Mùa Vọng – Tuần III – Năm A

0
503

Chúa Nhật – Ngày 15 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc 1 : Is 35,1-6a.10

Bài đọc 2 : Gc 5,7-10

Tin Mừng : Mt 11,2-11

Đang ngồi tù, ông Gioan nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Họ đi rồi, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến. […]

ĐỨC TIN

Đức tin là một món quà nhưng không đến từ Thiên Chúa. Đức tin không phải là một phần thưởng dành cho những kẻ xứng đáng, cũng không phải là công trạng mà ta có thể giành lấy. Tất cả đều là hồng ân.

Sự thắc mắc của Gioan Tẩy Giả về thân phận đích thực của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay khiến tôi bối rối và thậm chí là hoang mang. Ngay từ những ngày đầu sứ vụ, Gioan Tẩy Giả đã dõng dạc tuyên xưng Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian. Gioan thậm chí nói rằng mình không đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu.

Ấy vậy mà vào những giây phút cuối đời, Gioan Tẩy Giả lại nghi ngờ, không tin chắc Đức Giêsu có phải là Đấng phải đến hay không.

Quả thật, Gioan không phải là người duy nhất rơi vào tình trạng này. Sau này, nhiều vị thánh cũng từng trải qua cái kinh nghiệm gọi là “ đêm trường đức tin”, ví như Têrêsa Hài Đồng, Mẹ Têrêsa Calcutta…Khi rơi vào tình trạng này, các ngài đã phải đau đớn biết chừng nào: Đấng mà bấy lâu nay thân thương gần gũi bỗng chốc xa mù khơi; Đấng là lẽ sống, là gia nghiệp nay dường như không tồn tại, mọi hy vọng đều tiêu tan, cuộc sống dường như chẳng còn ý nghĩa. Để rồi khi kinh qua những giây phút này, các ngài nhận ra bản chất và giá trị cao quý của đức tin.

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì hồng ân đức tin mà Ngài đã trao ban. Xin Chúa thương giữ gìn và giúp con thăng tiến trong đức tin. Xin Chúa cũng thương đoái nhìn đến bao người còn lầm lạc trong bóng tối mà ban cho họ ánh sáng Tin Mừng cứu độ.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

 

Thứ Hai – Ngày 16 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Ds 24,2-7.15-17a

Tin Mừng : Mt 21,23-27

Khi ấy, Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Đức Giêsu đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Còn nếu mình nói: ‘Do người ta’, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ.” Họ mới trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ : “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

 

SỐNG VỊ THA HƠN

Bài Tin Mừng hôm nay cho tôi một suy nghĩ về lối sống của những vị lãnh đạo tôn giáo thời Đức Giêsu. Một lối sống ích kỷ chỉ nghĩ cho quyền lợi bản thân hơn là những lợi ích chung của mọi người.

Đức Giêsu vào hội đường để giảng dạy, điều Ngài muốn là giúp mọi người được sống tốt hơn, được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Các thượng tế và kỳ mục vẫn biết việc Đức Giêsu làm là tốt đẹp, là vì lợi ích của mọi người. Thay vì ủng hộ và cùng chung tay để giúp cộng đoàn thăng tiến thì họ lại cố bảo vệ quyền lợi của bản thân để rồi họ tìm cách ngăn cản và hạ bệ Đức Giêsu. Lòng đố kỵ đã khiến họ khước từ ân sủng của Thiên Chúa, khiến họ chối bỏ những điều tốt đẹp đang diễn ra trước mắt họ qua bàn tay Đức Giêsu.

Là những người theo Chúa, nguyện hiến dâng cả cuộc đời để phụng sự Chúa và tha nhân, nhưng lắm khi chúng ta chỉ lo cho bản thân mà không quan tâm tới người khác; nhiều lần chúng ta sống thiếu tình thương, không giúp đỡ, thậm chí vì lợi ích bản thân mà làm tổn thường người khác. Chúng ta trở nên ích kỷ và chai lỳ trước những nỗi đau của người khác. Dù vẫn đọc kinh, đi lễ hằng ngày, vẫn được nghe Lời Chúa soi dẫn nhưng nhiều lần chúng ta chỉ nghe mà không đem ra thực hành. Đôi khi chúng ta chọn cách sống mà ở đó Thiên Chúa không phải là trung tâm của cuộc đời mình. Có lẽ chúng ta cũng không hơn gì các thượng tế và kỳ mục xưa kia. Lời Chúa hôm nay thôi thúc chúng ta sống vị tha hơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết thay đổi lối sống ích kỷ mà bước theo đường lối yêu thương của Ngài để thế giới nhận ra Thiên Chúa là tình yêu chân thật.

