Mùa Vọng – Tuần II – Năm A

0
648

Chúa Nhật – Ngày 8 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc 1 : Is 11,1-10

Bài đọc 2 : Rm 15,4-9

Tin Mừng : Mt 3,1-12

Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.

Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Bấy giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. Thấy nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.”

 

NGƯỜI ĐÁNH THỨC

Nghe lời kêu gọi của ông Gioan rằng hãy sám hối và trở về với Thiên Chúa vì Nước Trời đã đến gần, nhiều người đã kéo đến với ông để thú tội và chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối.

Trong số những người đến với ông Gioan, có hay không những người thiếu lòng thành, họ đến với ông chỉ vì theo phong trào, theo đám đông? Điều này Tin Mừng không đề cập đến, và ông Gioan

cũng chẳng từ chối một ai trong số họ; có chăng ông chỉ có những lời đanh thép đối với những người Pharisêu và Xađốc mà thôi. Ông gọi họ là nòi răn độc, nhưng ông lại khuyên họ hãy sinh hoa quả thiêng liêng để tỏ lòng sám hối; nghĩa là phải trở về với lòng thành, từ bỏ lối sống khôn ranh như rắn và cũng đừng tự hào coi mình là con cái Ápraham hay con cái Thiên Chúa mà quên mất mình đang sống vô luân.

Thái độ của ông Gioan đối với dân chúng, với những người Pharisêu và Xađốc là bài học quý giá cho người mục tử. Bổn phận của người mục tử là cảnh báo cho dân trước những nguy cơ khiến họ xa rời đức tin, thức tỉnh dân Chúa khi họ lầm đường lạc lối. Bằng lời lẽ khôn ngoan, lúc từ tốn, lúc khuyên bảo, lúc đanh thép, người mục tử khiến dân thấy được những lỗi lầm của mình. Để từ đó, họ sám hối chân thành và đón Chúa đến trong cuộc đời. Lại nữa, khi dân Chúa đến với các Bí Tích, người mục tử đừng từ chối và cũng đừng làm họ sợ vì quyền uy nhưng sợ vì tội lỗi của mình.

Lạy Chúa, xin ban ơn cho những người mang sứ vụ đánh thức dân Chúa để họ dọn tâm hồn đón Chúa đến trong cuộc đời.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD

 

Thứ Hai – Ngày 9 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI.

Lễ trọng (Tr).

Bài đọc 1 : St 3,9-15.20

Bài đọc 2 : Ep 1,3-6.11-12

Tin Mừng : Lc 1,26-38

Khi ấy, Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” […]

 

TRUYỀN TIN

Truyền tin là gì? Truyền tin có nghĩa là mang một tin tức nào đó đến cho một ai đó. Truyền tin đồng thời cũng đi kèm với sự đáp trả.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc sứ Thần của Thiên Chúa truyền tin cho Đức Maria. Tin tức của sứ thần đem đến mang lại niềm vui và hy vọng cho toàn thể nhân loại: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”.  Qua Mẹ Maria, Thiên Chúa mang niềm vui đến cho nhân loại. Nhờ Mẹ Maria, nhân loại được Thiên Chúa đến ở cùng. Cùng với Mẹ Maria, nhân loại được Chúa ban ân sủng. Thật là một tin vui trọng đại!

Trước tin trọng đại của Thiên Chúa qua sứ thần, Mẹ Maria đã đáp trả bằng tiếng “xin vâng”. Tiếng xin vâng của Mẹ là tiếng xin vâng cho toàn thể nhân loại. Nhờ tiếng xin vâng ấy, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch yêu thương và cứu độ con người thông qua sự cộng tác của nữ tỳ khiêm tốn là Mẹ Maria, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”(Lc 1,37).

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng nhận được những lời “truyền tin” từ Thiên Chúa, thông qua những biến cố vui buồn trong cuộc sống, những người được Chúa gởi đến trong đời ta, những sứ vụ ta được giao phó, nhằm giúp ta trưởng thành và thăng tiến về mọi nhân đức trong đời sống. Tuy nhiên, chúng ta có đáp trả bằng tiếng “xin vâng” như Mẹ Maria hay chúng ta giả điếc làm ngơ?

