Thường Niên – Tuần XXXIV – Năm A

0
376

Chúa Nhật – Ngày 26 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. Lễ trọng. (Tr).

Bài đọc 1 : Ed 34,11-12.15-17

Bài đọc 2 : 1 Cr 15,20-26.28

Tin Mừng : Mt 25,31-46

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy […]

THỰC THI LÒNG BÁC ÁI

Trong bài Tin Mừng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ hôm nay, thánh Mátthêu muốn trình bày cho chúng ta cái nhìn về ngày cánh chung. Trong ngày ấy, Chúa Giêsu

sẽ đến xét xử dân người theo tinh thần bác ái, qua những việc mà mỗi người đã làm cho người anh em bé mọn của mình: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Trong ngày này, chính Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển như một vị Vua. Người tách mọi người ra hai bên tả hữu như người mục tử tách chiên ra khỏi dê. Và tiêu chuẩn mà Vua Giêsu dựa vào để chia người ta ở bên hữu hay bên tả là việc thực thi bác ái với tha nhân, cách riêng là những người đau khổ và bất hạnh nhất trong xã hội. Qua đây, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy thực thi lệnh truyền của Người là bác ái đối với tha nhân: hãy cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc … vì chỉ khi thực thi lệnh truyền này, chúng ta mới được vào Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua, xin cho chúng con biết thực thi lòng bác ái với tha nhân. Xin cho chúng con biết chuẩn bị sẵn sàng hành trang khi đang sống ở cõi trần này bằng những việc làm bác ái, ngõ hầu mai ngày, chúng con sẽ được Chúa đón nhận vào nơi vinh phúc muôn đời.

Phaolô  Nguyễn Phước Hiền

Thứ Hai – Ngày 27 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Đn 1,1-6.8-20

Tin Mừng : Lc 21,1-4

Khi ấy, Đức Giêsu đang giảng dạy trong Đền Thờ. Ngước mắt lên nhìn, thì thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

THIÊN CHÚA ĐỨNG VỀ PHÍA NGƯỜI NGHÈO

Trong một xã hội đề cao hoặc quá coi trọng vật chất thì người nghèo là đối tượng bị thiệt thòi. Họ bị đối xử bất công, bị áp bức và thậm chí bị tước đoạt nhân phẩm. Nhưng với Thiên Chúa họ luôn luôn được che chở, nâng đỡ và bênh vực, vì Thiên Chúa không đề cao vật chất nhưng Ngài đề cao tấm lòng mà con người dành cho Ngài.

Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã đoái thương và chọn cụ già Ápraham làm cha của một dân tộc; chọn người nói ngọng là Môsê để dẫn dắt dân Chúa ra khỏi cảnh nô lệ; sai ngôn sứ Elia đến với bà góa thành Xarépta thuộc xứ Xiđôn khi bà rơi vào cảnh cùng quẫn… Sau cùng, Thiên Chúa sai chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để biểu lộ khuôn mặt của một vị Thiên Chúa đầy lòng xót thương, cách riêng với những người khốn khổ nghèo hèn nhất.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã quan sát và đề cao việc dâng cúng của bà góa nghèo. Người đã đề cao tấm lòng của bà và khẳng định với các môn đệ rằng bà góa đã dâng cúng nhiều nhất trong số những người hiện diện tại đó. Đức Giêsu khẳng định điều này là có ý gì? Chắc hẳn Người không chỉ dạy chúng ta về hành vi đạo đức nhưng còn cho ta thấy Thiên Chúa luôn nhìn thấu tâm can con người và Ngài yêu thích những tâm hồn chân thật, yêu Ngài với cả tấm lòng mà không suy tư, tính toán. Bà góa đã dâng cho Thiên Chúa tất cả những gì mình bà có cho dù đó là cả vận mệnh của mình. Có lẽ vì sự dâng hiến vô vị lợi này mà Đức Giêsu luôn có cái nhìn trìu mến với những con người cùng khốn.

