SỨ MẠNG NGÔN SỨ (Chúa Nhật IV TN, năm C)

0
437
Photo: History.com

CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN 

(Gr 1,4-5.17-19; 1 Cr 12,31-13,13; Lc 4,21-30)

TIN MỪNG (Lc 4, 21-30)

21 Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe.

22 Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: Người này không phải là con ông Giuse sao?

23 Và Người nói với họ: Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình! Điều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông’”.

24 Người nói tiếp: Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình.

25 Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; 26 dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một nguời nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon.

27 Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria.

28 Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, 29 họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm.

30 Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi. Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình.

 

BÀI GIẢNG

SỨ MẠNG NGÔN SỨ (Lm. G. B. Nguyễn Văn Huân, SVD)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu trở về làng quê Nadarét. Ngày Sabát, Người vào hội đường giải thích Kinh Thánh như một vị ngôn sứ đầy quyền năng: “Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Mọi người đều thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người (x. Lc 4,22). Mặt khác, những người đồng hương biết rõ về gốc tích của Người là “con ông Giuse”, nên họ coi thường và thử thách Người làm phép lạ nữa. Hiểu được suy nghĩ của họ, Chúa Giêsu đã không làm một phép lạ nào ở đó như họ yêu cầu, nên họ đã tức giận và đuổi Người ra khỏi thành (x. Lc 4,29). Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng nhau suy gẫm về những phản ứng của người đồng hương Nadarét và sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu.

Phản Ứng Của Dân Làng Nadarét

Trước hết, phản ứng của những người đồng hương Nadarét với Chúa Giêsu thật lạnh nhạt. Lẽ ra họ phải vui mừng và hãnh diện khi thấy một người làng xóm của mình nổi tiếng trở về quê và được người ta ca tụng là Đấng có uy quyền trong lời giảng dạy: “Người giảng dạy như Đấng có uy quyền” (Mc 1,22), bởi “một người làm quan thì cả họ được cậy”. Nhưng họ chỉ thán phục Người ngoài môi miệng thôi. Có lần Chúa Giêsu phải thốt lên: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệngcòn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7,6).

Mặt khác, dân làng Nadarét coi thường Chúa Giêsu bởi họ biết rõ nguồn gốc của Người là “con bác thợ mộc Giuse”. Từ đó, họ nghi ngờ về lời giảng dạy và giáo huấn của Người. Thay vì khiêm tốn đón nhận sứ điệp của Người, họ lại đòi những dấu lạ như Người đã làm ở Caphácnaum (x. Lc 4,23). Trái lại, đối với Chúa Giêsu, dấu lạ không phải là một hình thức để biểu diễn hay ra oai, mà chỉ dành cho những người tin mà thôi. Vì thế, trước thái độ cứng lòng tin của dân làng Nadarét, Chúa Giêsu đã không làm một phép lạ nào tại đó khiến họ giận giữ và đuổi Người ra khỏi thành (x. Lc 4,29).

Quả thật, dân làng Nadarét chỉ mong chờ Chúa Giêsu mang lại cho họ những lợi lộc trước mắt theo ý họ, dành riêng cho họ mà thôi. Họ không thể chấp nhận được thực tế rằng vào thời ngôn sứ Êlia, Thiên Chúa đã từng nuôi sống một bà góa dân ngoại lúc xảy ra hạn hán và đói kém (x. Lc 4,25-26; 1 V 17,7-16). Hay vào thời ngôn sứ Êlisa, Thiên Chúa đã chữa lành một người dân ngoại khỏi bệnh phong hủi (x. Lc 4,27; 2 V 5,1-14). Chúa Giêsu dành phúc lộc cho những ai tin cậy nơi Người, chứ không hề thiên vị ai chỉ vì họ là người thân quen hay đồng hương với Người.

