BÀI GIẢNG (8/12, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lễ trọng)

0
680
L Annonciation Ecole de Louis de Boullogne, fin du XVIIe siècle. Huile sur toile, H. 190 x l. 300 cm.

Các bài đọc: St 3,9-15.20; Ep 1,3-6.11-12; Lc 1, 26-38

 

Tin mừng: Lc 1, 26-38

 26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

BÀI GIẢNG

ĐẤNG DIỄM PHÚC (Lm. I-nha-xi-ô Nguyễn Hoàng Hiệp, SVD)

Đức Ma-ri-a diễm phúc tuyệt vời, danh thơm Mẹ đáng muôn đời suy tôn. Truyền thống yêu mến, suy tôn Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội đã có từ rất sớm trong Giáo Hội. Thánh Au-gút-ti-nô quả quyết: “Chúng ta hãy miễn trừ Đức Ma-ri-a,… người đã được ban một ơn ngoại lệ nhằm để chiến thắng hoàn toàn tội lỗi, người rất xứng đáng thụ thai và sinh hạ Đấng không hề mắc tội lỗi” (De natura et gratia, 42). Đến thế kỷ thứ sáu (quãng năm 550-650), Giám mục Theoteknos đã tin rằng: “Đấng đã được Chúa chọn làm Thân Mẫu Đấng Cứu Thế, … có một nguồn gốc hoàn toàn thánh thiện, không bị vương vấn vết nhơ nào hết”.

Niềm yêu mến và suy tôn đến thời điểm chín mùi; vào năm 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX với sắc chỉ Ineffabilis, đã long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Chúng tôi long trọng tuyên bố rằng, đây là một đạo lý được Chúa mặc khải: Trinh nữ Ma-ri-a rất thánh, … đã được phòng ngừa khỏi tì ố của tội nguyên tổ, … và vì nhắm tới công trạng của Đức Ki-tô, Đấng Cứu chuộc nhân loại. Vì vậy, chân lý đó cần phải được hết mọi tín hữu tin vững chắc”. Với lòng sùng kính Mẹ Ma-ri-a cách thẳm sâu, thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II quả quyết: “Đức Ma-ri-a hoàn toàn thánh Thiện. Nơi Đức Ma-ri-a đầy ân phúc, Hội Thánh đã nhận biết kẻ toàn thánh và không bị nhiễm vết nhơ tội lỗi, ….

Đức Ma-ri-a như được Thánh Thần nhào nặn biến đổi thành tạo vật mới” (HT 56). Ngài còn dạy rằng: “Sự thụ thai tinh tuyền và vô nhiễm của Đức Ma-ri-a được coi như là khởi thủy của cuộc tạo dựng mới. Đây là một đặc ân ban riêng cho cá nhân của người phụ nữ được chọn làm thân mẫu Đức Ki-tô”. Đức Ma-ri-a được Thiên Chúa gìn giữ bằng cách phòng ngừa cho Mẹ không vướng bợn nhơ tội lỗi. Mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội hôm nay, ánh sáng Lời Chúa mở ra một bức tranh với các gam màu trộn lẫn đan xen trái ngược nhau. Trái ngược giữa ân sủng và tội lỗi. Trái ngược giữa ánh sáng và bóng tối. Trái ngược giữa sự rạng ngời nơi Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm và bóng đen tội lỗi của bà E-và xưa.

Mở đầu Lời Chúa trong sách Sáng Thế hôm nay, một khung cảnh ảm đạm bao phủ cả địa cầu, trái ngược hoàn toàn với ánh sáng ân sủng của buổi đầu Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ. Xuất phát từ sự bất tuân của cặp đôi nguyên tổ, nguồn mạch ân sủng được Chúa thương ban từ đầu đã bị cắt đứt bởi tội lỗi của A-dong cùng E-và. Con rắn đã tinh quái ngon ngọt dụ dỗ, và mẹ của chúng sinh đã không cưỡng lại được lời đường mật hão huyền. Kể từ đó, tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian và loài người bước vào thời kỳ bể ải trầm luân. Tội lỗi gây ra án phạt là sự chết, từ nay “Với người đàn bà, Chúa phán: Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi. Với con người, Chúa phán: Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: Ngươi đừng ăn, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi… Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” (St 3,15-19). Chính tội lỗi đã đánh mất nguồn mạch sự sống từ Thiên Chúa thương ban cho ông bà nguyên tổ từ buổi bình minh. Dòng suối ân sủng bị nhiễm uế và mất đi sự tinh sạch bởi tội bất tuân lời Thiên Chúa. Và rồi bóng tối của sự dữ, sự ác và đau khổ ập đến trong gia đình nhân loại. Ánh bình minh rạng ngời nơi vườn địa đàng kể từ ngày ấy đã bị mây đen u ám của tội nguyên tổ kéo đến che khuất ánh sáng ân sủng của Thiên Chúa. Từ đó con người sống trong bầu khí vẩn đục và gánh chịu nhiều đau khổ cả thân xác lẫn tâm hồn.