Tin Mừng về một Thiên Chúa luôn quan tâm đặc biệt đến những người nghèo

khổ cũng là lời nhắc nhở tôi nhìn lại bản thân. Trong từng lời nói, suy nghĩ và hành động, tôi đã thể hiện lòng nhân ái với những người nghèo khổ chưa? Thiên Chúa cần tấm lòng và chính Ngài đã mặc khải cho con người biết, “Ngài muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” (x. Mt 12,8).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết theo gương Chúa mà đứng về phía những người nghèo.

Phêrô Vũ Đức Thắng

Thứ Ba – Ngày 28 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Đn 2,31-45

Tin Mừng : Lc 21,5-11

Khi ấy, nhân có mấy người nói về Đền Thờ lộng lẫy nguy nga với những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu

bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước ?” Đức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây’, và: ‘Thời kỳ đã đến gần; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.”

GIỮ̃NG ĐỨC TIN

Niềm tin Kitô giáo vẫn nhắc chúng ta về niềm hy vọng cánh chung. Và cách thiết thực để sống niềm hy vọng cánh chung là tỉnh thức để không bị lừa gạt.

Lịch sử cho thấy, biết bao dân lành đã ngã xuống trong những cuộc chiến đẫm máu vì những lời lừa gạt: chiến đấu để bảo vệ tôn giáo, chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ dân tộc, chiến đấu cho tự do, dân chủ… Những khẩu hiệu đẹp đẽ lừa gạt đó ngầm chứa những tham vọng cá nhân làm bá chủ, độc tài, gia đình trị như Napoléon, Hitler, Polpôt…

Trước sức mạnh tàn phá của những lọc lừa, Chúa Giêsu dạy các môn đệ và chúng ta phải hết sức đề phòng những ngôn sứ giả, với những lời dụ dỗ đường mật, lôi cuốn chúng ta vào mê hồn trận, khiến chúng ta kiêu ngạo, lầm lạc và nâng mình lên, để bị ngã nhào.

Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta tỉnh thức trước những trào lưu mạo danh thầy Giêsu để lừa gạt. Chỉ khi chúng ta giữ vững niềm tin chân thực vào Đức Giêsu, sống theo giáo huấn chính thống của Giáo Hội, chúng ta mới tránh được những xu hướng lệch lạc đang ngày càng tràn lan trong thế giới này.

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con luôn giữ vừng niềm tin vào Chúa để không bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế. Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con biết lấy Chúa làm niềm vui.

Phanxicô X. Nguyễn Trung Tuyến

Thứ Tư – Ngày 29 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Đn 5,1-6.13-14.16-17.23-28

Tin Mừng : Lc 21,12-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

CHỨNG NHÂN TIN MỪNG

“Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù và điệu đến trước mặt vua Chúa quan quyền vì danh Thầy” (Lc 21,12).

Mang thân phận của kiếp người, hẳn chúng ta không thoát khỏi những giới hạn của con người. Nhiều lúc chúng ta sợ phải đối diện với những khó khăn thử thách trong cuộc sống như: đau khổ, bệnh tật, mất niềm tin và ngay cả cái chết. Nhưng niềm tin vào Đức Kitô giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách và tìm được niềm vui và bình an cho dù phải trả giá bằng cả mạng sống.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ rằng “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù và điệu đến trước mặt vua Chúa quan quyền vì danh Thầy”. Có thể nói bị bách hại là số phận thường tình của người môn đệ theo Chúa. Các môn đệ được mời gọi hãy luôn ở trong tư thế sẵn sàng đón nhận đau khổ, thử thách, bách hại. Tuy vậy, đức tin vào Đức Kitô chính là sức mạnh giúp người môn đệ vượt qua những sóng gió để luôn can đảm làm chứng cho Ngài.

Trong cuộc sống hôm nay, những khó khăn, thử thách và bách hại ấy vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức tinh vi hơn: chủ nghĩa tục hóa lên ngôi, đề cao vật chất, gian dối tràn lan … Đứng trước thực trạng đó, người môn đệ Chúa phải chọn lựa sống lương tâm ngay thẳng, khước từ những điều bất chính, nghịch với Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con hiểu rằng: con đường đưa đến hạnh phúc thật chính là con đường khổ giá. Xin Chúa ban cho con sự can đảm và luôn trung thành đi theo Chúa đến cùng.

