Mùa Thường Niên – Tuần III – Năm A

0
356

Chúa Nhật – Ngày 22 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc 1 : Is 8,23b-9,3

Bài đọc 2 : 1 Cr 1,10-13.17

Tin Mừng : Mt 4,12-23

… Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan.

Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người. Thế rồi Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

LẮNG NGHE LỜI MỜI GỌI VÀ LÀM THEO

Tu sĩ Giuse Hoàng Quốc Phán, SVD

Cuộc sống hôm nay, có lắm lời mời gọi và sự đáp trả. Nhưng để lắng nghe đâu là lời mời gọi đích thực đáp trả một cách lập tức thì đòi hỏi con người ta phải có một con tim sẵn sàng.

Lời mời gọi “hãy theo Ta” là lời Đức Giêsu gọi các Tông Đồ xưa và cho đến hôm nay, lời ấy vẫn còn vang vọng. Đức Giêsu đến là để đem ơn cứu độ đến cho con người. Để ơn cứu độ được hiện thực hóa, Ngài đã kêu mời các Tông Đồ, là những người được hưởng ơn cứu độ, đồng thời sau này sẽ là những người mang ơn cứu độ đến cho nhiều người khác.

Sự đáp trả của các Tông Đồ cũng phần nào chứng thực rằng ơn cứu độ đã có sức đốt cháy tâm can con người. Khi con người nghe lời Cứu Độ thì không thể cưỡng lại được mà chỉ có cách duy nhất là đáp trả theo nghĩa tích cực. Việc đáp trả một cách mau mắn của các Tông Đồ đã khai mở cho chúng ta sự cần chuẩn bị một tâm hồn sẵn sàng để lắng nghe tiếng Chúa và thực thi ý Ngài. Điều được đánh giá cao ngày hôm nay, không phải chỉ ở nơi việc lắng nghe mà là sự lắng nghe kèm theo hành động đáp trả. Điều này cũng giống như sự chấp nhận lời Chúa và đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống.

Lắng nghe lời mời gọi và hành động theo lời mời gọi, luôn là một cách sống Tin Mừng đích thực trong thời đại hôm nay. Người Kitô hữu phải có tâm hồn lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống thì mới được gọi là lắng nghe và đáp trả đích thực.

Lạy Chúa, xin cho con luôn có một tâm hồn biết lắng nghe và một đôi tay biết thực thi lời Chúa, để con sống xứng danh là Kitô hữu trong thời đại hôm nay.

Thứ Hai – Ngày 23 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : Hr 9,15.24-28

Tin Mừng : Mc 3,22-30

Khi ấy, các kinh sư từ Giêrusalem xuống nói về Đức Giêsu rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó. “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”

PHẢN TỈNH

Tu sĩ Micae Trần Quốc Thạch, SVD

Để cuộc sống của con người không bị “nghèo nàn” và trở nên vô nghĩa thì con người không thể không có mối tương quan với nhau. Và làm sao để có được mối tương quan mật thiết giữa con người với con người thì lời Chúa ngày hôm nay sẽ là một giải đáp cho chúng ta.

Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững” (Mc 3,24). Con người muốn tồn tại và phát triển thì luôn phải cần có mối tương quan với nhau trong đời sống vì không ai là một hòn đảo. Để cho cuộc sống của chúng ta trở nên giá trị, có được mối tương quan mật thiết thì lời Chúa ngày hôm nay mời gọi mỗi một người con của Chúa, điều tiên quyết là phải phản tỉnh về bản thân mình.

Phản tỉnh về mình bằng cách tự tra vấn: Tôi thường có những thành kiến đối với người khác không? Tôi có vượt qua được những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ hay những định kiến hẹp hòi trong tôi không? Tôi có dám “từ bỏ chính mình” để đi đến với những khác biệt của mọi người không?

