BÀI GIẢNG (Chúa Nhật 3 Mùa Vọng – Năm A)

0
720

Bài Ðọc I: Is 35, 1-6a. 10

“Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ chúng tôi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan, và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nảy chồi non và hoan hỉ vui mừng, và khen ngợi rằng: Ðã ban cho Israel được vinh quang của xứ Liban, huy hoàng của Carmel và Saron. Chính chúng sẽ nhìn thấy vinh quang của Chúa, và huy hoàng của Thiên Chúa chúng ta.

Hãy làm cho mạnh mẽ những bàn tay rời rã, và hãy làm cho tăng sức những đầu gối mỏi mòn. Phải nói cho những người nhát đảm rằng: Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa các ngươi sẽ đem lại điều báo ứng; chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi.

Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Lạy Chúa, xin đến cứu độ chúng con (x. Is 35, 4).

Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Ðáp.

2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục. Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Ðáp.

3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Gc 5, 7-10

“Hãy vững lòng, vì Chúa gần đến”.

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em hãy kiên nhẫn chờ ngày Chúa đến. Kìa xem người nông phu trông đợi hoa màu quý báu của đồng ruộng, kiên nhẫn đợi chờ mưa xuân và mưa thu. Vậy anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi phải bị kết án. Này đây quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 12)

Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 2-11

“Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Ðấng nào khác?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: “Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?” Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.

Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con”. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”.

Ðó là lời Chúa.


 

Bài giảng chủ đề:

NIỀM VUI CỨU ĐỘ (Lm. G. B. Nguyễn Hữu Duy, SVD)

Mở đầu Mùa Vọng, phụng vụ lời Chúa mời gọi chúng ta sống tinh thần tỉnh thức (Chúa Nhật I Mùa Vọng), và ăn năn sám hối (Chúa Nhật II Mùa Vọng), để sẵn sàng chờ đón Đấng Cứu Độ. Vào Chúa Nhật III Mùa Vọng, khi chúng ta đã tiến gần đến đại lễ Giáng Sinh, các bài đọc lời Chúa lại mời chúng ta sống niềm vui vì Đấng Cứu Độ đã đến, đang đến và sẽ lại đến trong ngày quang lâm. Phụng vụ cho phép sử dụng lễ phục màu hồng cũng là một cách biểu lộ niềm vui cứu độ. Chúng ta cùng điểm qua những sắc thái khác nhau của niềm vui dưới ánh sáng từ các bài đọc lời Chúa hôm nay.

  1. Niềm vui mong chờ Đấng Cứu Độ

Bài đọc một cho thấy niềm vui của dân Chúa đang mong chờ ơn cứu độ. Quả vậy, đoạn sách ngôn sứ I-sai-a đem lại cho dân đang chịu cảnh lưu đày niềm khích lệ và hy vọng về cuộc trở về Giê-ru-sa-lem trong niềm vui vô bờ.

Trước hết, ngôn sứ nhấn mạnh đến sự biến đổi kỳ diệu của thiên nhiên: sa mạc, đồng khô cỏ cháy và đất hoang hãy trổ bông; khóm huệ hãy tưng bừng nở hoa (35,1-2a). Sự biến đổi của thiên nhiên, một đàng, mang lại niềm vui và sự hy vọng, đàng khác, là dấu hiệu để thiên hạ nhận ra vẻ huy hoàng, rực rỡ của Thiên Chúa. Thật vậy, nhìn vào vẻ đẹp của thiên nhiên, người ta nhận ra bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, Đấng đem lại cho thiên nhiên một sự biến đổi kỳ diệu.

Sau nữa, trong hoàn cảnh bi đát của cuộc lưu đày, ngôn sứ lại loan báo một niềm hy vọng lớn lao: “Thiên Chúa của anh em đây rồi!” (Is 35,4). Sự hiện diện của Thiên Chúa làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng, cho kẻ nhát gan không còn sợ hãi, cho kẻ què được nhảy nhót như nai và miệng lưỡi người câm được reo hò (x. Is 35,3-6a). Niềm hy vọng vào một Thiên Chúa “cứu độ” và “thưởng công phạt tội” đem lại cho dân đang lưu đày sự can đảm để đón nhận những nghịch cảnh mà hướng đến tương lai tươi sáng của cuộc trở về.

