Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm A (Mt 11,2-15)

0
468

CHÂN DUNG ĐẤNG PHẢI ĐẾN

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD chú giải

Bản văn và dịch sát nghĩa (Mt 11,2-15)

Việt Hy Lạp
2 Khi đang ở trong ngục, nghe những công việc của Đấng Kitô, ông Gioan gửi các môn đệ của ông đi,

3 nói rằng: “Ông là Đấng phải đến hay chúng tôi tiếp tục chờ Đấng khác?”

4 Để trả lời, Đức Giêsu nói cùng họ rằng: “Hãy đi tường thuật cho ông Gioan những điều các anh nghe và thấy:

5 Người mù nhìn thấy, người què đi được, người cùi được sạch, người điếc nghe được và người chết được trỗi dậy và người nghèo được nghe Tin Mừng

6 Phúc cho người không bị vấp ngã vì tôi.”

7 Khi họ đã đi rồi, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan: “Anh chị em đi ra, vào sa mạc để xem gì? Một cây sậy phất phơ trước gió?

8 Vậy, anh chị em đi ra để xem gì? Một người với trang phục sang trọng? Một người mặc trang phục sang trọng thì ở trong cung điện của các vua chúa.

9 Vậy thì, anh chị em đi ra để xem gì? Một ngôn sứ? Đúng vậy, tôi nói cùng anh chị em, về một người hơn cả ngôn sứ.

10 Đây là người mà đã được chép rằng: ‘Này Ta sai sứ giả của Ta trước mặt con, người sẽ dọn đường của con trước con’.

11 Amen, tôi nói cùng anh chị em: ‘Không ai trong số những người sinh ra từ người phụ nữ vĩ đại hơn ông Gioan, Người Dìm, nhưng người nhỏ nhất trong Nước Trời còn vĩ đại hơn ông.

12 Từ những ngày của ông Gioan, Người Dìm cho đến bây giờ, Nước Trời chịu đau khổ bạo lực và kẻ bạo lực chiếm lấy nó,

13 vì tất cả các ngôn sứ và luật cho đến thời ông Gioan đều đã tỏ lộ,

14 và nếu anh chị em muốn chấp nhận thì ông ta chính là ông Êlia, người phải đến.

15 Người có tai, hãy để anh ta nghe.

 

 

2 Ὁ δὲ Ἰωάννης ἀκούσας ἐν τῷ δεσμωτηρίῳ τὰ ἔργα τοῦ Χριστοῦ πέμψας διὰ τῶν μαθητῶν αὐτοῦ

3 εἶπεν αὐτῷ· σὺ εἶ ὁ ἐρχόμενος ἢ ἕτερον προσδοκῶμεν;

4 Καὶ ἀποκριθεὶς ὁ Ἰησοῦς εἶπεν αὐτοῖς· πορευθέντες ἀπαγγείλατε Ἰωάννῃ ἃ ἀκούετε καὶ βλέπετε·

5 τυφλοὶ ἀναβλέπουσιν καὶ χωλοὶ περιπατοῦσιν, λεπροὶ καθαρίζονται καὶ κωφοὶ ἀκούουσιν, καὶ νεκροὶ ἐγείρονται καὶ πτωχοὶ εὐαγγελίζονται·

6 καὶ μακάριός ἐστιν ὃς ἐὰν μὴ σκανδαλισθῇ ἐν ἐμοί.

7 Τούτων δὲ πορευομένων ἤρξατο ὁ Ἰησοῦς λέγειν τοῖς ὄχλοις περὶ Ἰωάννου· τί ἐξήλθατε εἰς τὴν ἔρημον θεάσασθαι; κάλαμον ὑπὸ ἀνέμου σαλευόμενον;

8 ἀλλὰ τί ἐξήλθατε ἰδεῖν; ἄνθρωπον ἐν μαλακοῖς ἠμφιεσμένον; ἰδοὺ οἱ τὰ μαλακὰ φοροῦντες ἐν τοῖς οἴκοις τῶν βασιλέων εἰσίν.

9 ἀλλὰ τί ἐξήλθατε ἰδεῖν; προφήτην; ναὶ λέγω ὑμῖν, καὶ περισσότερον προφήτου.

10 οὗτός ἐστιν περὶ οὗ γέγραπται· ἰδοὺ ἐγὼ ἀποστέλλω τὸν ἄγγελόν μου πρὸ προσώπου σου, ὃς κατασκευάσει τὴν ὁδόν σου ἔμπροσθέν σου.

11 Ἀμὴν λέγω ὑμῖν· οὐκ ἐγήγερται ἐν γεννητοῖς γυναικῶν μείζων Ἰωάννου τοῦ βαπτιστοῦ· ὁ δὲ μικρότερος ἐν τῇ βασιλείᾳ τῶν οὐρανῶν μείζων αὐτοῦ ἐστιν.

12 ἀπὸ δὲ τῶν ἡμερῶν Ἰωάννου τοῦ βαπτιστοῦ ἕως ἄρτι ἡ βασιλεία τῶν οὐρανῶν βιάζεται καὶ βιασταὶ ἁρπάζουσιν αὐτήν.

13 πάντες γὰρ οἱ προφῆται καὶ ὁ νόμος ἕως Ἰωάννου ἐπροφήτευσαν·

14 καὶ εἰ θέλετε δέξασθαι, αὐτός ἐστιν Ἠλίας ὁ μέλλων ἔρχεσθαι.

