Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43
“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23
Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó (c. 24).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. – Ðáp.
2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. – Ðáp.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. – Ðáp.
Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4
“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8
“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.
Ðó là lời Chúa.
Ca Tiếp Liên
(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)
Các Kitô hữu hãy tiến dâng
lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.
Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:
Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.
Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,
tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.
Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe
bà đã thấy gì trên quãng đường đi?
Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống
và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,
thấy các thiên thần làm chứng,
thấy khăn liệm và y phục.
Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,
Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.
Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!
Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.
Alleluia: 1 Cr 5, 7b-8a
Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 20, 1-9
“Người phải sống lại từ cõi chết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
NGÔN NGỮ NHIỆM MẦU CỦA TÌNH YÊU & SỨ VỤ CHỨNG TÁ TIN MỪNG
Lm. Inhaxiô Nguyễn Hoàng Hiệp, SVD
Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ long trọng mừng đại lễ Phục Sinh. Đại lễ Phục Sinh được xem như là chóp đỉnh, là lễ mẹ của mọi thánh lễ khác trong năm phụng vụ. Mừng đại lễ Chúa Phục Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy hân hoan, hãy vui lên, hãy hát vang lời ca Alleluia – Alleluia – Alleluia vì Đức Giêsu Chúa chúng ta đã sống lại thật rồi. Người hoàn toàn đánh bại sự chết và chiến thắng tử thần. Vì thế, từ nay thần chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Nguồn sống mới Phục Sinh, nguồn ơn cứu độ khởi đi từ Đức Kitô đã thực sự lan tỏa và tràn ngập trên khắp cùng cõi địa cầu. Ôi đẹp thay, tình yêu Đức Giêsu Kitô vô cùng mạnh mẽ, tình yêu ấy mạnh hơn cả sự chết. Nay sức sống Phục Sinh nơi Đức Kitô đã chiếu sáng rạng ngời trên tất cả mỗi người chúng ta. Mừng đại lễ Phục Sinh hôm nay, lời Chúa mời gọi chúng ta điều gì?
Qua các bài đọc của ngày đại lễ Phục Sinh, lời Chúa mời gọi chúng ta hãy dìm mình vào trong biển cả của tình yêu Giêsu để cảm nghiệm vẻ đẹp và sự tuyệt diệu linh thiêng của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người chúng ta. Đồng thời hãy mạnh dạn sống mầu nhiệm Phục Sinh bằng cách mau mắn đi loan tin vui, Tin Mừng trọng đại ấy cho mọi người cùng được biết, như Tông Đồ trưởng Phêrô cùng các Tông Đồ, các môn đệ và những người từng đi theo Đức Kitô đã thực hiện trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai, sau khi Đức Giêsu Kitô Phục Sinh.
- Ngôn Ngữ Nhiệm Mầu Của Tình Yêu
