RAO TRUYỀN TIN MỪNG (Chúa Nhật III TN -C)

0
235

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN – C

(Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-30; Lc 1,1-4; 4,14-21)

Tin Mừng: Lc 1,1-4;4,14 -21

Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêôphilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận. Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nazaréth, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”.

_________

BÀI GIẢNG: RAO TRUYỀN TIN MỪNG (Lm. Giuse Trần Thanh Hải, SVD)

Lời giới thiệu của thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay cũng là lời mở đầu cho bài suy niệm này. Lời giới thiệu đó cho chúng ta thấy vai trò và tầm quan trọng của sứ điệp Tin Mừng, của Lời Chúa, của Thánh Kinh. Sứ điệp Lời Chúa không chỉ được gửi cho ngài Thêôphilô đáng kính mà còn cho tất cả chúng ta. Thánh nhân muốn rằng, đức tin của người đọc phải được xây dựng trên cơ sở thật vững chắc, xác thực bởi được các tác giả thánh truy tầm cách cẩn thận và rõ ràng. Do đó, với tư cách là người được trao quyền rao giảng Tin Mừng, chúng ta phải ý thức rõ ràng về sứ mệnh thiêng liêng và cao cả đó; để từ đó, có được cách thể hiện xứng hợp.

Phần tiếp theo của bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta biết về đời sống và sứ vụ của Đức Giêsu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,… Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,18-21). Đây là những lời trong sách ngôn sứ Isaia, những thông điệp này được viết khoảng thế kỷ thứ 8 trước Đức Giêsu (trước Công Nguyên); nhưng hôm nay được ứng nghiệm, đó là lời khẳng định của Đức Giêsu, “hôm nay”. Đây là điểm nhấn thần học của thánh Luca. Điều này mặc khải cho chúng ta biết, Lời Chúa luôn là lời được viết cho hiện tại, cho hôm nay, và ngay chính lúc này. Do vậy, Lời Chúa mang tính hiện tại hóa và có liên hệ cách cụ thể đối với chính bản thân tôi, Lời Chúa được viết cho tôi.

Bài đọc thứ nhất trong sách Nơkhemia trình bày cho chúng ta một bối cảnh, bối cảnh đó giống như phần Phụng vụ Lời Chúa của một Thánh lễ:  ông Étra, tư tế kiêm kinh sư đọc sách Luật, ông “đứng trên bục gỗ,… đứng cao hơn mọi người”, giống như các thừa tác viên Lời Chúa đứng trên bục giảng để công bố Tin Mừng và chia sẻ Lời Chúa. Dân Ítraen toàn tâm lắng nghe luật, lắng nghe một cách say mê “từ sáng tới trưa”. Và sau khi công bố Luật là việc giải nghĩa Luật Chúa cho dân để dân hiểu và sống theo ý Chúa.

Đây là câu chuyện nói về những bước khởi đầu của một cộng đồng đầy niềm tin và hy vọng, sau thời lưu đày ở Babylon để bắt đầu xây dựng một xã hội lành mạnh. Bài đọc một mời gọi mỗi người chúng ta bắt chước dân Ítraen vui mừng khi lắng nghe Thánh Kinh; cách riêng những thừa tác viên Lời Chúa hãy biết tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho họ trách nhiệm cao cả là công bố và rao giảng Luật Chúa, Lời Chúa. Do đó, hãy cố gắng đọc với thái độ nghiêm trang và tôn trọng, bởi Lời Chúa là lời của sức mạnh, lời Chúa giúp nuôi dưỡng đức tin của mọi tín hữu.

Như chúng ta cũng biết, nhiều người ngày hôm nay không còn tìm thấy ý nghĩa trong việc thờ phượng một cách có tổ chức cũng như không còn cảm giác thuộc về Giáo Hội, một phần bởi họ quá đề cao chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hưởng thụ. Tuy nhiên, là những người đã được rửa tội, là những Kitô hữu, thánh Phaolô trong bài đọc hai mời gọi chúng ta hãy chân nhận chân lý ‘mọi người nên một trong Chúa Kitô, thuộc về Đức Kitô, thuộc về Giáo Hội’, “tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13). Và “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là làm tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là làm thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ,…” (1 Cr 12,28). Như thế, tất cả dù ở vai trò và vị trí nào cũng được chọn và được sai đi bởi Đức Kitô, bởi Giáo Hội để nói Lời Chúa và công bố sứ điệp yêu thương của Chúa cho nhân loại. Lời của thánh Arnold Janssen – Đấng Sáng lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời cũng là một khẳng định và khích lệ tuyệt vời cho việc thi hành sứ vụ của chúng ta: “Rao giảng Tin Mừng là hành động yêu thương đồng loại trước nhất và cao cả nhất.