Phêrô Nguyễn Thành Trung

Thứ Năm – Ngày 30 – Tháng 11

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. (Đ).

Bài đọc : Rm 10,9-18

Tin Mừng : Mt 4,18-22

Khi ấy, Đức Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

CHỌN THẦY GIÊSU

Cuộc đời mỗi người chúng ta là cả một chuỗi những chọn lựa. Tuy nhiên, có ít là bốn chọn lựa được nhiều người cho là quan trọng cho cuộc đời mỗi người đó là: chọn nghề để làm, chọn bạn để chơi, chọn người để lấy và chọn thầy để học. Có thể nói, việc chọn thầy để học là quan trọng nhất trong cuộc đời. Vì nếu chúng ta tìm đúng người thầy tốt lành và dày dạn kinh nghiệm thì từ đó chúng ta sẽ không sợ bị lạc lối trong cuộc đời. Vậy ông bà ta mới nhắc chúng ta hãy “tầm sư học đạo” là thế.

Hôm nay, lời Chúa cho chúng ta thấy kiểu mẫu tầm sư học đạo của các ông Phêrô, Gioan, Giacôbê và đặc biệt là Anrê mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Chúng ta biết rằng thánh Anrê ban đầu là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả. Khi được thánh Gioan giới thiệu Chúa Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa thì thánh Anrê đã đến tận nơi để gặp cho được Chúa Giêsu. Sau đó, ông đã giới thiệu cho em mình là ông Phêrô, nhưng có lẽ hai anh em nhà này vẫn chưa có quyết định dứt khoát trong việc “tầm sư học đạo”. Hôm nay, chính Chúa Giêsu đích thân tới nơi các ông đang chài lưới để mời gọi, và hai ông đã nhanh chóng đáp lời, bỏ lại tất cả để đi theo Chúa. Từ đây, cuộc đời của các ngài khởi đầu một trang mới, không còn chài lưới cá nhưng là chài lưới người. Người Thầy Giêsu mà Anrê chọn đi theo không chỉ là người đưa đò, mà Ngài còn là bến bờ; không chỉ là người dẫn đường mà chính Ngài cũng là cùng đích mà con người muốn đến. Còn chúng ta thì sao, đâu là chọn lựa quan trọng nhất của cuộc đời chúng ta? Mỗi chúng ta cũng đã chọn Thầy Giêsu,

Người là Thầy và là Chúa của chúng ta chưa? Chúng ta đã chọn Chúa thì cho dù cuộc đời có xô đẩy chúng ta nghiêng ngả, chao đảo thế nào thì chúng ta vẫn trung thành với Ngài.

Lạy Chúa, cuộc đời muôn màu muôn vẻ làm cho chúng con dễ mất phương hướng trong những chọn lựa. Trong mọi biến cố thăng trầm của cuộc đời, xin cho chúng con luôn chọn theo Chúa và trung tín với chọn lựa của mình.

Phaolô Nguyễn Hữu Thiện

Thứ Sáu – Ngày 01 – Tháng 12

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Đn 7,2-14

Tin Mừng : Lc 21,29-33

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn. Người nói: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”

NHÌN VÀ BIẾT

Cũng như khi người ta nhìn lá cây vả mà nhận biết mùa hè đang tới, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài khi nhìn “những điều đó đang xảy ra”, tức những dấu chỉ của thời đại (21,20), của trời đất (21,25), thì nhận biết Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần.

Mỗi ngày ta nhìn thấy nhiều sự kiện, bao biến cố, những con người, với hạnh phúc và niềm vui, cả những đau đớn và xót xa của phận người và thời cuộc, ta đã biết gì, đã suy ngẫm gì, đã làm gì? Có những điều ta “thấy” mà chẳng hề “biết”. Có những biến cố xảy ra trước con mắt hời hợt và bàng quan của ta. Có những con người đi qua đời ta cách vô nghĩa và lạnh lùng.

