TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH – NĂM A

0
477

Chúa Nhật – Ngày 29 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

LỄ THÁNH GIA THẤT

Bài đọc 1 : Hc 3,2-6.12-14

Bài đọc 2 : Cl 3,12-21

Tin Mừng : Mt 2,13-15.19-23

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Aicập.

Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Aicập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen […].

TỔ ẤM THA PHƯƠNG

Câu chuyện Thánh Gia tha phương bên Ai Cập gợi lại một thực tế đáng buồn: rời bỏ quê hương để tránh nạn. Hàng chục triệu người cũng đang rơi vào cảnh di dân ngày nay để bảo vệ mạng sống trong cảnh ly loạn. Một trái đất rộng lớn không có chỗ cho một Hài Nhi bé nhỏ tạm nghỉ lúc chào đời. Một nhân loại rộng lớn không đủ vòng tay bao bọc hết con người. Những “tổ ấm tha phương” ngày càng nhiều không đơn thuần là bài toán xã hội mà còn là bài toán của cả nhân loại trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng hiện nay.

Thánh Gia, may mắn thay, còn được thiên thần báo mộng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Con Thiên Chúa làm người đã bước vào nút thắt của kiếp người chạy loạn. Ngày nay, nhiều gia đình bị chôn vùi trong đống đổ nát hoặc tan da nát thịt (do chiến tranh và thảm họa) ngay khi họ còn đang ngon giấc. Họ thậm chí chẳng có cơ hội để chạy! Hoặc, nhiều người chạy thoát lại chẳng có chỗ náu thân.

Trải qua bao thế hệ, tiếp đón ngoại kiều (Xh 22, 20; Đnl 10, 19; Lv 19, 34), và khách lạ (Mt 25, 35.43) là những lời dạy bất di bất dịch trong Kinh Thánh; tuy nhiên, những giá trị của Tin Mừng đang ngày càng mai một vì những lý do an ninh, chính trị, đảng phái, kinh tế… đã nhanh chóng khước từ kiếp sống con người. Chính sách và lý do bảo thủ cũng đẩy những di dân vào cảnh “phơi xác” chờ bố thí tình thương từ những cánh cửa (con người, quốc gia) còn đóng kín từ tâm.

Xin Chúa nguồn mạch yêu thương

Ra tay cứu giúp muôn phương thế trần

Mở cho lòng trí phàm nhân

Rộng lòng tiếp đón di dân không nhà

Nghĩ về tổ ấm phương xa

Quê Trời, lạy Chúa, Quê Nhà hằng mong.

Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD

 

Thứ Hai – Ngày 30 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Bài đọc : 1Ga 2,12-17

Tin Mừng : Lc 2,36-40

Khi ấy, có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.

Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

 

TRƯỚC KHI LÀM THÁNH, HÃY LÀM NGƯỜI

Nên thánh là ơn gọi của mỗi Kitô hữu chúng ta, vì qua đó, chúng ta tìm về với cội nguồn của sự thánh thiện, tốt lành nguyên thủy là chính Thiên Chúa. Trong mỗi bậc sống, chúng ta nên thánh bằng những cách khác nhau: người thì sống đời tu trì, dốc tâm dâng hiến mọi sự để sống trọn cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân; người sống bậc gia đình thì nên thánh qua việc gìn giữ, chu toàn trách nhiệm đời sống hôn nhân; người sống độc thân thì sống chứng tá giữa đời … Mỗi người chọn cho mình một con đường, một cách để nên thánh khác nhau, nhưng có một điểm chung mà bất cứ ai cũng phải nhớ rằng: trước khi làm thánh, hãy làm người.

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Luca đã gợi lên khía cạnh rất con người của Chúa Giêsu và đồng thời để biểu lộ cho ta cách thức nên thánh đúng với ý Chúa và phù hợp với lẽ tự nhiên: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.” Chúa Giêsu đã chấp nhận mang thân phận phàm nhân và sống như một con người, và Ngài cho thấy con đường nên thánh bằng cách chu toàn những bổn phận thường nhật đơn sơ nhất qua việc vâng phục Mẹ Maria và thánh Giuse. Ngài sống với bổn phận là một người con trong gia đình nhân loại, dù Ngài là Thiên Chúa. Ngài chu toàn bổn phận của mình cách đơn sơ và đầy yêu mến để làm đẹp lòng Chúa Cha. Và sự thật, Ngài đã sống như một con người trước khi biểu lộ vinh quang chân thật của mình.

