Mùa Giáng Sinh – Tuần II – Năm B

0
331

Thứ Hai – Ngày 01 – Tháng 1

THÁNH MARIA, MẸ THIÊN CHÚA – Lễ trọng (Tr)

Bài đọc 1 : Ds 6,22-27

Bài đọc 2 : Gl 4,4-7

Tin Mừng : Lc 2,16-21

Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bêlem. Họ gặp bà Maria, ông Giuse,

cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu;

đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

 

MẸ THIÊN CHÚA

Nói một cách khách quan, trong công trình cứu chuộc, Đức Maria chỉ là một mắt xích, hay là một dụng cụ mà Thiên Chúa đã tuyển chọn. Mẹ vốn dĩ là một nữ nhi, liễu yếu đào tơ, xuất thân từ tầng lớp thấp hèn trong xã hội. Chỉ có bấy nhiêu thôi, ấy vậy mà Giáo Hội lại tôn vinh Mẹ qua rất nhiều tước hiệu cao quý, thậm chí là cả tước hiệu làm Mẹ Thiên Chúa. Phải chăng Giáo Hội ta đã quá dễ dãi và hồ đồ?

Theo lý đời mà suy, hễ con làm vua, ắt hẳn mẹ sẽ làm bà hoàng. Đức Giêsu là vua, không những là vua hạ giới mà còn là vua thiên giới, nghĩa là vua toàn thể vũ trụ. Vậy nên, Đức Maria phải là một bà hoàng có địa vị cao trọng.

Hơn nữa, nhờ công trình cứu chuộc của Đức Giêsu, mọi tạo vật, dù là hữu linh hay vô linh, đều được biến đổi, thăng hoa và mặc lấy một vẻ đẹp mới. Vậy thì, Đức Maria, Đấng đã mang nặng đẻ đau, rồi nâng niu, dìu dắt và dưỡng dục vị Cứu Tinh, chắc chắn không thể có ai sánh bì.

Do vậy, thiết nghĩ, những tước hiệu mà Giáo Hội tôn phong cho Đức Maria chỉ như những bông hoa nhỏ tô điểm cho ngai tòa cao cả của Mẹ. Đức Giêsu là người thật, là Thiên Chúa thật. Suy ra Mẹ của Đức Giêsu cũng là Mẹ Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao hôm nay toàn thể Giáo Hội ca tụng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Và điều Giáo Hội tuyên phong cũng chỉ là công nhận điều mà bà Êlisabét đã xác quyết: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43).

Lạy Mẹ Maria, với quyền năng cao cả mà Thiên Chúa tặng ban, xin Mẹ che chở chúng con khỏi mọi sự dữ và dẫn dắt chúng con về tới quê trời vinh phúc.

Tu sĩ Phêrô Hoàng Văn Toàn, SVD

Thứ Ba – Ngày 02 – Tháng 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Thánh Basiliô Cả và Grêgôriô, giám mục, tiến sĩ Hội thánh. Lễ nhớ (Tr).

Bài đọc : 1 Ga 2,22-28

Tin Mừng : Ga 1,19-28

… Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.

TIẾNG HÔ TRONG HOANG ĐỊA


Khởi đi từ lời hứa của Thiên Chúa về Đấng Emmanuen trong Cựu Ước, dân Chúa xưa đã mòn mỏi trông mong ngày lời hứa ấy sẽ được thực hiện.

Với biến cố thăm viếng của các đạo sĩ, dân thành Đavít lại xôn xao náo động, niềm hy vọng về một Đấng Cứu Độ lại được thắp lên nhưng lại vụt tắt bởi vụ thảm sát các hài nhi của Hêrôđê bạo chúa. Theo năm tháng, nỗi đau vụ thảm sát cũng nguôi ngoai, người ta trở lại với cuộc sống thường nhật; lời hứa xưa hoặc bị lung lạc hoặc bị chôn chặt trong tận đáy lòng.

