Chú giải Tin Mừng Chúa Nhật III TN C (Lc 1,1-4; 4,14-21)

0
459

SỨ VỤ CỦA ĐẤNG MÊ-SI-A NGÔN SỨ

Lm. Giuse Phạm Duy Thạch, SVD

Bản Văn và dịch sát nghĩa

Hy Lạp Việt
Ἐπειδήπερ πολλοὶ ἐπεχείρησαν ἀνατάξασθαι διήγησιν περὶ τῶν πεπληροφορημένων ἐν ἡμῖν πραγμάτων,

2  καθὼς παρέδοσαν ἡμῖν οἱ ἀπ᾽ ἀρχῆς αὐτόπται καὶ ὑπηρέται γενόμενοι τοῦ λόγου,

3  ἔδοξεν κἀμοὶ παρηκολουθηκότι ἄνωθεν πᾶσιν ἀκριβῶς καθεξῆς σοι γράψαι, κράτιστε Θεόφιλε,

4  ἵνα ἐπιγνῷς περὶ ὧν κατηχήθης λόγων τὴν ἀσφάλειαν.

….

14  Καὶ ὑπέστρεψεν ὁ Ἰησοῦς ἐν τῇ δυνάμει τοῦ πνεύματος εἰς τὴν Γαλιλαίαν. καὶ φήμη ἐξῆλθεν καθ᾽ ὅλης τῆς περιχώρου περὶ αὐτοῦ.

15  καὶ αὐτὸς ἐδίδασκεν ἐν ταῖς συναγωγαῖς αὐτῶν δοξαζόμενος ὑπὸ πάντων.

16  Καὶ ἦλθεν εἰς Ναζαρά, οὗ ἦν τεθραμμένος, καὶ εἰσῆλθεν κατὰ τὸ εἰωθὸς αὐτῷ ἐν τῇ ἡμέρᾳ τῶν σαββάτων εἰς τὴν συναγωγὴν καὶ ἀνέστη ἀναγνῶναι.

17  καὶ ἐπεδόθη αὐτῷ βιβλίον τοῦ προφήτου Ἠσαΐου καὶ ἀναπτύξας τὸ βιβλίον εὗρεν τὸν τόπον οὗ ἦν γεγραμμένον·

18  πνεῦμα κυρίου ἐπ᾽ ἐμὲ οὗ εἵνεκεν ἔχρισέν με εὐαγγελίσασθαι πτωχοῖς, ἀπέσταλκέν με, κηρύξαι αἰχμαλώτοις ἄφεσιν καὶ τυφλοῖς ἀνάβλεψιν, ἀποστεῖλαι τεθραυσμένους ἐν ἀφέσει,

19  κηρύξαι ἐνιαυτὸν κυρίου δεκτόν.

20  καὶ πτύξας τὸ βιβλίον ἀποδοὺς τῷ ὑπηρέτῃ ἐκάθισεν· καὶ πάντων οἱ ὀφθαλμοὶ ἐν τῇ συναγωγῇ ἦσαν ἀτενίζοντες αὐτῷ.

21  ἤρξατο δὲ λέγειν πρὸς αὐτοὺς ὅτι σήμερον πεπλήρωται ἡ γραφὴ αὕτη ἐν τοῖς ὠσὶν ὑμῶν.

(Lk. 4:14-21 BGT)

1 Bởi vì có nhiều người đã cố gắng soạn bản tường thuật về những sự việc đã được hoàn tất giữa chúng ta.

2 Theo như những người những kiến tận mắt ngay từ khởi đầu và những người đã trở thành tôi tớ của lời, đã trao cho chúng tôi.

3 Tôi cũng vậy, sau khi đã xem xét tất cả những điều trên kỹ càng, dường như tôi cũng nên viết ra cho ngài theo trình tự, thưa ngài Thêôphilô đáng kính.

4 Để ngài có thể biết về sự chắc chắn của giáo huấn mà ngài đã được dạy.

….

14 Đức Giêsu đã trở về miền Galilaia với quyền năng của Thần Khí, và tin tức về Người lan ra khắp vùng lân cận.

15 và Người cứ giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.

16 Rồi, Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người đã lớn lên và Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabát, và đứng lên đọc [Sách Thánh].

17 Người được trao cho cuốn sách ngôn sứ Isaiah. Khi mở sách ra, Người tìm thấy nơi mà đã được chép rằng:

18 Thần Khí Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khổ. Người đã sai tôi đi để công bố sự giải thoát cho những tù nhân, sự phục hồi thị giác cho những người khiếm thị, để giải thoát những người cùng khổ.