Lạy Chúa Giêsu, qua đời sống đơn sơ tại làng quê Nadarét, Ngài dạy con nên thánh không phải bằng những việc cao cả, vĩ đại…nhưng đơn giản là qua việc chu toàn những bổn phận hằng ngày với Chúa và với tha nhân trong tinh thần yêu thương. Xin cho con biết khiêm tốn nhận ra rằng: trước khi làm thánh, hãy làm người một cách trọn vẹn.

Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường, SVD

 

Thứ Ba – Ngày 31 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Bài đọc : 1Ga 2,18-21

Tin Mừng : Ga 1,1-18

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. […] Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

Ông Gioan làm chứng về Người, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có. Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

 

NGÔI LỜI ĐÃ TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM

Đoạn Tin Mừng là lời chứng về tình yêu của Thiên chúa. Vì yêu thương mà Ngài đã dựng nên vũ trụ muôn loài. Hơn nữa, Ngài còn tặng nhân loại một món quà vô giá là chính Con Một của Ngài, Ngôi Lời nhập thế.

Tình yêu của Thiên Chúa không dừng lại ở công trình sáng tạo nhưng còn được thể hiện qua hành động tặng ban chính Con Một của mình cho nhân loại. Thiên Chúa sai con Ngài nhập thế, mang thân phận làm người như chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Ngôi Lời nhập thế là niềm vui khôn tả, là mối lợi cho nhân loại. Bởi lẽ, “nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành … Người là sự sống, là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,3). Quả thật, Ngôi Lời đã thông dự vào công trình sáng tạo, thông chia tình yêu thương nhân loại với Chúa Cha.

Không những thế, Ngôi lời còn là quà tặng linh thiêng và cao quý nhất mà con người được lãnh nhận. Ngài trở nên người phàm để cùng ăn, cùng ở, cùng chung số kiếp “bể dâu trần thế” với con người. Ngài là ánh sáng dẫn ta tiến về quê trời. Bởi thế, phàm là người, bất kỳ ai cũng mang trong mình sự tốt lành từ Thiên Chúa cả. Chúng ta sung sướng vì được làm người.

Đoạn Tin Mừng nhắc chúng ta hãy quý trọng và bảo vệ vũ trụ mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Chúng ta hãy tôn trọng, yêu thương nhau nhiều hơn vì chúng ta có cùng một cội, cùng chung một Cha. Chúng ta hãy luôn “hướng về Thiên Chúa” tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc, lành thánh để xứng đáng với ơn huệ mà Thiên Chúa đã tặng ban cho chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tôn vinh Chúa qua đời sống hàng ngày của chúng con.

Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD

Thứ Tư – Ngày 01 – Tháng 1

NGÀY CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
THÁNH MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
Lễ trọng (Tr)

Bài đọc 1 : Ds 6,22-27
Bài đọc 2 : Gl 4,4-7
Tin Mừng : Lc 2,16-21

Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bêlem. Họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa được Công Đồng Êphêsô tuyên bố năm 431. Nhưng cho đến năm 1931, Đức Giáo Hoàng Piô XI mới thiết lập lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và tuyên bố rằng: “Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mạch nước mầu nhiệm vô tận, tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa”.
Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý về Hội Thánh cũng đã khẳng định: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa … Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô”.
Trước thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa cũng như mọi biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời, Mẹ Maria luôn luôn cầu nguyện, suy niệm và thực hành Lời Chúa: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Là người Kitô hữu, tôi được mời gọi tránh những kêu ca, than trách hay vô ơn về bao nhiêu điều tốt đẹp mà Chúa đã ban cho tôi theo thánh ý Người. Đồng thời, tôi cũng được mời gọi học hỏi nơi Mẹ Maria để tiến tới sự triển nở về đức tin, đức cậy, đức mến nhờ việc siêng năng cầu nguyện, sống và thi hành Lời Chúa.
Lạy Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, xin giúp con biết suy niệm Lời Chúa, để thánh ý Chúa được thực hiện trong cuộc đời của con; xin giúp con luôn trung kiên với đức tin đã được lãnh nhận và tín thác vào Chúa trước những sóng gió của cuộc đời
Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Xuyên, SVD

Thứ Năm – Ngày 02 – Tháng 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II
Thánh Basiliô Cả và Grêgôriô,
GM – TSHT – Lễ nhớ (Tr)

Bài đọc : 1 Ga 2,22-28
Tin Mừng : Ga 1,19-28

… Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.

