Phục Sinh – Tuần I – Năm A

0
307

Chúa Nhật – Ngày 16 – Tháng 4

CHÚA NHẬT PHỤC SINH – MỪNG CHÚA SỐNG LẠI

Bài đọc 1 : Cv 10,34a.37-43

Bài đọc 2 : Cl 3,1-4 hoặc 1 Cr 5,6b-8

Tin Mừng : Ga 20,1-9

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN

Tu sĩ Gioan Trần Nam Phong, SVD

Trình thuật về ngôi mộ trống là dấu chỉ đầu tiên nói về sự phục sinh của Đức Giêsu. Sự phục sinh của Người là trung tâm của đức tin Kitô giáo và cũng là trung tâm của Tin Mừng được rao giảng (x.1Cr 15,14). Nhưng, để có được một sự xác tín về sự phục sinh của Đức Giêsu cần phải trải qua một quá trình và trên hết là đức tin.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy ba nhân vật với ba thái độ nhận thức về sự kiện ngôi mộ trống. Bà Maria

Mácđala có thái độ hoảng hốt; thánh Phêrô nhìn thấy mọi sự mà không hiểu gì trong sự ngỡ ngàng; còn người môn đệ Chúa yêu, là người đi vào trong mộ sau cùng, thì “đã thấy và đã tin.” Ông tin là Đức Giêsu Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết. Chính đức tin đã cho ông một sự xác tín mạnh mẽ.

Còn chúng ta, giờ đây chúng ta có nhận thức như thế nào về trình thuật ngôi mộ trống, một sự kiện đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm? Sự phục sinh của Đức Giêsu là điều chắc chắn vì điều này đã được nói trước trong Thánh Kinh về sự vinh thắng của Đấng Mêsia, là sự tiên trưng về sự phục sinh của Đức Giêsu. Ngoài ra, sự phục sinh của Đức Giêsu cũng đã được chính Đức Giêsu tiên báo nhiều lần trước khi Người chịu khổ nạn (x. Ga 2,19; Mt 16,21; Mc 9,31; Lc 9,22). Song, sự phục sinh của Đức Giêsu chỉ có thể nhận thức được cách rõ ràng nhất qua đức tin và nhờ đức tin, giống như người môn đệ Chúa yêu: “ông đã thấy và ông đã tin.”

Lạy Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, xin ban cho chúng con có đôi mắt đức tin để chúng con có thể nhìn thấy vinh quang của Ngài, và giúp chúng con mỗi ngày sống mật thiết hơn với Ngài để chúng con lớn mạnh hơn trong tình yêu.

Thứ Hai – Ngày 17 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 2,14.22b-33

Tin Mừng : Mt 28,8-15

Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay. Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay.

ĐẶT SỰ SỢ HÃI TRONG CHÚA

Tu sĩ  Antôn P. Nguyễn Tất Bính, SVD

Nỗi sợ luôn là vấn đề thường trực nơi đời sống con người. Trẻ có nỗi sợ của trẻ, già có nỗi sợ của già; người nghèo có nỗi sợ của người nghèo, người giàu có nỗi sợ của người giàu; kẻ tội lỗi hay người công chính cũng có nỗi sợ nơi mình. Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy một nỗi sợ của những người theo Chúa, thế nhưng nỗi sợ của những người phụ nữ này là sợ trong niềm vui, niềm vui vào một Đức Kitô Phục Sinh mà họ vừa được hé mở (x.Mt 28,8).

Làm sao không khỏi sợ hãi, bàng hoàng, nhất là đối với những người phụ nữ chân yếu tay mền như bà Maria Mácđala, khi mà trong khoảng một thời gian ngắn họ đã phải trải qua bao nỗi kinh hoàng. Chúa mà họ tin tưởng, hy vọng trong bao năm trời đã chết. Vậy mà giờ họ lại nhận thêm một cú sốc nữa, Đức Giêsu đã chết nay Người đã sống lại. Họ không chỉ được nghe các thiên thần loan báo (x.Mt 28,5) mà còn tận mắt chứng kiến và gặp Đấng Phục Sinh nữa (x.Mt 28,9). Song, chính Đấng Phục Sinh đã xóa tan bao nỗi sợ hãi mà họ đã phải gánh chịu. Giờ đây, dù còn chút bàng hoàng, nhưng với họ, nỗi sợ đó đã biến thành niềm vui vì họ đã được gặp Chúa đang sống.

