MV Tuần IV – B & Bát Nhật GS

0
332

Chúa Nhật – Ngày 24- Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN IV

Bài đọc 1 : 2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16

Bài đọc 2 : Rm 16,25-27

Tin Mừng : Lc 1,26-38

“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ítraen đã viếng thăm cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Đavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước; Chúa đã thề với tổ phụ Ápraham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên.Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.”

NIỀM VUI LỚN

Phân đoạn Lời Chúa hôm nay là lời chúc tụng của ông Dacaria dâng lên Thiên Chúa trong ngày lễ cắt bì cho con trẻ Gioan tại nhà ông. Ông đại diện cho toàn thể dân Israel và cho chính gia đình, gia tộc của ông dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng vì hai niềm vui lớn mà Thiên Chúa ban tặng.

Niềm vui thứ nhất là được Thiên Chúa đoái thương và cứu chuộc dân Người. Đối với dân Do Thái, việc trông đợi Đấng Cứu Thế đã trải dài qua muôn vàn thế hệ, và nỗi khát khao đó được viên mãn khi ánh sáng của “Vầng Đông” xuất hiện. Nghĩa là Thiên Chúa bắt đầu thực hiện lời hứa cứu độ mà Người đã hứa từ ngàn xưa với tổ phụ Ápraham và qua miệng các vị ngôn sứ. Lời hứa đó nay đã được ứng nghiệm nơi chính Con Một Thiên Chúa là Đức Giêsu. Đó là niềm vui lớn lao và trọng đại khoả lấp nỗi khát khao chờ mong bấy lâu của dân Israel nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung.

Niềm vui thứ hai là cho chính gia đình và gia tộc ông Dacaria. Trình thuật Kinh Thánh cho chúng ta thấy, ông Dacaria và bà Êlisabét đã cao niên nhưng vẫn chưa có một mụn con để nối dõi tông đường. Theo quan niệm của người Do Thái, hiếm muộn hay son sẻ là nỗi ô nhục cho chính đương sự và cả gia tộc. Trong tình cảnh đó, Thiên Chúa đã dủ lòng xót thương và ban tặng cho ông bà một người con là Gioan Tẩy Giả. Có được người con là niềm vui lớn lao không gì sánh bằng đối với ông bà và gia tộc lúc này. Thiên Chúa đã biến sự ô nhục thành niềm vui, biến sự thất vọng thành niềm hy vọng. Và niềm vui đó lại được nhân đôi khi người con của ông bà lại được Thiên Chúa tuyển chọn để làm ngôn sứ cho Ngài.

Lạy Chúa, ông Dacaria đã cất lời chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân cứu độ và món quà thiên tử. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con tâm tình cảm tạ và tri ân vì biết bao niềm vui, ân phúc mà Chúa đã thương ban cho chúng con.

Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Hai – Ngày 25 – Tháng 12

CHÚA GIÁNG SINH – Lễ trọng

Bài đọc 1 : Is 52,7-10

 Bài đọc 2 : Hr 1,1-6

Tin Mừng : Ga 1,1-18

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người […]

NHẬN LÃNH NIỀM VUI ĐỂ TRAO BAN

Giáng Sinh là một từ rất đỗi quen thuộc đối với tất cả mọi tầng lớp trong xã hội; già trẻ, lớn bé, ai cũng có thể trả lời cho câu hỏi Giáng Sinh là gì? Giáng Sinh cũng là dịp để các bạn trẻ bày tỏ tình cảm với nhau. Giáng Sinh cũng là cơ hội để mọi người trao cho nhau những món quà, cánh thiệp với những lời chúc ngọt ngào và ấm áp. Nhưng với người Kitô hữu, Giáng Sinh là một món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho loài người; món quà đó là Ngôi Lời Nhập Thể.

Thật vậy, bài Tin Mừng ngày hôm nay mặc khải về nguồn gốc thần linh của Ngôi Lời. Người hiện hữu từ muôn thuở cùng với Thiên Chúa và chính Người là Thiên Chúa. Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Người đã nhập thể làm người và sống giữa lòng nhân loại, để nâng loài người lên, cho họ được thông phần vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Nhập Thể thật sự là mầu nhiệm lớn lao và sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.

Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta được mời gọi suy niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm tình yêu. Vì yêu nhân loại nên Chúa Giêsu đã xuống thế làm người để cứu chuộc con người khỏi tội lỗi. Cho nên, khi suy niệm về Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta cũng được mời gọi hãy biết yêu thương tha nhân; sẻ chia cơm áo với những người nghèo khó; yêu thương, nâng đỡ những người bất hạnh trong cuộc sống; tha thứ, chấp nhận những người tội lỗi… Hình ảnh thấp hèn, đơn sơ khó nghèo của Hài Nhi nằm trong máng cỏ sẽ giúp chúng ta ý thức hành động của mình trước những đam mê, cám dỗ của cuộc sống.

Lạy Chúa, tình yêu của Ngài dành cho chúng con thật bao la. Ngài đã ban Con yêu dấu của Ngài xuống trần gian để cứu chuộc tội lỗi chúng con. Xin Chúa thánh hóa tâm hồn mỗi người chúng con biết nhận ra lỗi lầm của mình, và luôn biết chạy đến với tình yêu của Ngài để được yêu và sẻ chia tình yêu ấy cho tha nhân.

Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD

Thứ Ba – Ngày 26 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

THÁNH STÊPHANÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI. Lễ kính. (Đ).

Bài đọc : Cv 6,8-10

Tin Mừng : Mt 10:17-22

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Stêphanô, vị phó tế tử đạo tiên khởi. Thánh nhân được xem là con người đầy đức tin và Thánh Thần (Cv 6,5), đầy ân sủng và quyền năng, làm được những điềm thiêng, dấu lạ (Cv 6,8). Và lúc chết, thánh nhân đã thực sự nên giống Thầy mình, trung thành trọn vẹn trong tình yêu thương.

Noi gương thánh nhân, mỗi người chúng ta hãy là một nhân chứng sống động cho tình yêu và sự thật giữa xã hội hôm nay, một xã hội mà ở đó, gian dối lọc lừa tràn lan, đạo đức xuống cấp trầm trọng, con người hầu như mất niềm tin ở nhau. Đây là môi trường để mỗi người Kitô hữu như một hạt giống tốt, cần phải chết đi cho thế gian để sinh nhiều hạt giống khác, để mang lại hương hoa, tình yêu, sự thật cho đời.

Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa; chúng ta có trách nhiệm sống và làm chứng như Thầy Giêsu đã dạy. Nhờ đó, cuộc sống và tình yêu của chúng ta có thể lan tỏa đến những người chưa nhận biết Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, để làm chứng cho Ngài giữa thời đại hôm nay không phải là điều dễ dàng. Chúng con cần đến Chúa trong mọi việc, trong mọi hành động. Nhờ lời bầu cử của thánh Stêphanô, xin cho chúng con có thể kiên cường hơn trong việc làm chứng cho tình yêu và chân lý của Chúa trong mỗi giây phút của cuộc đời chúng con.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Tư – Ngày 27 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

THÁNH GIOAN, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ SÁCH Tin Mừng. Lễ kính. (Đ).

Bài đọc : 1 Ga 1,1-4

Tin Mừng : Ga 20,2-8

Sáng sớm ngày Phục Sinh, Bà Maria chạy đi gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

CẦN MỘT ĐỨC TIN MẠNH MẼ

Đoạn Tin Mừng về “ngôi mộ trống” hướng cái nhìn của tôi về hai nhân vật, đó là: Bà Maria Mácđala và “người môn đệ kia”. Bà Maria Mácđala là người được Chúa Giêsu chữa khỏi bảy quỷ; còn “người môn đệ kia” chính là thánh Gioan.

Trước ngôi mộ trống, hai nhân vật này đã thể hiện hai tâm trạng khác nhau. Đối với bà Maria Mácđala, đó là tâm trạng hoang mang, sợ hãi. Bà không còn bình tĩnh để suy xét. Bà chỉ nghĩ ai đó đã trộm xác Thầy mình. Ngược lại, “người môn đệ kia” không bối rối sợ hãi, chỉ đứng ngoài và nhìn vào trong. Ông thể hiện một cử chỉ ung dung, thư thái, với bộ mặt điềm tĩnh vì tin rằng Thầy mình đã sống lại. Sự sống lại của Đức Kitô, qua “ngôi mộ trống”, đã tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, xóa tan sự sợ hãi cho “người môn đệ Chúa yêu”, cho ông Simôn Phêrô, cho bà Maria Mácđala.