Mỗi khi chúng ta biết nhìn lại bản thân mình, tự tra vấn và đi tìm lời giải đáp cho chính mình, thì khi đó sẽ làm cho các mối tương quan trong đời sống của chúng ta trở nên giá trị hơn, mật thiết hơn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con vượt qua được những khác biệt của nhau, biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ngay trong cuộc sống trần gian này.

Thứ Ba – Ngày 24 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : Hr 10,1-10

Tin Mừng : Mc 3,31-35

Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho mời Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

AI LÀ ANH EM TÔI ?

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Thanh, SVD

Bên cạnh việc tôn vinh Đức Maria và một số các môn đệ trước đám đông dân chúng, câu hỏi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay như một lời nhắc nhở chúng ta về việc đón nhận và quan tâm đến những người chung quanh mình.

Nhìn vào cuộc sống thường nhật, cứ mỗi giờ trôi qua, chúng ta tiếp xúc với bao nhiêu người. Vậy nhưng đã bao giờ ta coi họ là anh em mình, dù chỉ là trong ý niệm. Đời sống hôm nay còn được bao nhiêu người như người Samari nhân hậu (x. Lc 10,25-37) xưa kia biết nhận ra người anh em của mình đang vất vưởng và nằm la liệt bên vệ đường.

Mỗi ngày hòa mình vào những dòng người tấp nập qua lại, có khi nào ta tỏ chút động lòng hay cảm thấy xót thương cho một số phận đang vất vả mưu sinh hay một ai đó đang quằn quại, rên la, đau đớn vì tai nạn, rủi ro. Con người ngày nay đang dần mất đi những cảm thức về lòng vị tha, lòng trắc ẩn cùng sự bao dung. Chúng ta đang rơi vào không gian của sự vô cảm, thờ ơ, lãnh đạm… đơn giản cũng chỉ vì ta không nhận ra được anh em của mình. Ít khi ta dành lấy chút ít thời gian để lắng nghe những chia sẻ, để hiểu được những ưu tư của anh em trong khi ta lại dành quá nhiều thời gian cho những sở thích, đam mê của mình. Ta quan tâm, lo lắng cho ai đó rất xa xôi nhưng ta đã dành bao nhiêu thời gian cho người anh em bên cạnh đang đau ốm. Ta dành nhiều thời giờ để lướt web, xem phim, chơi game, tán ngẫu… trong khi anh em mình đang vất vả, tất bật với mọi thứ.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết trở nên người nhà của Chúa bằng cách sống đẹp lòng Chúa, sống mến Chúa yêu người, biết đồng cảm, yêu thương, luôn có lòng trắc ẩn, lòng vị tha, biết đón nhận và biết cho đi. Đặc biệt, xin cho chúng con luôn biết tự hỏi: “Ai là anh em tôi?” để nhận ra và yêu thương họ.

Thứ Tư – Ngày 25 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại – Lễ Kính (Tr)

Bài đọc : Cv 22,3-16 hoặc Cv 9,1-22

Tin Mừng : Mc 16,15-18

Khi ấy, Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

LOAN BÁO TIN MỪNG

Tu sĩ Phanxicô X. Đinh Duy Thiên, SVD

Trước khi về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ lệnh truyền sau cùng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Loan báo Tin Mừng là loan báo về tình yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại. Tình yêu thương đó được diễn tả cách tròn đầy nơi cuộc đời Chúa Giêsu: nhập thể, chịu khổ nạn, chịu chết và phục sinh.

Qua bí tích Rửa Tội, mọi Kitô hữu được Chúa trao cho sứ vụ loan báo Tin Mừng yêu thương cho nhân loại. Loan báo Tin Mừng yêu thương vừa là trách nhiệm vừa là bổn phận của mọi người Kitô hữu. Hơn thế nữa, đó cũng là cách để chúng ta thể hiện tình yêu thương đồng loại, như lời thánh Arnold Janssen, Đấng Sáng Lập Dòng Ngôi Lời: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất.”

