Bí Tích Thánh Thể: “Lòng Chúa Thương Xót”

0
809
  1. Nhập đề

Công Đồng Vaticanô II gọi Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu.[1] Vì Chúa Giêsu ban chính Mình Thánh và Máu Thánh Người qua Bí Tích Thánh Thể để làm thần lương nuôi dưỡng linh hồn chúng ta và ân sủng để chúng ta chu toàn nhiệm vụ hằng ngày. Mà một trong những nhiệm vụ hằng ngày cần chu toàn ấy là tỏ lòng yêu thương, lòng thương xót theo như gương của Người đối với những người xung quanh. Sống Bí Tích Thánh Thể thật cần thiết cho đời sống lữ thứ trần gian của Kitô hữu. Mọi bàn luận về Bí Tích Thánh Thể thì cũng bao gồm Lòng Thương Xót vì cả hai là một. Lòng Thương Xót là Chúa Giêsu, Đấng giàu lòng thương xót đã Nhập Thể làm người, và Ngài ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Thể chính là Chúa Giêsu, Lòng Thương Xót. Ngày 17 thánh 4 năm 2003, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã viết Thông điệp Ecclesia de Eucharistia. Trong Thông điệp này ngài nhắm đến việc “thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể”. Việc thắp lại bằng cách đánh giá đúng và mới mẻ đối với Hy Tế và sự Hiện Diện của Đức Kitô sẽ lôi kéo được nhiều ân huệ cần thiết đối với tất cả mọi người. Việc thắp lại điều kinh ngạc về Thánh Thể nằm ở trung tâm của việc Tân Phúc Âm Hóa, hầu mang lại một nền văn minh tình yêu. Để làm được như vậy, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn mọi người chiêm ngắm chính Đức Giêsu Kitô, Đấng giàu lòng thương xót. Ngày 30 tháng 4 năm 2000 thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lập ra Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót. Và Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu, được gọi là “Bí Tích Của Lòng Xót Thương”. Phát xuất từ những điểm này, tôi sẽ trình bày dưới đây về Thánh Thể: “Lòng Chúa Thương Xót” và sau đó sẽ rút ra những bài học trong việc thực hành “Lòng Chúa Thương Xót” trong đời sống Kitô hữu.

  1. Nội dung
    • Ý Nghĩa “Lòng Chúa thương xót

“Lòng Chúa thương xót” trong tiếng Anh là Divine Mercy, và tiếng La tinh là Divina Misericordia. Trong đó, Divina có nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, còn Misericordia có các nghĩa như lòng trắc ẩn, lòng từ bi, lòng nhân từ, lòng thương xót. Trong tiếng Việt, từ này được dịch theo các cách như “Lòng thương xót Chúa” hay “Lòng thương xót của Chúa” hoặc “Lòng Chúa Thương Xót”. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của cụm từ này, linh mục Stephano Huỳnh Trụ phân tích từng từ với ý nghĩa như sau: Chữ “lòng” theo nghĩa Nôm là những bộ phận trong bụng của con vật giết thịt, dùng làm thức ăn; bụng con người, tâm địa, coi là biểu tượng của mặt tâm lý, tình cảm, ý chí, tinh thần. Chữ “thương”, nghĩa Hán: chúng ta thường thấy từ này đi kèm theo thuật ngữ như thương xót, xót xa, buồn sầu; nghĩa Nôm là yêu, trìu mến nhiều, xót xa, tổn hại. Chữ “xót” nghĩa Nôm là da non gặp chua hay mặn, ngứa ngáy, xốn, thương sâu xa, tiếc, nhớ.[2]

Tóm lại “thương xót” là động từ với nghĩa đau thương và xót xa vì nỗi bất hạnh của người khác. “Lòng Chúa thương xót” diễn tả ý: Lòng Thiên Chúa thương xót mọi người.