Thế nhưng, lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đã vượt thắng tội lỗi loài người. “Tội các con, dù có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Vâng, Thiên Chúa không lìa bỏ loài người, ngay cả khi con người sa ngã và sống trong tình trạng tội lỗi. Trái lại, chính Ngài đã ra tay và có kế hoạch để giải cứu con người. Nếu như người nữ đầu tiên đã chuốc lấy ách tội lỗi, thì Thiên Chúa lại có kế hoạch chọn một Thiếu Nữ Si-on trinh trắng vẹn tuyền có tên Ma-ri-a, để nối lại dòng suối ân sủng. “Tại lỗi bà E-và, cửa thiên đàng đóng lại, nay nhờ trinh nữ Ma-ri-a, Chúa lại cho rộng mở đón hết thảy mọi người” (Tc. Tin Mừng, phần chung lễ Đức Mẹ).

Đặc biệt, Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay mở ra cho nhân loại một trang sử mới; với khung cảnh đầy hân hoan tươi sáng. Khi ấy “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28). Lời sứ thần Gáp-ri-en báo tin với dáng vẻ trang trọng cung kính, như nói lên tất cả cho một tương lai tươi đẹp của nhân loại. Mẹ Ma-ri-a, thiếu nữ Si-on mới, được sánh ví như Rạng Đông đi trước Mặt Trời Công Chính là Đức Ki-tô. Mẹ là Sao Mai sáng ngời, sẽ dẫn đưa nhân loại đến cùng Con của Mẹ là Đức Ki-tô. Mẹ Ma-ri-a chính là E-và mới, Mẹ trong trắng biết bao, thân xác và tâm hồn không vết nhơ tội lỗi. Cung lòng Mẹ thật xứng đáng để cưu mang Con Chúa Trời hằng sống.

Nhưng để xứng đáng cưu mang Con Đấng Tối Cao, Mẹ đã trải qua hành trình đức tin với cả lý trí. Hành trình đức tin của Mẹ “được đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc 1,30). Tin Mừng xác nhận điều này, nên chúng ta có thể hiểu Đức Ma-ri-a đã có một đời sống hết sức đạo đức tốt lành từ nhỏ ngay trong gia đình của song thân phụ mẫu ông bà Gio-a-kim và An-na. Điều đáng cho chúng ta yêu mến và ngưỡng mộ Mẹ Ma-ri-a hơn, vì Mẹ là con người của lý trí. Khi nghe lời sứ thần Gáp-ri-en báo tin, Mẹ Ma-ri-a đã không nhắm mắt nói lời ‘Xin Vâng’ theo kiểu tối mặt; không chút suy xét. Trước sự bất ngờ, Mẹ có chút bối rối, chút e ấp của cô thôn nữ là hết sức bình thường. Điểm son chúng ta học hỏi được nơi Mẹ, là niềm tin của Mẹ luôn đi kèm với thao thức và suy gẫm lời của Chúa: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34). Một câu hỏi trực diện, thực tế và hết sức gai góc đặt ra cho sứ thần, lời ấy được thốt ra từ chính môi miệng của Mẹ. Quả thật, đức tin nơi Đức Ma-ri-a thật sâu sắc qua câu chất vấn với sứ thần. Và rồi, khi lời sứ thần diễn giải đầy sức thuyết phục về quyền năng của Chúa Thánh Thần, bằng dẫn chứng cụ thể việc bà Ê-li-sa-bét mang thai trong tuổi già, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Mẹ Ma-ri-a đã hoàn toàn suy phục và tín thác tuyệt đối vào quyền năng Thiên Chúa.