Chính lúc này, Gioan Tẩy Giả xuất hiện lại làm cho nhiều người mất ăn mất ngủ, vì niềm hy vọng về Vị Cứ Tinh lại được đánh thức. Người ta hỏi ông nhiều câu hỏi về Đấng Thiên Sai nhưng ông đã cho họ biết rằng ông không phải Lời Nhập Thể; ông chỉ là tiếng hô để đánh thức niềm hy vọng của dân mà thôi. Như tiếng chuông nhà thờ vang lên mỗi sáng sớm nhắc người ta tỉnh thức sau giấc ngủ dài và đón chào ngày mới bằng việc ca tụng Đức Chúa, ông cũng chỉ là tiếng hô để thức tỉnh dân sửa soạn tâm hồn, sẵn sàng để đón Đấng Cứu Tinh sẽ đến sau ông.

Cuộc sống hôm nay cũng cần đến nhiều tiếng hô như thế. Tiếng hô sự thật để đánh thức lương tâm của những kẻ đang sống gian trá. Tiếng hô loan báo tin vui cứu độ cho những ai chưa biết đến Tin Mừng. Tiếng hô mang lại bình an và niềm hy vọng cho những người đang sống trong tuyệt vọng.

Lạy Chúa, xin cho con được làm một tiếng hô khiêm tốn và nhỏ bé giữa những ồn ào, náo động, ganh đua, tranh giành của thế gian, để con thắp lên một tia sáng nhỏ đủ để người ta nhận ra sự hiện diện của Chúa giữa cuộc đời bon chen này. Amen.

Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Tuấn Thể, SVD

Thứ Tư – Ngày 03 – Tháng 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Danh Thánh Chúa Giêsu (Tr).

Bài đọc : Ga 2,29-3,6

Tin Mừng : Ga 1,29-34

Hôm sau, khi ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa trong nước.” Ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

GIỚI THIỆU CHÚA CHO NGƯỜI KHÁC


Ngày nay chúng ta thấy một biểu hiện tâm lý khá phổ biến, đó là tâm lý thích thể hiện. Ai cũng muốn chứng tỏ mình hơn người, được nhiều người khác biết đến. Cho nên, ông bà xưa có câu: “Một miếng đầu làng hơn một sàng xó bếp.” Tuy nhiên, trong Bài Tin mừng hôm nay, có một con người đi ngược lại với tâm lý thích thể hiện ấy, đó chính là ông Gioan Tẩy Giả. Ngài đã không tự giới thiệu mình, đã không lăng xê mình để được nhiều người biết đến. Ngài đã giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người.

Từ khi lãnh nhận phép rửa tội, mọi người Kitô hữu chúng ta đều lãnh nhận sứ mạng ngôn sứ, là sứ mạng nói về Chúa Giêsu cho người khác. Tuy nhiên, nhiều người Kitô hữu, đôi khi có cả tôi nữa, chỉ nói về Chúa Giêsu như một lý thuyết suông. Họ đã không để cho lối sống của Chúa, giáo huấn của Chúa và Lời của Chúa khuấy động tâm tư của họ và thể hiện ra bằng hành động trong cuộc sống của chính họ. Thế nhưng, “con người hôm nay ít thích nghe những lời dạy cho bằng nghe những chứng tá” (Gioan Phaolô II). Vì những lời nói về Chúa Giêsu chưa được biến thành cuộc sống của người nói là những lời nói thiếu sức thuyết phục người nghe.

Mặt khác, nhiều người Kitô hữu, lắm lúc cũng có cả tôi trong đó, chỉ nói về Chúa Giêsu như một nhân vật lịch sử, đã từng sống, từng ăn uống, từng đi lại, từng dạy dỗ, … trong một khoảng thời gian nhất định trên trần thế, chứ không phải nói về một Chúa Giêsu mà họ đã từng tiếp cận, gặp gỡ và kết thân. Để làm được điều này, người giới thiệu về Chúa Giêsu phải là người có đời sống kết hợp mật thiết với Ngài đến mức có thể nói được như Thánh Phaolô đã từng nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Lạy Chúa, xin cho mọi người Kitô hữu chúng con biết nói về Chúa cho những ai chưa biết Chúa. Nhưng, lạy Chúa, xin đừng để chúng con nói về Ngài như một lý thuyết suông, một con người lịch sử xa lạ. Xin Chúa cho chúng con nhận ra Ngài và kinh nghiệm về Ngài trong từng phút giây của cuộc sống chúng con để mỗi người chúng con có thể nói về Chúa bằng chính đời sống của mình.