  • Kinh Thánh Nói Về Lòng Chúa Thương Xót
    • Lòng Chúa Thương Xót Trong Cựu Ước

Ngay những trang đầu sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài muôn vật bằng tình yêu của Ngài và Ngài đã đặc biệt tạo dựng con người theo cách thức riêng biệt để tỏ tình yêu của Người: Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa (St 1,26-27). Vì con người được dựng nên giống với hình ảnh Thiên Chúa nên con người có một lý trí, và nhờ ân sủng nên con người có khả năng nhận biết, yêu mến Thiên Chúa và được Thiên Chúa mời gọi thông phần sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người đầu tiên đã phản nghịch lại Thiên Chúa, tự đánh mất hết ân nghĩa với Ngài. Mặc dù vậy, Thiên Chúa vẫn xót thương, không bỏ rơi con người và hứa ban ơn cứu độ cho con người.

Trong lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Thiên Chúa luôn tỏ lòng xót thương đối với dân riêng của Ngài, dân Ítraen. Công thức Chúa xót thương trước cảnh lầm than của dân: dân dần đi nghịch lại với tình thương của Người; Thiên Chúa phạt dân nhưng thực ra là để dân nhận ra lỗi của mình; dân hối lỗi; và rồi Thiên Chúa lại tỏ lòng xót thương mà tha cho dân (x. Xh 34,6-7; Đnl 4,30-31). Một khi dân nhận ra tình thương của Thiên Chúa đối với mình, dân không ngừng hát khen, ca ngợi lòng thương xót Chúa bằng những Thánh vịnh (x. 136; 106; 107 và 118).

Kinh Thánh Cựu Ước dùng nhiều từ khác nhau để diễn tả “lòng Chúa thương xót”. Chúng ta thấy có các từ như: hesed diễn tả tình yêu lẫn nhau và lệ thuộc vào nhau. Kiểu tình yêu này thường được dùng để diễn tả tình yêu vợ chồng, thí dụ như Abraham và Sarah (St 20:13), Oócpa và Máclôn, Rút và Kingiôn (x. R 1,1-18); tình bạn sâu đậm như giữa Đavít và Jonathan (1 Sm 20,8.14-15); nó có nghĩa vừa khởi xướng và biểu thị đặc điểm trong mối dây ràng buộc giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái (Xh 34,6-7). Một từ nữa là rahamim có nghĩa liên quan đến “bụng dạ” ám chỉ đến tình yêu cha hoặc mẹ dành cho con cái. Thiên Chúa cũng được nhắc đến vừa là “tình mẹ” (Is 49,15; Gr 31,20) vừa “tình cha” (Tv 103,13; Is 63,15-16). Từ cuối cùng là “hen”, nó có nghĩa thẩm mỹ và nghĩa “ân sủng” hoặc “ân huệ”. Nó không mang tính tương quan, không có ý bền lâu, nó chủ yếu dựa vào lòng tốt của người cho.[3]

Như thế, chúng ta có thể tóm lại lòng Chúa thương xót trong Kinh Thánh Cựu Ước trong câu: Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi (x. Xh 34, 6-7; Tv 103,8; 145,8; Ge 2,13; Gn 4,2).

  • Lòng Chúa Thương Xót Trong Tân ước

Chúng ta vừa thấy như trình bày ở trên, toàn bộ lịch sử cứu độ trong Cựu Ước tất cả đều quy về lòng Chúa thương xót. Đến thời Tân Ước, lòng thương xót ấy được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu Kitô. Chúng ta có thể nói chính sự hiện diện của Đức Giêsu ở trần thế này cũng chính là cách thể hiện lòng Chúa thương xót cách cụ thể nơi cuộc sống, lời giảng dạy, cái chết và Phục sinh của Ngài.

Tin Mừng thánh Mátthêu tóm lược sứ vụ của Đức Giêsu: giảng dạy-rao giảng-chữa lành: Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và chữa lành hết các bệnh hoạn, tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (Mt 9,35-36).[4] Chúng ta cũng có thể bắt gặp những đoạn khác nói đến lòng thương xót mà Đức Giêsu làm và muốn diễn tả (x. 5,7; 9,12-13).