Cuối cùng, ngôn sứ mở ra quang cảnh của cuộc trở về. Theo đó, những ai được Thiên Chúa giải thoát sẽ trở về lại Giê-ru-sa-lem trong tiếng hò reo, mặt mày rạng rỡ và hớn hở vui cười; đau khổ và nước mắt sẽ không còn nữa (x. Is 35,10). Thiên Chúa sẽ thứ tha tất cả những lỗi phạm của dân, những lỗi lầm đã khiến họ xa Chúa mà chịu cảnh lưu đày. Ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ làm cho tất cả mọi khổ đau về cả thể xác lẫn tinh thần vỡ òa trong niềm vui ngày trở về lại Giê-ru-sa-lem. Rồi đây dân Chúa phải nhận ra rằng, ngay cả trong hoàn cảnh bi đát nhất, Thiên Chúa không bỏ rơi dân Người vì Người thật là Đấng Cứu Độ.

Như vậy, giữa những chán nản và thất vọng, sự hiện diện của Thiên Chúa khơi lên niềm vui và hy vọng. Như đất khô cằn gặp được nguồn nước bỗng nảy lên sự sống, dân Chúa hãy reo vui nhảy múa vì có Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ hằng ở với họ, ngay cả trong những lúc bi đát nhất. Vào những ngày của Mùa Vọng này, chúng ta cũng tự hỏi mình: Trong những lúc khó khăn, chán nản, thất vọng, tôi có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời tôi? Thiên Chúa có là nguồn vui, và là nguồn sức sống cho cuộc đời của tôi? Thiên Chúa có là Đấng Cứu Độ mà chúng ta khát khao mong đợi từ sâu thẳm tâm hồn, hay chúng ta chỉ dừng lại ở những trang trí bắt mắt, những hình thức đẹp đẽ bên ngoài mà quên mất Đấng Cứu Độ đang âm thầm chờ đợi chúng ta đón Người vào trong tâm hồn mình?

  1. Niềm vui có Đấng Cứu Độ

Sự trông đợi mỏi mòn của bao thế hệ dân Chúa, nay được Thiên Chúa tỏ lộ cách trực tiếp, hữu hình và sống động nơi Đức Giê-su. Thật vậy, bài Tin Mừng cho chúng ta dấu chỉ của niềm vui vì Đấng Cứu Độ đang hiện diện giữa dân Chúa. Người thật là Đấng phải đến nên dân Chúa không còn phải đợi chờ một đấng nào khác nữa.

Dù đang ở trong tù nhưng Gio-an Tẩy Giả vẫn dõi từng bước chân sứ vụ của Đức Giê-su thông qua các môn đệ của mình. Khi nghe biết rằng những việc làm của Đức Giê-su xem ra không hoàn toàn giống với “Đấng quyền thế” mà ông từng loan báo trước đây (x. Mt 3,10-12), nên ông muốn xác nhận lại cách chắc chắn hơn: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Hoặc có thể ông muốn các môn đệ của ông, những người chưa thật sự hiểu sứ mạng của Đức Giê-su (x. Ga 3,26), chứng kiến tận mắt những việc làm của Người, để tự các môn đệ tìm cho mình câu trả lời. Dù thế nào thì câu hỏi của ông Gio-an Tẩy Giả là dịp để Chúa Giê-su mặc khải rõ hơn về sứ mạng của Người.

Thật vậy, khi chứng kiến “người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5), các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả hiểu được rằng vai trò Mê-si-a của Chúa Giê-su không mang tính chính trị và quyền uy theo kiểu trần thế, nhưng hạ mình phục vụ và cứu giúp những người đau khổ, bệnh tật, nghèo hèn với lòng xót thương. Với sự hiện diện của Đức Giê-su, công trình cứu độ của Thiên Chúa bước qua một thời mới, thời đại Nước Trời. Quả vậy, dù ông Gio-an Tẩy Giả là một người có đời sống khổ hạnh trong sa mạc (Mt 11,7-8), dù là một vị ngôn sứ trổi vượt hơn bao vị ngôn sứ khác, dù được coi là “cao trọng” hơn cả trong số “phàm nhân lọt lòng mẹ”, nhưng ngài cũng chỉ là “người dọn đường” cho Đấng Cứu Thế là Đức Giê-su. Chính Đức Giê-su mới là Đấng Cứu Độ đến để khai mạc một thời mới, thời của Nước Trời, thời những kẻ bất hạnh được quan tâm, kẻ khốn khổ được ủi an, người đau ốm được chữa lành, kẻ bị loại trừ, bỏ rơi được đoái thương, kẻ tội lỗi nhận được lòng thương xót và thứ tha. Đây thật sự là tin vui cứu độ cho toàn thể nhân loại.

