Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Thường Niên – Năm A

0
395

Bài Ðọc I: Is 9, 1-4 (Hr 8, 23b – 9, 3)

“Tại Galilêa các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Lúc đầu, đất Giabulon và Nephthali rất hèn hạ, trong tương lai dần dần trở thành đường biển, bên kia sông Giođan trở thành Galilêa các dân tộc. Dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại, và một ánh sáng đã chiếu soi trên dân ở vùng bóng sự chết. Người đã gia tăng dân số, đã ban một nguồn vui lớn; thiên hạ hân hoan trước mặt Người, như hân hoan khi được mùa, nhảy mừng như khi phân chia chiến lợi phẩm. Vì ách đã đè trên họ, đòn ngang nằm trên vai họ, và gậy của kẻ lạm thu họ, Người đã bẻ gẫy tất cả như trong ngày Mađian.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ; tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai? – Ðáp.

2) Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người. – Ðáp.

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 10-13. 17

“Tất cả anh em hãy đồng tâm hợp ý với nhau, và giữa anh em, đừng có chia rẽ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi xin anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý với nhau, giữa anh em đừng có chia rẽ; hãy đoàn kết chặt chẽ trong cùng một thần khí và cùng một tâm tình. Anh em thân mến, tôi đã được các người nhà Khloê cho hay rằng: giữa anh em đang có những sự bất đồng. Tôi có ý nói điều này, là mỗi người trong anh em nói: “Tôi, tôi thuộc về Phaolô; – “Tôi về phe Apollô”; – “Còn tôi, tôi về phe Kêpha”; – “Và tôi thuộc về phe Chúa Kitô”. Chúa Kitô bị phân chia rồi sao? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vì anh em đâu? Hay là nhân danh Phaolô mà anh em chịu phép rửa? Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 23

Alleluia, alleluia! – Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 4, 12-23 (bài dài)

“Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”.

Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!”

Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: “Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta”. Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Mt 4, 12-17

“Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: “Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề: 

ƠN GỌI VÀ SỰ ĐÁP TRẢ

Tu sĩ Trần Thanh Hải, SVD

Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay trình thuật cho chúng ta biết Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ tại Caphácnaum, miền Galilê, sau khi Gioan Tẩy Giả bị nộp. Và để thực hiện công trình cứu chuộc toàn thể nhân loại, Người đã kêu gọi và chọn một số Tông Đồ và các môn đệ để cùng cộng tác, chia sẻ sứ mạng với Người, “ở với Người, được Người huấn luyện và sai đi[1]. Vậy, thái độ đáp trả của các ngài như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu và phân tích.

Trong khung cảnh của một ngày sống bình thường, khi các Tông Đồ đang hành nghề đánh cá, đang vá lưới trong thuyền thì Đức Giêsu trông thấy và cất tiếng gọi: “Các anh đi hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Nghe tiếng Chúa, các ông liền bỏ tất cả mọi sự: bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mình mà đi theo Người. “Các ông đi theo Người một cách tin tưởng mà không hỏi xem Người sẽ dẫn các ông đi đâu và tương lai sẽ thế nào.”[2] Các ông tin vào lời Đức Giêsu đã hứa, là từ bây giờ Người sẽ làm cho các ông thành những “ngư phủ lưới người”, những kẻ thu phục người ta, những kẻ bắt sống người ta; các ông sẽ theo Chúa, sống bên Chúa, chia sẻ buồn vui, sướng khổ với Chúa, ghi nhớ những gì Chúa đã dạy và làm chứng về những việc Người đã làm.

Được Đức Giêsu kêu gọi, các Tông Đồ đã đáp trả cách mạnh mẽ và dứt khoát bằng cách từ bỏ lối sống xưa cũ, bỏ lại đằng sau những gì gắn bó và hấp dẫn mình bấy lâu nay, những bận rộn lo toan về ‘cơm áo gạo tiền’ của cuộc sống hằng ngày, và ngay cả những gì thân thiết nhất như người thân trong gia đình, để “hướng tới một mục tiêu cao cả và bền vững hơn”[3] là trở thành những kẻ lưới người. Các ông sẽ “dấn thân với nhiệm vụ vĩnh cửu, hầu mang mọi người về với Nước Thiên Chúa”[4].

Khi xưa, các Tông Đồ đã đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu cách nhanh chóng và với tất cả sự tự do, không bị gượng ép hay do dự. Còn những Kitô hữu chúng ta hôm nay thì sao? Trước lời mời gọi yêu thương của Đức Giêsu, chúng ta có thái độ nào? Chúng ta có tin tưởng và sẵn sàng để cho Chúa và Lời của Ngài lôi kéo chúng ta không?