Lm. Antôn Nguyễn Thanh Hà, SVD

Thứ Năm – Ngày 04 – Tháng 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Bài đọc : 1 Ga 3,7-10

Tin Mừng : Ga 1,35-42

Khi ấy, ông Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (nghĩa là Đấng Kitô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô).

CHÚNG TÔI ĐÃ THẤY ĐẤNG MÊSIA


Không có một bằng chứng nào để xác thực, ngoại trừ việc Gioan Tẩy Giả nhận ra Đức Giêsu chính là
“Chiên Thiên Chúa”, thế mà hai môn đệ là Gioan và Anrê đã rời bỏ ông mà đi theo Đức Giêsu. Việc bỏ đi này có thể là yêu cầu hay sự mong đợi của Gioan Tẩy Giả, nhưng ở đây chúng ta không thấy đề cập đến mặc dù chúng ta có thể hiểu ngầm rằng đó là một sự tuyên xưng rất cao cả mà trước đó Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng nói với người Dothái: “Tôi không phải là Đấng Kitô” (Ga 1,20), nhưng “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,28).

Sự đáp lại của Đức Giêsu là quay về phía hai môn đệ và hỏi các ông một câu hỏi như thể Người thấu suốt tận tâm can các ông ngay trong cái nhìn đầu tiên: “Các anh tìm gì thế?” (Ga1,38). Câu trả lời của họ thật mơ hồ và gián tiếp: “Thưa Rápbi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” (Ga 1,38) – Họ sẵn sàng nhìn nhận rằng Đức Giêsu là một vị thầy thánh thiện nhưng cũng muốn biết hơn về Đức Giêsu. Để trả lời cho họ, Đức Giêsu cũng không trả lời cách trực tiếp nhưng cách gián tiếp: “Đến mà xem” (Ga 1,39). Sự dấn thân giúp hai người môn đệ này tìm được điều mình mong chờ.

Niềm vui tìm thấy là momg muốn được chia sẻ, và nhất là khi trên đường lữ hành đức tin, tìm gặp được Đấng ta hằng mong đợi thì niềm vui này càng không thể dấu kín. Đây cũng là kinh nghiệm của Anrê, một trong các vị tông đồ đầu tiên: khi đã tìm gặp được Đức Giêsu, vị tông đồ này đã tìm em mình là Simôn Phêrô và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia – nghĩa là Đấng Kitô” (Ga 1,42), rồi không dừng tại đó, ông đã đem em mình đến gặp Đức Giêsu.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cũng cảm nếm được niềm vui gặp gỡ Chúa, và biết chia sẻ và giới thiệu niềm vui gặp gỡ “Đấng Mêsia” cho người khác.

Tu sĩ Phêrô Nguyễn Quốc Hưng, SVD

Thứ Sáu – Ngày 05 – Tháng 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Bài đọc : 1 Ga 3,11-21

Tin Mừng : Ga 1,43-51

Khi ấy, Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Người gặp ông Philípphê và nói: “Anh hãy theo tôi.” Ông Philípphê là người Bếtxaiđa, cùng quê với các ông Anrê và Phêrô. Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét.” Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người : “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