  1. Niềm vui cứu độ trọn vẹn vào ngày quang lâm

Tin Mừng cứu độ không còn là một thông điệp trừu tượng mà được thể hiện nơi một con người bình dị nhưng đầy yêu thương, nhân ái, nhất là đối với những kẻ bất hạnh, khổ đau. Qua Chúa Giê-su, niềm vui cứu độ được dành cho tất cả mọi người, nhưng trong cuộc sống thường ngày, lắm khi niềm vui đó bị che mờ, chi phối, thách đố do những khó khăn, lo lắng, sợ hãi mà con người phải trải qua. Vì mang thân phận con người giới hạn, nên khi phải đối diện với những đau khổ quá lớn, những thử thách không thể vượt qua, những sóng gió liên tục ập đến, con người dễ đánh mất niềm vui và hy vọng mà Chúa Giê-su mang đến.

Tuy nhiên, những ai kiên tâm chờ đợi và tin cậy nơi Chúa thì dù cuộc sống có muôn vàn sóng gió, vẫn có thể tìm được niềm vui sâu lắng trong tâm hồn vì có Chúa là sức mạnh cho đời mình. Vì thế, tác giả thư Gia-cô-bê trong bài đọc hai khuyên các tín hữu đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau để khỏi bị xét xử vì Thiên Chúa như vị thẩm phán công minh đang ở rất gần (x. Gc 5,9). Khi gặp những thử thách, thay vì than van, kêu trách Chúa và đổ lỗi cho nhau thì hãy kiên nhẫn chờ đợi vì Chúa sẽ không bắt con người chờ đợi quá lâu. Như người nông dân chờ đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa để có được niềm vui khi mùa gặt đến (x. Gc 5,7-8), sự kiên nhẫn chờ đợi của người tín hữu chắc chắn không hề dễ chịu và vui vẻ, nhưng niềm vui cứu độ vô cùng lớn lao sẽ vỡ òa vào lúc Chúa quang lâm; quang lâm không nhất thiết là ngày tận cùng của mọi sự, mà là ngày Chúa đến viếng thăm tâm hồn của từng người. Những ai kiên nhẫn và bền tâm vững chí chờ đợi Chúa chắc chắn sẽ cảm nếm được giá trị thật sự của niềm vui cứu độ trong từng ngày sống và sẽ vỡ òa vào lúc Chúa quang lâm.

Tóm lại, trong bầu khí Mùa Vọng hướng đến đại lễ Giáng Sinh, các bài đọc lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy ngẫm về niềm vui cứu độ: Liệu Đức Ki-tô có thật sự là Đấng Cứu Độ của tâm hồn chúng ta? Đức Ki-tô, Đấng Cứu Độ, có là niềm vui của chúng ta, niềm vui sâu lắng, chân thật và vững bền, chứ không phải chỉ là những thú vui hào nhoáng bên ngoài, tạm bợ, mau qua của những giá trị thế tục? Giữa những sóng gió của cuộc sống này, chúng ta có đủ kiên tâm chờ đợi để cảm nếm được niềm vui cứu độ khi Chúa quang lâm đến viếng thăm tâm hồn chúng ta? Chúng ta, bằng chính thái độ sống của chính mình, có thể làm gì để nối dài niềm vui cứu độ của Đức Giê-su ở giữa trần gian này cho những người mà chúng ta gặp gỡ, nhất là đối với những người bé nhỏ, khốn khổ, nghèo hèn, bị hất hủi, bỏ rơi?


 

ĐỢI CHỜ YÊU THƯƠNG (Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD)

… lúc ấy đang ngồi tù      

Nghĩa là phải sống trong một tình trạng không ai muốn. Tách biệt với thế giới, tầm nhìn bị che chắn bởi các bức tường cao dày, tương quan bị giới hạn bởi những hàng rào và những quy luật. Bị canh giữ, không được phép tự nhìn, tự nghe nên tù nhân phải cậy nhờ vào mắt, vào tai, vào miệng của người khác – của những người đưa tin. Không thể chủ động trong mọi việc mình muốn và chờ đợi trở thành một bạn thân bất đắc dĩ. Bởi thế, mong ước được trả lại tự do đã bị lấy đi, luôn là nền tảng cho mọi hi vọng của người tù. Thánh Gioan thì, như chúng ta biết, không có được viễn ảnh về ngày được phóng thích.

… hay chúng tôi còn phải đợi?

