KHOẢNH KHẮC KỲ DIỆU (CHÚA NHẬT II MÙA CHAY, năm C)

0
272

 

St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36

Tin Mừng: Lc 9,28b-36

28b Khi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê.

29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a.

31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.

32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người.

33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì.

34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ.

35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”

36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

Bài giảng

KHOẢNH KHẮC KỲ DIỆU (Lm Giuse Vũ Xuân Sơn, SVD)

Hôm nay là Chúa Nhật II Mùa Chay, trình thuật Tin Mừng kể lại cho chúng ta biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi. Chính vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm biến cố thiêng liêng này dưới ánh sáng của mầu nhiệm mà chúng ta đang hướng tới, đó là mầu nhiệm Phục Sinh. Hy vọng mỗi người chúng ta sẽ biết cách nhận ra những khoảnh khắc kỳ diệu trong cuộc sống, tuy nho nhỏ nhưng đầy sức mạnh biến đổi, ngang qua những biến cố vui, buồn, sướng, khổ thường ngày, để rồi biết cách thăng tiến đời sống Kitô hữu của mình, trở nên lời chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh.

Quan sát trong phụng vụ Lời Chúa, chúng ta thấy rằng các bản văn Tin Mừng Nhất Lãm của ngày lễ hôm nay đều đề cập đến việc thay hình đổi dạng của Đức Giêsu trên một ngọn núi cao. Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này sau khi ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, và sau lần đầu tiên Đức Giêsu nói về việc Người phải chịu đau khổ cũng như loan báo về cái chết của Người. Thánh Luca kể lại rằng, Đức Giêsu đem ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng đi với Người lên một ngọn núi cao. Tại đó Đức Giêsu biến đổi dung nhan, Người trở nên rực rỡ, vinh quang trước sự ngỡ ngàng của các môn đệ. Sự vinh quang và rực rỡ ấy phát xuất từ chính thần tính của Đức Giêsu. Qua việc tỏ hiện này, Đức Giêsu muốn củng cố lòng tin của ba môn đệ. Người chuẩn bị để các ông có thể đối diện với những thử thách trong tương lai, bằng cách cho họ nếm trước một chút vinh quang và niềm hoan lạc thần linh tuyệt vời của đời sống vĩnh cửu trên Quê Trời. Vâng, chỉ mới một chút vậy thôi mà các môn đệ đã cảm thấy ngất ngây tột đỉnh đến nỗi Phêrô, người vẫn được tiếng là nhanh nhẹn và “rất bộc trực” phải thốt lên lời cầu xin được ở lại mãi chốn này: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay!  Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Lc 9,38).

Khoảnh khắc biến hình mà thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan được đối diện ngày hôm nay quả thật kỳ diệu, linh thiêng và mầu nhiệm. Trong khoảnh khắc ấy, mọi thứ dường như ngưng đọng lại, cả không gian, thời gian, đất với trời, thần tính và nhân tính, tất cả đều hội tụ nơi Đức Giêsu. Cả một khối mầu nhiệm tuyệt vời đang hiện diện trước mắt các môn đệ. Các ông nhận thấy mình thật có phúc vì được là một phần của một điều gì đó thật lớn lao. Và chính trong khoảnh khắc ấy, các ông được biến đổi hoàn toàn, được căng tràn sức sống, niềm tin cũng như lòng dũng cảm để làm chứng cho Đức Giêsu sau này.

Trong cuộc sống, hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng được đối diện với những khoảnh khắc mầu nhiệm kỳ diệu ấy ngang qua những biến cố lớn, nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Những khoảnh khắc, những cuộc gặp gỡ đó có thể làm thay đổi bản thân mình. Đức hồng y Antonio Tagle, nguyên Tổng Giám mục Manila, Philippines đã kể lại kinh nghiệm được biến đổi khi ngài gặp đức cố hồng y Nguyễn Văn Thuận. Ngài kể lại rằng: tôi gặp ngài lần đầu trong Đại Hội Giới Trẻ ở Manila năm 1995. Tôi phải thuyết trình trước nhóm các giám mục Á Châu. Lúc đó tôi chưa làm giám mục. Tôi e sợ các đức giám mục. Tôi không dám nhìn các giám mục khi bước vào phòng thuyết trình. Tôi hết sức bối rối và cũng chẳng hiểu mình đang nói gì nữa. Rồi tôi cũng kết thúc bài nói và đi ra ngoài, tự nhủ rằng sẽ không bao giờ thuyết trình cho các đức giám mục nữa. Tôi đi đến một góc để uống cà phê. Rồi một vị giám mục mà tôi không quen biết đi theo tôi. Ngài vỗ vai tôi và nói: đừng lo lắng thế! cha có vẻ bối rối, nhưng bài thuyết trình cũng được đấy. Các giám mục chúng tôi cũng là những người bình thường mà. Đức giám mục đó chính là cố hồng y Nguyễn Văn Thuận. Cử chỉ quan tâm, lời động viên đã làm đức hồng y Tagle được biến đổi và trở nên can đảm hơn. Chắc chắn trong cuộc sống mỗi người chúng ta cũng đã từng trải qua những giây phút như thế. Một lời nói, một lời động viên, một nụ cười có thể là những khoảnh khắc kỳ diệu mà chúng ta dành cho nhau có thể trở thành động lực để giúp người khác thăng tiến.