Trong cuộc sống ngày hôm nay, lời mời gọi của Đức Giêsu vẫn còn giá trị và trở nên cấp thiết hơn cho những ai muốn theo Người làm môn đệ. Chúa vẫn gọi mỗi anh chị em chúng ta tiếp tục sứ vụ của Người là trở thành những “ngư phủ lưới người” giữa lòng thế giới này, nhằm làm cho nhiều người biết Chúa hơn. Nhưng nhiều khi chúng ta làm ngơ, vì chúng ta sợ phải hy sinh, sợ phải từ bỏ những thứ đang chiếm hữu lòng ta như của cải vật chất, tiền bạc, tiện nghi, sự an toàn của bản thân, và ngay cả những của cải tinh thần như tiếng tăm, uy tín, địa vị, quyền lực, tài năng và sự thành công nữa. Vậy thì làm sao ta có thể từ bỏ để theo Chúa? Vì từ bỏ là đặt mọi sự dưới Chúa, coi Người là giá trị cao nhất, vượt lên trên mọi giá trị. Như một trong những đặc tính quan trọng nhất của đức mến theo Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là tình yêu) là: Lòng yêu mến Thiên Chúa vượt trên tất cả. Nghĩa là con người phải yêu mến Thiên Chúa hơn tất cả mọi thụ tạo, lớn hơn tình yêu dành cho cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, và hơn cả chính mạng sống mình (x. Lc 14,26). Bởi lẽ, Thiên Chúa là nguyên ủy và cùng đích của tất cả.

Do đó, theo Chúa đòi buộc chúng ta cần phải có một tình yêu, một niềm tín thác, tin yêu thật lớn lao nơi Người; nhờ vậy, ta mới có thể hy sinh từ bỏ những gì ta đang ôm ấp và sở hữu, ngay cả khi chấp nhận từ bỏ một điều tốt để chọn lấy một điều tốt hơn theo ý Chúa muốn. Bởi vì làm môn đệ Đức Giêsu không có nghĩa là thoát khỏi thân phận yếu hèn, tội lỗi và cũng không đương nhiên là có cuộc sống đạo đức hơn những người khác. Nhưng làm môn đệ Đức Giêsu là phải làm sao để cố gắng đi theo Ngài, họa lại cuộc đời của Ngài và trở nên giống Ngài mỗi ngày một hơn.

Nói tới đây, tôi nhớ đến một câu chuyện do đương sự kể lại, tôi không nhớ trọn vẹn nguyên văn, nhưng đại ý thế này: Cha Đức, một việt kiều tại Mỹ, sinh ra trong một gia đình ngoại giáo đã can đảm vượt qua mọi sự dị nghị, đàm tiếu và ngăn cản của những người xung quanh để trở lại đạo Công Giáo vào năm 1995. Hai năm sau đó, cha tiếp tục đáp lại tiếng gọi của Chúa, cha muốn trở thành linh mục trong khi công việc của mình đang tỏa sáng: một kỹ sư máy tính với mức lương 36 USD/giờ tại Mỹ lúc bấy giờ là ước mong của biết bao người. Hơn nữa, khi cha muốn làm linh mục thì gia đình cha hết sức phản đối vì họ cho rằng cha đi tu như thế là bất hiếu vì không thể phụng dưỡng ba mẹ. Nhưng ngài nói một cách xác tín theo tư tưởng của Đường Hy Vọng, số 340, rằng: “Đi tu không phải là xa lánh thế gian, nhưng ở trong thế gian và cho thế gian”. Cuối cùng, trải qua bao khó khăn, ngài vẫn không chùn bước và đã trở thành linh mục của Chúa vào năm 2001. Hằng năm, ngoài công việc mục vụ, ngài vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để làm công tác từ thiện. Mới đây nhất, tôi có nghe ba mẹ ngài đã trở lại đạo Công Giáo.

Cha Đức có thể là một mẫu gương đáp lại tiếng Chúa trong thế giới chúng ta đang sống hôm nay, một thế giới với nhiều biến động. Thiết nghĩ, điều quan trọng là chúng ta có muốn lắng nghe, muốn nhận ra và đáp lại tiếng gọi thân thương của Chúa hay không mà thôi. Đáp trả ở đây không phải là những lời nói suông mà bằng “một sự hiến dâng liên lỉ thực hiện trong cuộc sống” (Đường Hy Vọng, số 69),từ bỏ và hy sinh vì Đức Kitô và Tin Mừng của Người.

Ước gì qua việc lắng nghe và suy gẫm lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ nhạy bén hơn trước tiếng gọi của Chúa và mau mắn đáp trả trong sự phó thác, tin tưởng, yêu thương và hy vọng. Và khi chúng ta trao gởi đời mình cho Chúa thì Chúa sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta trở nên tuyệt diệu và có ý nghĩa; chúng ta sẽ là những công cụ phi thường trong bàn tay của Người, như thánh Têrêxa Calcutta đã từng thưa lên rằng: “Tôi chỉ là cây bút chì trong tay Chúa, để Chúa viết những gì Chúa muốn”.

[1] Giáo Hoàng Pio X Học Viện Đà Lạt, Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm B, Mùa Thường Niên, 2013, tr. 37.

[2] Phạm Văn Phượng, Chia sẻ Tin Mừng, Chúa Nhật năm B, tr. 48.

[3] Nguyễn Quốc Tuấn, “Những ngư ông của Chúa”, http://daichung vienvinhthanh.com/2012/01/19/chua-nhật-iii-thường-nien-b-những-ngư -ong-của-chua/ truy cập ngày 10-10-2014.

[4]Chân Ngôn, Chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật và đại lễ – năm B, Học Viện Đa Minh, 2011, tr. 331.

Bài trướcMùa Thường Niên – Tuần III – Năm A
Bài tiếp theoAudio Lời Chúa + Suy niệm Chúa Nhật 3 TN – A

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.