Đến từ sa mạc, nơi ông được chuẩn bị cho sứ vụ cuộc đời, nên thánh Gioan ý thức rõ cái giá một ngôn sứ trong truyền thống đã phải trả cho ơn gọi đặc biệt này. Việc ông bị tống giam, vì đã nói lên một sự thật gây khó chịu, là một phần của sứ vụ. Những kẻ có quyền lực như vua Hêrôđê không thích nghe phê bình và góp ý thẳng thắn như vậy. Nhất là khi biết việc mình làm là sai trái, thì họ lại càng nhạy cảm hơn. Nên bịt miệng, làm câm nín những ai dám phơi bày sự thật là điều họ cho rằng phải thực hiện. Nhốt kín, giam hãm người nói lẽ phải là phản ứng được chờ đợi từ kẻ có quyền mà phải sợ (đủ thứ).

Là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, thánh Gioan có một quan niệm và chờ đợi rõ ràng về Đấng mà ông loan báo. Theo ông, với Đức Giêsu từ Nadarét, Thiên Chúa đang đứng trước ở ngưỡng cửa lịch sử nhân loại với quyền năng vô hạn, để chỉnh sửa và tạo công bằng. Và đó là chuyện sắp xảy ra, bằng sức mạnh. Thánh Gioan chờ đợi một Đấng Mêsia cầm nia trong tay để “rê sạch lúa trong sân” (Mt 3,12). Ông kêu gọi những người nghe sám hối, vì “cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa (Mt 3,10).

Ngồi đợi ngày bị hành hình (Mt 14,3t) thánh Gioan phải băn khoăn về sứ vụ, vì không thể còn tự mình tận mắt xác nhận Đấng Mêsia. Các nghi vấn quay quanh “Đấng phải đến”, trong những điều kiện hạn hẹp mọi chiều của nhà giam, thì giống như những cực hình. Đối diện với cái chết, thánh nhân muốn có sự chắc chắn cuối cùng về con người mà ông đã tiền hô dọn lối. Hỏi “Thầy có thật là Đấng phải đến không?” là một nỗ lực nói với Đấng mà ông đã nhiều lần nói về. Nhưng câu hỏi quan trọng này ông cũng chỉ có thể nhờ các môn đệ đặt dùm mình. Một cuộc gặp gỡ diện đối diện với “Đấng phải đến” đã không còn có thể xảy ra lúc này. Thánh Gioan chỉ có thể đợi chờ câu trả lời mà thôi.

Những điều mắt thấy tai nghe

Những gì được tường trình lại cho người tử tù, kẻ chính Đức Giêsu quả quyết rằng là “chưa từng có ai cao trọng hơn”, không là một câu trả lời theo mẫu có hay không. “Đấng phải đến” trả lời qua những việc Người làm: Ánh sáng cho người mù, khả năng đi đứng cho người què, khả năng nghe cho người điếc, sự lành sạch cho người phong cùi, sự sống cho kẻ chết và Tin Mừng giải thoát cho những người không được ưu đãi trong xã hội. Nghĩa là chữa lành chứ không trừng phạt và gây thương tích, giải thoát chứ không trói buộc giam giữ, mở lối chứ không loại trừ hay đặt ranh phân chia, ngăn cách (Mt 3,3t). Không là thứ ngôn ngữ vang lên như cơn thịnh nộ giáng xuống (Mt 3,7) được thánh Gioan hình dung.

Về sau, Đấng mà ông tiên báo còn được cho là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11,19). Trong mọi sự, Đức Giêsu bày tỏ một sự kiên nhẫn không tả xiết, sẵn sàng tha thứ vô điều kiện và yêu thương không ranh giới. “Đấng phải đến” không tách chia con người như thóc, để rồi cho vào kho lẫm hay cho vào lửa không hề tắt (Mt 3,12). Ngược lại, những gì được cho là cỏ lùng có cơ hội lớn chung với lúa (Mt 13,24t). Người không phân loại con người thành hạng xứng đáng và hạng bất xứng. Trong khi thánh Gioan còn coi mình không đáng xách dép cho Người (Mt 3,11), thì chính Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ và trở nên người tôi tớ của mọi người. Nói chung, Đức Giêsu tỏ hiện một thái độ sống khác thường, siêu việt, bất bạo động. Ngài là một Đấng Mêsia không có quyền lực hay vũ khí nào khác hơn là tình yêu. Hẳn cách trả lời về “Đấng phải đến” này có thể trở nên cớ vấp ngã cho nhiều người. “Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động” (Mt 11,19).

… xem gì trong hoang địa?