Chúng ta chỉ có thể trình bày cho người khác về một Thiên Chúa yêu thương cách tốt nhất, khi chúng ta biết sống yêu thương nhau, như lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: “ “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân.”

Lạy Chúa, hôm nay mừng lễ kính thánh Phaolô Tông đồ trở lại, xin Chúa cho mỗi người chúng con biết noi gương thánh nhân, mà hăng say loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

 

Thứ Năm – Ngày 26 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Thánh Timôthê và Thánh Titô – Lễ Nhớ (Tr)

Bài đọc : Hr 10,19-25

Tin Mừng : Mc 4,21-25

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao? Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe!” Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.”

ÁNH SÁNG ĐỨC TIN

Tu sĩ Gioan Lê Đình Thuần, SVD

Ánh sáng là điều cần thiết cho cuộc sống của con người. Thế nhưng, ánh sáng đức tin còn quý giá gấp bội vì nó soi chiếu nơi tâm hồn của mỗi người. Nó sẽ được lan tỏa qua cuộc sống hằng ngày bằng những việc làm trong cách đối xử với tha nhân.

Thiên Chúa biết rõ mọi sự ngay cả trong những nơi ẩn khuất vì Ngài chính là ánh sáng, là chân lý. Trước mặt Ngài, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Điều may mắn là chúng ta được làm con cái Thiên Chúa và được Ngài yêu thương. Thế nên chúng ta cũng hãy đối xử với những người xung quanh như đối với chính bản thân mình. Được như thế, phần thưởng của Thiên Chúa ban cho ta không giảm đi, cũng chẳng mất mà còn được cho thêm. Cái khó là làm sao chúng ta có thể yêu người như chính mình. Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận từ bỏ cái tôi ích kỷ để hướng tới điều tốt đẹp, hướng tới tha nhân. Chúng ta có trở nên ánh sáng để soi chiếu và dẫn đưa con người thời đại bước qua vùng tăm tối của tội lỗi. Hay ngược lại, đôi khi chúng ta lại tìm cách che đi ánh sáng của chân lý khi chúng ta làm những điều trái ngược với tinh thần Tin Mừng. Và do vậy, chúng ta không đưa người khác đến với chân lý lại còn dẫn họ vào nơi không thể thấy ánh sáng.

Lạy Chúa, sự thật luôn ở ngay trước mặt chúng con, nhưng lắm lúc chúng con đánh lừa chính mình, đánh lừa người xung quanh và còn dẫn họ tới chỗ diệt vong. Xin chiếu rọi ánh sáng Chúa vào tâm hồn chúng con, để chúng con có thể trở nên ánh sáng cho người khác.

Thứ Sáu – Ngày 27 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

Bài đọc : Hr 10,32-39

Tin Mừng : Mc 4,26-34

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”…

HẠT GIỐNG NHIỆM MẦU

Tu sĩ Phêrô Hoàng Quốc Việt, SVD

Muốn có mảnh đất tốt để gieo hạt thì người nông dân cần cày xới, nhặt sạch cỏ, làm cho đất tơi xốp, rồi mới gieo hạt, chăm bón và đợi mùa thu hoạch. Một điều chắc chắn của người gieo giống là biết quy trình làm đất và chăm nom. Còn quá trình hạt giống nảy mầm và mọc lên thế nào hay đơm bông kết trái ra sao thì người gieo giống hoàn toàn không biết được: “Đêm hay ngày, người gieo giống ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,27).

