Thường Niên – Tuần XXIII – Năm C

0
537

Chúa Nhật – Ngày 8 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Bài đọc 1 : Kn 9,13-18

Bài đọc 2 : Plm 9b-10.12-17

Tin Mừng : Lc 14,25-33

Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.”

BƯỚC THEO CHÂN CHÚA

Tin Mừng hôm nay là lời nhắn nhủ cho những ai muốn dấn thân cho Chúa. Theo Chúa, cần từ bỏ tất cả những gì là quý giá thì mới xứng đáng bước theo Ngài.

Mở đầu Tin Mừng là lời trình thuật về việc rất đông người cùng theo Đức Giêsu trên đường đi. Phải chăng họ đang muốn bước theo chính con đường mà Chúa sẽ đi qua; hay bước theo để được nhận làm môn đệ của Chúa; hay vì tính hiếu kỳ hoặc kiếm chút lợi lộc? Có lẽ Chúa Giêsu đã thấu hiểu lòng họ nên Ngài lên tiếng: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Họ theo Chúa Giêsu nhưng còn mang theo quá nhiều thứ. Và chính những điều này đã cản bước họ bước theo Người một cách dứt khoát.

Là những người đang dấn thân theo Chúa, chúng ta đã thực sự từ bỏ tất cả để toàn tâm toàn ý bước theo Người chưa? Chúa muốn chúng ta có một sự tính toán kỹ lưỡng hay đúng hơn là một sự xác quyết chắc chắn như việc xây nhà hay như vua mang quân đi đánh xứ khác. Nếu tính sai thì nhà cũng đổ mà quân cũng tan tành. Theo Chúa là một cuộc lột xác, một sự từ bỏ đích thực, thế nên, đến ngay cả mạng sống mà còn bám víu thì vẫn chưa xứng đáng với Ngài.

Lạy Chúa, bước theo Chúa nhưng bao lần con còn bám víu những thế sự phù vân, những điều vui tai, thích mắt làm che mờ tâm hồn con. Xin Chúa ban cho con sức mạnh để con có thể giũ bỏ những gì không cần thiết, hầu xứng đáng bước theo chân Ngài cho trọn nghĩa tín trung.

Tu sĩ Phêrô Trần Nhật Trường, SVD

Thứ Hai – Ngày 9 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Thánh Phêrô Claver, linh mục (Tr)

Bài đọc : Cl 1,24-2,3

Tin Mừng : Lc 6,6-11

Một ngày sabát, Đức Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pharisêu rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không.

NGÀY SA-BÁT

Chúa Giêsu đã chữa lành một người bị bại tay trong ngày sabát. Các kinh sư và người Pharisêu coi đây là cái cớ để tố cáo Người. Người biết rõ điều đó và đã hỏi họ: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ?” (Lc 6, 9); đồng thời, mặc cho ngày sabát một ý nghĩa mới.

Theo luật Do Thái, ngày sabát là ngày  dành riêng cho Thiên Chúa. Vào ngày này, mọi hoạt động trần thế dường như được ngưng lại để dành trọn cho Thiên Chúa. Chính vì thế, đã không ít lần trong Kinh Thánh, những người Pharisêu đã công kích, phản bác Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài khi Ngài làm những phép lạ và chữa bệnh vào ngày sabát. Họ cho rằng Người đã lỗi luật Môsê.

“Ngày sa bát được làm điều lành hay điều dữ?” Đó là câu hỏi mà Chúa đã đặt ra cho người Pharisêu để họ nhận ra sai lầm của mình. Quả thật, ngày sabát là ngày dành riêng cho Chúa nhưng xét cho cùng điều làm Thiên Chúa vui lòng không chỉ là việc giữ ngày sabát theo hình thức mà chính là việc yêu mến Thiên Chúa thực sự. Tình yêu thì đi đôi với hành động. Đó là việc đem tình yêu Chúa hiện thực hóa trong cuộc sống đời thường của mỗi người.

