Mùa Vọng – Tuần I – Năm A

0
579

MÙA VỌNG NĂM A – TUẦN I

Chúa Nhật – Ngày 1 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Bài đọc 1 : Is 2, 1-5

Bài đọc 2 : Rm 13; 11-14

Tin Mừng : Mt 24, 37-44

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Quả thế, thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại ; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

 

CANH THỨC

Canh thức là giữ tình trạng tỉnh táo và sẵn sàng để để chờ đón, để canh chừng một điều gì đó. Khi canh thức người ta ở trong tình trạng chủ động và sẵn sàng, nghĩa là đã có một sự chuẩn bị và trù liệu cho những gì có thể xảy ra. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay dạy các môn đệ phải luôn canh thức.

Lời nhắn nhủ của Đức Giêsu cho các môn đệ cũng là nhắn nhủ đến mỗi người chúng ta. Vậy, canh thức có ý nghĩa gì đối với chúng ta hôm nay? Trong đoạn Tin Mừng, Đức Giêsu đưa ra ví dụ về sự canh thức như người chủ nhà đang canh chừng kẻ trộm. Phải chăng Chúa Giêsu muốn mỗi người Kitô hữu chúng ta phải căng thẳng chờ ngày Chúa quang lâm như vậy?

Đọc và suy gẫm thật kỹ đoạn Tin Mừng hôm nay, ta mới thấy rằng không phải thế. Ở đây Đức Giêsu muốn mỗi người chúng ta phải luôn sống thật tốt giây phút hiện tại, từng giây từng phút sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Canh thức ở đây là phải luôn tỉnh táo trước những xu thế của thời đại để nhận ra đâu là giá trị thực sự cần thiết cho đời sống Kitô hữu của mình. Canh thức và sẵn sàng ở đây là không để mình bị cuốn vào vòng xoáy của thế gian, không mải mê chạy theo những giá trị của trần thế mà quên giá trị cao quý nhất là hạnh phúc Nước Trời, quên đi mục đích tối hậu của chúng ta là chính Thiên Chúa.

Canh thức để Chúa luôn là chọn lựa trước hết và sau cùng, để không bị bỏ lại khi Ngài đến viếng thăm.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết canh thức và sẵn sàng để chúng con không bị ngủ quên trên những hào nhoáng của cuộc đời và lạc bước trên con đường về Quê Trời.

Tu sĩ Giacôbê Nguyễn Hoàng Long, SVD

Thứ Hai – Ngày 2 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Bài đọc : Is 2,1-5

Tin Mừng : Mt 8,5-11

Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.  Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.”  Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế […]

 

ĐỨC TIN CỦA NHÀ BINH

Khi nói tới đức tin, ta hay nghĩ tới một người đạo đức, có cảm thức đức tin nhạy bén hay đại loại phải là người có cảm thức tôn giáo … chứ chẳng ai nghĩ tới giới nhà binh. Vậy mà Tin Mừng hôm nay lại cho thấy niềm tin của viên đại đội trưởng. Vậy niềm tin đó có gì khác lạ?

Trước khi gặp Đức Giêsu, hẳn viên đại đội trưởng đã được nghe về Người như là Đấng vừa quyền năng, vừa đầy lòng thương xót. Rồi khi vừa gặp và ngỏ lời xin chữa lành cho người đầy tớ, Chúa Giêsu đã đáp ứng ngay: “Tôi sẽ đến chữa nó”. Người không phân biệt người Do Thái hay người ngoại, ông chủ hay đầy tớ. Có lẽ viên đại đội trưởng đã tin nhận Đức Giêsu là vị ngôn sứ đích thực. Tuy nhiên, việc tin nhận của ông rất khác lạ theo kiểu nhà binh. Ông tin rằng Đức Giêsu có thể chữa bệnh bằng cách ra lệnh từ xa: “Xin Thầy chỉ phán một lời, thì đầy tớ của tôi sẽ lành mạnh.”

Niềm tin và cách suy luận của viên đại đội trưởng rất đơn sơ và khác lạ: Ông tin chỉ cần “phán một lời” thì “sẽ được lành mạnh”. Quả thật, với chức vụ của mình, ông cũng có lính tráng dưới quyền. Và như ông nói, “tôi bảo người này đi thì nó đi; tôi bảo người kia đến thì nó đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!” Trước niềm tin mạnh mẽ và xác quyết của viên Đại đội trưởng, Đức Giêsu đã phải thốt lên: “Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel.”