Sau cùng, tiếng đáp trả: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”, đầy lòng khiêm nhường từ môi miệng Mẹ thốt ra, như một đáp số hoàn hảo được chờ đợi từ bao thời, nay có hồi kết vô cùng viên mãn. Lời thưa “Xin Vâng”, trời đất như giao hòa và Thiên Chúa ở gần con người qua việc Mẹ mang thai Đấng Cứu Thế. Từ nay: ân sủng vượt thắng tội lỗi, bóng tối nhường cho ánh sáng và Đức Ma-ri-a như Sao Mai thay thế cho hình bóng E-và xưa.

Bài học quý báu cho chúng ta trong ngày mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm hôm nay: Mẹ Ma-ri-a vốn xuất thân rất gần gũi với mỗi người chúng ta, không thuộc gia tộc quyền quý trâm anh, chỉ là cô thôn nữ miền Na-da-rét. Mặc dầu được sứ thần chào gọi là “Đấng đầy ân sủng”, nhưng kể từ giây phút thưa “Xin Vâng”, cuộc đời lữ thứ của Mẹ lại tiến bước trong hành trình đức tin đầy gian truân thử thách. Từ lời tiên báo của cụ già Si-mê-on về lưỡi gươm đâu thâu lòng Mẹ, cho đến việc trốn sang Ai Cập. Lúc Chúa Giê-su ở lại trong đền thờ, … và cho đến khi Mẹ đứng dưới chân cây thập tự nhìn dáng con yêu trên đồi Can-vê. Ôi đau đớn ê chề! Nhưng nhờ ơn Chúa với lòng tín thác tuyệt đối, Mẹ đã đứng vững. Mỗi người chúng ta trong hành trình đức tin nơi dương thế cũng giống như Mẹ. Lý trí và đức tin không thể nào hiểu thấu hết mọi đường lối Thiên Chúa dành riêng cho mỗi người. Đức tin và lý trí cũng cần đến sự tín thác, hãy để Thiên Chúa làm chủ đời ta như Thiên Chúa dẫn dắt đời Mẹ. Chúng ta hãy học hỏi gương Mẹ Ma-ri-a trong đời sống đức tin, mau mắn đáp lời và cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Noi gương Mẹ ta hãy luôn sống khiêm nhường, kiên vững, siêng năng lắng nghe Lời Chúa cùng suy gẫm trong lòng và đặt trọn niềm tín thác vào sự quan phòng vô biên của Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, Đấng đầy ân phúc, xin cầu bầu và che chở đoàn con nơi dương thế. Xin cho chúng con luôn nhìn về Mẹ, thực hành các nhân đức mà Mẹ đã hiệp thông trong đau khổ cùng Con của Mẹ. Xin cho chúng con luôn sống khiêm nhường, tin yêu và xả thân phục vụ tha nhân như Mẹ đã phục vụ người chị họ. Xin lôi kéo chúng con về phía Mẹ, để nhờ Mẹ, qua Mẹ chúng con tiến về cùng Con Thiên Chúa, cũng là Con của Mẹ. Xin Mẹ dìu dắt chúng con về tới bến quê thiên đàng. Amen.

 


SỐNG TÂM TÌNH XIN VÂNG (♦ Lm. Antôn Chu Văn Nhật, SVD)

Trong truyền thống đạo đức của Giáo Hội, Đức Maria được gọi với nhiều danh xưng, nhiều tước hiệu khác nhau. Nhiều Kitô hữu gọi Người một cách trừu mến là Đức Mẹ, số khác lại thưa với Người là Đức Trinh Nữ Maria hay ngắn gọn hơn là Đức Trinh Nữ… Qua nhiều thế kỷ, các tín hữu đã dâng kính Đức Maria vô số tước hiệu để tỏ lòng sùng kính. Người ta đã liệt kê được hơn sáu ngàn tước hiệu: Từ Hòm Bia Giao Ước Mới đến Đức Trinh Nữ Dịu Hiền; từ Hiền Mẫu Mọi Quốc Gia đến Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima… Giáo Hội Việt Nam chúng ta cũng có những danh xưng dành cho Đức Mẹ thật gần gũi, để chúng ta dễ dàng cầu nguyện và tỏ lòng sùng kính Mẹ như: Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Tà Pao, Đức Mẹ Măng Đen hay Đức Mẹ Trà Kiệu … Sự nở rộ của các danh xưng và tước hiệu này minh chứng những cách thế đa dạng trong tương quan giữa nhân loại với Đức Maria. Đồng thời, những tước hiệu này cũng diễn tả được phần nào các phẩm tính cao quý của Mẹ. Nhìn vào truyền thống đức tin của Hội Thánh, Đức Maria được thượng phong là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Hội Thánh và là Mẹ của mỗi Kitô hữu chúng ta. Mẹ Maria có một chỗ đứng đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, trong lòng Hội Thánh và trong tâm hồn các tín hữu. Vì thế, chúng ta có thể biểu lộ lòng sùng kính bằng cách xưng tụng Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội hay Đấng Toàn Thánh.