Đặt câu hỏi này cho hôm nay thì có thể nghe như vậy: Là tín đồ tôi muốn nhìn thấy gì nơi Đức Giêsu, ngoài những điều tôi mong đợi? Tôi thực sự muốn tìm kiếm sự Khôn Ngoan đầy ngạc nhiên của Thiên Chúa trong các việc Đức Giêsu thực hiện? Đường đời của thánh Gioan vạch lối cho ai đi tìm câu trả lời. Đó là những trạm, mà những ai tìm “Đấng phải đến” cần đi qua, để có thể nhận diện Người.

Trước hết, sa mạc là đoạn đường không thể tránh né, vì là nơi sứ vụ của tôi được chuẩn bị. Ở đó, trong cô đơn thinh lặng, tôi học đối diện với lòng mình để nhận ra tôi và nhận ra điều Thiên Chúa muốn tôi làm. Đây là đoạn mà tôi phải đi một mình. Nhìn nhận ra sự giới hạn của tầm nhìn, thực tế thiếu điều kiện và thiếu hiểu biết của mình, tôi phải nhờ đến người trung gian. Phải hỏi đường. Nghĩa là đi chung đường với người khác. Tìm Chúa thì tôi phải đặt câu hỏi và kiếm tìm mãi, hầu khám phá và lớn dần vào trong mầu nhiệm nhập thể: Thiên Chúa trong Đức Giêsu.

Ai tìm Nước Chúa thì cần học “ngôn ngữ của Chúa”. Dù là người cao trọng nhất “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ”, nhưng trong Nước Trời, được khởi sự nơi Đức Giêsu, thánh Gioan phải bắt đầu như một “kẻ nhỏ nhất”. Thế giới mới đòi hỏi một tầm nhìn, hiểu biết và thái độ mới dựa theo những chuẩn mực khác (x. Mt 5-7). Trong thực tế, sau hai ngàn năm, thế giới vẫn nói những thứ ngôn ngữ đầy những lời phản yêu thương: đầy chất bạo lực và nặng mùi thuốc súng, đậm chất tàn phá, gieo vãi và chăm nuôi thù hận, dư thừa những lời không thật gây tuyệt vọng. Chính giữa thực tế đó, những người đi “con đường Giêsu” vẫn nuôi hi vọng cả khi không còn gì để hi vọng, bền chí đợi chờ ở nơi được cho là không còn gì để chờ đợi. Bởi vì chúng ta còn trông mong những điều mình chưa thấy (Rm 4,18; 8,23-25), và còn phải tập tành nói tiếng thương yêu.

Có ai mà không chờ không đợi?

Được thực hiện những giấc mơ của mình trong một tầm nhìn xa và trong một không gian thật rộng, không bị những quy luật hạn hẹp cản ngăn – được làm chủ, sống đời mình trong tự do – là khát vọng to lớn nhất, không chỉ của những tù nhân. Nhưng thực tế cho thấy rằng người ta cũng có thể sống thoải mái mà không cần đợi chờ gì cả. Bằng lòng với một ngày như mọi ngày, hoặc vì đã gặp nhiều thất vọng hay vì đời sống thực tế dạy vậy. Trả lời câu hỏi tôi muốn gì, chờ đợi gì, tìm kiếm gì quả là không đơn giản. Nhất là khi giáo dục và đào tạo không nhắm đến mục đích là sự suy nghĩ độc lập, sự tự chủ tự lập của cá nhân, mà đặt nặng việc vâng phục vô điều kiện các giáo điều. Tồn tại dưới bạo quyền cũng dạy người ta sống “thực tế”, nghĩa là bằng lòng với sự yên thân. Bị đè nén hay chối bỏ lâu năm, nạn nhân khó còn có thể ghi nhận một sự bất an nào trong lòng, đến từ niềm khát khao một đời sung mãn hơn. Chờ đợi một sự thay đổi trở nên một thứ hàng cực kỳ xa xỉ, ít ai còn (dám) mơ nghĩ đến.

Cũng chính vì thế, đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa – là “Đấng phải đến” – tìm tới những người mù, người què, người phong hủi, người câm điếc và những người nghèo đói. Họ còn chờ đợi sự chữa lành và sự sống viên mãn. Thực tế Nước Trời vẫn hành động như đức Khôn Ngoan, là: rảo tìm để gặp gỡ những ai tìm kiếm, tỏ mình cho ai nuôi khát khao, và cho chiêm ngưỡng ai mến chuộng mình (Kn 6,12tt).

 

 

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng, Năm A (Mt 11,2-15)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (Chúa Nhật, Tuần 3 MV – A)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.