Là môn đệ của Chúa, tôi có thật sự tin cách chắc chắn vào Đấng chỉ cần “phán” một lời là tâm hồn tôi được “lành mạnh” như điều tôi vẫn tuyên xưng trong mỗi Thánh Lễ?

Lạy Chúa Giêsu, lời khen ngợi của Ngài dành cho viên đại đội trưởng cũng là lời cảnh tỉnh mỗi người chúng con. Xin cho chúng con biết bắt chước viên đại đội trưởng: đơn sơ, chân thành và xác quyết trong niềm tin.

Lm. Giuse Nguyễn Xuân Long, SVD

Thứ Ba – Ngày 3 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục. Lễ kính (Tr).

Bài đọc : 1Cr 9,16-19.22-23

Tin Mừng : Mc 16,15-20

Khi ấy, Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

 

CÓ CHÚA Ở CÙNG

Tin Mừng Máccô mô tả hoạt động rao giảng của các tông đồ khắp nơi. Và điều an ủi và nguồn trợ lực lớn lao của các ông là “có Chúa cùng hoạt động với các ông”. Không gì chắc chắn cho bằng được có Chúa ở cùng trên những chặng đường truyền giáo.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa sai các tông đồ ra đi rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Đây là một công việc không hề đơn giản. Các ông ra đi đến với những nền văn hóa mới và khác biệt, với những khó khăn đang chờ đợi phía trước. Những khác biệt về ngôn ngữ, phong tục và văn hóa thực sự sẽ là những thách đố với các ông. Các ông sẽ phải đối diện với những sự phản đối, bắt bớ và thậm chí phải hy sinh chính cả mạng sống cho công cuộc rao truyền Tin Mừng cứu độ. Thế nhưng, các ông không sợ hãi, vì các ông hằng có Chúa ở cùng. Người ở cùng các ông để ban sức mạnh giúp các ông chịu đựng được những khó khăn. Người sẽ dùng quyền năng của Người để xác nhận những lời các ông sẽ rao giảng.

Cũng vậy, tôi được mời gọi ra nhập Hội Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời. Sau này tôi cũng được mời gọi rời bỏ quê hương xứ sở, rời bỏ những gì quen thuộc để đi đến các vùng ngoại biên, tới những nền văn hóa mới, sẽ gặp gỡ những con người mới với những khó khăn và thách thức nhất định. Làm sao tôi có thể đảm nhận được nhiệm vụ khó khăn và thách đố này nếu tôi chỉ dựa vào sức mạnh và khả năng của bản thân? Nếu chỉ dựa vào mình, tôi sẽ thất bại. Chỉ khi nào dựa vào Chúa, ở cùng Chúa, và có Chúa ở cùng, thì tôi mới hy vọng vào một mùa gặt bội thu trong ngày sau hết.

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức sự giới hạn của bản thân để từ đó con luôn biết bám chặt vào Chúa. Vì không có Chúa, con chẳng thể làm được gì.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Thứ Tư – Ngày 4 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Thánh Gioan Đamascenô, Lm, TSHT.

Bài đọc : Is 25,6-10a

Tin Mừng : Mt 15,29-37

[…] Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” Đức Giêsu hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Tin Mừng thuật lại rất nhiều lần việc Chúa Giêsu chạnh lòng thương trước những đau khổ, bệnh tật và mất mát của con người. Bởi chạnh lòng thương mà suốt ba năm hoạt động, Chúa Giêsu không quản ngại vất vả ngược xuôi trên những chặng đường khắp xứ Palestin để giảng dạy và làm phép lạ chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho dân chúng. Đoạn Tin Mừng của thánh Mátthêu mà chúng ta nghe hôm nay một lần nữa minh chứng về điều đó.