19 công bố một năm hồng ân của Chúa.

20 Sau khi cuộn sách lại và trả cho người giúp việc hội đường, Người ngồi xuống. Mọi con mắt trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.

21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay điều được viết mà quý vị vừa nghe đã được hoàn tất.”

 

 

Bối cảnh

Lc 1,1-4 là Lời Tựa của Tin Mừng Luca. Lời Tựa này cho thấy sự nối kết chặt chẽ giữa hai tác phẩm của tác giả Luca: Tin Mừng Luca và sách Công Vụ. Điểm nối kết rõ ràng nhất là nhân vật mà cả hai tác phẩm gửi đến. Đó là ông Theophilo. Sách Công Vụ Tông Đồ đề cập đến cụm từ “thông điệp trước [đầu tiên]” ngụ ý là Tin Mừng Luca. Mệnh đề chỉ thời gian “từ những ngày đầu” (Cv 1,2) tương đương với ý tưởng “những chứng nhân từ lúc ban đầu” (Lc 1,2).

Lc 4,14-15 là phần khởi đầu của những trình thuật về sứ vụ của Đức Giêsu tại Galilaia. Đây là phần giới thiệu tổng quát về sứ vụ của Đấng Mêsiah. Người có quyền năng của Thần Khí, giảng dạy tại vùng Galilaia, trong các hội đường và được mọi người tôn vinh.

Lc 4,16-21 là câu chuyện kể về một lần giảng cụ thể tại Nadarét. Cũng giống như phần giới thiệu tổng quát. Người giảng dạy trong hội đường ở Nadarét vào ngày Sabát. Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại câu chuyện Đức Giêsu về giảng dạy tại quê nhà và bị những người đồng hương từ chối (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6). Tuy nhiên, trình thuật của Luca dài hơn và bao gồm lời trích trong sách ngôn sứ Isaiah. Hơn nữa, Luca đặt câu chuyện này vào đầu sứ vụ của Đức Giêsu trong khi Mátthêu và Máccô kể câu chuyện này sau khi Đức Giêsu đã giảng dạy và làm nhiều dấu lạ ở nhiều nơi khác. Lời của Isaiah được trích lại trong câu chuyện này nối kết với truyền thống của sách ngôn sứ Isaiah trong Cựu Ước, đồng thời giới thiệu về vai trò, sứ vụ của Đức Giêsu trong toàn bộ Tin Mừng: Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo; chữa lành người mù; giải thoát người tù; công bố năm hồng ân của Chúa.

 

Cấu trúc

 

Lc 1,1-4:

Lời tựa

Cấu trúc

Tuần hoàn

 

a. Bởi vì nhiều người đã cố gắng… (1a)

b. Biên soạn trình thuật những sự việc… (1,1b)

c. Như những chứng nhân tận mắt… đã trao lại cho tôi (1,2)

a’. Tôi cũng… (1,3a)

b’. Viết một tường thuật theo trình tự cho ngài (1,3b)

c’. Để ngài có thể biết cách chắc chắn (1,4)

Lc 4,14-15:

Giới thiệu chung

Hoạt động: Với quyền năng Thần Khí, Giảng dạy

Nơi chốn: Ở Galilaia, trong các hội đường

Hiệu quả: Được tôn vinh, tiếng tăm đồn ra

Lc 4,16-21:

Câu chuyện tại Na-da-rét

Bối cảnh: Tại Na-da-rét, trong hội đường, ngày Sa-bát (16a)

A. Đứng – người ta đưa sách – mở sách – đọc (16b-17) 

B. Đoạn trích sách ngôn sứ Isaiah (18-19)

A’. Đóng sách – trả sách – ngồi – giảng (20-21)

 

Một số điểm chú giải

1,1-4: Lời Tựa

Phần Lời Tựa của Tin Mừng Luca bao gồm hai phần: (i) Những điều có trước (những trình thuật khác và nguồn của các trình thuật là các chứng nhân tận mắt); (ii) Đóng góp của Luca (phương pháp biên soạn và mục đích biên soạn).[1] Lời Tựa này thực là một câu văn dài chứ không phải gồm nhiều câu như chúng ta thấy ngày nay. Có nhiều Lời Tựa tương tự trong các tác phẩm lịch sử của các gia Hy Lạp và của những bài khảo luận về y khoa và khoa học Hy Lạp.[2]

  1. Nhiều người… bản trình thuật: Phần cấu trúc trên đã cho thấy nhân vật “nhiều người” đối lại với “tôi” (tác giả Luca). Nhiều người là những người biên soạn “bản trình thuật” trước Luca. Điều này cho thấy rằng Luca thừa nhận trước Tin Mừng của ông đã có những người khác biên soạn câu chuyện Tin Mừng của Đức Giêsu. Những người trước đó có thế là tác giả của Tin Mừng Máccô, tác giả của Tin Mừng được tin là viết trước Tin Mừng Luca. Đó cũng có thể là tác giả Tin Mừng Mátthêu hoặc cũng có thể là những tác giả mà có trong đầu Luca mà chúng ta không thể biết. Điều cần nhấn mạnh là Luca không phải là tác giả đầu tiên biên soạn Tin Mừng và Tin Mừng của ông có cơ sở từ những người đi trước.
  2. Những chứng nhân tận mắt: Những chứng nhân tận mắt từ thuở ban đầu là những người đã cung cấp nguồn cho những tác giả trước tác giả Luca và cho cả Luca nữa. Những người này cũng có thể là là những người phục vụ lời. Họ có thể là các Tông Đồ và những người thế hệ đầu tiên đã chứng kiến những điều Đức Giêsu làm và nghe lời Đức Giêsu giảng và đã trở thành những sứ giả Tin Mừng. Họ cung cấp nguồn tài liệu cho các tác giả Tin Mừng bằng những lần giảng dạy của họ hoặc cũng có thể họ kể lại cho những người biên soạn trong đó có ông Luca. Tác giả Luca, theo truyền thống, là bạn đồng hành của ông Phaolô (Cl 4,14; 2 Tm 4,11; Plm 1,24), ông theo vị Tông Đồ trên con đường rao giảng. Vì thế, nguồn mà tác giả có rất có thể đến từ Phao-lô. Những nguồn cung cấp từ những chứng nhân tận mắt và những “người phục vụ lời”, cùng với nguồn của những người đã biên soạn trước đã mang lại cho Ông Theophilo một sự hiểu biết về sự chắc chắn về những điều ông đã được dạy. Theo truyền thống, Tin Mừng Luca được biên soạn dựa trên Tin Mừng Máccô, nguồn chung với Tin Mưng Mátthêu, gọi là nguồn Q, và một nguồn riêng của Luca, có thể gọi là nguồn L.
  3. Tôi cũng …viết ra theo thứ tự: “Tôi” (Luca), đối lại với “nhiều người” được đề cập trước đó. Nếu như nhiều người trước đã “biên soạn” (ἀνατάσσομαι) thì tác giả Luca “viết theo trình tự” (καθεξῆς γράψαι). Đó là hai lối diễn tả khác nhau của cùng một công việc: Soạn thảo Tin Mừng. Tiến trình này bao gồm việc thu thập nguồn tài liệu có trước, (truyền miệng hoặc văn bản viết), rồi sau đó sắp xếp theo trình tự hợp lý và thêm bớt những từ, cụm từ nối kết, cũng như sửa đổi những câu từ mà tác giả xem là phù hợp hơn. Tiến trình này được tác giả Luca thực hiện một cách cẩn thận, sau khi đã theo sát, hay nghiên cứu kỹ lưỡng (παρακολουθέω). Trạng từ (ἄνωθεν, anothen) đi với động từ “theo sát” (nghiên cứu) này rất nhiều nghĩa: “từ trên”, “từ đầu”, “từ lâu”, diễn tả sự lặp “lại”. Như vậy, tác giả Luca có thể đã nghiên cứu từ lâu hoặc theo sát ngay từ đầu, “tất cả” công việc biên soạn, tác phẩm, nguồn tài liệu của các tác giả đi trước.[3] Điều này nhấn mạnh đến sự chắc chắn, tính đáng tin cậy của tác phẩm của ông với lợi thế rút kinh nghiệm những nguồn đi trước, và phong cách làm việc nghiêm túc của ông.
  4. Theophilos: Theophilos là một tên gọi được cả dân ngoại lẫn người Do Thái dùng rất phổ biến vào thế kỷ thứ ba trở đi. Đây là một tên ghép rất ý nghĩa trong tiếng Hy Lạp. “-Theo-” có gốc từ danh từ “θεός” (Theos), nghĩa là “thần”, “Chúa”. Từ đó xuất phát từ “Theology”: Ngành học về Chúa, thường quen gọi là thần học. “-Philos-” có gốc là danh từ “φίλος” (philos), nghĩa là “người bạn”, “người thương”. Danh từ này có động từ là “φιλέω” (philéồ), có nghĩa là “yêu mến”. Đây chính là động từ Đức Giêsu đã dùng để hỏi ông Phêrô lần thứ ba “anh có yêu mến thầy không?” (φιλεῖς με: Ga 21,17) (hai lần đầu Đức Giêsu dùng động từ “ἀγαπάω”, cũng có nghĩa là yêu). Trong cả ba lần Đức Giêsu hỏi (dù Đức Giêsu dùng động từ agapáồ hay philéồ) ông Phêrô đều trả lời bằng động từ “phileo”. Danh xưng “theophilos” tốt hơn nên được hiểu là “người thương của Thiên Chúa”. Ông là người đặc biệt quan trọng đối với tác giả Luca, vì cả hai phần của tác phẩm của Luca (Tin Mừng Luca và sách Công Vụ đều được viết cho ngài Theophilos). Ông có thể là trưởng của một cộng đoàn. Theo L. Johnson, người mà tác phẩm đề cập đến trong Lời Tựa thường là người bảo trợ tài chính cho việc xuất bản.[4] J. Fitzmyer không đồng ý với cách hiểu này. Theo ông, tính từ “đáng kính” trước danh xưng Theophilo cho thấy ông là người có địa vị xã hội, được tác giả Luca kính trọng. Ông có thể là một người Kitô hữu mới học đạo. Theophilos tượng trưng cho những độc giả Kitô hữu thời của tác giả Luca và sau đó.[5]
  5. Để ngài có thể biết sự chắc của “lời”: Mục đích của việc tác giả Luca biên soạn sách Tin Mừng được diễn tả cách rõ ràng bằng liên từ chỉ mục đích “ἵνα” (hina, để mà). Động từ “ἐπιγινώσκω” diễn tả một tiến trình hiểu biết. Nó cũng có nghĩa là “nhận ra”, “nhận thức” và “hiểu”. Điều mà ông cần “nhận biết” là gì? Đó là “lời” (logos) ông đã được “chỉ dẫn”. “Lời” ở đây có thể hiểu là những chỉ dẫn giáo lý đầu tiên, sơ khởi mà ông đã được lãnh nhận.[6] Những điều tác giả Luca viết cách bài bản trong Tin Mừng này giúp “gia cố” kiến thức sơ khởi của ông Theophilos về Đức Giêsu Kitô.[7]