Trước tiên, theo bản văn Tin Mừng thánh Gioan thuật lại hôm nay, chúng ta thử hỏi do đâu mà người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến sớm nhận ra ngay là Thầy mình đã sống lại, trong khi bà Maria Mađalêna đang còn ngờ vực? Suy gẫm sâu về điều này, chúng ta mới chân nhận ra ý nghĩa nhiệm mầu của ngôn ngữ tình yêu. Tình yêu mà Chúa Giêsu đã dành cho thánh Gioan và tình yêu thánh nhân đã dành cho Thầy mình. Chính ngôn ngữ của tình yêu như tiếng gọi vọng lên từ tận thẳm sâu đáy lòng thánh Gioan đã thôi thúc, soi sáng và giúp cho ngài mau mắn cảm nghiệm, đọc được, nhận ra và xác tín mạnh mẽ rằng Thầy mình sẽ sống lại như lời Kinh Thánh đã chép về Người: “Đức Giêsu phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21). Cũng chính ngôn ngữ tình yêu sớm mách bảo cho thánh Gioan, giúp ngài linh cảm và nhận ra mầu nhiệm Phục Sinh của Thầy, trong khi nhiều người chung quanh không cảm nghiệm và hiểu rõ điều này. Ngôn ngữ của tình yêu là thế đó; không phải bằng lời, mà chính bằng kinh nghiệm sống động của tình mến và niềm tin đến từ bên trong lòng. Thực tế cuộc sống dạy cho chúng ta biết, khi người ta yêu nhau, ngôn ngữ bằng lời không thể nào lột tả hết chiều cao, độ sâu, mức rộng, chiều dài và sức nặng thăm thẳm của tình yêu khởi nguồn từ bên trong lòng họ. Ngoài ngôn ngữ có lời, có tiếng, có âm và có thanh được phát từ miệng lưỡi, thì ngôn ngữ còn được diễn tả qua ánh mắt, nụ cười, qua khuôn mặt, qua chân tay, qua điệu bộ lẫn hình thể, v.v. Hơn thế nữa, ngôn ngữ của tình yêu được truyền đi từ sự rung cảm thẳm sâu nơi cõi lòng và xúc động ở con tim. Ở điểm này chúng ta có thể nói được rằng chính con tim luôn thổn thức yêu thương của Đức Giêsu đã chạm được trái tim của người môn đệ Gioan và trái tim của Gioan cũng đụng chạm đến trái tim thầy Giêsu. Hay nói khác, lòng đã chạm được lòng giữa hai Thầy trò, đó là động lực, là tác nhân và là mấu chốt mà thánh Gioan “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).
Quả thế, chính ngôn ngữ tình yêu đã giúp cho thánh Gioan không chỉ nhận ra từ đôi mắt thể lý, mà sâu xa hơn là đã thấy và tin nhờ ánh mắt của con tim, vì đã hết lòng yêu thương và tin tưởng lời Thầy nói là sự thật, rằng: “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9). Ở đây, chúng ta bắt gặp được sự nhảy vọt trong tình yêu. Tin và yêu song hành cùng yêu và tin; tình yêu giúp cho thánh Gioan tin ngay khi nhận thấy sự khác thường nơi huyệt mộ khi trời vừa tảng sáng. Chính tình yêu đã giúp cho thánh Gioan có được một niềm tin nhảy vọt không thể suy diễn theo kiểu lý trí; trái lại, lý lẽ con tim đã mách bảo và thánh nhân tin rằng Thầy mình thực đã phục sinh. Thánh Gioan không chỉ tin bằng tai, bằng mắt, mà hơn thế nữa, con tim ông đã thao thức và rung động cùng những nhịp tim của Thầy mình.
- Sứ Vụ Chứng Tá Tin Mừng
Chứng tá cho Tin Mừng Phục Sinh vừa là hồng ân, vừa là sứ vụ và cũng là bổn phận của tất cả mọi Kitô hữu. Trong ngày hồng ân lãnh nhận bí tích thanh tẩy, chúng ta đã được nhận lãnh ánh sáng Phục Sinh cùng với các tác vụ làm vương đế, tư tế và ngôn sứ cho Đức Kitô. Mừng đại lễ Phục Sinh mà chúng ta chưa ra đi làm chứng tá cho Tin Mừng, thì chẳng khác nào người tín hữu “hữu danh vô thực”. Hay nói như lời thánh Giacôbê Tông Đồ: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17). Người kitô hữu cần sống chứng tá cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh khi thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi.
Tạ ơn Chúa, trong ngày mừng đại lễ Phục Sinh hôm nay, một lần nữa chúng ta lại được nghe lời Chúa theo sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại chứng tá mạnh mẽ đáng khen ngợi của thánh Phêrô. Ngài từ một người nhút nhát, sợ sệt và chối thầy đến ba lần trước giờ Chúa Giêsu chịu tử nạn;ngài còn trốn chui trốn nhủi trong những ngày đầu, nhưng giờ đây nhờ ân sủng Chúa Phục Sinh, thánh nhân đã mạnh dạn rao giảng và làm chứng về Chúa Phục Sinh một cách hùng hồn trước toàn dân: “Bấy giờ, ông Phêrô đứng chung với nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng…, anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi” (Cv 2,14.23-25). Ngài còn nhấn mạnh: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng…, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,40).