Sau khi đã làm phép lạ chữa lành những người què quặt, đui mù, câm điếc, Chúa Giêsu nhìn đám đông và chạnh lòng thương vì họ đang đói khát. Chúa Giêsu thấy được đám đông dân chúng không chỉ đang đói khát về của ăn nuôi thân xác, nhưng quan trọng hơn là họ đang đói khát về chân lý, về tâm linh vì không có ai chỉ bảo cho họ. “Đức Giêsu chạnh lòng thương, vì họ lầm than, vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Vì thế Ngài đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ ăn no nê, no về thể xác, thoả mãn về tâm hồn.

Noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi bày tỏ lòng thương xót đối với những người đau khổ, đói khát mà mình bắt gặp trong cuộc đời. Chúng ta hãy để cho con tim của mình biết rung cảm trước những nỗi đau của người anh em đồng loại. Thực tế cho thấy nhiều lúc tính ích kỷ và sự vô cảm đã làm cho con tim của chúng ta bị xơ cứng trước những nỗi đau của tha nhân. Vì thiếu lòng nhân ái, chúng ta không thể đến với những cảnh đời đau khổ, bất hạnh đang cần sự giúp đỡ của ta.

Lạy Chúa, vì yêu thương nhân loại mà Chúa ban Con Một yêu dấu sinh xuống làm người, chịu đau khổ và chịu chết để chuộc tội cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết chạnh lòng thương trước những đau khổ của anh chị em đồng loại.

Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD

Thứ Năm – Ngày 5 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Bài đọc : Is 26,1-6

Tin Mừng : Mt 7,21.24-27

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’, là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.  Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”

 

THI HÀNH Ý MUỐN CỦA THIÊN CHÚA

“Ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào Nước Trời”. Thoạt nghe tôi cứ nghĩ có như vậy thì có gì khó! Nhưng thực ra, thi hành ý muốn của mình thì dễ dàng hơn là thực thi ý muốn của người khác.

Nhìn vào đời sống của Đức Giêsu, chúng ta thấy Người luôn đặt ưu tiên trung thành vâng phục thánh ý Chúa Cha hơn là ý của Người. Đối với Người, thực hiện ý Cha là lẽ sống của mình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Trong giây phút cam go giữa sự sống và cái chết, Đức Giêsu trong vườn Ghếtsêmani cầu nguyện cùng với Cha của Người, để “một theo ý Cha chứ đừng theo ý Con”, và Người phó thác hoàn toàn vào bàn tay Cha của Người trên cây thập tự giá.

Thực thi theo thánh ý của Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải biết mở tâm hồn ra để lắng nghe, tìm kiếm và nhận biết đâu là ý Chúa trên cuộc đời mình, đâu là con đường mà Chúa muốn chúng ta đi. Đồng thời, chúng ta cần kiên nhẫn và trung thành để bước theo con đường mà Người muốn dẫn đưa chúng ta đi. Có như vậy, chúng ta mới mong nhận được câu trả lời của Thiên Chúa và chấp nhận ý của Người với tâm tình tạ ơn.

Tôi nghiệm thấy phần lớn trong cuộc sống của tôi, tôi thiên về thực hiện theo ý muốn của tôi hơn là ý muốn của người khác hay ý muốn của Thiên Chúa. Thật vậy, mỗi khi tôi chạy đến cầu xin Thiên Chúa, không phải để tìm kiếm và sống theo ý của Ngài, mà để xin ơn này ơn kia và mong sao Chúa sẽ ban cho đúng như những gì tôi muốn. Nhưng khi điều tôi cầu xin không được như ý thì tôi quay lại trách móc Chúa và làm theo ý riêng của tôi.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn trung thành tìm kiếm và thi hành ý muốn của Ngài trong cuộc sống.

Lm. Gioan Trần Nam Phong, SVD

Thứ Sáu – Ngày 6 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Thánh Nicôla, giám mục (Tr).

Bài đọc : Is 29,17-24

Tin Mừng : Mt 9,27-31

Khi ấy, Đức Giêsu đang trên đường đi, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con vua Đavít, xin thương xót chúng tôi!” Khi Đức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết!” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Đui mù là bệnh thường gặp vào thời Chúa Giêsu xưa. Một phần do ánh sáng chói chang của mặt trời đông phương và một phần do điều kiện vệ sinh cá nhân không được tốt. Nhờ có niềm tin tưởng, phó thác, và cậy trông vào Chúa Giêsu mà hai người mù được chữa lành.

