…rèn giáo mác nên liềm nên hái

0
329
Photo (sưu tầm)

Hòa bình ơi, tình yêu em …

Trong ca khúc Tình em biển rộng sông dài của mình, nhạc sĩ Văn Giảng[1] mô tả hòa bình như một người tình được chờ đợi. Một hình ảnh tuyệt vời. Tình yêu và tương lai đứng đối nghịch với thù hận, tàn phá và hủy diệt sự sống của chiến tranh. Tình yêu thì không thể gượng ép, bắt buộc theo kiểu “đặt đâu ngồi đó”. Tình yêu chân thành không thể mua chuộc hay xuất hiện qua phù phép, mà chỉ có thể đợi trông và đón nhận. Trong thời li loạn, hòa bình được khát khao trông ngóng “như con chờ mẹ”, hay như cơn gió mát được chờ mong trong những ngày hè nắng gắt.

Bài hát nói lên một thực tế hiển nhiên: con người bất lực ở đây – vì như tình yêu, hòa bình được ban tặng. Nhưng dù không thể tự làm, chúng ta có thể dọn lối cho hòa bình – như cho một người tình: qua sự khát khao chờ đợi và những mỏi mòn kiếm tìm, qua gặp gỡ và làm việc chung.

Ngôn sứ I-sai-a đặt tên cho những việc cần làm để giấc mơ hòa bình miên viễn có thể trở thành hiện thực (Is 2,1-5). Trước hết, các dân tộc và các quốc gia cần cùng nhau tìm đến núi Thiên Chúa, với mục đích là lắng nghe và tuân theo các chỉ thị của Người. Về phần mình, Thiên Chúa sẽ tạo công lý cho các dân tộc và các quốc gia. Đó là các điều kiện cần thiết để vũ khí được chế biến thành  phương tiện cày bừa. Đúng là một hình ảnh tuyệt đẹp không gì sánh bằng cho một nền “hòa bình vĩnh cữu”. Nói vậy, các tiêu chuẩn cho việc biến đổi “gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” mô tả một sự thay đổi hoàn toàn: trong tương quan với Thiên Chúa và lối suy lối nhìn người khác.

Lời ngôn sứ Isaia giúp chúng ta hiểu tại sao, dù không còn tiếng súng từ nhiều thập niên, các thế hệ hậu chiến vẫn suy nghĩ và hành xử như trong thời chiến tranh. Họ cũng coi thường sự sống con người và muôn loài, cũng như giải quyết mọi xung đột nhỏ to bằng bạo lực. Lối nhìn phân biệt “ta và địch” biến những ai không giống “phe ta” trong cách suy cách nhìn, trở thành kẻ thù cần phải loại trừ. Qua đó, hận thù, là động lực của mọi cuộc chiến, được duy trì. Ngôn ngữ hàng ngày phản ảnh lại sự tồn tại của nền “đạo đức chiến tranh” trong thời bình. Bạo lực ngấm sâu vào trong hồn và cuộc sống nên được hầu hết mọi người cảm nhận như là một nét văn hóa. Thí dụ nơi cách nghe nhạc to hết mức được cho là bình thường (loa kẹo kéo) hay trong cách ăn uống đầy chất bạo lực (1,2,3 dzôô). Mùa Giáng sinh cũng không là ngoại lệ, vì cũng om sòm inh ỏi không kém.

Thế hệ sau sống tiếp các giá trị đã bị đảo lộn – là điều xảy ra trong một hoàn cảnh ngoại lệ: trong chiến tranh. Ở đó, việc giết người được đồng ý và cổ xúy, khi những kẻ bị giết thuộc phe địch. Người giết nhiều kẻ thù sẽ được vinh danh là anh hùng, được ưu đãi và được tăng lương tiến chức. Vào thời chiến, thù hận được chăm nuôi kỹ lưỡng để giữ lửa chiến đấu; gian dối được tuyên truyền để tô đẹp phe mình, hạ thấp giá trị quân địch và kích thích lòng căm thù. Phá hoại được coi như là điều cần thiết, nếu các đối tượng để phá thuộc về phe bên kia.

Thêm vào đó, lối suy nghĩ và cách hành xử kiểu thời chiến không có chỗ cho sự phát triển cá nhân, vì đòi hỏi muôn lòng phải như một. Mọi ý nghĩ và phát biểu khác hơn lối chính thống không được chấp nhận, bị coi là nói xấu hay chống phá, và thường cũng được coi là do một sự xúi giục bởi một thế lực bên ngoài nào đó. Muốn cào bằng mọi suy nghĩ nên những con người với lối suy trắng đen khó hình dung được rằng: con người ta có khả năng tự suy và tự phát biểu cho mình. Đây là điều không một hệ thống độc tài nào muốn thừa nhận và cổ võ.