Với chúng ta, những tín hữu Công Giáo, ngày sabát chính là ngày Chúa Nhật, ngày Chúa Phục Sinh. Chúng ta có giống những người Pharisêu không? Chúng ta giữ ngày Chúa Nhật vì luật buộc hay vì tình yêu? Chúng ta có đi lễ cho xong nhiệm vụ rồi ra khỏi nhà thờ thì đâu lại vào đấy không? Hay là chúng ta đang sống ngày Chúa Nhật với tình yêu Chúa thật sự dành cho Chúa và tha nhân? Câu trả lời được dành riêng cho mỗi người.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống theo đúng tinh thần của ngày sabát, là sống với tình yêu Chúa  và tha nhân thực sự.

Tu sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Tùng, SVD

Thứ Ba – Ngày 10 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Bài đọc : Cl 2,6-15

Tin Mừng : Lc 6,12-19

Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội. Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

MÔN ĐỆ CỦA THẦY GIÊSU

Thánh Luca đã cho tôi thấy tầm quan trọng của việc Chúa Giêsu chọn các tông đồ: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”. Câu chuyện này giúp tôi suy tư về ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu.

Theo lẽ thường, người môn đệ đi tìm thầy học đạo. Còn trong Tin Mừng hôm nay tôi bắt gặp hình ảnh Thầy Giêsu lại đi tìm và tuyển chọn các môn đệ. Người môn đệ của Đức Giêsu trước hết phải là một người được chính Chúa tuyển chọn. Khi tôi chấp nhận và đáp trả lại lời mời gọi của Thầy Giêsu để làm môn đệ của Người, tôi cũng ý thức rằng: trước khi tôi chọn Người thì Người đã chọn tôi trước.

 Mặt khác, người môn đệ noi gương Thầy là người biết cầu nguyện và hăng say trong sứ vụ. Cầu nguyện được ví như hơi thở của linh hồn mang lại sự sống cho con người. Dõi theo hành trình của Thầy Giêsu từ khi công khai sứ vụ rao giảng cho đến lúc chết trên thập giá, Người luôn luôn cầu nguyện. Đặc biệt trước những sự kiện quan trong như: chọn các tồng đồ, chuẩn bị vào cuộc khổ nạn, và ngay trên thập giá vào giờ hấp hối… Người luôn kết hiệp với Chúa Cha. Người cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc. Người thường lên núi cao hoặc lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện (x. Mc 1,15; 6,46; Ga 6,15).

Là môn đệ của Thầy Giêsu, tôi cũng phải noi gương bắt chước Người, nên đồng hình đồng dạng và kết hợp với Người qua mối dây cầu nguyện. Đồng thời dấn thân thi hành lệnh truyền của Người là mang Tin Mừng đến với muôn dân.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con trở thành môn đệ theo mẫu gương của Ngài.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD

Thứ Tư – Ngày 11 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Bài đọc : Cl 3,1-11

Tin Mừng : Lc 6,20-26

Khi ấy, Đức Giêsu dừng lại ở một chỗ đất bằng. Nơi đây có đông đảo dân chúng tìm đến với Người. Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. […]

PHÚC HAY HỌA?

Chúa Giêsu nói đến những “mối phúc” và “mối hoạ”. Tuy nhiên, phúc hay hoạ theo tiêu chuẩn của Chúa hẳn không giống với cái nhìn của con người.

 Trong bài Tin Mừng Hôm nay, Đức Giêsu cũng có những lời chúc phúc dành cho các môn đệ và những người theo Chúa, thế nhưng, những lời chúc này xem ra đi ngược lại với người đời. Cái mà người đời cho là họa thì Chúa lại cho là phúc, còn những gì loài người cho là phúc thì Chúa cho là họa.

Vậy, phúc đối với Chúa là gì? Đó là những kẻ nghèo khó thì được Nước Chúa làm gia nghiệp; kẻ đói khát thì được no lòng; kẻ khóc lóc thì được vui cười; kẻ theo và tin Chúa mà bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả thì được phần thưởng trên trời. Tưởng là nghịch lý, nhưng càng đọc và suy gẫm, ta lại thấy lời Chúa thật sâu sắc, thâm thúy và đúng cho mọi thời đại.