Chúa muốn ta “biết” điều gì qua những điều ta “thấy” hôm nay? Nếu những điều ta “thấy” chẳng giúp ta “biết” thêm, “biết” sâu hơn về Chúa và anh chị em, “biết” với tất cả con tim yêu mến và xót thương, thì những dấu chỉ của “Triều Đại Thiên Chúa” đã, đang và sẽ đi qua cuộc đời ta cách hời hợt và vô nghĩa. Mỗi một biến cố, mỗi con người ta “thấy” đều là dấu chỉ mà Chúa muốn ta “biết”: biết yêu nhiều hơn, biết tha thứ cách quảng đại hơn, biết hy sinh cho những gì cao đẹp hơn … để “Triều Đại Thiên Chúa” là một hiện thực ngay từ trong cuộc sống đời này.

Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy và nhận biết sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong mọi biến cố vui buồn, và qua những con người Chúa gởi đến trong đời con. Xin cho đời con trở nên dấu của “Triều Đại Thiên Chúa”, là tình yêu và bình an trong cuộc đời này.

Gioan B. Nguyễn Hữu Duy

Thứ Bảy – Ngày 02 – Tháng 12

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXXIV

Bài đọc : Đn 7,15-27

Tin Mừng : Lc 21,34-36

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Phân đoạn Lời Chúa hôm nay là phần cuối của diễn từ cánh chung mà Đức Giêsu muốn trình bày. Trong phần kết thúc diễn từ chung thẩm, Đức Giêsu báo trước về những điều sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng của thế giới hữu hình. Do đó, Ngài đã đưa ra một cách thế sống cụ thể là hãy “tỉnh thức và cầu nguyện” để cảnh tỉnh các môn đệ và dân chúng về thái độ cần có khi Chúa đến.

Tại sao Chúa Giêsu mời gọi con người phải “tỉnh thức và cầu nguyện?” Ngài muốn ám chỉ đến tính cấp bách và khẩn thiết của ngày chung thẩm đang đến và sẽ đến một cách bất ngờ, cùng với sự phán xét rất nghiêm minh. Do đó, con người cần phải “tỉnh thức”. Tỉnh thức để đề phòng trước những sự hấp dẫn của thế gian đang chào mời và lôi kéo, làm cho lòng mình ra nặng nề vì tham sân si, vì chè chén say sưa, vì quá lo lắng sự đời, và vì chìm đắm trong dục vọng xác thịt … mà quên tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, một thực tại thánh thiêng và cao quý, đó là phần thưởng Nước Trời.

Lời mời gọi của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở tỉnh thức mà phải đi đôi với cầu nguyện. Bản chất của con người thì mỏng dòn, yếu đuối dễ bị cuốn hút và mê hoặc bởi những thực tại trần thế. Với sức người, chúng ta không thể vượt thắng. Cầu nguyện là một phương thế tuyệt vời để giúp ta múc lấy nguồn sinh lực tinh thần nội tại lớn lao nhất từ nơi Thiên Chúa để chiến đấu, chống trả những cơn cám dỗ, những thử thách, những ước muốn và khao khát thiếu trong sạch trong đời sống. Cầu nguyện là một hình thức giúp ta sống trong tương quan thân tình với Chúa. Nói khác, cầu nguyện giúp ta mặc vào trong mình tâm tình vui mừng, hy vọng chờ Chúa đến với một thái độ sẵn sàng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức được rằng phận người vắn vỏi và chóng tàn, ngày giờ Thiên Chúa gọi mời cũng thật bất ngờ, xin giúp chúng con luôn biết tỉnh thức và cầu nguyện để đứng vững khi Ngài đến.

Antôn P. Nguyễn Phi Tiến

Bài trướcBản tin Ngày Hội Thao Liên Dòng Tu, mừng Lễ 20-11
Bài tiếp theoCaritas Việt Nam: Tập Huấn tại Giáo Phận Phan Thiết

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.