Nhiều lúc trong đời sống tu trì, tôi cũng thường hay bối rối, lo sợ. Tấm gương về sự bình tĩnh, tin tưởng và phó thác của “người môn đệ Chúa yêu”, giúp tôi sống khiêm nhường, tin tưởng, phó thác vào quyền năng của Chúa. Có như thế, tôi mới có thể theo sát Đức Kitô, sống trong Đức Kitô, vững mạnh trong Đức Kitô và cản đảm bước theo Đức Kitô trong Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chiến thắng sự chết để đi đến vinh quang. Xin cho mỗi người chúng con là con cái của Ngài, biết tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ, để chúng con can đảm làm chứng cho Chúa ở trần gian này.

Tu sĩ Antôn Nguyễn Văn Khoát, SVD

Thứ Năm – Ngày 28 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

CÁC THÁNH ANH HÀI, TỬ ĐẠO. Lễ kính. (Đ).

Bài đọc : 1 Ga 1,5-2,2

Tin Mừng : Mt 2,13-18

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập. Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

DÁM TỪ BỎ, DÁM CHẤP NHẬN

Đứng trước những đau khổ trong đời sống, có nhiều khi con người không hiểu nổi. Những người đạo đức bình dân thì cho là Chúa gửi đến để thanh luyện tâm hồn; những người mạnh mẽ thì cho đó là một điều bình thường trong cuộc sống; những người có tâm hồn dễ bị tổn thương thì than thân, trách phận; còn dưới con mắt đức tin, chúng ta sẽ tìm thấy giá trị trong những biến cố đau buồn.

Các thánh Anh Hài và những bà mẹ mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay cũng phải gánh chịu đau khổ. Họ không muốn những đau khổ đó, và cũng chẳng thể hiểu tại sao nó lại xảy đến. Nỗi đau khổ tột cùng và vô vọng được diễn tả qua tiếng khóc thảm thiết của những bà mẹ khi những đứa con, niềm hi vọng của cuộc đời họ, bị sát hại (x. Mt 2,18). Nhưng chính đau khổ của họ, điều mà lúc đó họ không hiểu, đã góp phần mang lại hoa trái và ơn phúc cho nhân loại, và cả chính họ nữa. Họ chịu đau khổ để Chúa được lớn lên.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng không thiếu khốn khó, gian truân. Trước những niềm đau đó, có người biết chấp nhận và tin tưởng, phó thác nơi Chúa, nhưng cũng có người thất vọng, chán chường. Song nếu chúng ta nhìn đau khổ trong con mắt đức tin, dám và biết đứng lên từ những nỗi đau ấy, thì những đau khổ đó không hẳn là không có giá trị.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm tín thác nơi Chúa. Xin ban cho chúng con sức mạnh của Chúa để chúng con biết tìm giá trị trong khổ đau.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Sáu – Ngày 29 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Bài đọc : 1 Ga 2,3-11

Tin Mừng : Lc 2,22-35

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa […]

CUỘC HỘI NGỘ GIỮA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI

Tin Mừng hôm nay nói về việc cha mẹ Đức Giêsu đưa Người lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa. Tại Đền Thờ Giêrusalem, ông Simêôn đã được diễm phúc gặp gỡ, bồng ẵm Hài Nhi Giêsu, chúc tụng Thiên Chúa, và nói tiên tri về tương lai con trẻ và mẹ Người. Câu chuyện có vẻ đơn giản ngắn ngủi, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa và bài học sâu sắc.

Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu tâm tình, cung cách của cụ Simêôn. Tin Mừng cho ta biết ông là “người công chính sùng đạo, hằng mong chờ niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25). Điều này chứng tỏ ông luôn sống trong tư thế tỉnh thức, sẵn sàng, và khao khát được diện kiến Đấng mà dân tộc Israel đang mong đợi. Nhờ có đời sống cầu nguyện liên lỉ và được Thánh Thần hướng dẫn, nên ông đã có mặt tại Đền Thờ đúng thời điểm trẻ Giêsu xuất hiện, để rồi được diện kiến Cứu Chúa của Israel. Niềm mong ước tột cùng nơi tâm hồn ông giờ đây đã được đền đáp. Thế nên, giờ đây ông coi những cái khác đều vô nghĩa, thậm chí ông đã xin Chúa cho ông được “an bình ra đi”.

