn lớn trong việc lắng nghe. Là Trời con thì chẳng cần phải nghe ai. Phán dạy là việc của họ, còn lắng nghe và tuân phục là bổn phận của phía toàn dân. Khác với Salomon—vị vua vượt trội các vị vua khác về sự khôn ngoan, giàu có và quyền lực—đã xin Thiên Chúa ban cho mình “một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái.” (1V 3,9).

Ông Gítrô đã bỏ nhiều thời gian để quan sát, trước khi thẳng thắn đưa ra nhận xét và đề nghị các bước thay đổi cụ thể. Ông tận dụng vị thế và kinh nghiệm của mình để nhận định một cách vô tư và khách quan. Ông làm việc đó như một chuyên gia đáng tin cậy vì chính ông là tư tế. Bố vợ của Môsê nhận ra từ bên ngoài điều mà tự ông không thể nhìn thấy, rằng ông đang đứng trong nguy cơ suy sụp, kiệt lực trước những công việc mà ông cho rằng phải tự giải quyết một mình.

Điều vị tư tế khôn ngoan và từng trải đề nghị chính là sự cải tiến tổ chức pháp lý. Đoạn Kinh Thánh này giữ gìn ký ức của Isarel về điều họ mang ơn người xa lạ, kẻ đến từ bên ngoài. Họ tri ân lối nhìn mới và các kinh nghiệm khác lạ cần thiết cho sự phát triển của Israel. Là một người thông hiểu Môsê đã “nghe lời nhạc phụ và đã làm tất cả những điều ông ấy nói.”

Ít mà nhiều

Lời khuyên của tư tế Mađian có thể tóm tắt như vậy: tập trung ủy quyền. Khi Môsê mô tả cho bố vợ những gì ông làm trong ngày, thì chính điều đó cũng giúp ông nhận ra các việc làm của mình một cách rõ ràng hơn. Đó là nhiệm vụ (1) thỉnh vấn Thiên Chúa nhân danh dân chúng (nhắm về các quyết định sắp làm), (2) phân xử các trường hợp tranh cãi (cụ thể), (3) và loan báo các thánh chỉ (cơ bản) và lề luật của Thiên Chúa. Có được một cái nhìn phân định tinh tế và cụ thể về các công việc của mình là điều kiện cho việc tối ưu hóa tiến trình làm việc (tạo cơ cấu, ủy nhiệm).

Ông Gítrô đề nghị Môsê ủy nhiệm một phần việc cho những người có khả năng, sẵn sàng làm việc vì Danh Chúa chứ không vì để tạo danh tiếng cho mình, và biết kiềm chế lòng tham. Môsê cần tập trung sự chú tâm vào việc chỉ ông mới được quyền làm – diện kiến JHWH [Đức Chúa]. Một phần của việc tổ chức là đảo ngược lại trật tự các việc làm: Trước hết, chính Môsê sẽ dạy cho các cộng tác viên “các thánh chỉ, các lề luật, và cho họ biết đường lối phải đi và cách phải xử sự”, và để họ tự quyết định các việc tranh cãi hàng ngày. Chính họ sẽ thường trực xử kiện cho dân. Rồi “việc nào lớn thì họ trình lên anh, còn việc nào nhỏ thì chính họ xử lấy: hãy làm như vậy để nhẹ gánh cho anh.”

Đây là nguyên tắc trợ lý/hỗ trợ mà chúng ta biết từ môn Xã hội học Công giáo. Theo đó, một nhiệm vụ nên được để cho đơn vị nhỏ nhất (cá nhân, nhóm) thực hiện. Các thẩm quyền cao cấp hơn chỉ nên can thiệp (hỗ trợ), khi các đơn vị ở dưới không tự giải quyết được. Giúp để tự giúp là đích nhắm đến. Đàng sau nguyên tắc này là một hình ảnh con người coi trọng tự do, tin tưởng và khuyến khích việc tự suy nghĩ và tự chịu trách nhiệm cá nhân. Hình ảnh con người quyết định phương cách lãnh đạo cũng như lý thuyết và thực hành quản lý nhân sự.

Khi coi người dân như con nít, cần được dạy “vâng lời kiểu-cá-muối” và luôn phải chờ chỉ đạo từ trên, và khi nhìn sự phát triển tự do của cá nhân tiêu cực, thì không chấp nhận nguyên lý này. Một cơ chế toàn trị không cổ xúy việc phân chia công việc và ủy quyền cho người có tài cán. Trái lại, mọi sự được ban phát theo cơ chế xin cho (“Nhờ ơn…”). Tạo điều kiện cho toàn dân tham gia hữu hiệu vào các hoạt động chung là một khẩu hiệu được hiểu theo cách của nó.

Bí quyết thay đổi trong câu chuyện này nằm ở sự tin tưởng của Môsê vào những con người cộng tác với ông. Dám tin họ, bởi vì Môsê biết chính mình được Thiên Chúa và toàn dân tin tưởng. Tin tưởng tạo tin tưởng. Và đó là điều quyết định đứng trước sự động viên, cách thức lãnh đạo hay một điều gì khác. Thiếu tin tưởng thì như xây nhà trên cát: khó vươn cao và không bền chắc. Các biện pháp đặc biệt buộc cần đến khi thiếu vắng sự tin tưởng, với hiệu ứng là không bao giờ thực hiện đủ được. Không có tin tưởng thì khó có động lực cộng tác tích cực. Nghi ngại cản ngăn việc dấn thân hết mình.  

Môsê cởi mở cho sự thay đổi được bố vợ đề nghị, và ông trở thành người trung gian của những con người tự do: “Anh hãy đứng ra thay mặt dân trước nhan Thiên Chúa: chính anh sẽ trình các việc lên Thiên Chúa”. Và Môsê đứng trước dân, là những người được giải thoát, nhân danh Thiên Chúa Đấng giải thoát. Sự hiện hữu của Thiên Chúa chỉ có thể được nhận ra qua các trung gian. Trong Kinh Thánh điều đó xảy ra ở những nơi có đau khổ, nơi khó khăn nặng nề của cuộc sống nằm trước mắt, trong các hoàn cảnh gợi gây những hiểu lầm và nghi ngại: trước Biển sậy, trong sa mạc, trong sự kiệt lực, trên thập giá. Nhưng từ đó xuất phát sức mạnh Thần Khí sự sống, Đấng mời gọi, gom tụ một cộng đồng, thánh hóa và giữ gìn trong niềm tin.

Thực tế cho thấy các câu chuyện Kinh Thánh trong sự sinh động và cởi mở của chúng có thể gợi ý cho suy tư. Chúng mời nhìn điều này hay điều kia từ một viễn ảnh khác thường. Chúng đưa Thiên Chúa vào cuộc. Chúng có thể củng cố và làm cho chắc chắn, nhưng chúng cũng có thể làm bối rối và đặt câu hỏi. ▄

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD

Chú thích

[1] Ts Đinh Duy Hòa, Nhân tài: Người là ai, đang ở đâu? Vietnamnet-online 07/12/2020.

[2] Thí dụ: Hiền tài là nguyên khí quốc gia (Thân Nhân Trung); chọn người tài không chọn người nhà v.v. …

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 22 Thường Niên – Năm B
Bài tiếp theoÔi thật “bất ngờ”!