LỜI SỐNG (29/1, Thánh Giuse Freinademetz, lễ nhớ trong Dòng Ngôi Lời)

0
232

Tin Mừng Thứ Bảy Tuần III TN:

Tin mừng: Mc 4, 35-41

35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.

37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.

Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao ?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.

40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế ? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ?” 41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”

—– SUY NIỆM —–

NỖI SỢ (Tu sĩ G. B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Sợ hãi là một phản ứng tự nhiên của con người khi đối diện với những mối đe doạ, nhất là đe doạ đến mạng sống. Các môn đệ ở trên thuyền đã hoảng sợ khi bị trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Vậy mà Chúa Giêsu lại dựa đầu vào gối mà ngủ. Bản chất nỗi sợ của các môn đệ là gì? Các ông cần gì nơi Chúa Giêsu?

Bản văn Tin Mừng nói đến nỗi sợ của các môn đệ vì bị sóng to, gió lớn, đến nỗi có thể đe doạ tính mạng các ông: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi!” (Mc 4,38). Đối với các môn đệ, sự hung dữ của thiên nhiên có thể làm các ông mất mạng. Các ông lo lắng, hoảng sợ và tìm sự trợ giúp từ Thầy Giêsu. Còn đối với Chúa Giêsu, nỗi sợ hãi của các môn đệ là vì các ông “vẫn chưa có lòng tin” (Mc 4,40). Thiếu lòng tin vào Thầy làm cho các ngư phủ bối rối, lo sợ, hốt hoảng ngay cả khi việc ra khơi, gặp sóng gió là chuyện thường ngày của nghề biển, là chuyên môn của các ông hơn là của Chúa Giêsu, con bác thợ mộc Giuse. Vì thế, nỗi sợ của các môn đệ không đơn giản chỉ là sự đối diện với sóng gió của thiên nhiên, mà là đối diện với sức mạnh của sự dữ, của quyền lực bóng tối. Cuộc sống của các môn đệ, của con thuyền Giáo Hội đang phải đối diện với sự đe doạ của quyền lực sự dữ, vượt ra khỏi khả năng ứng phó tự nhiên của con người. Đứng trước những thách đố lớn lao như thế, các môn đệ cần có lòng tín thác vào Thầy Giêsu, bởi chỉ có Thầy mới có quyền năng “ngăm đe gió, và truyền cho biển: ‘Im đi ! Câm đi’” (Mc 4,39). Quyền năng của Thầy Giêsu không chỉ ở trên sức mạnh của tự nhiên như sóng, gió, mà còn vượt trên sức mạnh của sự dữ, ma quỷ vì Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa (x. Mc 1,24; Lc 4,34). Bao lâu còn sống trong trần gian này, con người sẽ chẳng bao giờ hết sợ: sợ bệnh tật, sợ nghèo khổ, sợ cô đơn, sợ chết … Đức tin vào Chúa Giêsu cũng không thể làm cho nỗi sợ biến mất hoàn toàn khỏi cuộc sống con người, nhưng cho con người sự can đảm để đối diện, chiến đấu với sự tự tin có thể chiến thắng. Đức tin giúp con người sống thanh thản và bình an, ngay cả trong những sóng gió của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vào Ngài, nhưng xin trợ giúp cho đức tin còn yếu kém của chúng con, nhất là trong những lúc sóng gió của cuộc đời. Amen.

=======================

Tin Mừng và suy niệm về cha Thánh:

Thánh Giuse Freinademetz, nhà truyền giáo SVD tiên khởi của Dòng Ngôi Lời đến Trung Hoa (Đọc thêm về cha Thánh>>>>)

Tin mừng: Lc 10,1-9

1 Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.

2 Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.

4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”

6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.

7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.

9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” 

SUY NIỆM

HÀNG TRANG NHÀ TRUYỀN GIÁO (Tu sĩ Giuse Vũ Tiến Lợi, SVD)

Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giêsu căn dặn: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Điều đó cho thấy được sự khốc liệt, khó khăn của công việc truyền giáo mà các môn đệ sẽ phải đối mặt. Nhưng trái với lẽ thường, Đức Giêsu lại dặn dò các ông “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4), là những hành trang căn bản nhất. Tại sao Đức Giêsu lại dặn dò các môn đệ như vậy? Đâu là thông điệp mà Người muốn nhắn gửi cho các ông?

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn dạy các môn đệ rằng: hãy tập trung hết “tâm, trí, lực” cho vấn đề truyền giáo, đừng để những bận tâm khác chi phối mục tiêu tối hậu này. Những hành trang như “tiền, giày dép, quần áo” chỉ là những thứ phụ, không quan trọng. Phải chăng nhà truyền giáo không cần trang bị hành trang gì? Câu trả lời là không phải. Hành trang tối quan trọng của nhà truyền giáo đó là “chính Chúa”. Thật vậy, không thể cho cái mà mình không có; không thể rao giảng Tin Mừng nếu nhà truyền lại không có Chúa trong mình. Họ cũng không thể vượt qua muôn vàn giông bão trên nẻo đường sứ vụ nếu không “có Chúa ở cùng.” Thánh Joseph Freinademetz, Giáo Hội mừng kính hôm nay, là mẫu gương cho các nhà truyền giáo, bởi ngài luôn chăm lo, ưu tiên hàng đầu cho đời sống cầu nguyện.

Thực tế cho thấy, nhiều nhà truyền giáo không cố gắng trang bị cho mình những hành trang quan trọng như: đời sống tâm linh, đời sống tương quan mật thiết với Chúa, mà chỉ lo trang bị những thứ không cần thiết. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự “gục ngã” của nhiều nhà thừa sai trên cánh đồng truyền giáo.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng, những nhà truyền giáo tương lai, biết chuẩn bị những hành trang tốt nhất cho sứ vụ tương lai của mình. Amen.

__________________

Bài trướcChú Giải Tin Mừng Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm C (Lc 4,21-30)
Bài tiếp theoSỨ MẠNG NGÔN SỨ (Chúa Nhật IV TN, năm C)