CHỨNG NHÂN KHIÊM NHƯỜNG

Khiêm nhường là đức tính cần thiết nơi mỗi người. Nhờ khiêm nhường, con người sống gần gũi với Chúa và sống hòa đồng với những người xung quanh.
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc đối thoại giữa ông Gioan Tẩy Giả với một số tư tế và thầy Lêvi. Qua cuộc đối thoại, chúng ta có thể nhận thấy được sự khiêm nhường nơi thánh nhân. Ngài khiêm nhường không chỉ trong lời nói mà còn cả trong việc làm. Ông Gioan Tẩy Giả phủ nhận tất cả những tên tuổi nổi tiếng mà người ta gán cho ngài như Êlia, ngôn sứ cao cả hay Đấng Kitô. Ngài chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa, là tiếng hô đi trước để dọn đường cho Chúa. Ngài luôn tâm niệm mình phải nhỏ lại để Chúa được lớn lên.
Con người chúng ta vẫn thích thể hiện, khoe khoang mình hơn là thầm lặng, khiêm tốn. Chúng ta thích nổi tiếng để được nhiều người biết đến. Chúng ta tự hào về những thành công đạt được… Nhưng chúng ta dễ quên rằng tất cả những thành quả đó đều do ân sủng và tình thương Chúa ban chứ không phải bởi sức riêng của chúng ta. Vì thế, tự hào tự đắc hay khoe khoang không phải là những giá trị làm nên căn tính của người Kitô hữu chân chính, không phải là dấu chỉ chắc chắn của những người con cái Thiên Chúa đích thật, mà là sự hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu (x. Mt 11,29).
Suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta học hỏi mẫu gương nơi thánh Gioan Tẩy Giả về sự khiêm nhường để nhìn nhận con người giới hạn, bất toàn của mình trong tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta cần khiêm nhường để sống đúng với căn tính của người Kitô hữu và là con cái của Chúa. Đồng thời, qua khiêm nhường chúng ta dễ dàng đến với mọi người, nhất là những người thấp kém, nghèo hèn, khốn khổ hơn ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con học theo gương của thánh Gioan Tẩy Giả, để chúng con biết khiêm nhường, cậy dựa vào Chúa và yêu thương, tôn trọng anh chị em.
Tu sĩ Phêrô Đỗ Huy Xuân, SVD

Thứ Sáu – Ngày 03 – Tháng 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II
Danh Thánh Chúa Giêsu (Tr)

Bài đọc : 1 Ga 2,29-3,6
Tin Mừng : Ga 1,29-34

Hôm sau, khi ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa trong nước.” Ông Gioan
còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