15 ὁ ἔχων ὦτα ἀκουέτω. (Matt. 11:2-15 BGT)

 

Bối cảnh

Đoạn văn nằm trong số những đoạn văn nói về ông Gioan, Người Dìm trong Tin Mừng Mátthêu (Mt 3,1-12.13-17; 11,2-15; 14,1-11; 17,9-13). Mátthêu là tác giả nói nhiều nhất về ông Gioan, Người Dìm nhất so với các tác giả khác. Đoạn văn này có liên hệ mật thiết với đoạn văn 3,1-12, trong đó ông Gioan được giới thiệu là “người nói trong sa mạc”; “mặc áo từ lông lạc đà và thắt lưng từ da”. Không gian “trong sa mạc”, tương ứng với không gian ngươi ta đi ra để xem: “Anh chị em đi ra để xem gì trong sa mạc”, đối lại với “cung điện của vua chúa”. Hình ảnh “người nói”, tương ứng với “một ngôn sứ”. Cách mặc: “Mặc áo choàng từ lông lạc đà và thắt lưng bằng da”, ngược lại với “mặc trang phục sang trọng”. Bối cảnh “trong ngục” liên hệ trực tiếp đến câu dẫn nhập bối cảnh Đức Giêsu khai mạc sứ vụ: Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu rút lui vào miền Galilê” (4,12). Trong bối cảnh trực tiếp, Mt 11,2-15 nằm sau bài giảng về sứ vụ (10,1 – 11,1) với nhiều ý tưởng nối kết. Bài giảng về sứ vụ nói đến thực tế các môn đệ sẽ bị bách hại (10,17-25). Thực tế, ông Gioan đang bị bỏ tù là một hình thức bách hại. Hơn nữa, Đức Giêsu cảnh báo rằng “ai không vác thập giá mình mà theo tôi thì không xứng với tôi” (10,38). Ngoài ra, bài giảng đề cập đến phần thưởng dành người tiếp đón một vị ngôn sứ, trong khi ngôn sứ Gioan không được tiếp đón. Đoạn văn Mt 11,16-19 tiếp theo sau Mt 11,2-15, tiếp tục nói về sự gần gũi giữa Đức Giêsu và ông Gioan qua số phận bị chối từ. Bối cảnh chung của chương 11 – 12 cho thấy bức tranh lẫn lộn giữa những người có khả năng đón nhận (11,25-27), gia đình thật sự của Đức Giêsu (12,46-50) và những người hoàn toàn chối từ Đức Giêsu (11,20-24; 12,1-8.9-14), thậm chí đồng hóa Người với quỷ (12,22-32). Ông Gioan và các môn đệ được hiểu như là những người ở giữa hai nhóm ấy. Họ đón nhận, có niềm tin vào Đức Giêsu, nhưng vẫn không chắc chắn về căn tính của Người và muốn Người xác nhận.[1]

 Cấu trúc

Ngoài phần bối cảnh (2) và kết (15), phần còn lại có thể được chia thành hai phần. Phần đầu (3-6) là mặc khải về Đấng Mêsiah, với thính giả chính yếu là các môn đệ của ông Gioan và phần sau (7-14) là giới thiệu về Gioan, Người Dìm, với thính giả có thể là đám đông.

Bối cảnh: Ông Gioan, trong ngục, nghe về Đức Giêsu (2)

Mặc khải về Đấng Kitô (3-6): “Ông là Đấng phải đến hay chúng tôi tiếp tục chờ Đấng khác?” (3)

Hãy nói cùng Gioan những điều các anh nghe và thấy (4):

Người mù – thấy, người què – đi, người cùi – sạch,

người điếc – nghe, người chết – trỗi dậy, người nghèo – Tin Mừng (5)

Mối phúc: Phúc cho người không bị vấp ngã vì tôi (6)

Mặc khải về ông Gioan (7-14): Anh chị em đi ra, vào sa mạc để xem gì?

Một cây sậy phất phơ trước gió? (7)

Một người với trang phục sang trọng? Người ấy ở trong cung điện của các vua chúa (8),

Một ngôn sứ? Đúng vậy, một người hơn cả ngôn sứ, sứ giả dọn đường (9-10)

Người vĩ đại nhất trên trần gian, nhưng thấp hơn người nhỏ nhất trong Nước Trời (11)

Nước Trời bị đau khổ vì bạo lực và người bạo lực chiếm lấy nó (12)

ngôn sứ và luật cho đến thời ông Gioan đều đã tỏ lộ (13)

Ông ta chính là ông Êlia, người phải đến (14)

Kết: Mời gọi nghe (15)

 