Tìm đến với nhau

Hình ảnh đẹp đẽ của những chiếc lưỡi cày, những chiếc liềm được rèn từ gươm giáo, chỉ ra mức độ tàn phá của chiến tranh đối với những nguồn tài nguyên có thể phục vụ cho cuộc sống. Bao nhiêu năng lực và năng suất hỗ trợ cuộc sống có thể được giải phóng khi tiếng súng im bặt. Nhưng một thời hòa bình trọn nghĩa đòi hỏi một cuộc đổi thay toàn diện. Cần phải đảo ngược lại các “giá trị” phi-đạo đức của thời chiến. Chỉ như vậy hạt giống hòa bình với những chuẩn mực sống và ngôn ngữ mới của nó mới có thể gieo vãi, đâm chồi và lớn lên.

Đây là một điều đáng được nghĩ suy kỹ. Vì khi nhìn lại một lịch sử dài của nhiều ngàn năm, chúng ta đã (phải) học và dạy nhau “nuôi căm hờn” và “thù muôn kiếp”. Con cháu Rồng Tiên đã biết đến việc “tru di tam tộc” và đã làm quen với lối lí luận “thà giết lầm hơn bỏ sót”, hay “nhổ cỏ tận gốc” và  “thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch”. Và lời nói, rằng “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, cũng nghe thật quen. Nhưng lịch sử dài đó đã không để lại một nghi thức hòa giải. Hình ảnh mạnh nhất cho thời bình mà truyền thống quen là rửa tay gác kiếm[2], chứ không là một viễn ảnh biến dụng cụ giết người thành những phương tiện sản xuất, phục vụ sự sống con người. Không bỏ hẳn nghề chinh chiến để lo chuyện ruộng nương, mà luôn “tay súng tay cày”.

Nhìn vậy, hòa bình chỉ là sự gián đoạn không tiếng súng của những cuộc chiến nối tiếp nhau. Tính ra, thời chiến đã nhiều hơn thời bình trong lịch sử dài, nên con người da vàng chưa hề có đủ thời gian và không gian để làm quen và nội tâm hóa những giá trị sống của hòa bình. Họ chỉ có thể gác kiếm lên, để rồi khi cần lấy xuống cho cuộc tranh chấp đẫm máu kế tiếp, hay hoàn trả rồi xin lại. Chính vì thế, không có một sự thay đổi đáng kể trong lối suy lối nhìn và lối hành xử nơi các thế hệ thời hậu chiến. Họ cũng nuôi thù hận[3] và tôn thờ bạo lực, gian tham trở thành quốc nạn, và chân thiện mỹ là những giá trị đạo đức vắng mặt. Chiến tranh đúng là để lại thật nhiều nỗi buồn sâu đậm.[4]

Học kiến tạo hòa bình

Trong thời sau Đệ nhị Thế chiến và những thập kỷ 70, 80 đã có nhiều nỗ lực của các dân tộc trên thế giới, nhằm bảo vệ và bảo đảm hòa bình. Nhận ra những tai họa kinh khủng của chiến tranh gây cho con người và môi sinh, nên các các tổ chức hòa bình, như Liên hiệp quốc, Cộng đồng châu Âu và các liên hiệp quốc tế khác, được hình thành. Khắp nơi, nhiều viện nghiên cứu hòa bình được thành lập. Trong các hội thảo và hội nghị tại các Đại hội tôn giáo và các Hội đồng của Liên hiệp quốc, người ta tranh luận và tập tành các cách kiến tạo hòa bình. Bởi vì hòa bình không đơn giản tự xảy đến. Các cố gắng đó được hỗ trợ bởi niềm hy vọng, rằng sẽ không bao giờ có chiến tranh nữa.

Các cuộc chiến đang xảy ra trên hoàn cầu nhắc rằng: không chỉ phải nấu chảy các vũ khí để đúc cày bừa liềm hái, mà còn phải xây dựng lại con người. Và đây là công việc khó khăn nhất. Con người của hòa bình cần học một lối suy khác hơn là ăn thua. Làm việc vì hòa bình có nghĩa là rèn luyện bản thân, để chuyển từ lối suy muốn đạt mục đích của mình bất chấp hậu quả, thành một người muốn mọi người cùng thắng. Từ bỏ đòi hỏi ăn thua bằng mọi giá, để biết đòi phần của mình mà không quên phần của người khác. Và tôi học cách phát triển sự đồng cảm, khi quan tâm đến sở thích, lo lắng, sợ hãi của phía bên kia.