LÀM CHỨNG CHO CHÚA

Bài Tin mừng tường thuật câu chuyện ông Gioan Tẩy Giả sau khi làm chứng về Đức Giêsu là Đấng Cứu thế trước mặt một số tư tế và mấy thầy Lêvi, tiếp tục làm chứng về Người trước mặt đám đông dân chúng đến với ông.
Lời chứng của ông Gioan Tẩy Giả thiết thực và sống động bởi vì ông không còn phải dùng hình ảnh biểu tượng nữa mà là chính con người bằng xương bằng thịt đang tiến về phía ông. Đức Giêsu đứng đó, người ta có thể nghe, nhìn và chạm đến Người, không phải là ảo giác hay tưởng tượng nữa.
Tuy nhiên, ông Gioan cũng thừa nhận ông không biết Người nhưng Thiên Chúa, Đấng sai ông đi làm phép rửa, trao cho ông sứ mạng làm chứng cho Người. Điều đó cho thấy tính giới hạn của con người trước Con Thiên Chúa làm người. Quả thật, nếu Thiên Chúa Cha đã không mặc khải thì con người không thể nhận ra Đấng Cứu thế được. Ông Gioan cũng phải nhờ vào sự mạc khải của Thiên Chúa mới có thể nhận ra Người. Nhờ thế, ông Gioan Tẩy Giả không tô vẽ cho mình một Đấng Cứu thế theo ý riêng mình, để dễ dàng điều khiển theo ý riêng. Trái lại, ông mở lòng cho Chúa Thánh Thần hoạt động. Có như thế hình ảnh và sứ mạng đích thực của Đấng Cứu Thế mới thật rõ nét, đồng thời nhờ Chúa Thánh Thần, ông ý thức được vai trò của mình trong việc làm chứng cho Con Thiên Chúa.
Làm chứng cho Chúa Cứu Thế cũng là nhiệm vụ của chính tôi. Thế nhưng đôi lúc tôi lại đề cao, tô vẽ hình ảnh của mình thay vì làm nổi bật hình ảnh của Chúa. Tôi vẫn còn sợ bị thiệt thòi, sợ ảnh hưởng đến danh dự hay lợi ích cá nhân khi làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Lạy Chúa, xin ban ơn Thánh Thần giúp con biết noi gương ông Gioan Tẩy Giả trong sứ vụ làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình.
Tu sĩ Phanxicô Nguyễn Quốc Vương, SVD

Thứ Bảy – Ngày 04 – Tháng 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Bài đọc : 1 Ga 3,7-10
Tin Mừng : Ga 1,35-42

Khi ấy, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).

ĐẾN MÀ XEM

Ơn gọi là một hồng ân và có thể nói là mầu nhiệm trong cái nhìn đức tin. Những Kitô hữu muốn dấn thân theo Đức Kitô một cách đặc biệt bắt đầu định hướng cho tương lai của mình bằng việc tìm hiểu đời sống tu trì tại các chủng viện hoặc dòng tu, thông qua các chương trình “Đến Mà Xem” để tìm hiểu linh đạo và đời sống tu trì.
Đối với tất cả mọi Kitô hữu, ơn gọi được hiểu rộng hơn, không chỉ là việc lựa chọn cam kết sống khiết tịnh độc thân như các tu sĩ hoặc lựa chọn đời sống gia đình với giao ước hôn nhân, mà ơn gọi còn là trách nhiệm và cam kết lương tâm sống vì cộng đồng trong các ngành nghề để xây dựng và thăng tiến loài người. Ơn gọi phổ quát nhất chính là ơn gọi làm người với nhân tính và phẩm giá mà không gì có thể tước mất.
Trong Đức Kitô, ơn gọi làm người của chúng ta được nâng lên hàng phẩm giá con Thiên Chúa. Với ơn gọi đặc biệt này, chúng ta không chỉ tìm kiếm Thiên Chúa một thời gian, rồi bước theo Ngài là xong; nhưng “Đến Mà Xem” còn là một nhắc nhở để chúng ta nhớ lại tiếng gọi thuở ban đầu, làm mới lại ơn gọi cách định kỳ, và nâng đỡ hướng dẫn những ai đang muốn dấn thân với cùng một chí hướng, cùng một tinh thần như chúng ta.
“Đến Mà Xem” luôn luôn có tinh thần kế thừa và phát huy để những giá trị tinh thần của con người không bao giờ bị mai một, và tiếng gọi xây dựng và cộng tác với Đấng Sáng Tạo luôn là sự thôi thúc không ngừng nghỉ trong tim mỗi người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học từ trường học người môn đệ Chúa, để khi “đến mà xem” tường tận, chúng con “không lầm tưởng rằng công việc của chúng con là ơn gọi của con; nhưng ơn gọi của chúng con chính là tình yêu của Chúa” (Thánh Têrêsa Calcutta).
Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Lễ Thánh Gia Thất – Năm A
Bài tiếp theoNhóm Truyền Giáo SVD Phương Lâm: Từ thiện Mùa Giáng Sinh 2019

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.