 Trở lại với bài Tin Mừng, mỗi người chúng ta đã được tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Giêsu khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được Chúa sai đi “công bố quyền tự do cho những người bị giam cầm, cho người mù nhìn thấy được, giải thoát những người bị giam cầm,…”. Đây là lời kêu gọi phổ quát, bất kể chúng ta là ai. Đức Giêsu ban quyền cho chúng ta để chữa lành và rao giảng Lời Ngài bằng nhiều cách, nhiều phương thế khác nhau, như bài hát “Chính Chúa Chọn Con” của Nhạc sĩ Hồng Bính cũng đã nói lên tâm tình đó: “Xin dùng con theo ý của Ngài, làm tay chân cho người què cụt, cùng làm tai cho người bị điếc. Xin dùng con theo ý của Ngài, làm đôi mắt cho người bị mù, làm tiếng kêu cho người bị oan. Xin gởi con đi tới mọi miền, để đem cơm cho người nghèo hèn, và tặng nước cho người còn khát. Xin gởi con vào khắp muôn nhà, tặng thuốc thang cho người bệnh tật, tặng chiếu chăn cho người lạnh co. Xin gởi con ra khắp nẻo đường, bàn tay nâng ánh đèn dọi đường, tỏa lửa ấm cho người lạnh giá. Xin gởi con ra khắp nẻo đường, cảm thông chia vui buồn phận người, và sớt chia cho đời niềm vui. Xin gởi con vào khắp thôn làng, ủi an trao cho người khổ sầu, gợi lòng tin cho người buồn chán. Xin gởi con vào khắp buôn làng, niềm vui trao những người buồn phiền, người lắng lo xin gởi bình an.

Con người hôm nay đang sống trong một thế giới phát triển cao về khoa học kỹ thuật, công nghệ nano đã nhỏ, bây giờ còn có công nghệ siêu vi nano, nghĩa là rất nhỏ, rất tinh vi. Thế nhưng, các giá trị luân lý đạo đức lại không được xem trọng. Vậy, là Kitô hữu, là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta sẽ có thái độ thế nào trước một thế giới đang đắm chìm trong tội lỗi, tự do thái quá, như: ly dị, phá thai, sự thỏa hiệp… Thế giới tưởng chừng như đang hạnh phúc, bình an hơn vì có “tự do”, nhưng dường như mọi thứ đang bị xáo trộn, bởi họ đang xem thường những giá trị Tin Mừng, những giá trị đạo đức nhân văn và thiêng liêng.

Do đó, sống trong thế giới này, mỗi người chúng ta nói chung, cách riêng Kitô hữu hãy biết bày tỏ lòng trắc ẩn, biết hy sinh để yêu thương anh chị em đồng loại. Bởi chỉ có Tin Mừng, chỉ có tình yêu và sự quan tâm của chúng ta mới có thể “giải thoát” cho nhiều người khỏi sự cô đơn, đói khổ và tuyệt vọng – như Giáo Hội, nhiều tổ chức và cá nhân đã và đang làm trong thời dịch covid-19 bùng nổ hôm nay. Chúng ta là những người bước theo Đức Giêsu, là những môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được trao trách nhiệm để làm điều đó, để loan báo Lời Người, và để cụ thể lời rao giảng qua cuộc sống của mình, như thế việc truyền rao Lời Chúa của chúng ta sẽ hữu hiệu hơn, bởi câu quen thuộc mà chúng ta đã từng nghe của thánh Giáo Hoàng Phaolô VI: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.

Việc rao truyền và thực thi sứ điệp của Tin Mừng trong thế giới có nhiều biến động hôm nay là một sự việc khẩn thiết và có nhiều cách thế để thực hiện. Sứ vụ đó đòi buộc mỗi người chúng ta, cách riêng các thừa tác viên Lời Chúa phải là những người mong muốn đọc và lắng nghe Lời Chúa. Để làm được điều đó, chúng ta cần có “một sự hiến dâng liên lỉ thực hiện trong cuộc sống[1], từ bỏ và hy sinh vì Đức Kitô và Tin Mừng của Người.

Ước gì qua việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa hôm nay, chúng ta sẽ nhạy bén hơn trước tiếng gọi của Chúa, của Tin Mừng và sẵn sàng đáp trả trong sự phó thác, tin tưởng và yêu thương. Và khi chúng ta biết trao đời mình cho Chúa, cho việc rao truyền Tin Mừng thì Chúa và Tin Mừng sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta trở nên ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn; chúng ta sẽ là những công cụ hữu ích trong bàn tay của Chúa, như thánh Têrêxa Calcutta đã từng thưa lên rằng: “Tôi chỉ là cây bút chì trong tay Chúa, để Chúa viết những gì Chúa muốn”. Amen.

____________

[1] Đường Hy Vọng, số 69.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật III TN C (Lc 1,1-4; 4,14-21)
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (23/1, Chúa Nhật 3 TN – C)