Sự Phục Sinh của Đức Giêsu đã làm thay đổi toàn diện con người thánh Phêrô. Giờ đây thánh nhân cảm thấy sung sướng tự hào khi bị bắt, bị đánh đập và bị bỏ tù vì danh Đức Kitô. Còn với chúng ta thì sao? Đặt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, chúng ta có dám chắc là mình không bỏ, không chối thầy chăng? Hay có khi chúng ta không những chối Chúa ba lần, mà đến ba mươi lần. Điều chúng ta cần biết hơn, khi sống lại Chúa Giêsu không đi tìm thánh Phêrô để tra hỏi và kết tội; trái lại, dường như Người quên hay cố tình quên đi tất cả tội lỗi của thánh nhân mà chỉ mời gọi thánh Phêrô cùng các Tông Đồ hãy mau mau đi loan báo cho muôn dân được biết Tin Mừng trọng đại rằng Người đã Phục Sinh. Vì thế, ngày hôm nay Chúa Giêsu không hề chê bỏ chúng ta yếu đuối, kém cỏi, lỗi lầm, song Người thiết tha mời gọi chúng ta hãy thực hành giới răn yêu thương trong chính đời sống chứng tá của mình và mạnh dạn loan báo sứ điệp tình thương của Người cho muôn dân.
Thêm vào đó, mừng đại lễ Phục Sinh, mừng sự kiện trọng đại Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại hôm nay, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ rằng: Kể từ đây, niềm tin và niềm hy vọng về sự sống đời sau của chúng ta không còn là điều viển vông, mơ hồ và khó hiểu. Trái lại, Chúa Giêsu Phục Sinh mang lại sức sống thần linh cho nhân loại. Sự sống Giêsu không còn bị chôn vùi nơi đáy huyệt mộ thẳm sâu. Thay vào đó, sức sống mới, sức sống siêu nhiên nơi Đức Kitô Chúa chúng ta đã bừng lên, bừng lên và kéo tất cả chúng ta từ thân phận bụi tro, nô lệ, tôi đòi nay lên hàng thừa kế, được chung hưởng phần gia nghiệp đời đời trong Nước Hằng Sống. Chính sự sống thần linh của Người đã mở toang cánh cửa dẫn vào thiên đàng cho những người đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. Hơn thế nữa, lời hứa từ bao thời qua các tổ phụ Ápraham, Isaác, Giacóp và các ngôn sứ nay đã trở thành hiện thực. Sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô khai mở cho vũ trụ và con người một kỷ nguyên mới,kỷ nguyên của ân sủng và tình yêu. Tình yêu ấy được biểu lộ trọn vẹn cho con người nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa,một “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16). Không những thế, ngày Ngôi Hai Con Một Thiên Chúa Phục Sinh cũng được xem như là ngày khai sinh ra Giáo Hội. Vì thế, chúng ta hãy hân hoan loan báo Tin Mừng trọng đại này cho trần thế hôm nay và cho mãi về sau.
Tóm lại, chính nhờ ngôn ngữ tình yêu và kinh nghiệm sâu đậm với Thầy Giêsu, màthánh Gioan đã tin Chúa Phục Sinh. Tin Mừng Phục Sinh mời gọi chúng ta hãy mau mau làm chứng tá cho Người. Nguyện xin ân sủng, tình yêu và sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô tuôn đổ đầy tràn trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Nhờ sức sống Thần Linh của Chúa Giêsu ban tặng, chúng ta hãy luôn can đảm sống, và mang Tin Mừng trọng đại ấy đi loan báo và làm chứng tá cho mọi người biết được rằng Thiên Chúa đã yêu thương và cứu chuộc nhân loại chúng ta bằng con đường khổ giá, bằng chính giá máu của Người. Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình Chúa yêu ta. Vậy chúng ta hãy trân quý giá máu cứu chuộc chính Đức Giêsu Kitô đã đổ ra vì chúng ta, để ngày hôm nay chúng ta được sống trong ân sủng và tình yêu của Người.