Hôm nay, Giáo Hội mừng trọng thể Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là cơ hội thuận tiện để chúng ta nhìn lại đời sống nhân đức, đồng thời nhận ra đâu là vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thật vậy, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội là một trong bốn đặc ân mà Thiên Chúa đã tặng thưởng cho Mẹ.

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế, vì thế Thiên Chúa đã dành cho Mẹ đặc ân cao quý này ngay khi Người còn trong cung lòng bà thánh Anna. Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ, giữ Mẹ nguyên tuyền, trinh trắng, không mang tì vết của tội tổ tông truyền, đó chính là đặc ân Vô Nhiễm. Các bài đọc trong phụng vụ Thánh Lễ hôm nay đã làm nổi bật vai trò của Đức Maria qua việc dẫn đưa chúng ta đi vào các giai đoạn quan trọng của lịch sử ơn cứu độ. Từ đầu vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Người, ban cho con người được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, được làm con của Thiên Chúa và gọi Người là Cha. Hai ông bà Nguyên tổ sống thân tình với Thiên Chúa và tràn trào hạnh phúc trong Vườn Địa Đàng. Nhưng một tai họa đã xảy ra: hai ông bà Nguyên tổ nghe theo lời dụ dỗ của con rắn, bất tuân lệnh Chúa. Tội lỗi đã bắt đầu có mặt trong lịch sử của con người, và đã đưa cả nhân loại đi vào một khúc quanh đen tối: đánh mất tất cả, mất sự sống siêu nhiên, mất các đặc ân khỏi đau khổ và khỏi chết, con người trở thành yếu đuối và ở dưới quyền lực của ác thần.

Như thế, chương trình ban đầu của Thiên Chúa đã bị con người phá vỡ vì tội lỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa của tình yêu, Ngài không bỏ rơi con người, nhưng đã muốn thiết lập một chương trình để giải phóng con người khỏi tội lỗi. Bài sách Sáng Thế Ký đã hé mở một chân trời hy vọng khi Thiên Chúa loan báo: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Truyền thống của Hội Thánh cho phép chúng ta nhìn thấy hình bóng một người nữ, trinh trong, không ở dưới quyền lực của satan, đã chiến thắng ma quỉ: đó chính là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Hình ảnh nầy ngày càng được rõ nét hơn qua các ngôn sứ, nhất là khi ngôn sứ Isaia loan báo: “Nầy đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Emmanuen” (Is 7,14). Để chuẩn bị cho người nữ được tuyển chọn nầy xứng đáng làm Mẹ Ngôi Hai, Thiên Chúa đã không từ chối trang điểm cho Mẹ mọi đặc ân cao quí, nhất là đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đây là đặc ân đầu tiên và là nền tảng cho các đặc ân khác.