Tin Mừng theo thánh Luca được đặt gọi là Tin Mừng của lòng thương xót. Lòng Chúa thương xót được diễn tả ngay từ những chương đầu của tác phẩm: Ðức Maria vào nhà ông Dacaria, tán tụng Chúa bằng cả linh hồn vì họ nhận ra lòng Chúa thương xót, điều mà từ đời nọ đến đời kia được trao ban cho những ai kính yêu Ngài (x. Lc 1,49-54; 1,72). Và lòng Chúa thương xót dần đi đến đỉnh điểm với các dụ ngôn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa như “con chiên lạc” (15,4-7), “người cha nhân hậu” (15,11-32), “người Samaritanô nhân hậu” (10,25-37).

Ngoài ra, các thư thánh Tông Đồ Phaolô cũng nói đến Đức Giêsu Kitô như là người sống và mạc khải lòng Chúa thương xót. Đối với thánh nhân, Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót (x. 2 Cr 2,1), Đấng giàu lòng xót thương (x. Ep 2,4). Thư Hípri lại trình bày Đức Kitô như là Đấng đầy lòng nhân từ (Hr 2,17).

Tóm lại, Đức Giêsu chính là Lòng Chúa Thương Xót hiện diện thật trong lịch sử loài người. Lòng Thương Xót ấy không mơ hồ, không khó hiểu vì tất cả đã được thể hiện qua chính cuộc đời của Đức Giêsu và chính Người cũng đã để lại một giao ước tình yêu qua việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với các môn đệ của Người và các môn đệ của Người tiếp tục cử hành Bí Tích ấy cho tới khi Người trở lại.

  1. Bí Tích Thánh Thể, Đức Giêsu của lòng thương xót

Hội Thánh dạy rằng, ngay lúc Truyền Phép trong Thánh Lễ, bánh và rượu trên bàn thờ biến thể thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô. Bánh và ruợu không còn nữa, mặc dầu vẻ bề ngoài không thay đổi. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi trong tinh thần, còn sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể được gọi là sự Hiện Diện Thật. Đức Giêsu sống lại và Người vẫn đang sống. Đối với những kẻ nhận biết Người, thì Đức Giêsu là một con người cụ thể, không hề trừu tượng. Quả thật, đối với Đức Giêsu, các sự việc diễn tiến thậm chí lại còn tốt đẹp hơn.[5] Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng khẳng định: Việc chiêm niệm Đức Kitô đòi hỏi phải có khả năng nhận ra Người ở nơi Người tự tỏ mình, qua nhiều hình thức hiện diện của Người, nhưng quan trọng hơn hết, trong Bí Tích Mình và Máu Thánh sống động của Người. Giáo Hội rút ra sự sống của mình từ Đức Kitô trong phép Thánh thể: Nhờ Người, Giáo Hội được nuôi dưỡng, và nhờ Người, Giáo Hội được soi sáng. Bất cứ ở đâu Giáo Hội cử hành Thánh Lễ, bằng cách thức nào đó, tín hữu đều có thể sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau: ‘Mắt hai ông mở ra, và họ nhận ra Người’ (Lc 24,31).[6] Nhờ vậy toàn bộ Mầu Nhiệm rực rỡ của Thánh Thể sẽ được tỏ bày ra và không gì khác hơn đó chính là Đức Giêsu của Lòng Thương Xót.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết một lời bình luận: Lời yêu cầu mà một số người Hy Lạp hành hương đến Giêrusalem trong Lễ Vượt Qua đã gửi đến Tông Đồ Philípphê, vang vọng trong chúng ta về mặt thiêng liêng. Giống như những khách hành hương hai ngàn năm trước, những con người của thời đại ngày nay – có lẽ thường một cách vô ý thức – không chỉ đòi hỏi các tín hữu phải ‘nói’ về Đức Kitô, nhưng theo nghĩa nào đó, còn phải ‘chỉ cho’ họ về Người nữa. Và bổn phận của Giáo Hội là phản chiếu ánh sáng của Đức Kitô trong mọi thời kỳ lịch sử, và làm cho khuôn mặt của Người chiếu tỏa trước các thế hệ. Tuy nhiên, chứng từ của chúng ta sẽ không đầy đủ, nếu trước hết, bản thân chúng ta không chiêm ngắm khuôn mặt của Người. Hơn lúc nào hết, chắc chắn cái nhìn chăm chú của chúng ta phải kiên quyết cố định vào khuôn mặt của Chúa. Việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể cho chúng ta biết về Đức Giêsu.[7]