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhạy cảm để nhận ra sứ điệp Chúa gởi đến cho chúng con; đồng thời, xin cho chúng con biết mau mắn đáp trả bằng đời sống.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Trung Tâm, SVD

Thứ Ba – Ngày 10 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Bài đọc : Is 40,1-11

Tin Mừng : Mt 18,12-14

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?  Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

 

CON CHIÊN LẠC VÀ NGƯỜI ĐI TÌM

Câu chuyện con chiên lạc trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ quá quen thuộc với chúng ta. Hình ảnh “con chiên lạc” và “người đi tìm”  đáng để mỗi người chúng ta phải suy nghĩ, nhất là trong bối cảnh xã hội hôm nay.

Ý nghĩa câu chuyện nói về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài luôn tìm kiếm và chờ mong những kẻ tội lỗi trở lại, vì Ngài luôn muốn con người được sống trong tình yêu và ân sủng của Ngài. Hình ảnh một Thiên Chúa yêu thương thật cần thiết cho xã hội hôm nay, một xã hội đang đánh mất những giá trị sống nhân bản, và kéo theo đó là sự khủng hoảng về đạo đức và luân lý.

Là Kitô hữu, sống trong môi trường xã hội như thế, chắc hẳn chúng ta ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta bị cuốn vào chủ nghĩa hưởng thụ, tôn thờ những giá trị vật chất, để rồi không còn lưu tâm đến những giá trị đạo đức và lương tâm. Hậu quả của lối sống đó là sự ích kỷ, ghen ghét, vô cảm và thiếu tình yêu thương giữa con người với nhau. Với lối sống như thế, chúng ta đi ngược lại điều mà Đức Giêsu kêu mời; chúng ta không còn là tấm gương phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa yêu thương nữa. Trái lại, chúng ta có thể đang là hình ảnh của “con chiên lạc” trong đoàn chiên của Chúa.

Dẫu chúng ta bất toàn, tội lỗi nhưng với tình yêu bao la và không muốn một ai phải hư mất, Thiên Chúa vẫn hằng tìm kiếm chúng ta, những “con chiên lạc” để đưa trở về với Ngài, làm con cái của Ngài. Thiên Chúa luôn là “người đi tìm” mỗi khi chúng ta lạc bước. Chỉ khi ở trong tình yêu của Ngài, thì chúng ta mới có được niềm vui và sự bình an đích thực.

Lạy Chúa, xin chỉ cho chúng con biết lắng nghe và đáp lại tiếng kêu mời của Ngài, mỗi khi chúng con lạc bước. Xin cho đời sống thường ngày của chúng con là hình ảnh phản chiếu một Thiên Chúa đầy lòng xót thương.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Thìn, SVD

 

Thứ Tư – Ngày 11 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Thánh Đamasô, giáo hoàng (Tr).

Bài đọc : Is 40,25-31

Tin Mừng : Mt 11,28-30

Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

HÃY HỌC VỚI TÔI

Ở đời người ta thường “tầm sư học đạo” nghĩa là tìm đến thầy để học biết chân lý cuộc sống. Trình thuật Lời Chúa hôm nay, dẫu rất vắn, chỉ vỏn vẹn trong ba câu nhưng phần nào cũng mở ra cho chúng ta về một đạo lý Tin Mừng mà Thầy Giêsu muốn mời gọi chúng ta đến và học với Ngài.

 “Hãy đến cùng tôi và hãy học với tôi”. Đó là lời mời gọi mang tính mệnh lệnh của Thầy Giêsu cho tất cả những ai đang lao đao vất vả mang gánh nặng về; đang loay hoay đi tìm cho mình một con đường, một lối đi trong cuộc sống. Đến và học với Thầy Giêsu không phải học những kiến thức chữ nghĩa, cũng chẳng phải là học về văn hoá hay khoa học mà là học về đạo lý Tin Mừng. Hai điểm quan trọng mà Thầy Giêsu muốn chúng ta học với Ngài là: “lòng hiền lành và khiêm nhường”. Lòng hiền lành là nhân đức tuyệt vời của một con người biết sống nhân ái đối với người khác. Hiền lành cũng là một hình thức tiết độ, làm chủ được chính mình trước phản ứng thái quá của người khác. Nhưng phải là hiền lành như Thầy Giêsu, nghĩa là luôn giữ được tâm tính hoà nhã, đôn hậu, bao dung và đầy tình thương đối với mọi người, kể cả những kẻ làm hại mình.