Trong cuộc đời, chúng ta cũng có biết bao nhiêu nỗi sợ. Nhưng một khi đã tin tưởng và phó thác nơi Chúa rồi, chúng ta không cần phải sợ hãi nữa, vì biết rằng, nhờ thập giá đau thương chúng ta sẽ được phục sinh như Chúa. Chỉ khi tin tưởng cách tuyệt đối, sống phó thác cách tuyệt đối vào Chúa, chúng ta mới có thể cảm nhận được bình an trong Chúa dù phải đối diện với muôn vàn thử thách chông gai.

Lạy Chúa, xin cho lời Chúa hôm nay trở thành nguồn động lực và cùng đích của đời con.

Thứ Ba – Ngày 18 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 2,36-41

Tin Mừng : Ga 20,11-18

Khi ấy, bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’) […]

CHỨNG NHÂN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

Tu sĩ Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với bà Maria Mácđala và gọi chính tên bà. Bà Maria đã nhận ra tiếng Chúa và đã làm chứng cho Người (x.Ga 20,18).

Bà Maria nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người gọi chính tên bà. Chúng ta biết, tình cảm của bà Maria đối với Chúa thắm thiết biết chừng nào: khi không thấy xác Chúa, bà đã khóc; dường như thế giới xung quanh như không còn ý nghĩa gì đối với bà nữa. Bà đã không tìm gì ngoài Chúa. Bà không nhận ra ai khác; các thiên thần và cả Chúa Giêsu mà bà cũng tưởng người làm vườn. Thế nhưng, khi Chúa Phục Sinh gọi tên bà, thì tất cả bừng tỉnh, bà nhận ra Người ngay.

Để nhận ra Chúa, tôi phải có được một con tim nhạy bén biết rộng mở và biết lắng nghe. Hay nói cách khác, phải luôn gần gũi Người, gắn bó với Người; tôi có yêu Chúa nhiều thì mới nhận ra tiếng Người gọi tôi. Chúa biết đích danh từng người, Người vẫn gọi chúng ta mỗi giây phút trong cuộc sống. Chúng ta đã để tâm lắng nghe để có thể nhận ra Người hay chưa?

Bà Maria nhận ra Chúa, gặp gỡ Chúa và bà liền vui mừng đi báo tin cho các môn đệ. Có thể nói bà được coi như là “tông đồ cho các tông đồ”. Chính bà đã thấy tận mắt Chúa Phục Sinh và đã làm chứng cho Ngài trước mặt các tông đồ.

Chúa chết, các Tông Đồ hoang mang, sợ hãi, mất niềm tin, thất vọng. Giờ đây bà Maria đã mang đem đến tin vui cho các ông: Chúa đã phục sinh. Có khi nào chúng ta thờ ơ với sứ vụ làm chứng cho Đấng Phục Sinh không? Cuộc sống của chúng ta có là lời chứng hay đang là rào cản mọi người đến với Chúa?

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho mỗi người chúng con có thể nhận ra tiếng gọi của Chúa, để can đảm làm chứng cho Người.

Thứ Tư – Ngày 19 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 3,1-10

Tin Mừng : Lc 24,13-35

[…] Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

NHẬN RA TIẾNG CHÚA

Tu sĩ Gioan B. Trần Vui, SVD

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại câu chuyện hai môn đệ trên đường đi Emmau. Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với họ, nhưng họ không nhận ra Chúa cho đến khi Người bẻ bánh và trao cho họ.