  1. Kitô hữu sống Bí Tích Thánh Thể bằng chiều kích Lòng Thương Xót

Đức Giêsu đã nói với Thánh nữ Faustina, được ghi lại trong “Nhật ký về Lòng Chúa Thương Xót”: Ôi, thật đau lòng biết bao đối với Ta, khi các linh hồn rất hiếm khi kết hiệp với Ta qua việc Rước Lễ. Ta chờ đợi các linh hồn, thế mà họ vẫn cứ dửng dưng với Ta. Ta yêu thương họ một cách nhân hậu và chân thành, thế mà họ lại không tín thác nơi Ta. Ta muốn ban cho họ dồi dào các ân huệ của Ta, thế mà họ lại không muốn đón nhận.[8] Mọi thời và mọi lúc, Đức Giêsu luôn khao khát, đợi chờ mọi người đến kết hiệp với Người để Người biến tất cả thành giống Người qua việc thôi thúc mọi người sống tình yêu của Người, sống lòng thương xót như Người. Quả thật, sống Bí Tích Thánh Thể quy chiếu tất cả về Chúa, làm tất cả mọi sự trong đời để tôn vinh Chúa. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI viết: Việc phượng tự mới của người Kitô hữu [Bí Tích Thánh Thể] bao trùm hết mọi khía cạnh của đời sống, bằng cách biến đổi chính đời sống này: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10, 31).[9]

Sống Thánh Thể là để những tia sáng thương xót từ Thánh Thể Chúa chiếu qua chúng ta đến toàn thế giới. Nhờ đó, chúng ta trở nên hình ảnh của Lòng Thương Xót, chiếu Tình Yêu và Lòng Thương Xót vào lòng tha nhân. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (Mt 5,14-16).

Chúa muốn chúng ta đón rước Người trong việc rước và viếng Thánh Thể thường xuyên. Người muốn ban phát dư đầy ân sủng cho chúng ta, nhưng nhiều người trong chúng ta còn quá lơ là. Trong một lời nhắn nhủ cùng Thánh Faustina, Người nói: Họ đối xử với Ta như một đối tượng đã chết, trong khi trái tim Ta đầy tình yêu thương và lòng thương xót. Để con có thể hiểu được ít nhất nỗi đau khổ nào đó của Ta, con hãy tưởng tượng bà mẹ dịu hiền nhất rất yêu thương con cái mình, trong khi những đứa con đó lại hắt hủi tình yêu của bà. Hãy suy nghĩ về nỗi đau khổ của bà. Không ai ở trong tư thế để an ủi được bà ấy. Đây chỉ là một hình ảnh lờ mờ và giống như tình yêu của Ta mà thôi.[10]

Sống Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp cho người ta mở rộng tầm nhìn để nhìn ra những dấu chỉ thời đại, hướng lòng ra với những con người trong xã hội. Cha thánh Eymard thấy rõ trong những giây phút kết hiệp với Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể: Xã hội đang hấp hối vì đánh mất dần chân lý, lòng xót thương và tình bác ái. Mỗi người bị cô lập, sống lẻ loi và quay về chính mình, muốn tự mãn với chính mình, chỉ biết lo cho bản thân mình. Một sự đổ vỡ hoàn toàn sắp xảy ra. Nhưng xã hội sẽ hồi sinh khi mọi người tụ họp lại chung quanh Đức Kitô, Đấng giàu lòng thương xót. Những tương quan sẽ được lập lại hoàn toàn tự nhiên chung quanh một chân lý chung. Những giây liên kết của tình bạn chân thật và đáng tin cậy sẽ được đổi mới qua sức mạnh của tình yêu chia sẻ. Nó sẽ đánh dấu sự trở lại của những ngày đầy yêu thương nơi phòng Tiệc Ly.

