Tin mừng: Mt 19, 23-30
23 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời.24 Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”
25 Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” 26 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.”
27 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”
28 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.
29 Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.
30 “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”
Suy niệm
NGƯỜI GIÀU VÀ NƯỚC THIÊN CHÚA (Tu sĩ Giuse Phạm Duy Thạch, SVD)
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa”. Đây là kết luận cho câu chuyện về một người thanh niên có nhiều của cải muốn có được sự sống đời đời, nhưng không thể, vì anh không thể đáp ứng lời mời gọi của Đức Giêsu, đó là: “Bán tài sản của anh và cho người nghèo” (Mt 19,21).
Hình ảnh so sánh “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn” cho thấy mức độ khó khăn muôn trùng của việc người giàu vào Nước Thiên Chúa. Dĩ nhiên, tự bản chất sự giàu có không phải là tội. Vậy, đâu mới thực sự là cái khó của người giàu? Có lẽ, cái khó trước tiên và chính yếu của người giàu đã được người thanh niên giàu có bộc lộ là: Không dám bán tài sản và cho người nghèo. Bởi lẽ, muốn vào Nước Thiên Chúa, hay nói cách khác là “được cứu độ”, “được nên hoàn thiện”, người ta phải nối kết chặt chẽ với cả Chúa và tha nhân. Trong tương quan với Chúa, người ta phải dám từ bỏ những bảo đảm vật chất và tín thác vào Người cách hoàn toàn. Trong tương quan với tha nhân, họ dám dùng những tài sản, của cải mà Chúa ban để thể hiện tình yêu đối với người túng thiếu. Cả hai điều này đều rất khó khăn.
Ta thường nghe rằng: “Đồng tiền liền khúc ruột”, là mồ hôi nước mắt. Người ta dễ dàng tìm cho mình một cái lý để hưởng thụ những của cải do mình tạo ra, và dễ cảm thấy hoảng sợ trước cuộc sống đói nghèo. Hơn nữa, người ta cũng không yêu người nghèo đến mức như người thân, để dám cho đi tất cả. Thường thì người ta chỉ cho đi mức độ nào đó, để không gây tổn hại quá nhiều đến tài chính của gia đình. Thế nên, lời kết luận của Chúa về độ khó cho người giàu vào Nước Thiên Chúa vẫn là một thực tế qua mọi thời đại.
Lạy Chúa Giêsu! Đối với Chúa mọi sự đều có thể được, xin biến đổi lòng mỗi người chúng con để chúng con dám tín thác tuyệt đối vào Chúa và dám yêu thương tha nhân hết lòng. Amen.
MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ (Lm. GB. Nguyễn Hữu Duy, SVD)
AI CÓ THỂ ĐƯỢC CỨU? (Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD)
Đức Giêsu dùng hình ảnh “con lạc đà chui qua lỗ kim” để nói lên sự khó khăn của người giàu có vào Nước Thiên Chúa. Người giàu có khó được cứu, vậy “Ai có thể được cứu?”
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã đưa ra câu trả lời cho thắc mắc đó của các môn đệ: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26). Thật vậy, nếu con người chỉ với suy nghĩ của bản thân thì sẽ không thể tưởng tưởng được việc con lạc đà to có thể chui qua lỗ kim bé tí được. Nhưng nếu con người tin vào quyền năng Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể. Quả thế, như Đức Giêsu đã khẳng định rằng: nếu có niềm tin vào Thiên Chúa, anh em có thể dời cả cây vả xuống biển (x. Mt 21,18-22). Tóm lại, con người chỉ được cứu khi có lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Người thanh niên giàu có, chạy theo của cải, khước từ lời mời gọi tin vào Đức Giêsu, nên đã không được cứu. Anh ta đã để sự tự mãn cũng như lòng tham của cải vật chất “kéo anh ra khỏi” Nước Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta có lòng tin vào Đức Giêsu dù chỉ bằng “hạt cải” không? Chúng ta có đang bị của cải xâm chiếm mà chối từ tin vào Đức Giêsu không? Chúng ta hãy thực tâm mà suy xét điều này. Bởi, Đức Giêsu, cánh cửa cứu độ duy nhất cho con người, sẽ “nhỏ như lỗ kim” và ta không thể đi qua nếu lòng tin của chúng ta không đủ mạnh hoặc chúng ta chỉ tôn thờ vật chất hơn tin Chúa. Ngược lại, nếu chúng ta sẵn sàng trở nên khó nghèo trước mặt Chúa, đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu và rao truyền niềm tin đó cho người khác, thì chắc chắn chúng ta sẽ được cứu độ.
Lạy Chúa, xin ban thêm sức mạnh tình yêu và lòng mến Chúa để con giữ vững đức tin trước những lôi cuốn mãnh liệt và hấp dẫn của tiền tài, vật chất và danh vọng đời này. Amen.
ĐƯỢC GÌ? (Tu sĩ Giuse Trương Văn Thức, SVD)
Khi làm một việc gì đó, con người thường hướng đến thành quả. Người nông dân mong chờ ngày thu hoạch vụ mùa sau những ngày tháng chăm trồng, tưới tắm; người đi học hướng tới ngày đỗ đạt sau những tháng ngày dùi mài kinh sử… Vậy người môn đệ theo Chúa hướng tới cái gì? Tiền tài, danh vọng, hay là giây phút “huy hoàng” của ngày lễ khấn, ngày thụ phong?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông Phêrô đã có câu hỏi rất hay: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, chúng con sẽ được gì?”. Đó là một đòi hỏi tất yếu theo bản tính con người, “có đi có lại, mới toại lòng nhau”. Có lẽ, giây phút được Chúa kêu gọi các môn đệ cũng có những ý định riêng, những tính toán, những chờ mong và kiếm chác riêng. Họ nghĩ rằng Thầy mình sẽ là vị lãnh tụ giải phóng dân tộc, người sẽ cho mình vinh quang phú quý ở đời này. Chứ đâu nghĩ gì xa xôi đến sự sống đời sau, nghĩ đến cái ăn, cái mặc trước mắt chứ đâu nghĩ về một chân trời vinh quang đón chờ.
Sau này nhờ Chúa khai sáng, Thánh Thần biến đổi các Tông Đồ mới ngộ ra và tin vào lời hứa của Chúa năm xưa. Lời hứa xuất phát từ Đấng Quyền Năng, Đấng đã hứa sẽ trả công xứng đáng cho những ai dám từ bỏ, khước từ những cái mình sở hữu để tìm kiếm giá trị cao hơn. lời hứa ấy là chính Chúa, là gia nghiệp và cùng đích của đời mình. Hành trình của người môn đệ theo Chúa cũng luôn có những câu hỏi như ông Phêrô. Tuy nhiên đó cũng là cơ hội để ta xác tín lại niềm tin của mình. Theo Chúa vì mục đích gì?
Ước gì Lời Chúa hôm nay làm ta thức tỉnh để biết chọn Chúa là hạnh phúc vĩnh cửu của đời mình. Biết sống thanh thoát với những của cải trần thế để trao ban tình thương cho mọi người.