Sau nữa, từ nhân vật Simêôn, chúng ta có thể nhìn lại cách sống của chính mình. Là Kitô hữu, chúng ta có ra sức tìm Chúa và mong ước được gặp Ngài như ông Simêôn, hay chúng ta vẫn chờ đợi điều gì khác? Hằng ngày, chúng ta được tiếp xúc với Chúa qua Thánh Thể và Lời của Ngài, liệu ta có được bình an và no thỏa trong tâm hồn hay ta vẫn trống rỗng và hoài nghi? Chúa Thánh Thần đến trong tâm hồn chúng ta qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, nhưng ta có để cho Ngài hướng dẫn cuộc đời ta, hay ta đang ngăn cản sự tác động của Ngài để tự làm theo ý riêng của mình?

Lạy Chúa, xin biến đổi lòng chúng con, giúp chúng con mở rộng con tim để luôn khao khát kiếm tìm và được gặp Chúa trong cuộc sống.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 30 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Bài đọc : 1 Ga 2,12-17

Tin Mừng : Lc 2,36-40

Khi ấy, có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

SỐNG ĐỨC TIN NHƯ BÀ ANNA

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho ta cái nhìn đức tin từ bà Anna. Là một phụ nữ góa bụa và được ơn nghĩa Chúa, bà Anna đã sống trong sự tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa.

Bà Anna được sánh ví như ngôn sứ, sống cuộc đời đạo hạnh và hằng sống trong ơn nghĩa với Chúa từ khi góa bụa cho đến khi gặp được Hài Nhi Giêsu. Được ơn thúc đẩy bởi đức tin, bà đã đến Đền Thờ Giêsusalem để chúc tụng Hài Nhi Giêsu và loan tin bình an này đến với những ai đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Ngày nay, chúng ta vẫn thấy có những nhóm phụ nữ góa bụa, sống yên vui và tận tâm phục vụ tha nhân, phục vụ giáo xứ trong các giờ phụng, thánh lễ, cầu nguyện và làm chứng cho Tin Mừng Chúa ngay giữa đời thường.

Noi gương chứng nhân đức tin của bà Anna, chúng ta cũng được mời gọi để sống chứng nhân tông đồ, loan tin bình an của Chúa đến với muôn người, bằng đời sống chứng tá cho Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu Hài Nhi, chúng con đang sống trong những ngày của niềm vui, niềm vui của Tin Mừng bình an đến cho nhân loại. Xin Chúa hãy giáng sinh mãi trong cõi lòng chúng con và ban cho chúng con ơn đức tin mạnh mẽ như bà ngôn sứ Anna, để chúng con biết cách sống đúng giá trị của một Kitô hữu đích thực giữa lòng đời hôm nay.

Tu sĩ Phaolô Nguyễn Phước Hiền, SVD

Chúa Nhật – Ngày 31 – Tháng 12

TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

LỄ THÁNH GIA THẤT

Bài đọc 1 : St 15,1-6.21,1-3

Bài đọc 2 : Hr 11,8.11-12.17-19

Tin Mừng : Lc 2,22-40

Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên

Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt conđược thấy ơn cứu độ  Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sángsoi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.” Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêôn vừa nói về Người. Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng ; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

VÂNG THEO LUẬT CHÚA

Tuân giữ luật lệ là một điều cần thiết cho hết thảy mọi người thuộc bất kì một quốc gia hoặc một tổ chức nào. Bởi lề luật giúp con người ta đi trên đời mà không sợ hình phạt.

Tuy nhiên, khi nghe tới hai chữ lề luật, người ta thường có phản ứng ngay rằng, đó là một điều gì đó đè nặng lên cuộc sống của con người. Nhưng với luật của Thiên Chúa, luật yêu thương, thì luật đó đem lại sự sống và bình an cho chính bản thân và có thể thông truyền bình an ấy cho người khác nữa.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng Thánh Gia đã thực thi lề luật của Môsê qua việc dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ. Mặc dù các ngài được tuyển chọn để cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, nhưng các ngài vẫn sống theo lề luật. Việc Thánh Gia vâng theo lề luật đã dẫn tới cuộc gặp gỡ của cụ già Simêôn, nữ tiên tri Anna với Hài Nhi Giêsu, và từ đó cả hai cụ già được thông phần vào niềm vui bình an của Thánh Gia.

Lạy Chúa, xin cho con yêu mến luật Chúa trong địa vị con; xin giúp con khám phá ra vẻ thiện hảo của luật Chúa, vì luật Ngài là ánh sáng chiếu soi từng bước đường con đi.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Bài trướcCĐ Triết học Ngôi Lời: Hơi Ấm Mùa Giáng Sinh
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 4 Mùa Vọng – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây