Tình người trong cái nghèo

0
395

Trong xã hội ngày nay, con người luôn có xu hướng tìm kiếm và chạy theo sự giàu sang về tiền tài vật chất, sự an toàn và sung túc trong cuộc sống. Mọi tầng lớp trong xã hội, từ anh quét rác cho đến doanh nhân thành đạt, đều muốn gia tăng mức thu nhập để bảo đảm cuộc sống được no đầy và hạnh phúc.

Thực tế cho thấy, người giàu có mức tiêu thụ ngày càng cao còn người nghèo có mức tiêu thụ ngày càng thấp. Trong xã hội luôn xảy ra tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”. Một báo cáo vừa được công bố cho thấy 26 người giàu nhất hành tinh sở hữu số tài sản bằng tổng tài sản của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới cộng lại. Khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Điều đó cho thấy sự bất bình đẳng và chênh lệch giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng.

Từ những thực tế trên đây, chúng tôi – những tu sĩ của Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, luôn có những trăn trở, thao thức đối với người nghèo. “Thực vậy, anh chị em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Ngài vốn giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (2 Cr 8,9). Đường lối cứu độ của Đức Kitô là trở nên nghèo hèn giữa con người, cùng chia sẻ thân phận lầm than với kiếp người. Đó cũng chính là đường lối mà chúng tôi luôn thao thức để làm sao “ở cùng sống với” người nghèo, để chia sẻ và dấn thân trong sứ vụ theo tinh thần nghèo khó của Đức Giê su qua Mầu Nhiệm Nhập Thể.

Vào mỗi sáng Chúa nhật, chúng tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm người nghèo trong địa bàn thành phố Sài Gòn. Quả thực, hành trình tìm kiếm này không thực sự dễ dàng đối với chúng tôi. Bởi lẽ, người nghèo, họ thường cư trú ở những nơi xa trung tâm đô thị, nơi có địa hình khó khăn, đường xá thường xấu xí và ngập lụt vào những ngày mưa, nơi ở của họ cũng ở khắp hang cũng ngõ hẹp…

Mỗi cuộc viếng thăm là mỗi lần chúng tôi được cảm nhận về cái nghèo thực sự. Có những hoàn cảnh hết sức bi đát. Chúng tôi phải ngậm ngùi khi nghe họ chia sẻ về cuộc sống. Một cụ già sống trong căn phòng trọ nhỏ hẹp ở vùng ngoại ô quận 12. Bà sống một mình, trong nhà không có gì giá trị ngoài chiếc giường và cái tủ đựng đồ kiêm bàn thờ tổ tiên, không có thu nhập và phải sống nhờ vào nguồn trợ cấp xã hội. có lần bà chia sẻ: “tôi thấy người ta bỏ cơm vào túi nilon rồi vứt ra ngoài thùng rác, tôi mở ra thấy cơm còn trắng, chưa bẩn, tôi đưa vào nhà và dùng nó cho bữa trưa của mình…” Có cụ già ở với cô con gái trong căn phòng trọ, kiếm sống bằng nghề bán vé số. Thế mà, nghèo còn gặp cái eo, bà bị người ta tông xe gãy chân, bây giờ chỉ nằm ở nhà sống nhờ vào đồng lương ít ỏi của cô con gái bán vé số mỗi ngày…

Cứ ngỡ trong hoàn cảnh như thế, họ sẽ buồn bã hay suy sụp. Thế mà, ngược đời thay, họ luôn sống lạc quan và tin tưởng vào Chúa. Mỗi lần chúng tôi đến thăm, luôn thấy nụ cười và sự tiếp đón niềm nở. Họ vui trong cái nghèo và họ có những niềm vui thật đơn sơ, nhỏ bé. Bởi lẽ, trong cái thiếu thốn vật chất, họ cần Chúa và chạy đến với Chúa và Mẹ Maria qua những tràng chuỗi mân côi mỗi ngày. Họ tin tưởng và trông cậy vào tình thương, sự quan phòng của Thiên Chúa và lấy Chúa làm gia nghiệp đời mình. Có những bệnh nhân bại liệt nằm trên giường hơn chục năm, mỗi ngày họ vẫn kêu xin Chúa qua những lời cầu nguyện và kinh mân côi. Bởi thế, chúng tôi luôn thấy tinh thần lạc quan vào cuộc sống của họ, dẫu còn thiếu thốn trăm bề, nhưng với Chúa, họ lại rất giàu có.