Chúng ta ghi nhận những cách thức bày tỏ đức tin của hai người mù: Thứ nhất, hai người mù cho thấy lòng tin khi đi theo Chúa Giêsu suốt cả quãng đường về tới nhà để được Người chữa lành. Thứ hai, họ đã xác quyết lòng tin khi tuyên xưng Chúa Giêsu là “Con vua Đavít”, đồng thời xin Ngài “thương xót” họ. Thứ ba, họ tuyên xưng lòng tin của họ cách rõ ràng, dứt khoát: “Thưa Ngài, chúng tôi tin”. Và sau cùng, họ nói về phúc lành họ được nhận lãnh, dù Chúa Giêsu không muốn họ nói cho ai biết.

Quả thật, lòng tin của hai người mù được thể hiện một cách thật trong sáng, đơn sơ nhưng không kém phần quyết liệt. Và chính lòng tin đã cứu họ khỏi mù lòa. Nhìn lại bản thân, tôi thật may mắn khi biết bao lần tôi đã được Chúa chữa lành khỏi những đam mê, tội lỗi, thiếu sót … được làm con Chúa, được lãnh nhận biết bao ơn lành nhưng nhiều khi tôi lại quên tuyên xưng đức tin của mình cách mạnh dạn, quên nói về Chúa cho người khác biết, quên đem niềm vui được chữa lành chia sẻ cho những người xung quanh.

Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi mỗi người chúng ta: “Chúng ta đã nhận ra tình yêu đó đem lại ý nghĩa cho cuộc sống mình làm sao ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy cho những người khác.” Đây cũng chính là lời mời gọi chúng ta thể hiện lòng tin của mình như thế nào trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa về những ơn lành mà Ngài đã ban cho chúng con. Xin cho con biết mạnh dạn tuyên xưng đức tin và hăng say chia sẻ niềm vui cho những người chưa biết Tin Mừng.

Tu sĩ Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD

Thứ Bảy – Ngày 7 – Tháng 12

MÙA VỌNG – TUẦN I

Thánh Ambrôsiô, GM, TSHT (Tr).

Bài đọc : Is 30,19-21.23-26

Tin Mừng : Mt 9,35-10,1.6-8

Khi ấy, Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu sai các ông đi và chỉ thị rằng: “Hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.

 

RAO GIẢNG TIN MỪNG NƯỚC TRỜI

Trước khi về trời, Chúa đã truyền lại cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa là một mệnh lệnh cấp bách Chúa Giêsu để lại cho tất cả những ai bước theo Người dù là tu sĩ hay giáo dân, già hay trẻ, nam hay nữ.

“Rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9,35) là công việc của chính Chúa Giêsu. Và Chúa cũng gọi Nhóm Mười Hai, ban cho các ông những quyền hành cần thiết để sai các ông đi chia sẻ sứ vụ của Người. Thực tế, đây là một công việc cao trọng nhưng cũng chứa đựng vô vàn khó nhọc. Công việc đòi hỏi nhiều hy sinh gian khổ đến nỗi họ được ví như “chiên con đi vào giữa bầy sói” (x. Mt 10,16).

Khó khăn là thế đó, nhưng các môn đệ đã nhận được Tin Mừng một cách nhưng không thì cũng cần quảng đại cho đi một cách nhưng không. Đó là cách chia sẻ sứ vụ với Đức Giêsu, mở rộng lòng thương xót của Người đối với đám đông đang lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt.

Sứ mạng của người loan báo Tin Mừng không chỉ là lý thuyết suông “hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần” nhưng còn phải thể hiện bằng những hành động cụ thể: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và trừ khử ma quỷ” (Mt 10,8). Đó là một Tin Mừng được đón nhận và trao ban cách vô điều kiện, không vì bất cứ lợi lộc riêng tư nào vì “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm  dấn thân loan báo Tin Mừng Nước Trời.

Tu sĩ Phêrô Đỗ Văn Năng, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật, Tuần 1 Mùa Vọng – Năm A
Bài tiếp theoTHÔNG BÁO VỀ VIỆC PHONG CHỨC PHÓ TẾ VÀ LINH MỤC NGÔI LỜI – NĂM 2020

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.