Một nhận thức quan trọng từ Kinh Thánh Kinh của người Kitô giáo và người Do-thái nói rằng: người ta chỉ có thể bảo vệ hòa bình nhờ các thỏa hiệp và việc hợp tác. Như vậy, tôn trọng nhân phẩm và quyền lợi của mọi người là điều kiện cần thiết để đạt được sự thịnh vượng. Chiến tranh dạy ngược lại, và như vậy làm cho tụt hậu mọi mặt và gây ra vô vàn khổ đau cho nhiều thế hệ. Con người từ trong bóng tối bước ra ánh sáng khi họ góp nhặt hiểu biết và kỹ năng, kiến ​​thức và các khả năng của mình, và giúp đỡ nhau cùng tiến lên.

Sự cạnh tranh không phải để loại bỏ người khác, mà là sự tranh đua của những ý tưởng để xây dựng một xã hội tốt nhất. Và “rèn giáo mác nên liềm nên hái” có nghĩa là: máy bay không người lái được xử dụng như một dịch vụ giao hàng, chứ không là vũ khí phá hoại và giết người. Mạng xã hội không phải là nhà sản xuất tin giả và gieo rắc thù hận, mà là công cụ để cộng tác và hợp tác, nơi chia sẻ kiến ​​​​thức và ý tưởng mang tính xây dựng. Linh thị của I-sai-a truyền tải thông điệp rằng: chúng ta không bất lực chịu nộp mạng cho thù hận và chiến tranh. Chúng ta có thể và nên làm một điều gì đó, bắt đầu nơi mình.

Ta hãy đi trong ánh sáng của Đức Chúa!

Bất cứ ai bước vào vùng ánh sáng của Đức Chúa, ai tạo ra hòa bình và thịnh vượng nhờ công bằng, ai nhìn thấy người khác với các nhu cầu và nỗi sợ hãi của họ, và ai học cách rút lui hồi tâm đều sống trong ánh sáng này. Người đó sống trong vùng tự do, an toàn, của tôn trọng và tin tưởng. Trong Kinh Thánh vùng ánh sáng hòa bình này được gọi là “yêu người thân cận như chính mình”. Đây là một nguyên tắc vàng cho sự gắn kết giữa các cá nhân với nhau. Lời này cũng mở ra những viễn cảnh tươi sáng cho tương lai: Tôi có thể chăm sóc bản thân và những người thuộc về tôi, nhưng với cùng sức lực tôi muốn chăm sóc những người khác. Tôi muốn tranh đấu cho các lợi ích của mình, nhưng không đặt chúng lên trên lợi ích của người khác.

Ích kỷ là một phản xạ nhanh chóng và dễ dàng. Làm việc hướng tới hòa bình với những người khác là công việc khó khăn hơn. Trong nhiều thập kỷ, các cộng đồng Kitô hữu là nơi công việc hòa bình này được rao giảng, suy xét, thảo luận và tập tành. Đó là cùng nhau làm việc vì một xã hội mới và một thế giới mới mà chúng ta có thể làm, mà không có gì đảm bảo thành công. Hòa bình thì nhiều hơn là tình trạng im tiếng súng. Kinh Thánh biết rằng, cuối cùng, hòa bình thực sự là một món quà từ Thiên Chúa. Một khoảnh khắc lôi cuốn, một sự soi sáng, một thoáng ánh thiên thai nơi chân trời.•

Chú thích:

[1] Như ca khúc Hoa Cài Mái Tóc, bài hát này của nhạc sĩ Văn Giảng dưới bút danh Thông Đạt được viết để „thể hiện niềm hân hoan, reo ca về một niềm mong mỏi có ngày được hòa bình sau nhiều năm dài lửa binh lan tràn.“ (Nhạc xưa blog).

[2] Một hình ảnh tương tự được tìm thấy trong truyền thuyết (Hồ) Hoàn kiếm. Đây là một hình ảnh cho việc kết thúc việc binh đao, sau khi Lê Lợi (Vua Lê Thái Tổ 1385-1433) đánh đuổi quân Minh ra khỏi Đại Việt. Trao trả lại vũ khí, nhưng không có sự biến đổi nó thành phương tiện phục vụ việc cày bừa hay xây dựng – như trong Kinh Thánh.

[3] Cuốn tiểu thuyết nhỏ có tên Hai nhà của Lê Lựu (Hà Nội 2006) mô tả thực tế này.

[4] Xem tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

Bài trướcLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 2 MV – A)
Bài tiếp theoBÀI GIẢNG (8/12, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lễ trọng)