Có thể họ nghèo về vật chất, nhưng họ lại rất giàu về tinh thần. “Ăn thịt bò mà lo ngay ngáy, không bằng ăn mắm cáy mà gáy o o” (ca dao). Có lần, chúng tôi đi thăm một cặp vợ chồng sống trong ngôi nhà chật hẹp, hẹp đến nỗi chúng tôi không có chỗ ngồi để nói chuyện. Hai ông bà không có con, người vợ bị bại liệt nằm một chỗ. Trong hoàn cảnh như thế, theo như thói đời, có lẽ người chồng sẽ từ bỏ vợ mình để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế mà, ông vẫn chăm sóc và yêu thương bà một cách ân cần, chu đáo. Họ vẫn xưng hô anh và em như tình yêu của họ thời còn trẻ. Trong cái nghèo vật chất đó, chúng tôi lại thấy họ thật giàu có về tinh thần, về tình yêu. Đặc biệt là thấy được niềm vui của sự viếng thăm, chia sẻ. Điều mà Chúa Giêsu gọi là “phúc” ngay cả khi đang sống trong cảnh nghèo túng, trong những khó khăn đau khổ vốn không thể thiếu nơi cuộc sống trần gian này. “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. (Lc 6,20).

Chính vì thế, mỗi lần viếng thăm người nghèo, đi vào từng hoàn cảnh, từng mảnh đời bất hạnh, chúng tôi không mang tâm thế của một người “đi cho” nhưng là người nhận lại. Bởi lẽ, qua những mảnh đời thiếu thốn đó, chúng tôi cảm nghiệm sâu sắc tình yêu thương thực sự họ dành cho nhau, những câu chuyện và bài học về tình người trong cảnh khốn khó. Và có lẽ, chỉ trong hoàn cảnh như thế, tình yêu thương mới được bộc lộ một cách rõ nét và cụ thể nhất “gia bần tri hiếu tử”, nhà nghèo mới biết con có hiếu. Để đi gặp gỡ những người túng thiếu, nơi những người nghèo và những người rốt cùng, chúng tôi nhìn thấy tôn nhan của Chúa Kitô, khi quan tâm và giúp đỡ những người nghèo, cũng là khi chúng tôi yêu mến và phụng sự Chúa Kitô. Đồng thời, qua những người nghèo, chúng tôi thấy hình ảnh Thiên Chúa giàu có. Đấng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta được giàu sang bằng cái nghèo của Ngài.

Thật là đẹp khi được trải nghiệm niềm vui mục vụ người nghèo, chúng tôi học được cách thức, đường lối yêu thương của Chúa Giêsu ngang qua những con người nghèo khó mà chúng tôi gặp gỡ, chia sẻ. Cùng với đó là con tim biết mở ra và nhạy cảm hơn đối với nhu cầu của người nghèo, đó không chỉ là nhu cầu vật chất nhưng còn là sự quan tâm, lắng nghe và chia sẻ về hoàn cảnh sống của nhau. Và hơn hết, trên hành trình ơn gọi của mỗi người tu sĩ SVD, chúng tôi có thể trở thành “người nghèo của Thiên Chúa,” cho đi tất cả vì yêu mến và tín thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa, lấy Chúa làm niềm cậy trông là niềm hạnh phúc.

 Ban Người Nghèo – Học viện Ngôi Lời

 

 

 

 

Bài trướcCộng đoàn Học viện Thần Học Ngôi Lời – Tĩnh Tâm Mùa Vọng 2019
Bài tiếp theoMùa Vọng – Tuần II – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.