Từ hạt giống thể lý ta liên hệ đến hạt giống tâm linh, đó là hạt giống Tin Mừng. Để Nước Thiên Chúa có thể lớn mạnh và lan rộng, Giáo Hội cần phải luôn canh tân đời sống, phải luôn làm cho mảnh đất Giáo Hội luôn màu mỡ và phì nhiêu. Cũng vậy, Giáo Hội muốn lớn mạnh thì hạt giống Tin Mừng trong mỗi tín hữu cần được triển nở, đơm bông và kết nhiều hoa trái thiêng liêng tốt lành. Vì thế, mỗi tín hữu cần phải chuẩn bị mảnh đất tâm hồn thật tốt. Để được như vậy, ta cần phải biết nhổ đi những “cỏ dại” của ghen tương, đố kỵ và hận thù, “bón” cho mảnh đất tâm hồn chất dinh dưỡng là những điều tốt lành, “tưới” vào mảnh đất ấy nguồn nước ân sủng của Thiên Chúa. Và cần phải học nơi Mẹ Maria cách chăm sóc cho hạt giống Tin Mừng là biết suy đi nghĩ lại Lời trong lòng. Ta không biết được hạt giống Tin Mừng triển nở thế nào, nhưng ta cứ chuẩn bị “mảnh đất” tâm hồn tốt, thì ta sẽ có  một mùa gặt bội thu. Như thế, Nước Trời sẽ lan rộng khắp cõi đất.

Lạy Chúa, xin giúp sức cho mỗi người chúng con, để chúng con biết chăm sóc cho “mảnh đất” tâm hồn ngày càng phì nhiêu và xin cho chúng con cũng biết noi gương Mẹ Maria suy gẫm và thi hành lời Chúa mỗi ngày.

Thứ Bảy – Ngày 28 – Tháng 1

MÙA THƯỜNG NIÊN – TUẦN III

TẾT NGUYÊN ĐÁN ĐINH DẬU

CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI

Lễ Giao Thừa

(Ds 6,22-27; 1 Tx 5,16-26.28; Mt 5,1-10)

Lễ Tân Niên (Mẫu 1)

Bài đọc 1 : St 1,14-18;

Bài đọc 2 : Pl 4,4-8

Tin Mừng : Mt 6,25-34

Mẫu 2

(Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48)

Mẫu 3

(Is 11,1-9; Cl 3,12-17; Ga 14,23-27)

Khi ấy, Đức Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? […] Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.

TÌM KIẾM BÌNH AN

Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Giá, SVD

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy những biến động với những lo toan, những hiểm họa rình rập với lo lắng cơm, áo, gạo, tiền đang khiến chúng ta mất bình an trong tâm hồn. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lại bảo “Anh em đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc”, phải chăng lời Chúa dạy bảo ta thờ ơ lạnh nhạt với sự sống của đời mình chăng? Không, lời Chúa mời gọi ta quản lý tốt quỹ thời gian Chúa ban. Để cuộc đời thêm ý nghĩa, chúng ta phải sử dụng thời gian mà tìm kiếm bình an Thiên Chúa thay vì ta ngồi đó lo lắng sự đời.

Tất cả mọi thứ đều có thể lấy lại được, song thời gian đi rồi thì không thể quay lại được. Thời gian có thể chà xát cho vết thương thêm đau, cũng có thể là linh dược làm lành mọi tổn thương tâm hồn. Điều đó tùy thuộc thái độ sống của mỗi người khi nhìn nhận thực tại.

Tôi phải sống trọn từng phút giây hiện tại. Đó là thái độ sống trao ban tình thương. Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, trong tác phẩm Đường Hy Vọng, đã viết rằng: “Con không đợi chờ, con quyết sống phút giây hiện tại, và làm cho nó đầy tình thương. Vì chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.” Biết tận dụng tốt thời gian, tôi sẽ nên thánh mỗi ngày. Con đường nên thánh được khởi đi từ những điều nhỏ bé nhưng có khả năng thay đổi cả thế giới.

Lạy Chúa, thời gian vẫn trôi đi không chờ đợi ai. Xin Chúa cho con luôn biết quản lý tốt thời gian của Chúa ban để sống trọn vẹn và trao ban tình thương của Chúa cho mọi người.

Bài trướcChương trình Họp mặt Quý Ông Bà Cố của Quý Tu sĩ, Linh mục Ngôi Lời, thuộc Gp. Đà Lạt (2017)
Bài tiếp theoLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Thường Niên – Năm A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.