 Một vài điểm chú giải

  1. Trong ngục: Tác giả Mátthêu ghi chú bối cảnh không gian “trong ngục”, trong khi đó, tác giả Luca không đề đề cập đến bối cảnh này (Lc 7,18-30). Xem ra, bối cảnh này rất có ý nghĩa trong trình thuật của Mátthêu. Bối cảnh tù ngục nhắc nhớ đến thời điểm ông Gioan bị trao nộp ở Mt 4,12. Từ lúc bị nộp đến nay, đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trở lại. Sau khoảng thời gian trình thuật về những hoạt động công khai của Đức Giêsu khá dài từ 4,12 – 11,1, tác giả mới nhắc đến cảnh ông Gioan ở trong ngục. Bài giảng gần cảnh này nhất là Bài Giảng lớn thứ hai, bài giảng về sứ vụ, trong đó, Đức Giêsu đề cập nhiều đến những đau khổ mà sứ giả Tin Mừng phải chịu, do sự thù ghét bách hại của người khác. Những lời báo trước này có vẻ rất phù hợp với bối cảnh bi thảm của ông Gioan.[2] Hoàn cảnh đau khổ của ông không chỉ dừng lại ở việc bị bỏ tù, mà còn phải trả giá bằng mạng sống. Trình thuật về cái chết của ông sẽ được kể lại ở 14,1-12. Trong hoàn cảnh ấy, có lẽ, đã có lúc ông không chắc chắn về căn tính của Đấng mà ông đã giới thiệu trước đó (3,11-12.14), như một Đấng xét xử quyền năng. Đấng Kitô mà ông giới thiệu là một Đấng Kitô đầy quyền năng và quyền năng hơn ông. Nhà tù mà ông Gioan đang ở rất có thể ở pháp đài Machaerus, phía Đông Biển Chết, theo sử gia Josephus Ant 18.5.2.
  2. Ngài là Đấng phải đến?” (ὁ ἐρχόμενος): Danh xưng “Đấng đến” nhắc nhớ đến “Đấng đến sau tôi” mà ông Gioan đã giới thiệu trong (3,11). Nó cũng gợi nhớ toàn bộ truyền thống về niềm mong đợi Đấng Kitô của dân Israel. Đây là câu hỏi yêu cầu khẳng định về căn tính của Đấng Kitô. Trước đó, người thuật chuyện đã cố ý gọi Đức Giêsu là Đấng Kitô: “Gioan nghe về những hoạt động của Đấng Kitô” (τὰ ἔργα τοῦ Χριστοῦ). Nhiều tác giả đã không ngần ngại cho rằng, câu hỏi của ông Gioan, Người Dìm cho thấy một sự nghi ngờ nghiêm trọng về căn tính của Đức Giêsu. Thời điểm ông làm phép rửa cho Đức Giêsu, ông đã nhìn nhận căn tính Kitô của Người[3] (3,14: Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến cùng tôi), cùng với lời giới thiệu chắc nịch của “tiếng từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, với Người Ta hài lòng” (Mt 3,17). Và lý do cho sự nghi ngờ của ông Gioan là vì sự khác biệt giữa hy vọng của ông về một quan tòa thời cánh chung (3,11-12) và những hoạt động hiện tại của Đức Giêsu.[4] Đức Giêsu cũng mời gọi “hoán cải vì Nước Trời đã đến” như ông Gioan nhưng Người tập trung nhiều vào việc hòa giải và chữa lành hơn là những xét xử có tính đe dọa như ông Gioan đã loan báo (3,12).[5] Đây cũng có thể là một kiểu hỏi tu từ, để Đức Giêsu có thể bộc lộ căn tính Kitô, của mình trước các môn đệ của Gioan và nhiều người đang nghe Người. Tin Mừng Mátthêu chương 11 và chương 12 bao hàm nhiều cuọc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với các môn đệ của ông Gioan, những người Pharisêu và chính gia đình của Người. Sợi chỉ xâu những cuộc gặp gỡ này lại với nhau là Đức Giêsu bị họ hiểu lầm, thậm chí cả những người đáng lẽ phải biết Người và ủng hộ Người (x. 10,21-22). Ngay cả ông Gioan, người chuẩn bị cho Người đến cũng đâm ra nghi ngờ.[6] Đó là ý tưởng thần học chung, mô tả số phận Đức Giêsu và những người tin vào Người: Người ngôn sứ bị chối từ và giết chết.
  3. Những điều nghe và thấy: Người mù – thấy, người què – đi, người cùi – sạch, người điếc – nghe, người chết – trỗi dậy, người nghèo – Tin Mừng. Thay vì trả lời “phải” hay “không phải” cho câu hỏi của ông Gioan, Người Dìm, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ ông về kể lại cho ông nghe những điều họ nghe và thấy. Tác giả Mátthêu không cho thấy lúc ấy Đức Giêsu đang làm nhiều dấu lạ, trong khi đó, tác giả Luca dường như hợp lý hơn khi giới thiệu với độc giả rằng: “Chính giờ ấy, Đức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh tật, khỏi quỷ ám và ban ơn cho nhiều người mù được thấy” (Lc 7,21). Cách nói của Đức Giêsu là một kiểu nói tổng hợp, mô tả những phép lạ mà Người đã làm và những lời Người đã giảng.[7] “Người nghèo được nghe Tin Mừng”, được tìm thấy trong mối phúc đầu tiên của Bát Phúc: “Phúc cho những người nghèo trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Món quà lớn nhất và đầy đủ nhất cho người nghèo là được ở trong Nước Trời. “Tin Mừng cho người nghèo” cũng được tìm thấy trong lời dạy đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, nhưng tích trữ cho mình kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không khoét vách lấy đi (Mt 6,21). Khi nhìn thấy sự lầm than của đám đông, như những con chiên không có mục tử, một vụ mùa dồi dào nhưng thợ gặt lại ít, Đức Giêsu đã mời các môn đệ xin ông chủ của vụ mùa, để ông sai những thợ gặt tham gia vào vụ mùa. Và Đức Giêsu đã gọi nhóm Mười Hai lại trao cho các