Còn khiêm nhường cũng là một nhân đức quan trọng trong đời sống. Mặc lấy nhân đức khiêm nhường thật sự là thể hiện thái độ tin tưởng phó thác trước Thiên Chúa là Đấng toàn năng và toàn thiện; biết kiềm chế những khát vọng muốn làm nổi nang một cách thái quá trước Thiên Chúa và tha nhân; biết nhận ra sự bất toàn, khiếm khuyết và đầy tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa và người khác để nói lên tâm tình cần được hoàn thiện, bổ khuyết và muốn nhận được sự bao dung tha thứ của Thiên Chúa và anh chị em mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm đến và học với Thầy Giêsu, vì chỉ khi ở với Thầy, sống trong Thầy và học với Thầy thì tâm hồn chúng con mới được nghỉ ngơi bồi dưỡng và mới thật sự lãnh hội được những chân lý Tin Mừng đích thực.

Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD

Thứ Năm – Ngày 12 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Đức Mẹ Guađalupê (Tr).

Bài đọc : Is 41,13-20

Tin Mừng : Mt 11,11-15

Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông răng: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến. Ai có tai thì nghe.

GIỚI THIỆU

Vài trò của ông Gioan Tẩy Giả là đi trước dọn đường và giới thiệu về Đấng Thiên Sai sẽ đến sau. Vậy mà điều ngược lại đã xảy ra khi Chúa Giêsu giới thiệu và đề cao vai trò của ông Gioan Tẩy Giả.

Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu giới thiệu về vai trò quan trọng của ông Gioan Tẩy Giả: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11). Chúng ta tự hỏi tại sao ông Gioan lại được đề cao như vậy? Quả thật, ông cao trọng vì được Chúa viếng thăm khi còn trong bụng mẹ, và ông đã khiêm tốn thực hiện trọn vẹn vai trò chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế. Ông hiểu được vị thế của Đấng đến sau và ông không đáng để cởi quai dép cho Người. Vì hiểu được sứ mệnh là người tiền hô, ông đã làm chứng bằng cả đời sống chứng nhân của mình. Thậm chí ông sẵn sàng chịu chết để bảo vệ đức tin, bảo vệ chân lý và lẽ phải.

Với vai trò quan trọng như vậy, ông Gioan Tẩy Giả được Chúa Giêsu giới thiệu và đề cao là điều dễ hiểu. Tuy vậy, Chúa Giêsu cũng xác định rõ rằng dù cao trọng là vậy nhưng ông Gioan cũng chỉ là cầu nối dẫn người ta đến với Chúa Giêsu là hiện thân của Nước Trời, nước mà trong đó “kẻ nhỏ nhất” còn “cao trọng hơn ông”.

 Thiên Chúa mời gọi từng người trong chúng ta cộng tác vào công trình của Người. Đôi khi Người đặt chúng ta vào những vai trò quan trọng, trao cho chúng ta những thẩm quyền để thi hành sứ vụ, tôn trọng và đề cao chúng ta khi cần thiết, nhưng Người cũng nhắc chúng ta về vai trò trung gian của mình. Dù chúng ta có giữ vai trò quan trọng đến mấy trên trần gian này thì mục đích cuối cùng vẫn là đưa người ta đến với Chúa Giêsu là hiện thân của Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sự can đảm để biết giới thiệu Chúa bằng sự khiêm nhường và lòng trung thành với Chúa như ông Gioan.

Lm. Gioan Đinh Quốc Tĩnh, SVD

 

Thứ Sáu – Ngày 13 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo.

Lễ nhớ (Đ).