Theo các tác giả Tin Mừng thì trong các bài tường thuật Chúa sống lại, các môn đệ không thể nhận ra Đức Kitô khi Người hiện ra với họ. Bà Maria Mácđala nghĩ đó là người làm vườn; nhóm Mười Một thì tưởng là ma; còn hai môn đệ trên đường Emmau trong bài Tin Mừng hôm nay thì cho là một lữ khách. Có lẽ các môn đệ Đức Giêsu, cách riêng là hai môn đệ trên đường Emmau, đã không nhận ra Chúa bởi trong lòng họ bây giờ là hình ảnh một Đức Giêsu đã chết và bị mai táng trong mồ. Họ đã theo Đức Giêsu với bao hy vọng, nhưng bây giờ, mọi sự đã kết thúc. Họ đang thất vọng. Do đó, việc Đức Kitô đang sống dường như là khó chấp nhận, dù các ngôn sứ và chính Đức Giêsu cũng đã tiên báo với họ về điều này.

Ngày hôm nay, làm sao để chúng ta gặp gỡ và nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh trong biến cố thường ngày? Các môn đệ xưa đã phải nhờ đến những kinh nghiệm riêng về Chúa để có thể nhận ra Người: kinh nghiệm của bà Maria Mácđala là nghe tiếng gọi của Chúa; kinh nghiệm của các Tông đồ là xem thấy và đụng chạm tới Người; và kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau là việc thấy Chúa bẻ bánh. Còn chúng ta thì sao?

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho chúng con luôn biết gắn bó với Ngài trong những biến cố hằng ngày để chúng con có thể cảm nghiệm được Ngài, có kinh nghiệm về Ngài; như thế chúng con mới có thể nhận ra và đón nhận Chúa.

Thứ Năm – Ngày 20 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 3,11-26

Tin Mừng : Lc 24,35-48

Khi ấy, hai môn đệ từ Emmau trở về thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông […]

BÌNH AN VÀ SỨ VỤ

Lm. Giuse Trần Thanh Hải, SVD

Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều biến động, có nhiều mâu thuẫn, ngờ vực và bất an. Chiến tranh, bạo lực và khủng bố xảy ra hằng ngày đã cướp đi biết bao sinh mạng, gây nên làn sóng căm phẫn và sợ hãi cho bao người. Sau khi Đức Giêsu chịu chết, các môn đệ của Người cũng sống trong bối cảnh như thế: sợ hãi, hoang mang và mất phương hướng.

Đứng trước thực trạng đó, người môn đệ, cũng như chúng ta hôm nay đều ước mong có được những tháng ngày vui tươi, hạnh phúc và bình an. Niềm khát vọng và chờ mong đó, chỉ có thể được khỏa lấp bởi sự hiện diện và đồng hành của Đức Kitô Phục Sinh mà bài Tin Mừng hôm nay đã đề cập đến. Người đã hiện ra, trao ban bình an, cùng ở, cùng ăn với các môn đệ.

Đức Kitô Phục Sinh đã đến khi các môn đệ đang đau khổ, hoảng loạn, bất an và không biết phải làm gì. Không những thế, Người còn cho các ông xem tay và cạnh sườn để minh chứng rằng, Người đã sống lại thật. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Người. Các ông an tâm vì sự hiện diện của Người. Tiếp đến, Người chỉ dạy và mở trí cho các ông, mời gọi các ông làm chứng cho tình thương và ơn tha thứ, qua cái chết và sống lại của Người.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, Chúa đến xua tan những âu lo, sợ hãi của chúng con. Xin Chúa dùng quyền năng mà an ủi và bảo vệ chúng con. Xin cho chúng con trở nên chứng nhân cho Chúa, hầu làm cho Tin Mừng về sự sống lại của Chúa được nhiều người biết đến và đón nhận; cho sứ điệp tình thương và ơn tha thứ của Chúa được lan tỏa trong môi trường và thế giới chúng con đang sống.

Thứ Sáu – Ngày 21 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 4,1-12

Tin Mừng : Ga 21,1-14

[…] Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước […]

CHÚA ĐÓ !

Lm. Giuse Nguyễn Văn Chín, SVD

Phép lạ hôm nay được thánh Gioan kể lại và cũng là phép lạ cuối cùng của Chúa Giêsu nơi trần thế. Phép lạ này xảy ra sau khi Chúa Giêsu sống lại, nghĩa là trong khoảng thời gian 40 ngày trước khi Người về trời. Nhờ mẻ cá lạ, các Tông Đồ đã nhận ra Chúa. Người đầu tiên nhận ra Chúa là  thánh Gioan, và kế đến là các Tông Đồ khác.

Vất vả thả lưới thâu đêm nhưng các môn đệ không bắt được gì cả. Khi họ chèo thuyền vào gần bờ, Chúa Giêsu  Phục Sinh hiện đến đứng ở trên bờ mà họ không biết Người là ai. Sau vài câu chào hỏi, Chúa bảo họ thả lưới. Có một điều đặc biệt là họ đã thả lưới suốt đêm ở những chỗ hy vọng có cá mà không bắt được gì. Lúc các ông đã mệt nhoài, Người lại bảo thả lưới gần bờ, thì hy vọng gì! Vậy mà không hiểu sao họ lại làm ngay theo lời đề nghị đó. Họ đã được một mẻ cá lớn. Tông Đồ Gioan là người phát hiện ra người lạ đó chính là Chúa qua lời quả quyết:  “Chúa đó”! Rồi trong bữa ăn sáng sau đó, Chúa cầm bánh và trao cho họ, cũng một cử chỉ như Chúa đã làm trong bữa Tiệc Ly. Lúc đó niềm tin của họ càng vững chắc hơn.

Rất nhiều người trong chúng ta tưởng rằng muốn được gặp Chúa thì chúng ta phải đi tới nơi nọ nơi kia, phải đến nhà thờ nọ nhà thờ kia. Việc Chúa hiện ra với các Tông Đồ trong bài Tin Mừng hôm nay là cơ hội để chúng ta suy nghĩ lại. Chúng ta có thể gặp được Chúa và nói lên “Chúa đó” trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con nhận ra Chúa trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt nơi những người nghèo mà chúng con tiếp xúc hằng ngày.

Thứ Bảy – Ngày 22 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 4,13-21

Tin Mừng : Mc 16,9-15

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê.  Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

CỦNG CỐ LÒNG TIN

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Dũng, SVD

Khoa học dù có tiến bộ đến mức nào đi nữa thì cũng không thể làm cho người chết được hồi sinh. Trình thuật của thánh Máccô trong bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy sự hoài nghi nơi các môn đệ Chúa về sự phục sinh. Đối với con người bình thường, kẻ chết sống lại là chuyện thật khó tin, khó chấp nhận. Tuy nhiên, với Thiên Chúa thì không có gì Ngài không thể làm được.

Trong lúc các Tông Đồ hoang mang, buồn sầu, niềm tin bị sụp đổ vì cái chết của Thầy mình, thì Chúa Giêsu hiện ra để củng cố lại tất cả cho các ông. Đã có những dấu chỉ và những cuộc hiện ra để chứng thực Chúa đã sống lại. Dầu vậy, các môn đệ Chúa vẫn cứng lòng tin. Sau cùng Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một và khiển trách các ông. Được tận mắt chứng kiến Chúa Phục Sinh, niềm tin của các môn đệ đã bừng cháy, tâm hồn các ông như đi từ một mùa đông giá buốt sang mùa xuân ấp áp. Các môn đệ được chiếu rọi nhờ ánh sáng Chúa Giêsu Phục Sinh. Giờ đây, các ông cảm nhận Chúa vẫn kề bên mình; Người vẫn yêu thương và luôn nâng đỡ các ông trong mọi bước đường. Trong niềm vui hân hoan, lòng đầy xác tín, các Tông Đồ đã đón nhận sứ vụ cao cả mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao phó: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 1,15).

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, vì những lo toan bộn bề của cuộc sống, giữa vòng xoáy của cuộc đời, có lúc chúng con đánh mất niềm tin. Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng con.

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Phục Sinh – Năm A
Bài tiếp theoBài giảng cảm động của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Phục Sinh 2017

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.