ông quyền trên các thần ô uế, để họ có thể trừ chúng và chữa là tất cả chứng bệnh và tật nguyền (x. Mt 9,36 – 10,1). Ngược lại một chút nữa theo dòng trình thuật, tác giả Mátthêu đã kể lại những phép lạ tương tự như Đức Giêsu liệt kê nơi đây: “Người cùi sạch” (8,1-4); Người què đi được (8,5-13; 9,1-8); Người mù nhìn thấy (9,27-30); Người điếc nghe được (9,32-33); Người chết được trỗi dậy (9,18-26). Câu nói tóm kết “Người trục xuất các quỷ thần bằng lời và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau” (πάντας τοὺς κακῶς ἔχοντα: 8,16), mô tả tất cả những phép lạ chữa lành và trừ quỷ của Đức Giêsu. Đó là những dấu hiệu của thời Đấng Mêsiah mà ngôn sứ Isaiah đã nói đến. Ông Gioan, Người Dìm là người sùng đạo, chắc chắn sẽ nhớ đến lời ấy của vị ngôn sứ uy tín trong truyền thống Cựu Ước: “Người chết của ngươi sẽ sống, thân thể của họ sẽ trỗi dậy. Các ngươi, những người ở trong cát bụi, hãy trỗi dậy và ca hát vui mừng! Vì sương của ngươi là sương ánh sáng và đất sẽ sinh ra cho người chết” (Is 26,19); “Người điếc sẽ nghe lời của sách và từ sự tối tăm và mờ đục của họ, mắt người mù sẽ thấy …người nghèo trong nhân loại sẽ vui mừng trong Đấng Thánh của Israel” (Is 29,18-19); “Rồi mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc thôi đóng lại, rồi người què sẽ nhảy nhót như nai, và lưỡi người câm hát ca vui vẻ” (Is 35,5-6, Cf. 42,18). Tác giả Luca đã cho biết Đức Giêsu đọc đúng đoạn văn nói về chính sứ vụ mà Người bắt đầu thi hành: “Thần Khí Chúa, Thiên Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để mang Tin Mừng cho người nghèo, Người sai tôi băng bó những trái tim tan vỡ, công bố tự do cho các tù nhân, mở cửa cho những ai bị trói” (Is 61,1; Lc 4,17-19). Tin Mừng Mátthêu được mệnh danh là Tin Mừng của sự hoàn tất và những hình ảnh Cựu Ước, luôn là nền tảng vững chắc mô tả và minh chứng cho sứ vụ của Đức Giêsu. Ở đây là những hình ảnh của ngôn sứ Isaiah về Đấng Mêsiah. Khi nghe và thấy những điều ấy, các môn đệ của ông Gioan và chính ông sẽ tìm thấy câu trả lời cho chính mình về căn tính của Đấng Kitô.[8] Loạt những điều mắt thấy, tai nghe được chốt lại với cụm từ “những người nghèo được đón nhận Tin Mừng”. Đức Giêsu như muốn nhấn mạnh điều ấy như là một yếu tố toàn thể về ơn cứu độ đang đến.[9] Rõ ràng, sứ mạng của Đấng Kitô nhấn mạnh đến sự tìm kiếm, cảm thông và cứu chữa hơn là trừng phạt và tiêu diệt. Những phép lạ được Đức Giêsu liệt kê, có lẽ không khác gì bao nhiêu so với “những công việc Đức Giêsu đã làm” mà ông Gioan đã nghe biết. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là những hành động này được đặt trong khung thần học của ngôn sứ Cựu Ước nói trước về sứ vụ của Đấng Mêsiah. Trong khi Isaiah 35,5-6 loan báo Tin Mừng về sự sáng mắt cho người mù, khả năng nghe cho người điếc, sự nhảy nhót cho người què, khả năng hát vui cho người câm, Is 61,1 nói về Đấng được xức dầu sẽ hiện thực hóa những tin vui ấy.[10]
  4. Không bị vấp ngã vì tôi (μὴ σκανδαλισθῇ ἐν ἐμοί): Thay vì cảnh báo một hình phạt dành cho những ai không đón nhận căn tính Mêsiah như Người đang thể hiện, Đức Giêsu lại công bố một mối phúc.[11] Trong mối phúc ấy vẫn ngầm chứa một cảnh báo, một sự vô phúc. Động từ “σκανδαλίζω” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “gây vấp ngã”, “làm cho ai đó sa ngã”, nhưng khi dùng ở thể bị động, nó có nghĩa là “phản đối, từ chối tin, hay bị “sốc”. Cụm giới từ “ἐν ἐμοί” (với tôi, trong tôi) dường như tránh cách hiểu Đức Giêsu chính là căn nguyên cho “sự vấp ngã” của người khác, như nhiều cách dịch. Có lẽ nên hiểu câu này là “phúc cho người không bị sốc/ từ chối tin vào tôi”. Tác giả R. France đề nghị là không nên hiểu “sự chao đảo của Gioan” trong bối cảnh này theo nghĩa “mạnh” (gây sa ngã) của “σκανδαλίζω” như trong 13,21; 18,6-9 (cf.5,23-29); 24,10; Vì nhiều lần động từ này được hiểu theo nghĩa “nhẹ hơn” (nghi ngờ) như trong 13,57; 15,12; 17,27; 26,31-33.[12] Nên hiểu câu nói này như là một lời mời gọi, căn dặn dành cách riêng cho ông Gioan và cách chung cho tất cả các môn đệ của ông, cũng như tất cả những ai nghe Người giảng khi họ hoài nghi về căn tính của Đấng Kitô. Cũng không thể phủ nhận rằng, trên thực tế, có rất nhiều người bị “sốc”, không thể đón nhận giáo huấn của Người, lối sống của Người và không thể tin rằng Người chính là Đấng Kitô mà họ đang mong chờ từ lâu. Những người như thế không thể đón nhận mối phúc Đức Giêsu ban tặng.
  5. Đi ra, vào sa mạc để xem gì? Bối cảnh về không gian “sa mạc” nơi mà dân chúng đi ra, vào là bối cảnh đã được giới thiệu ở Mt 3,1-6. Đó là nơi mà người ta từ Jêrusalem, khắp các vùng Giuđê và quanh sông Giorđan kéo đến với ông Gioan, để được dìm trong nước và thú nhận tội lỗi của mình. Giờ đây, Đức Giêsu muốn nhân dịp này để giúp các “hoán cải nhân” có cái nhìn đúng đắn hơn về căn tính của người, mà họ đã vô cùng ấn tượng và đã nghe ông giảng, được ông dìm trong nước trước đó ít lâu. Đây là một câu hỏi tu từ. Đức Giêsu tự hỏi để cho dân chúng suy nghĩ, rồi cũng chính Người sẽ trả lời. Câu hỏi được lặp lại ba lần với ba đề xuất cho câu trả lời khác nhau về căn tính của ông Gioan, Người Dìm.