Thiên Chúa không chê trách sự giàu có, sung túc để đề cao sự nghèo khó hay đói khát, nhưng Người đề cao cái tinh thần khó nghèo, thanh thoát với của cải, đề cao nhân phẩm con người là tạo vật mà Chúa đã sáng tạo nên giống hình ảnh Ngài. Con người trọng hơn tiền của, danh vọng nhưng sẽ hạnh phúc và cao quý hơn khi biết chọn Chúa là gia nghiệp,

là lẽ sống cho chính mình. Chúa chính là nguồn gốc của mọi mối phúc. Có Chúa là có tất cả. Trong Chúa, những “mối hoạ” có thể thành “mối phúc”. Nhờ Chúa, những “mối phúc” sẽ viên mãn, tròn đầy.

Lạy Chúa, xin cho con biết thực thi Lời Chúa dạy để sống thanh thoát với của cải, danh vọng và sự ca tụng của người đời, để con nên giống Chúa hơn. Xin cho con đừng tìm mối phúc của thế gian mà biết tìm Chúa là Phúc của đời con.

Tu sĩ Giuse Cao Thế Vĩnh, SVD

Thứ Năm – Ngày 12 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Danh Thánh Đức Maria (Tr)

Bài đọc : Cl 3,12-17

Tin Mừng : Lc 6,27-38

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. […] Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. […]

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA

Trong cuộc sống, điều khó thực hiện nhất có lẽ là tha thứ cho những ai gây đau khổ và làm hại ta bởi con người chúng ta luôn mang trong mình cái tôi to lớn. Tuy vậy, tha thứ lại là đòi buộc của Chúa vì tha thứ là điều kiện để được thứ tha.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta “hãy tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha”. Giáo huấn của Chúa thật khó để ta có thể thực hiện bởi lẽ ta không dễ dàng để bỏ qua một hành động xúc phạm, hay làm ta đau khổ. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống cho thấy, con người thiếu yêu thương, nhường nhịn nhau thì dễ dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối tương quan giữa người với người.

Thật vậy, để có một cuộc sống hạnh phúc, con người cần biết thứ tha cho nhau. Tha thứ là mở rộng tấm lòng để bỏ qua những lỗi lầm cho người khác. Nó kéo những con tim xích lại gần nhau. Giống như Wiliam Arthur Ward nói: “Tha thứ làm ấm con tim và làm mát cơn đau”.

Đành rằng tha thứ cho người khác là một thách đố lớn vì với bản tính xác thịt, chúng ta thích được tha thứ hơn là phải thứ tha. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta luôn được Thiên Chúa mời gọi thực hiện hành động này một cách triệt để, như Chúa đã phán cùng ông Phêrô “Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Hơn nữa, chính khi tha thứ cho người khác thì chúng ta cũng nhận được sự thứ tha. Tha thứ là điều kiện cần thiết để được Thiên Chúa thứ tha: xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (Lc 11,4).

Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương tha thứ như Chúa đã thương thứ tha cho con vì tha thứ là thể hiện tình yêu cao cả mà con người trao cho nhau.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Huy Xuân, SVD

Thứ Sáu – Ngày 13 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh – Lễ nhớ (Tr).

Ngày Trung Thu – Cầu cho thiếu nhi.

Bài đọc : 1Tm 1,1-2.12-14

Tin Mừng : Lc 6,39-42

Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao ? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!

SOI XÉT CHÍNH MÌNH

Chúng ta thường có thói quen đứng trước gương để soi mình, tự ngắm nhìn bản thân. Hành động này giúp ta tự chỉnh sửa diện mạo, chuốt lại dung nhan để bắt mắt hơn. Tâm hồn ta cũng cần một hành động tương tự để trở nên thanh cao hơn.

Qua đoạn Tin Mừng, Đức Kitô nhắn nhủ ta hãy tự soi lòng trước khi xét đoán người khác. Soi lòng chẳng khác gì soi gương. Trong lúc thân, tâm tỉnh táo và bình lặng, ta phản tỉnh, ta chất vấn ta, duy chỉ có ta với ta mà thôi.