Tu sĩ Giuse Lê Văn Tuấn, SVD

 

Thứ Ba – Ngày 17 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : St 49,2.8-10

Tin Mừng : Mt 1,1-17

Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Ápraham:

Ông Ápraham sinh Ixaác ; Ixaác sinh Gia-cóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Tama sinh Perét và Derác; Perét sinh Khétrôn; Khétrôn sinh Aram; Aram sinh Amminađáp; Amminađáp sinh Nácson; Nácson sinh Xanmôn, Xanmôn lấy Rakháp sinh Bôát; Bôát lấy Rút sinh Ôvết; Ôvết sinh Giesê; Giesê sinh Đavít. […]

Sau thời lưu đày ở Babylon, Giơkhongia sinh Santiên; Santiên sinh Dơrúpbaven; Dơrúpbaven sinh Avihút; Avihút sinh Engiakim; Engiakim sinh Ado; Ado sinh Xađốc; Xađốc sinh Akhim; Akhim sinh Êlihút; Êlihút sinh Elada; Elada sinh Mátthan; Mátthan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô. […]

 

ĐỨC GIÊSU VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

Thánh Mátthêu trình bày nguồn gốc của Đức Giêsu cũng như những thành phần cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua việc ghi lại gia phả của Người. Qua gia phả này chúng ta có thể khám phá ra những điều phi thường trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Điều kỳ diệu đầu tiên được nhắc đến qua việc Đức Giêsu được sinh hạ bởi một người mẹ đồng trinh dưới tác động của Chúa Thánh Thần, nên thánh Giuse chỉ là cha về mặt luật pháp mà thôi. Tác giả Mátthêu nhấn mạnh thánh Giuse là chồng của Đức Mẹ, còn Đức Maria là mẹ Chúa Giêsu: “Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô”(Mt1,16).

Điều kỳ diệu thứ hai được nhắc đến khi Mátthêu đề cập đến bốn người phụ nữ trong bản gia phả. Họ là những người tội lỗi, là dân ngoại…, nhưng hoàn cảnh của họ ngụ ý về Đấng sẽ đến để cứu độ những người tội lỗi và mở rộng cửa để đón nhận muôn dân muôn nước vào nước Thiên Chúa. Điều này cùng hàm nghĩa dù họ là người tội lỗi hay dân ngoại, họ cũng có thể góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Như thế, chương trình cứu độ của Thiên Chúa được khởi đi từ những điều tầm thường. Thiên Chúa có thể dùng những khí cụ bình thường và những con người tầm thường, thậm chí tội lỗi, để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại.

Lạy Chúa, xin cho con biết vượt lên trên những giới hạn, khiếm khuyết của bản thân để trở nên khí cụ của Ngài.

Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD

 

Thứ Tư – Ngày 18 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Gr 23,5-8

Tin Mừng : Mt 1,18-24

Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

 

CẬY TRÔNG VÀ PHÓ THÁC

 Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta biết cậy trông và phó thác trong mọi hoàn cảnh để tâm hồn sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ của Đức Giêsu theo gương thánh Giuse và Mẹ Maria.

Chúng ta noi gương công chính của thánh Giuse, nghĩa là biết sống đời mình trong sự công bình và ngay chính. Nhưng hơn hết, công chính là vâng theo thánh ý Thiên Chúa như thánh nhân. Cũng thế, nơi Mẹ Maria, đó là gương trọn vẹn phụng sự Thiên Chúa, trọn đời vâng phục ý Chúa, dù là khi khổ đau hay không thể hiểu nổi sự tình. Bởi khi chúng ta biết sẵn sàng để vâng phục ý Chúa, chúng ta đã sẵn sàng cho Chúa bước vào đời ta, bằng muôn vàn cách thế.