  6. Một cây sậy phất phơ trước gió? Một người với trang phục sang trọng? Câu hỏi tu từ thứ nhất không ai trả lời và Đức Giêsu cũng không. Tuy nhiên, ai cũng biết câu trả lời, nếu có, cho câu hỏi dĩ nhiên phải là “không phải!”, vì chẳng ai đi vào sa mạc để xem một cây sậy đung đưa trong gió cả. Đó là một hình ảnh tầm thường, ở đâu trên đất Palestine cũng có, và chẳng việc gì phải đi vào sa mạc để xem cả. Trong bối cảnh này, đối tượng người ta muốn xem là ông Gioan, Người Dìm, chắc chắn không phải là một cây sậy. Đề xuất này cho thấy một thực tế của những cái nhìn vô nghĩa, vì nó chỉ mang tính du lịch, thưởng ngoạn, ngắm cảnh, nếu như người ta đến đó mà không biết được người mà họ đang thấy là ai.[13] Hành trình vào sa mạc sẽ trở thành vô ích và vô nghĩa, nếu người ta chỉ đến đó để nhìn những hình ảnh bâng quơ như là cây sậy, hòn đá, dòng nước sông Giorđan. Cụm từ “nhưng điều gì?”/ “vậy thì điều gì” (ἀλλὰ τί) được đặt trước câu hỏi được lặp lại lần thứ hai, ngụ ý rằng, đề xuất cho đáp án trên là không đúng, cần phải có một đáp án khác. Đáp án thứ hai là: “Một người được mặc lụa là gấm vóc”. Đức Giêsu phủ định ngay bằng cách giới thiệu: “Kìa, người mặc lụa là gấm vóc thì ở trong cung điện của vua chúa”. Thực tế, ai cũng nhìn thấy vẻ bề ngoài của ông Gioan trong sa mạc: “Mặc áo choàng từ lông lạc đà, lưng thắt dây da, thức ăn là châu chấu và mật ong hoang dã” (Mt 3,4). Hai hình ảnh trái ngược: “Lụa là gấm vóc”, đối lại với “lông lạc đà, dây da”; “sa mạc”, đối lại với “cung điện vua chúa”. Cả cây sậy, và cả người mặc gấm vóc lụa là, đều không diễn tả căn tính của ông Gioan
  7. Một ngôn sứ? … một “người vượt hơn” ngôn sứông Êlia: Câu hỏi tu từ được lặp lại lần thứ ba với cụm từ ἀλλὰ τί, cho thấy đáp án thứ hai vẫn chưa thỏa mãn. Đề xuất đáp án thứ ba được Đức Giêsu xác nhận là “đúng vậy”, và giới thiệu bằng một cách nói long trọng: “Đúng vậy, tôi nói cùng anh chị em” (ναὶ λέγω ὑμῖν), một ngôn sứ ngoại thường (một ngôn sứ hơn ngôn sứ: περισσότερον προφήτου). Sau này, có hai lần, tác giả cho độc giả biết rằng đám đông cũng xem ông Gioan như một ngôn sứ (Mt 14,5; 21,26). Tính từ “περισσός” có nghĩa là “vượt quá mức bình thường” (cực kỳ, ngoại thường). Tính từ này được dùng ở thể so sánh hơn “περισσότερον” (ngoại thường hơn, cực kỳ hơn, vĩ đại hơn). Tính từ này dùng ở thể so sánh hơn + một danh từ thuộc cách có nghĩa là “nhiều hơn, lớn hơn”. Ông Gioan được gọi là vị ngôn sứ, vì ông rao giảng trong sa mạc Giuđê: “Anh em hãy hoán cải, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,1-2). Ông Giaon “hơn một vị ngôn sứ”, vì ông là hình ảnh của vị ngôn sứ thuộc một thời điểm đặc biệt, ngôn sứ được sai đến vào “ngày của Chúa”. Nếu xem thời Cựu Ước là thời chuẩn bị cho thời Tân Ước, thì ông Gioan chính là đỉnh cao của sự chuẩn bị, đỉnh nóc, điểm giao nhau giữa hai thời.[14] Chính Đức Giêsu khẳng định “đây là vị ngôn sứ mà đã được chép về: “Kìa Ta sai sứ giả của Ta trước mặt con, người sẽ chuẩn bị đường của con, trước con”. Đây chính là lời của ngôn sứ Malakhi, nói về “ngày của Chúa”: “Này Ta sai sứ giả của Ta dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3,1). Ngôn sứ Malakhi cũng ghi lại lời sấm rằng: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi ngày của Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn của cha ông trở về với con cháu và đưa tâm hồn con cháu về với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt” (Ml 3,23-24). Đó chính là lời sấm dẫn đến những thắc mắc của các môn đệ về “sự đến trước” của ông Êlia. Đức Giêsu cuối cùng đã xác nhận ông Gioan chính là ngôn sứ Êlia, người phải đến (11,14). Tác giả H. Fowler cho rằng chứng nhận của Đức Giêsu ngụ ý hai điều: (1) Lời tiền báo của ngôn sứ Malakhi đã hoàn tất. Ngôn sứ Êlia, người được chờ đợi từ lâu, đã thực sự xuất hiện nơi con người và sứ vụ của ông Gioan; (2) Như là một hiệu quả cần thiết cho sự hoàn tất này về lời ngôn sứ vĩ đại Êlia được Gioan nói, Nước Thiên Chúa phải xuất hiện trong thời gian ngắn trong con người của Đấng Kitô, Đấng mở ra kỷ nguyên Mêsiah.[15] Đức Giêsu lại nói cách ám chỉ rằng Gioan chính là ông Êlia: Ông Êlia đã đến rồi, nhưng họ không nhận ra ông và đối xử với ông tất cả những gì mà họ thích” (17,10-12). Rồi, các môn đệ hiểu rằng Người đang nói với họ về ông Gioan, Người Dìm” (17,13).
  8. Không ai vĩ đại hơn ông Gioan Người Dìm… người nhỏ nhất trong Nước Trời vĩ đại hơn ông: Sự vĩ đại của ông Gioan, Người Dìm so với những người được “sinh ra từ người phụ nữ”, nghĩa là phàm nhân[16], để tăng thêm đặc tính “cao hơn ngôn sứ” mà Đức Giêsu đã giới thiệu nơi ông Gioan ở 11,9. Ngôn sứ đã là vĩ đại trong hàng ngũ dân Chúa, vì là sứ giả loan báo những điều Chúa muốn. “Cao hơn ngôn sứ” thì càng vĩ đại hơn, không ai sánh bằng. Tuy nhiên, ông Gioan dù có cao trọng, vĩ đại đến mấy thì cũng là phàm nhân, thuộc thế giới loài người. Những người được “người phụ nữ sinh ra” đối lại với “người ở trong Nước Trời”. Những người thuộc thế giới này không thể sánh với những người ở trong Nước Trời. Sự khác nhau nằm ở tính thánh thiêng và thuộc trọn về Chúa. Tác giả Davies – Allison nhận xét về ba cách diễn giải về cụm từ “người nhỏ nhất trong Nước Trời”. Cách hiểu thứ nhất, “người nhỏ nhất” là chính Đức Giêsu, khi nói về sự khiêm nhường, về sự trẻ trung hơn ông Gioan và về vị trí là môn đệ của ông Gioan. Davies – Allison phản đối cách hiểu này vì Mátthêu không nghĩ rằng Đức Giêsu là “nhỏ hơn” hay “nhỏ nhất”, và thêm vào rằng không có dữ liệu nào cho thấy Đức Giêsu trẻ hơn ông Gioan và là môn đệ của ông Gioan trong Tin Mừng này. Cách hiểu thứ hai, “người nhỏ nhất” là “bất cứ ai bây giờ trong Nước Trời”. Dù có nhiều tác giả chấp nhận quan điểm này Davies – Allison cũng không đồng quan điểm vì nó loại ông Gioan tham dự vào Nước Trời. Cách hiểu thứ ba, “người nhỏ nhất” là “bất cứ ai trong Nước Trời khi nó đến”. Cách giải thích thứ ba được hai tác giả này đồng thuận vì không loại trừ ông Gioan, mà nó chỉ muốn diễn tả sự khác nhau giữa tình trạng của người vĩ đại nhất với tình trạng của người nhỏ nhất trong Nước Trời.[17]
  9. Nước Trời bị tấn công và người bạo lực chiếm lấy nó: Hai động từ “tấn công” (βιάζεται) và “chiếm lấy” (đối xử bạo lực, tha đi) cùng với danh từ “người bạo lực” (βιασταὶ: Người dùng vũ lực theo nghĩa xấu) đều diễn tả những ý nghĩa tiêu cực.[18] Từ thời ông Gioan, Người Dìm cho đến bây giờ, Nước Trời vẫn ở trong tình trạng bị tấn công và dành lấy bằng cách thức bạo lực của những con người bạo lực. Danh xưng “người bạo lực” đến từ động từ cùng gốc “đau khổ bạo lực”, luôn dùng theo nghĩa xấu.[19] “Nước Trời bị tấn công”, theo G. Yamasaki, nhắm đến những cố gắng chống lại Nước Trời trong lãnh vực tinh thần nơi những bàn tay của thần dữ.[20] Cụm giới từ “từ những ngày của ông Gioan, Người Dìm, có thể hiểu nhiều cách “kể từ khi ông Gioan sống …”; “Từ khi ông Gioan xuất hiện …”; “Từ lúc ông Gioan rao giảng…). Nỗ lực chống lại Nước Trời có thể hiểu được trong hoàn cảnh bị bỏ tù của ông Gioan. Tác nhân chính chống lại ông Gioan là vua Hêrôđê và bà Hêrôđia. Trong bối cảnh trực tiếp, Đức Giêsu nói về việc người ta chối từ Người và ông Gioan: Một người thì bị xem là người ăn nhậu, bạn bè với người thu thuế và người tội lỗi; Một người không ăn bánh, không uống rượu và bị xem là bị quỷ ám (Mt 11,31-35). Bạo lực mà ông Gioan và chính Đức Giêsu phải chịu đựng là một hình ảnh về cuộc đương đầu cánh chung thế lực xấu.
  10. Hãy để anh ta nghe (ὁ ἔχων ὦτα ἀκουέτω): Mẫu thức này gợi nhớ đến lời các ngôn sứ trong Cựu Ước dành cho dân Israel: “Hãy nghe, hỡi những người khờ dại và vô nghĩa, những người có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe” (Gr 5,21); “Người đang sống giữa một nhà nổi loạn, người có mắt để thấy mà không thấy, người có tai để nghe mà không nghe” (Ed 12,2). Có lẽ, Đức Giêsu muốn ngụ ý nhắc nhở họ đừng lâm vào tình trạng ấy nữa. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của ông Gioan thuật lại cho ông Gioan những gì họ “nghe” và “thấy”. Kết thúc bài giảng này Đức Giêsu mời gọi tất cả thính giả “Người có tai, hãy để anh/chị ấy nghe”. Đây là dạng mệnh lệnh dành cho đối tượng ở “ngôi thứ ba”. Có nghĩa là, đối tượng của mệnh lệnh này không giới hạn trong số những người đang nghe Đức Giêsu trực tiếp (ngôi thứ hai) nhưng nó được mở rộng ra cho tất cả mọi người “có tai” (ὁ ἔχων ὦτα) trên khắp miền đất Palestine và cho mọi người trên toàn thế giới qua muôn thế hệ. Nội dung mà họ được mời gọi nghe là lời rao giảng về căn tính của Đấng Mêsiah và của ông Gioan, được chính Đức Giêsu vừa trình bày. Nội dung ấy bao hàm cả sứ vụ giảng dạy và làm phép lạ của Đức Giêsu. Nó cũng bao hàm của sứ vụ “chuẩn bị đường của Chúa” và chết vì sứ vụ của vị “ngôn sứ hơn ngôn sứ” Gioan, Người Dìm. Tất cả những ai nghe những thông điệp ấy đều là người được Đức Giêsu chúc phúc. Ngoài lần này, Đức Giêsu còn lặp lại lời mời gọi này hai lần nữa trong bài giảng bằng dụ ngôn: Sau dụ ngôn người gieo giống (13,9) và sau dụ ngôn cỏ lùng (13,43). Cả hai dụ ngôn này đều mô tả hai hình ảnh trái ngược: Sinh nhiều bông hạt – không sinh bông hạt; Lúa và cỏ lùng, tượng trưng cho những người tin vào Đức Giêsu cách bền bỉ và những người không tin hoặc tin nhất thời.