TIẾNG GỌI KỲ LẠ


Khi còn là một đứa trẻ sơ sinh, chúng ta chỉ biết nằm và ngủ. Lớn hơn, chúng ta bắt đầu tập đi những bước đi đầu đời, bố mẹ đứng xa xa vẫy gọi: “nào con, đến đây nào” và đứa trẻ bước theo hướng của bố mẹ mình. Cùng cách thức đó, có một tiếng gọi không phải chỉ nghe bằng tai mà còn bằng cả tâm hồn nữa. Đó là tiếng gọi của Đức Kitô.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Người gặp ông Philípphê và nói: “Anh hãy theo tôi.” Phải chăng Chúa Giêsu chỉ ngẫu nhiên chọn bất kỳ người nào mà Người gặp? Đức Giêsu không chọn ai khác mà lại chính là các môn đệ này. Quả thật, Người đã nhìn đến các ông từ trước như lời Người nói với ông Nathanaen; Người nhìn thấy tận tâm can, nhìn thấy không những điểm mạnh mà cả những điểm yếu kém của các ông nữa.

Phần tôi, Thiên Chúa đã cất tiếng gọi tôi từ muôn thuở; từ khi tôi còn trong lòng mẹ, Ngài đã chọn gọi tôi vì yêu thương. Ngài vẫn dõi theo tôi trong từng phút giây của cuộc sống: lúc tôi thành công lẫn khi tôi thất bại; lúc tôi vui sướng hay khi tôi cô đơn buồn chán; lúc tôi thánh thiện lẫn khi tôi bất toàn tội lỗi. Việc Ngài làm, tôi làm sao hiểu thấu .

Lạy Chúa, con xác tín rằng con được Chúa mời gọi cách diệu kỳ. Tại sao Chúa lại gọi con theo Chúa trong Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời? Sao lại là con giữa biết bao nhiêu người tài giỏi hơn con? Lạy Chúa, bởi có một việc ngài không thể làm, là Ngài không thể nào ngừng YÊU. Cảm tạ Ngài luôn mãi.

Tu sĩ Phêrô Kỳ Khắc Chí, SVD

Thứ Bảy – Ngày 06 – Tháng 1

MÙA GIÁNG SINH – TUẦN II

Thứ Bảy đầu tháng

Bài đọc : 1 Ga 5,5-13

Tin Mừng : Mc 1,6b-11

Khi ấy Gioan rao giảng rằng: “Có Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần. Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nazarét xứ Galilê đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời: Con là con yêu quí của Cha, con đẹp lòng Cha mọi đàng.

SỐNG TRỌN CĂN TÍNH KITÔ HỮU

Khi chúng ta chịu phép Rửa tội, chúng ta được sạch tội “tổ tông”, được gia nhập vào cộng đoàn kitô hữu và Chúa Thánh Thần cư ngụ vào trong tâm hồn chúng ta. Bài Tin mừng chúng ta nghe hôm nay: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình”. Đức Giêsu đi lên khỏi nước cũng như là hình ảnh dân được chọn của Thiên Chúa, dân Ítraen đi qua dòng sông Giođan để đi vào vùng đất mới và nhận một căn tính mới. Đức Giêsu là dân Ítraen mới Người đã “xé tầng trời” để mặc cho những người được Thiên Chúa yêu một căn tính đích thực.

Đức Giêsu được gọi là “Con yêu dấu của Cha” và cũng vậy tất cả những ai tin và lãnh nhận phép Rửa cũng trở nên “Con yêu dấu của Cha”. Qua hành động của Gioan và lời của Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu chính thức được giới thiệu cho mọi người và Người đã sống trung tín “là Con yêu dấu của Cha” trong từng giây phút và trọn cuộc đời sống công khai của Người.

Cũng vậy, chúng ta được lãnh nhận phép Rửa tội, chúng ta cũng sống đời sống công khai như Đức Giêsu bằng việc chia sẻ vui buồn trong cuộc sống hằng ngày và yêu thương tất cả anh chị em chúng ta.

Xin cho mỗi người chúng con biết sống sao cho trọn căn tính là một kitô hữu mà chúng con được trao ban từ khi được lãnh nhận Bí tích Rửa tội.

Tu sĩ Gioan Trần Nam Phong, SVD

Bài trướcMẫu chuyện cho cuộc sống: KHO BÁU LỚN CỦA BẠN
Bài tiếp theoThánh Lễ Truyền chức Linh mục và Phó tế 2017 – Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.