  1. Kết Luận

Lòng Chúa Thương Xót diễn tả khá cô đọng về bản tính của Ngài. Điều đó được chứng thực trong suốt chiều dài của lịch sử cứu độ. Đức Giêsu đã đem Lòng Thương Xót ấy đến gần và ở với con người qua cuộc sống, lời giảng, việc làm và đặc biệt là cái chết và phục sinh của Người. Người tiếp tục tỏ lộ Lòng Thương Xót ấy qua Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu, Bí Tích của Lòng Chúa Thương Xót. Vậy đối với tôi, là một tu sĩ, tôi phải có thái độ và sống Bí Tích của Lòng Thương Xót ấy như thế nào? Tôi thiết tưởng, những lời Đức Giêsu nói qua thánh Faustina sẽ hướng dẫn tôi cách đúng đắn: Mọi linh hồn, nhất là linh hồn các tu sĩ, phải phản ảnh lòng thương xót của Cha. Trái tim Cha chan chứa tình yêu thương đối với mọi người. Trái tim của những người dấu yêu của Cha cũng phải nên giống Trái Tim Cha; trái tim ấy cũng phải tuôn trào nguồn xót thương của Cha cho các linh hồn; nếu không, Cha sẽ không nhận họ là những người thuộc về Cha.[11]

Lm. Gioan Trần Nam Phong, SVD

Tài Liệu Tham Khảo

Tông Huấn Lumen Gentium.

ĐTC Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Sacramentum Caritatis.

Stephanô Huỳnh Trụ, Tìm Hiểu Từ Vựng Công Giáo.

Lm Phao-lô Vũ Chí Hỷ, SSS, Hy Lễ Tạ Ơn-Cuộc Tưởng Niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua-Bí Tích Tình Yêu-Bánh Trường Sinh và Chén Cứu Độ, Giáo trình lớp Thần II 2015, HV Đa Minh.

Nhật Ký Thánh Faustina, http://tinthac.net/vi/news, cập nhật 28/11/2015.

Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS, Tân Phúc Âm Hóa và Việc Thắp Lại Điều Kinh Ngạc của Bí Tích Thánh Thể, http://catechesis.net, cập nhật 28/11/2015.

Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS, Thánh Thể- Bí Tích Của Lòng Xót Thương, http://www.memaria.org, cập nhật 28/11/2015.

Sống Sứ Điệp Lòng Thương Xót là Sống Bí Tích Thánh Thể, http://ltxcvntls.clicforum.com, cập nhật 28/11/2015.

[1]Lumen Gentium, số 11.

[2] Stephanô Huỳnh Trụ, Tìm Hiểu Từ Vựng Công Giáo, tr. 398-403.

[3] Joseph A. Komonchak, The New Dictionary of Theology, NXB Saint Paul, 1991, tr. 650.

[4] Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS, Hy Lễ Tạ Ơn-Cuộc Tưởng Niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua-Bí Tích Tình Yêu-Bánh Trường Sinh và Chén Cứu Độ, Giáo trình lớp Thần II 2015, HV. Đa Minh, tr. 32.

[5] Lm Raniero Cantalamessa, OFM., Cap, Bài báo Internet Zenit

[6] ĐTC Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia.

[7] Lm Trần Đình Long, SSS, Tân Phúc Âm Hóa, Thắp Lại Điều Kinh Ngạc Của Bí Tích Thánh Thể, http://catechesis.net

[8] Nhật ký của Thánh nữ Faustina, số 1447.

[9]Sacramentum Caritatis, số 71.

[10]Nhật ký của Thánh nữ Faustina, số 1447.

[11]Nhật Ký Thánh Faustina, số 1148.

 

 

 

Bài trướcThường Niên – Tuần XXIII – Năm C
Bài tiếp theoCảm nhận về một bức thư nhân dịp năm học mới…..!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.