Bình luận tổng quát

Câu hỏi của ông Gioan, Người Dìm về căn tính của Đấng Kitô: “Ngài có phải là Đấng phải đến?” bộc lộ một mối nghi ngờ, phân vân nào đó trong lòng ông. Chính ông Gioan, Người đã chuẩn bị đường cho Đấng Kitô, giới thiệu về Người cho Người khác, làm nghi thức dìm cho Người, và nghe tiếng từ trời xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, nơi Người, Ta hài lòng”. Tuy nhiên, có lẽ ông cũng vẫn chưa hiểu hết hoàn toàn về căn tính và sứ vụ của Đấng mà ông giới thiệu. Ông vẫn còn ở trong dòng tư tưởng của những người Do Thái, mong chờ, một Đấng Cứu Thế “đầy quyền năng”. Theo ngôn ngữ của ông, Đấng Kitô phải là Đấng “quyền năng hơn” ông; Đấng làm phép rửa bằng Thánh Linh và lửa; Đấng xét xử: Dùng rìu để chặt những cây không sinh hoa trái tốt để cho vào lửa; Dùng xỉa để tách biệt lúa và rác trong sân để rồi thu lúa vào kho, còn rác thì đốt đi bằng lửa không hề tắt. Đức Giêsu xuất hiện như là một Đấng mang Tin Mừng cho những người nghèo, giải thoát những người bị quỷ ám, xoa dịu, chữa lành những vết thương cho những người bệnh tật, tha thứ cho những người tội lỗi, làm cho người chết được sống lại. Đó là những việc làm quá tốt cho dân, nhưng sao chẳng liên quan gì đến hình bóng của một quan tòa xét xử, ít ra trong trường hợp của vua Hêrôđê. Sao Đức Giêsu chẳng động đậy gì cả? Dĩ nhiên, ông Gioan không phải đang đấu tranh cho trường hợp của mình, tình trạng đang bị oan sai và có nguy cơ bị chết. Điều ông quan tâm là căn tính của Đấng muôn dân hằng mong đợi. Nếu như Đức Giêsu chính là Đấng ấy thì sứ mạng của ông đã hoàn tất. Dĩ nhiên, nó sẽ hoàn tất bằng cái chết của ông. Đó chính là đỉnh cao trong sự nghiệp dọn đường của ông. Người dọn đường phải chết nghiệt ngã như Đấng được dọn đường. Những điều “mắt thấy, tai nghe” mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ ông Gioan kể lại cho thầy của mình, có lẽ không khác gì, với những điều ông Gioan đã nghe về “các việc làm” của Người. Sự khác biệt nằm ở hai điểm này: (1) Đó là xác nhận của chính Đức Giêsu; (2) Những công việc ấy đã được ngôn sứ Isaiah nói trước. Ý niệm “lời ngôn sứ được hoàn tất” trong Tin Mừng Mátthêu là rất quan trọng. Nó cho thấy tất cả đều nằm trong kế hoạch của Chúa từ ngàn xưa, được tỏ lộ trong dòng lịch sử dân Chúa. Khi đặt những công việc ấy vào trong khung cảnh của lời ngôn sứ, Đức Giêsu giúp cho ông Gioan, cũng như những độc giả người Do Thái, tự tìm ra câu trả lời về căn tính của Đấng Mêsiah, mà họ đang mong đợi. Đức Giêsu mời gọi ông Gioan và tất cả mọi người thay đổi suy nghĩ đóng khung về vai trò và sứ vụ của Đấng Mêsiah. Người không phải là Đấng Mêsiah do họ vẽ ra nhưng là Đấng Mêsiah mà Chúa muốn giới thiệu và sai đến. Người không muốn là căn nguyên cho sự hiểu lầm của họ, nhưng vì chính họ đã đóng khung họ trong lối suy nghĩ của mình, nên không thể hiểu đúng về Người. Mối phúc mà Người trao cho ông Gioan cách riêng và cho tất cả mọi người cách chung, là cơ may để tất cả mở lòng, mở trí ra với hình ảnh đích thực của Đấng Kitô mà Chúa muốn ban tặng.

Sau khi giới thiệu về chính mình, Đức Giêsu cũng giới thiệu về căn tính của vị sứ giả dọn đường cho Người. Đức Giêsu tự đặt ra một câu hỏi tu từ: “Anh chị em đi vào sa mạc để xem gì?”, để rồi lần lượt đề xuất từng giải đáp và cuối cùng đưa ra lời giải đáp đúng nhất. Lời giải thứ nhất “một cây sậy đung đưa trong gió”, bị bác bỏ vì chính sự tầm thường của nó, bởi ai cũng biết là mình đi xem một con người chứ không phải là cây sậy, đi đến để nghe giảng và chịu phép rửa chứ không phải đi thưởng ngoạn, ngắm cảnh. Đáp án thứ hai cũng không phù hợp, vì ai cũng thấy ông Gioan mặc “áo choàng từ lông lạc đà” và “dây thắt lưng bằng da”, thức ăn là châu chấu và mật ong hoang dã. Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh của một người mang lụa là gấm vóc. Nơi ông đang thi hành sứ vụ là sa mạc chứ không phải hoàng cung. Đáp án thứ ba, là phù hợp hơn cả. Ông là một ngôn sứ, bởi ông đến rao giảng trong sa mạc Giuđê. Ông đã được ngôn sứ Isaiah nói trước như là “tiếng người hô trong sa mạc”, người chuẩn bị con đường của Chúa. Đặc biệt hơn, hôm nay Đức Giêsu bật mí rằng ông là “một ngôn sứ trổi vượt hơn ngôn sứ” vì ông đã được ngôn sứ Malakhi nói trước như là sứ giả của Chúa: “Này Ta sai sứ giả của Ta trước mặt Con, người sẽ dọn đường của Con trước Con” (Mt 11,10; Ml 3,1). Khi dẫn lời ngôn sứ Malakhi, Đức Giêsu ngụ ý rằng đây là vị ngôn sứ của thời cuối cùng, thời cánh chung, thời của Đấng Mêsiah. Ông “trổi vượt hơn một ngôn sứ” vì ông là vị ngôn sứ giao thời và trực tiếp đi trước Chúa và được gọi là “Ngôn sứ của Đấng Tối Cao, đi trước Chúa và mở lối cho Người” (Lc 1,76). Ngoài việc công bố ông Gioan là vị ngôn sứ “trổi hơn một vị ngôn sứ”, Đức Giêsu cũng công bố rằng ngôn sứ Gioan chính là người cao trọng nhất trong nhân loại. Nhân tiện đó, Đức Giêsu cũng hé mở sự cao trọng của một công dân Nước Trời so với nhân loại: “Người nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông Gioan”. Đó là sự khác biệt giữa hai con người của hai không gian khác nhau, không gian trần thế và không gian thiên đàng, là sự khác biệt giữa thánh thiêng và phàm tục. Lời so sánh của Đức Giêsu không có nghĩa loại trừ ông Gioan khỏi nhóm người “nhỏ nhất trong Nước Trời”. Ông có thể vừa là người cao trọng nhất trong thế giới và cũng có thể là người nhỏ nhất trong Nước Trời khi ông tin vào Đức Giêsu. Quả thực ông Gioan đã thực sự bước qua ranh giới giữa những người được sinh ra bởi người phụ nữ và “những người nhỏ nhất trong Nước Trời” khi ông đang ở trong hoàn cảnh tù ngục, bắt bớ, và sẽ bị giết chết. Tất cả là hình ảnh của số phận người môn đệ của Chúa, những công dân tương lai của Nước Trời và của chính Chúa nữa. Từ thời ông Gioan, Người Dìm cho đến nay Nước Trời luôn bị tấn công bạo lực và bị những người bạo lực chiếm lấy. Lời ngôn sứ và sách Luật đều tỏ lộ về chuyện ấy. Ông Gioan, Đức Giêsu và các môn đệ của Người không ngừng bị bách hại và bị giết chết nữa. Câu chuyện khép lại với lời mời gọi “ai có tai, hãy để anh/ chị ấy nghe”, mời gọi đám đông, cũng như các tín hữu qua mọi thời đại, đón nhận giáo huấn về căn tính và sứ vụ của Đức Giêsu, con người của Đức Giêsu, căn tính và sứ vụ của ông Gioan, và con người của ông, dẫu rằng, số phận của Đấng Kitô và vị ngôn sứ dọn đường nhiều khi bi thảm, đau đớn, không như mình mong đợi.

 Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích:

[1] R.T. France, The Gospel of Matthew (NICNT; Grand Rapids 2007) 418.

[2] “He was imprisoned and thus integrating this incident within Matthew’s larger narrative, the reference to John’s imprisonment portrays him as living out Jesus’ teaching (5:10–12; 10:17–25) that those who follow him will suffer” [B.C. Dennert, John the Baptist and the Jewish Setting of Matthew, PDF, 278].

[3] Theo L. Bowens câu nói này chứng tỏ sự chắc chắn của Gioan về Đức Giêsu như là Đấng phải đến [x.L.M. BOWENS, “The Role of John the Baptist in Matthew’s Gospel”, WrdWld 30/3 (2010) 313].

[4] D.E. Garland, Reading Matthew. A Literary and Theological Commentary on the First Gospel (New York 1993) 124; Gundry, Matthew, 205; Bruner, Matthew, I, 408-409; Meier, Matthew, 119; Gardner, Matthew, 186; J.L. McKenzie, The Gospel According to Matthew’, in R.E. Brown, J.A. Fitzmyer and R.E. Murphy (eds.), Jerome Biblical Commentary (Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall, 1968) II, 82; John’s doubts should not appear unreasonable, since he was obviously expecting an imminent end of the age involving the judgment of the wicked (3:12). And though he had heard rumors of messianic-like deeds performed by Jesus, his wicked captors had not yet been judged and he had not yet experienced the fulfillment of the messianic promise of “liberty to the captives” (Isa 61:1; and even more vividly, Isa 42:7) [D.A. Hagner, Matthew 1 – 13 (WBC; Dallas 2002) 33A, 300].

[5] B. Byrne “Matthew”, The Paulist Biblical Commentary (ed. J.E.A. Chiu et al.) (New York 2018) 930; B.C. Dennert, John the Baptist and the Jewish Setting of Matthew, 281.

[6] F.P. Viljoen, “Matthean characterization of Jesus by John the Baptist, in die Skriflig 54/1, a2659, https://doi.org/10.4102/ids.v54i1.2659

[7] “Jesus himself has already performed a number of healing miracles, and he has commissioned his disciples both to continue this healing ministry and to preach the Good News” [B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew (UBS; New York 1992, c1988) 318.].

[8] B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew, 320.

[9] B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew, 321

[10] R.T. France, The Gospel of Matthew, 424.

[11] W. Davies – Allison, Matthew, 2:244. Cf. Chrysostom, Hom. Matt. 37.1 (NPNF1 10:243). Lời nói này có cả cảnh báo và khuyến khích (Turner, Matthew, 292). Có nhiều người nhấn mạnh mối phúc như là một cảnh báo như là Carter, Matthew and the Margins, 251; Luz, Matthew, 2:135; Nolland, Matthew, 452.

[12] “John’s implied “stumbling” (see on 5:29–30 for this prominent theme in Matthew) need not be taken in the catastrophic sense which this verb will have in 13:21; 18:6–9 (cf. 5:29–30); 24:10; it is also used in a less drastic way for instance in 13:57; 15:12; 17:27; 26:31–33. But in all these cases it represents a degree of unbelief, even if not terminal” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 425).

[13] “That may be all this first question and answer intends, an ironical statement that this was more than tourism. But the reed shaken by the wind is a natural symbol (sometimes used by the rabbis) for the type of man (and of preacher) whose message is adapted to fit the prevailing mood. If so, they would be disappointed, because John was not that sort of man” (R.T. France, The Gospel of Matthew, 426).

[14] R.T. France, The Gospel of Matthew, 428.

[15] H. FOWLER, The Gospel of Matthew, II, 512-513.

[16] “Because no such distinction is evident in this narrative, the narratee would understand the phrase ‘among those born of women’ as a designation for all humanity” [G. Yamasaki, John the Baptist in life and Death. Audience-Oriented Criticism of Matthew Narrative (JSNT 167; Sheffield 1998) 116]; Davies and Allison, Saint Matthew, II, p. 251.

[17] X. G. Yamasaki, John the Baptist in life and Death, 113-114.

[18] “The difficult statement about the kingdom of heavenly suffering violence (v.12; paralleled in rather diferent direction in luke 16:16 is best understood as negative passive sense” (B. Byrne “Matthew”, The Paulist Biblical Commentary, 930).

[19] “here are some possible renderings for translators to consider: “There have been attacks made against God’s rule (or, the establishment of God’s rule), and violent men have tried to seize it by force”; “violent men (and other forces) have used force to try to seize control of God’s rule”; “there have been men who have tried by violent force to establish God’s rule” (B.M. Newman – P.C. Stine, A handbook on the Gospel of Matthew, 328).

[20]G. Yamasaki, John the Baptist in life and Death, 121.

Bài trướcBÀI GIẢNG (8/12, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Lễ trọng)
Bài tiếp theoBÀI GIẢNG (Chúa Nhật 3 Mùa Vọng – Năm A)