Thái độ khép kín và thành kiến, sự ghen tị, thiếu hiểu biết, thiếu khiêm nhường và sự cứng cỏi về lòng tin đã làm cho dân làng Nadarét mờ mắt nên không thể nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Theo quan niệm của họ, Đấng Mêsia không thể sinh ra từ một gia đình nghèo ở miền quê nhỏ bé, cha mẹ và anh em rất bình thường đang sống với họ như vậy được; Trái lại, họ đang chờ một Đấng Mêsia toàn năng, đầy quyền lực, mạnh mẽ, oai hùng, giàu sang. Họ bị đóng khung trong một cái nhìn nào đó về Đức Kitô khác, nên họ đã không tin vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật.

Sứ Mạng Ngôn Sứ Của Chúa Giêsu

Sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu tại quê hương xem như thất bại bởi Người không được đón tiếp như những nơi khác vì sự ghen tị và óc phán đoán hẹp hòi của họ. Người bị chối từ ngay tại nơi gần gũi, thân thương nhất của mình: “Người đã đến nhà mìnhnhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Người cũng hiểu rõ rằng vai trò của một vị ngôn sứ nơi quê hương thường không được trọng dụng: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24).

Thật vậy, ngôn sứ không phải đến rao giảng để được mọi người tán thưởng, nhưng để làm chứng cho sự thật (x. Ga 18,37). Ngôn sứ thật không vâng lời người phàm mà chỉ vâng lời Thiên Chúa. Ngôn sứ là người nói lời Thiên Chúa và thực hiện sứ mệnh Người trao phó. Chính Chúa Giêsu đã xác định cuộc đời và sứ mạng của Người là “vâng theo ý Chúa Cha” và thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, cho dù bị từ chối hay loại trừ. Sứ mạng ngôn sứ của Chúa Giêsu cũng không gì các ngôn sứ trong Cựu Ước: Bị ngược đãi và có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Tuy nhiên, ngôn sứ không hề đơn độc bởi Thiên Chúa hứa ở cùng để trợ lực trong những lúc khó khăn, thử thách. Quả thế, khi đặt Giêrêmia làm ngôn sứ cho chư dân (x. Gr 1,5b), Thiên Chúa đã động viên ông hãy nói tất cả những gì Người truyền cho ông mà đừng run sợ (x. Gr 1,17). Qua sứ mạng ngôn sứ, Thiên Chúa làm cho ông Giêrêmia nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng, để dù có phải chống lại cả xứ, ngay cả những kẻ quyền thế, họ cũng không thể làm gì được bởi có Thiên Chúa ở cùng để giải thoát ông (x. Gr 1,18-19). Số mạng của các ngôn sứ ở trong tay Thiên Chúa nên dù họ có bị ngược đãi và giết chết về phần xác, phần hồn họ luôn thuộc về Người.

Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắn gởi mỗi người chúng ta hai điều. Thứ nhất, hãy có cái nhìn tích cực, không đố kỵ, không có thành kiến với tha nhân và trước những sự viêc mới lạ mà mình chưa biết đủ hay nghĩ tới. Đồng thời, Chúa cũng muốn chúng ta cũng biết khiêm tốn mở lòng ra để đón nhận anh chị em và những gì mình không yêu thích một cách chân thành và tôn trọng. Thứ hai, Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở thành ngôn sứ cho Chúa để nói lời yêu thương, lời chân thật, lời an ủi, cũng như lời cảnh báo, trách phạt cách thẳng thắn và công minh, dù có phải chấp nhận chịu thiệt thòi vì Chúa và Tin Mừng của Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết tôn trọng, quên mình, quảng đại, yêu thương để đón nhận và đối xử tốt với cả những anh chị em nhỏ bé nhất trong cuộc sống hằng ngày. Xin cho con luôn can đảm nói lên tiếng nói ngôn sứ dù phải bị thiệt thòi hay chống đối để làm chứng cho Tin Mừng. Amen. 

Bài trướcLỜI SỐNG (29/1, Thánh Giuse Freinademetz, lễ nhớ trong Dòng Ngôi Lời)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (30/1, Chúa Nhật IV TN)