Thời gian chuẩn bị cho chương trình cứu độ kéo dài hằng chục thế kỷ, đó là một mùa vọng dài của dân Do Thái. Ngày ngày họ chắp tay khẩn nài: “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính; đất mở ra đi cho nảy mầm ơn cứu độ” (Is 45,8). Khi giờ đã điểm, Thiên Chúa muốn có sự đóng góp của con người trong chương trình cứu độ của Người. Người sai thiên sứ Gabrien đến mời Đức Trinh Nữ Maria cộng tác trong vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ đã khiêm tốn và phó thác nói lên hai tiếng XIN VÂNG: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,28). Thái độ suy phục của Đức Maria trước thánh ý Thiên Chúa trong giờ phút truyền tin quả thật đầy diễm phúc, diễm phúc cho Mẹ và diễm phúc cho nhân loại. Bởi vì giả như không có sự cộng tác của Mẹ, phải chăng chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã bị đình trệ. Tâm tình và thái độ đón nhận của Mẹ cũng không phải bộc phát, nhưng là kết quả của một tâm hồn hiến dâng từ khi còn thơ bé trong đền thánh, một tâm hồn luôn kết hiệp cầu nguyện liên lỉ, một tâm hồn đầy tràn khát vọng của một thiếu nữ Sion chờ mong Đấng Thiên Sai đến giải thoát nhân loại. Khi thưa lên hai tiếng XIN VÂNG, Mẹ cũng đã sẵn sàng thuận theo ý Thiên Chúa bất chấp mọi cảnh huống của một cuộc lữ hành đi về phía trước, kể cả đau khổ và thập giá. Thật vậy, xét dưới chiều kích nhân loại, khi nhìn vào cuộc đời của Mẹ từ lúc cưu mang Đấng Cứu Thế, dường như không êm ả, bình yên chút nào. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium số 59 khẳng định rằng: Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Số 61 của Hiến Chế còn diễn tả thêm: từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Người đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Mẹ là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, Người đã cùng chịu đau khổ dữ dằn với Con mình, và đã kết hợp với hy lễ của Con mình với tâm tình người mẹ, vui lòng chấp nhận sự sát tế của hy lễ do mình sinh ra.

Lễ Mẹ Vô Nhiễm được mừng vào những ngày đầu của Mùa Vọng cũng là một lời mời gọi chúng ta bắt chước Mẹ, mặc lấy những tâm tình của Mẹ trong ngày truyền tin: đó là một đáp ứng quảng đại, một lời thưa xin vâng tận đáy lòng, một khát vọng chờ mong Chúa đến và nhất là một tâm hồn trong sạch chuẩn bị đón Chúa Hài Đồng trong Mùa Giáng Sinh. Mẹ Maria là khuôn mẫu tuyệt vời cho đời sống của mỗi người tín hữu chúng ta, cho một Mùa Vọng của Giáo Hội hôm nay: đó là đón nhận Chúa, thánh hoá bản thân, sống chứng nhân niềm tin và trao ban Chúa cho người khác. Mẹ là mẫu gương nhân đức tuyệt hảo và mẫu gương đức tin mạnh mẽ cho mỗi người chúng ta. Khi chiêm ngưỡng các đặc ân cao trọng của Mẹ, chúng ta không lấy làm lạ bởi đó là hệ quả tất yếu của một thiếu nữ Sion luôn biết lắng nghe Lời Chúa, suy đi nghĩ lại trong lòng và biết đem lời ấy ra thực hành một cách vẹn toàn trong đời sống. Chúng ta cảm ơn Mẹ bởi vì Mẹ đã luôn đi trước chúng ta trong cuộc lữ hành sự sống và đức tin. Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu nhưng đồng thời cũng là môn đệ đầu tiên của Con mình. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ gìn giữ và nâng đỡ chúng ta, để chúng ta có một đức tin mạnh mẽ, vui tươi và nhân ái như Mẹ. Chúng ta hãy thường xuyên chạy đến bên Mẹ, tâm sự với Mẹ và cầu xin Mẹ giúp chúng ta sống thánh thiện, ngõ hầu một ngày kia cũng được gặp Mẹ trên Thiên Đàng.

Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trong những ngày đầu của Năm Phụng Vụ mới, với khởi đầu là Mùa Vọng, chúng con chạy đến để chiêm ngắm Mẹ, mẫu gương tuyệt vời của một đời dâng hiến trinh trong, luôn sẵn sàng thi hành thánh ý Thiên Chúa, quảng đại trao ban với tinh thần phục vụ và yêu thương. Xin Mẹ giúp chúng con noi gương Mẹ, để cùng với toàn thể Giáo Hội Việt Nam, sống tinh thần cảm tạ, hiến dâng và trao ban. Xin Mẹ dạy chúng con biết biến cuộc đời mình thành dấu chỉ có sức thu hút và mời gọi những người thiện chí trở về với Chúa, bằng cuộc sống chứng nhân yêu thương và phục vụ. Xin Mẹ thương đồng hành và thúc đẩy chúng con sống tốt hơn mỗi ngày, chuẩn bị một tâm hồn trong sạch để xứng đáng đón nhận Chúa Hài Đồng trong Mùa Giáng Sinh sắp tới.

Bài trước…rèn giáo mác nên liềm nên hái
Bài tiếp theoChú giải Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm A (Mt 11,2-15)