Đây là những gì đã xảy đến cho ba môn đệ thân tín của Đức Giêsu hôm nay. Các ông không còn thấy điều gì khác ngoài một mình Đức Giêsu, bởi vì tất cả đều được chứa đựng trong Đức Giêsu. Và cũng đã được biến đổi như Người. Các môn đệ không chỉ được nhìn thấy ánh sáng, nhưng thực sự trở thành ánh sáng, vì nhân tính của ông đã được chiếu dọi bởi thần tính của Đức Giêsu, để rồi trở nên ánh sáng và muối men cho đời hầu dẫn đưa mọi người về với Thiên Chúa. Một lưu ý nhỏ ở đây là, Đức Giêsu đã không biến đổi để trở thành một điều gì đó khác trước. Người luôn luôn như thế, luôn luôn tràn đầy vinh quang Thiên Chúa và tỏa rạng ánh sáng thần tính của Người. Đức Giêsu không biến đổi, nhưng chính các môn đệ được biến đổi. Đôi mắt của họ được chữa lành, cách nhìn của họ được sửa đổi, và họ không còn mù tối nữa. Các môn đệ đã nhìn thấy đất trời được biến đổi và trở nên lời mặc khải vẻ đẹp thiêng liêng, thánh thiện của Thiên Chúa. Họ cảm nghiệm được mọi sự, cuộc đời, vạn vật trong vũ trụ, tất thảy đều là một bí tích lớn lao đưa con người bước vào tương quan mật thiết với Người. Họ đã thấy và đã cảm nghiệm được cuộc đời và trần gian này giống như những gì Thiên Chúa đã nhìn thấy và dự định cho chúng.

Mỗi lần cảm nghiệm một biến cố biến hình nào đó trong cuộc sống, chúng ta được chữa lành đôi mắt và nhìn thấy mọi sự theo một hướng hoàn toàn khác. Chúng ta được nhìn với đôi mắt của Thiên Chúa tình yêu. Trong biến cố biến hình, không phải chúng ta nhìn thấy gì, mà là chúng ta nhìn thấy như thế nào. Có một sự khác biệt giữa cái nhìn thể lý và cái nhìn được biến đổi. Chừng nào còn nhìn bằng đôi mắt thể lý, chúng ta vẫn còn phải tìm kiếm tình yêu, chán nản cuộc sống, thiếu đi niềm vui, bị ràng buộc bởi tội lỗi và sống trong nỗi sợ hãi sự chết. Liệu chúng ta sẽ tiếp tục sống như những gì đôi mắt thể lý nhìn thấy, hay để cho cái nhìn của sự biến đổi đưa chúng ta đến với các Mầu Nhiệm, đến với cái nhìn của tình yêu?

Vâng, đôi mắt được biến đổi không phủ nhận hay lờ đi những hoàn cảnh của sống hằng ngày, nhưng đúng hơn, đôi mắt ấy chỉ cho chúng ta thấy rằng, giữa những cảnh sống đó, không có gì khác ngoại trừ chính Thiên Chúa, không có gì khác ngoài chính cuộc đời, không có gì khác ngoại trừ chính tình yêu, và không có gì khác ngoại trừ chính ánh sáng thiêng liêng của Thiên Chúa. Nhờ đôi mắt đã được biến đổi, chúng ta được nên can đảm để đối diện, kiên trì chịu đựng và đáp lời với những biến cố xảy ra trong cuộc sống và trong thế giới này. Đó là lý do tại sao chúng ta dám đứng lên và không còn sợ hãi. Và đó cũng là điểm khởi đầu cho lời tạ ơn không ngừng mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa.

Sống sự biến hình là một đòi hỏi hằng ngày của mọi Kitô hữu. Nói cách khác, từng ngày sống, mọi Kitô hữu chúng ta không ngừng lột xác, không ngừng đổi mới để được trở nên giống Đức Kitô hơn. Đây cũng là ý tưởng của thánh Phaolô trong bài đọc hai, ngài nói: Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta cho nên đồng hình đồng dạng với thân xác vinh quang của Người. Đồng thời Người rất đau buồn khi nhận thấy có những kẻ sống thù nghịch với thập giá. Hãy góp phần vào sự biến hình của chính thân xác mình bằng cách khử trừ mọi tội lỗi, uốn nắn sửa đổi lại những thói hư tật xấu, để trong ngày sau hết chúng ta sẽ được mặc lấy ánh vinh quang của Thiên Chúa.

Biến cố biến hình đã giúp các môn đệ can trường vượt qua mọi thử thách và sợ hãi, không chỉ suốt cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu mà còn trong cả cuộc đời của các ngài. Vậy thì chúng ta, những người đã được biến đổi nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta cũng hãy noi gương các môn đệ năm xưa, đó là biết nhìn lên Thiên Chúa, xem Người là cùng đích duy nhất của cuộc đời, nhận ra Người trong tất cả mọi sự, để rồi từ đó biết sống thật tốt lành, thánh thiện, và nên lời chứng cho Thiên Chúa giữa trần gian. Amen.

Bài trướcLỜI SỐNG (13/3, Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm C)
Bài tiếp theoNGÀY THỨ 4: THÁNH GIUSE – ĐẤNG BẢO VỆ SỰ SỐNG * TUẦN CỬU NHẬT KÍNH THÁNH GIUSE