Soi gương để sửa lại vẻ bên ngoài, soi lòng nhằm tu sửa nội tâm. Đó là cách rèn dũa bản thân trở nên hoàn thiện theo tháng ngày. Phàm là người trần mắt thịt thì “nhân vô thập toàn”, không ai dám quả quyết rằng tôi viên mãn trong cái toàn mỹ cả. Ta sai lầm với chính ta, có khi ta mắc lỗi với người trong lời nói hay hành vi đối nhân xử thế. Những lỗi lầm mà ta không tự ăn năn hối cải, lâu dần giống như người bị ghẻ lở, vết lở ngày càng lan rộng bào mòn cơ thể. Vậy nên, thời gian phản tỉnh nội tâm, trước hết là cơ hội để ta “biết mình”, biết được cái ưu mà tiến, cái khuyết mà tu chỉnh lại đạo đức của mình. Thánh Augustinô luôn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết con”. Sau nữa, nó giúp ta hiểu người hơn, là phương thức giữ các mối quan hệ sao cho thân ái, hòa hợp. Tăng Tử ngày xưa xét mình ba điều mỗi ngày cũng vì mục đích ấy.

Con người hiện đại quen với lối sống xô bồ. Cuộc sống mưu sinh với bao mối lo toan bộn bề. Cho nên, một không gian tĩnh lặng, một khoảnh khắc trầm lắng ắt là cần thiết để ta soi chiếu nội tâm, để tu chỉnh hành vi ứng xử cho phù hợp với lẽ đời với luân thường đạo lý và hơn hết là hợp với tinh thần Tin Mừng.

Lạy Chúa, xin giúp con dám đối diện với chính mình, suy xét bản thân để con trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Tu sĩ Gioan Trần Văn Vinh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 14 – Tháng 9

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN XXIII

SUY TÔN THÁNH GIÁ – Lễ kính (Đ)

Bài đọc : Ds 21,4b-9, hay  Pl 2,6-11

Tin Mừng : Ga 3,13-17

Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.”

THẬP GIÁ

Vào thời Chúa Giêsu, thập giá là một biểu tượng của sự ô nhục. Thập giá là cách thức xử tử tạo ra một cái chết chậm rãi và đau đớn nhất. Thế nhưng, Thiên Chúa lại biến thập giá thành biểu tượng tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Trên cây thập giá ấy, Người Con của Ngài đã đi đến tận cùng thân phận con người trong sự vâng phục thánh ý của Ngài  một cách toàn vẹn nhằm cứu độ con người.

Trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại việc ông Môsê đã treo con rắn đồng trong sa mạc như là dấu chỉ Người sẽ bị treo trên thập giá để những ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Hình ảnh thập giá vừa là sự đau khổ nhưng cũng là chiến tích của Chúa Giêsu. Vì chính từ thập giá, nguồn ơn cứu độ được ban cho chúng ta. Thập giá trở nên biểu hiệu của tình yêu thương bao la mà Thiên Chúa dành cho con người. Do đó mà thánh Gioan Neumann đã nói rằng: “Thập giá Chúa Kitô đã khiến cho những giá trị nhân bản phải được xét lại, bằng cách bày tỏ một tình yêu mạnh đến nỗi đã san bằng hố sâu giữa sự sống và cái chết.”

Trong đời sống hàng ngày, mỗi người chúng ta đều phải vác lấy cây thập giá của đời mình. Có người vác lấy thập giá của sự ốm đau, bệnh tật, nghèo đói, bất hạnh. Có người sống trong sự giàu sang phú quý nhưng cũng phải vác lấy thập giá của sự căn thẳng, lo âu, sợ hãi, chia ly… Ước gì mỗi người chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho ta qua thập giá, để những nỗi khổ đau của chúng ta được Thiên Chúa xoa dịu, đỡ nâng và ban sức mạnh.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sức mạnh và lòng can đảm để chấp nhận mọi đau khổ, vác lấy thập giá của đời mình mà bước theo Chúa thì thập giá đó là con đường tình yêu.

Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

 

 

 

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật tuần 23 Thường Niên – Năm C
Bài tiếp theoBí Tích Thánh Thể: “Lòng Chúa Thương Xót”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.