Bài đọc : Is 48,17-19

Tin Mừng : Mt 11,16-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng; “Tôi phải ví thế hệ này với ai ? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.’ Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

ĐỨC TIN CẦN HÀNH ĐỘNG

Đức Giêsu tỏ ra “ngán ngẫm” với các lãnh đạo tôn giáo vì họ cứng lòng không chịu tin. Họ được Ngài ví như những đứa trẻ “ngược đời” không nhảy múa khi được thổi sáo cho nghe và không than khóc khi nghe bài đưa đám (x. Mt 11,17). Cứ như thể chỉ có bản thân họ mới biết cách lay động chính họ vậy.

Quả thật, lời rao giảng cùng cuộc sống của Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu đã không thể lay động được họ. Sự khắc khổ của Gioan bị họ coi là quỷ ám; sự cởi mở và cảm thông của Đức Giêsu, nhất là đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi, lại bị họ xếp vào phường ăn nhậu (x. Mt 11,18).

Khi tự cho mình quyền đặt ra tiêu chuẩn cho người khác, khi tự thấy mình khôn ngoan hơn người khác, những người lãnh đạo Do Thái Giáo đã không thể đón nhận được chân lý đức tin. Họ không thể chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, vì Ngài khác với những tiêu chuẩn họ đặt ra.

Nếu chúng ta hôm nay không sinh hoa trái là những việc lành, là những gương sáng qua đời sống đức tin thường nhật, chúng ta cũng có thể chỉ đang chấp nhận Chúa trên môi miệng mà thôi. Nếu Thiên Chúa cứ mãi xa lạ nơi những phận người khổ đau chúng ta gặp; và nếu Ngài vắng bóng khi người khác tìm kiếm Ngài nơi chúng ta thì quả là đức tin chúng ta có thể đã “hấp hối” hoặc là chưa trưởng thành. Nếu thế, Đức Giêsu rốt cuộc là ai đối với chúng ta?

Lạy Chúa xin giúp con biến đức tin thành hành động để làm sáng lên dung mạo của Chúa trong đời thường.  

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Du Trí, SVD

 

Thứ Bảy – Ngày 14 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN II

Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : Hc 48,1-4.9-11

Tin Mừng : Mt 17,10-13

Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?” Người đáp: “Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả.

 

TỪ ÊLIA ĐẾN GIOAN TẨY GIẢ

Sau biến cố biến hình trên núi, với sự xuất hiện của hai nhân vật trong Cựu Ước là ông Môsê và ngôn sứ Êlia, các môn đệ đã nêu thắc mắc với Chúa Giêsu:

“Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?”. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng đến một Êlia của Tân Ước, đó là ông Gioan Tẩy Giả.

Thật vậy, câu trả lời của Chúa Giêsu giúp các môn đệ hiểu rằng: Ông Êlia đã đến qua sứ mạng của ông Gioan Tẩy Giả.  Nếu ngôn sứ Êlia trong Cựu Ước đến để loan báo “ngày của Đức Chúa” thì ông Gioan Tẩy Giả đến để loan báo và mở đường cho Đấng Cứu Thế. Nếu ông Êlia được mô tả như là “vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng” (Hc 48,1), thì ông Gioan

Tẩy Giả rao giảng với những lời đanh thép, đòi người ta phải sám hối để được ơn tha tội: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối” (Mt 3,7-8). Hơn nữa, nếu vì lòng trung thành với sứ mạng Chúa trao mà ngôn sứ Êlia đã bị truy đuổi gắt gao đến kiệt sức và muốn được chết (x. 1V 19,4), thì ông Gioan Tẩy Giả đã chấp nhận cái chết để làm chứng cho lẽ phải (x. Mc 6,17-29).

Chúng ta có nhiệt thành vì Chúa như ngôn sứ Êlia? Chúng ta có can đảm lên tiếng để bênh vực cho lẽ phải như Gioan Tẩy Giả? Là người môn đệ của Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay, chúng ta cần phải sống như thế nào? Và có những hành động gì để giới thiệu Chúa cho những người xung quanh?

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tấm lòng nhiệt thành, biết lắng nghe Lời Chúa để nhận ra thánh ý Chúa qua các biến cố đời thường của chúng con, nhất là qua những người chúng con gặp gỡ; đồng thời giúp chúng con can đảm làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống của chúng con.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD

 

Bài trướcTình người trong cái nghèo
Bài tiếp theoMùa Vọng – Tuần III – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.