Thật vậy, hàng ngày Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đến và ở cùng chúng ta bằng nhiều cách. Ngài ngự vào lòng ta khi nhận lãnh Thánh Thể. Ngài ở cùng Hội Thánh khi Hội Thánh công bố Lời Chúa trong phụng vụ. Ngài ở cùng cộng đoàn khi cộng đoàn hội họp nhau nhân danh Chúa. Ngài cùng ta bắc nhịp tâm giao khi chúng ta chuyên cần học hỏi và gẫm suy lời Chúa. Chúa cư ngụ giữa chúng ta khi chúng ta biết hiệp nhất và yêu thương nhau. Ngài cũng ở đó với chúng ta, khi chúng ta đến với những ai bé mọn, nghèo hèn và bị bỏ rơi bên lề cuộc đời. Vì chính Ngài đã nói, khi chúng ta phục vụ người khác là lúc chúng ta đang phục vụ chính Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hy sinh quên mình như thánh Giuse. Và trong những giờ phút đen tối của cuộc đời, khi bị người thân hiểu lầm, bị người chung quanh nói xấu và xa lánh mà không thể tự giải oan, xin giúp chúng con biết bình tĩnh cậy trông và phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng như gương Mẹ khi xưa.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Trung Tuyến, SVD

 

Thứ Năm – Ngày 19 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Tl 13,2-7.24-25a

Tin Mừng : Lc 1,5-25

Thời vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê, có một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, tên là Dacaria; vợ ông là Êlisabét cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên. […]

Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Êlisabét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”

 

SỰ ĐÁP LỜI CỦA THIÊN CHÚA

Trong cuộc sống, tôi đã nghe nhiều lời trách móc và nhiều câu hỏi đặt ra: Tại sao tôi sống tốt nhưng Ngài lại để những điều không hay xảy đến với tôi và gia đình tôi? Liệu Chúa có nghe tôi cầu nguyện không? Và Thiên Chúa có thực sự tồn tại không, sao Ngài không nghe tôi?

Những câu hỏi đó thật khó trả lời, và nó sẽ mãi chẳng có câu trả lời đúng nếu tôi không thực sự tin tưởng và thinh lặng để đón nhận sự đáp lời của Chúa. Thiên Chúa là Đấng toàn năng và thấu suốt tất cả, Người vẫn luôn nghe tôi, không những nghe mà còn thấu cả tâm can tôi. Vậy mà tôi thường sống trong sự nghi ngờ và ít khi xem Chúa đáp lời tôi như thế nào. Tôi cũng quên rằng Thiên Chúa là một người Cha nhân hậu luôn cho khi con cái mình xin.

Lời Chúa hôm nay gợi cho tôi hai cách thế để nhận ra lời đáp trả của Chúa:

Thứ nhất: tôi phải kiên nhẫn chờ đợi sự đáp lời của Thiên Chúa, vì tôi chắc chắn rằng Chúa ban cho tôi điều gì là tốt nhất và cần thiết nhất. Như bài Tin Mừng hôm nay, hai ông bà Dacaria và Êlisabét đã mãn tuổi sinh con và theo người đời là không thể, nhưng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể.

Thứ hai: tôi phải để tâm hồn thinh lặng để đón nhận món quà của Thiên Chúa ban cho tôi. Tôi thinh lặng để nghiệm xem Chúa đã vẽ lên cuộc đời tôi thế nào. Bàn tay Chúa luôn hoạt động trên cuộc đời tôi một cách âm thầm. Ngài dìu tôi đi theo cách tốt nhất theo chương trình của Người. Có những khó khăn xảy đến lại là cách để tôi lớn lên và trưởng thành. Chỉ có thinh lặng lại để đón nhận chứ không thể cứ đòi hỏi.

Lạy Chúa, xin con biết sống nhận biết, cảm nghiệm và lắng nghe tiếng Chúa, đặc biệt là thinh lặng tâm hồn để đón nhận món quà tuyệt vời mà Chúa ban cho con trong cuộc sống.

Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh

 

Thứ Sáu – Ngày 20 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Bài đọc : Is 7,10-14

Tin Mừng : Lc 1,26-38

[…] Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG

Đức Maria là người nữ có phúc hơn mọi người nữ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, sứ thần Gáprien đến gặp trinh nữ Maria và chào bằng cách trịnh trọng, gọi Mẹ là “Đấng đầy ân sủng”. Thiên Chúa đã ban cho Mẹ đầy ơn phúc và Người hằng trông nom, giữ gìn Mẹ. Đức Maria xứng đáng được Thiên Chúa lưu tâm và yêu mến vì Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa. Hơn hết, Mẹ được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Thiên Chúa. Bởi đâu mẹ được như thế?

Khi nghe lời chào của sứ thần, Mẹ bối rối không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chuyện xem như vô lý theo cách hiểu của con người, vì Mẹ thấy mình chỉ là “nữ tỳ hẹn mọn” vậy mà đã được “Chúa đoái thương nhìn tới”. Thế nhưng, sau khi đối thoại với sứ thần, Mẹ đã đáp trả bằng hai tiếng “xin vâng”. Hai tiếng “xin vâng” này được Đức Mẹ diễn tả bằng sự vâng phục tuyệt đối cho chương trình của Thiên Chúa.

Chúng ta, những người con cái Mẹ, nhờ Mẹ mà Ngôi Lời nhập thể, nhờ Mẹ mà đến với Chúa, nhờ Mẹ mà chúng ta tin vào Lời Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Với chúng ta, những Kitô hữu, biết bao lần ta đón nhận Chúa ngự trong tâm hồn nhưng với cách hời hợt, chưa tin kính, mến yêu và phó thác tất cả cho Chúa. Chính vì thế, chúng ta cùng cầu xin Mẹ giúp sức để biết khiêm tốn noi gương mẫu của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, hôm nay con ngắm nhìn lại biến cố truyền tin nhờ đó Ngôi Hai đến cho thế gian. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin Chúa giúp con tín thác vào Lời Chúa dạy như Mẹ đã thốt lên hai tiếng “xin vâng” cao đẹp. Xin cho con mau mắn thi hành và biết làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự, nhất là trong mùa Vọng này, biết dọn lòng cho Chúa đến.

Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD

 

Thứ Bảy – Ngày 21 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN III

Thánh Phêrô Canisiô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh.

Bài đọc : Dc 2,8-14 hoặc Xp 3,14-18;

Tin Mừng : Lc 1,39-45

Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

VỘI VÃ RA ĐI

Qua câu chuyện thăm viếng của Mẹ Maria với bà Êlisabét vào những ngày áp lễ Giáng Sinh, sứ điệp Tin Mừng nhấn mạnh về sự sẵn sàng, vội vã và chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế sắp đến.

Mẹ Maria vội vã lên đường thăm viếng chị họ không phải để kiểm chứng việc thiên sứ Gabrien truyền tin cho ông Dacaria có đúng hay không, mà là Mẹ vội vã đem niềm vui, là Tin Mừng đến cho người chị họ trong lúc mang thai; đồng thời cũng để giúp chị họ trong việc sinh nở. Sự phục vụ của mẹ nhằm chăm sóc cho chị họ mang thai trong lúc tuổi già, trong lúc ông Dacaria đang bị câm, lúc mà gia đình Dacaria rất cần một người phụ giúp trẻ trung và tận tình như Mẹ.

Theo Kinh thánh, sự vội vã lên đường của Mẹ là dấu chỉ nói lên lòng tin sắt đá và lòng trông cậy, ký thác hoàn toàn vào lời của Thiên Chúa. Đồng thời dấu chỉ đó cũng nói lên sự vui mừng khôn xiết của Mẹ vì cưu mang Chúa trong lòng. Hơn nữa, sự vội vã lên đường của Mẹ là tính cách hăng hái của một nhà truyền giáo mang Chúa đến với người khác, mong cho người khác sớm được gặp Chúa.

Sứ điệp tin mừng hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng có Chúa hiện diện trong cuộc đời mình, làm cho cuộc đời chúng ta tràn ngập niềm vui, bình an và thôi thúc chúng ta sẵn sàng lên đường đem Chúa đến với mọi người. Khi mang Chúa trong tư cách là một nhà truyền giáo, chúng ta phục vụ tha nhân như là phục vụ Tin Mừng và mang niềm vui của Tin Mừng.  Mùa vọng giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để sẵn sàng đón Chúa như tâm hồn của bà Êlisabét và bào thai Gioan vui mừng khi Mẹ mang Chúa đến.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn hăng hái để đón chờ Chúa đến mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể và qua Lời của Ngài.

Lm. Phêrô Đỗ Cao Cương, SVD

 

Bài trướcMùa Vọng – Tuần II – Năm A
Bài tiếp theoAP: Đức Hồng Y Tagle được đưa về Vatican để trở thành Giáo Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.