4,14-15: Giới Thiệu Tổng Quát về sứ vụ

Phần này giới thiệu tổng quát về sứ vụ của Đức Giêsu tại miền Galilaia. Sứ vụ này được sức mạnh của Thần Khí đồng hành. Sự kết hợp giữa “quyền năng” và “Thần Khí” trong đoạn này có thể tìm thấy trong những đoạn khác, chỉ có trong các bản văn của tác giả Luca: Lc 24,49; Cv 1,8; 10,38). Hơn nữa, những nhân vật khác trong trình thuật Thời Thơ Ấu cũng được Thánh Linh tác động: Da-ca-ri-a (1,67); Gioan Tẩy Giả trong bụng bà Ê-li-sa-bét (1,41.44); bà Ê-li-sa-bét (1,41), và Simeon (2,25.26.27). Tuy nhiên, tác động quyền năng của Thần Khí trên Đức Giêsu là thường xuyên và liên tục. Sau khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giorđan và được Thánh Linh ngự xuống (Lc 3,22), từ đó, Thánh Linh luôn đồng hành với Người: Trong cơn cám dỗ trong sa mạc (Lc 4,1)[8] và trong sứ vụ tại Galilaila (Lc 4,14). Khi nhắc đến sự hiện diện của Thánh Linh trong phần giới thiệu tổng quát này, tác giả muốn độc giả lưu ý về sự đồng hành của Thánh Linh trên mọi nẻo đường sứ vụ của Đức Giêsu. Sứ vụ chính của Người là giảng dạy.[9] Động từ “giảng dạy” được dùng ở thì chưa hoàn thành diễn tả một hành động kéo dài hoặc lặp đi lặp lại. Đó là “hoạt động đặc trưng của sứ vụ”.[10] Người thường giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh. Tin tức về Người không chỉ hạn chế trong không gian miền đất Galilaia mà còn lan ra khắp vùng lân cận. Ghi chú về sự lan rộng tin tức (nổi tiếng) về Người đến các vùng lân cận được lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng Luca, như là một dấu hiệu của Tin Mừng cho dân ngoại (Lc 4,14.37; 7,17). Giảng dạy là hoạt động đặc trưng của Đức Giêsu (4,31; 5,3.17; 6,6; 13,10.22). có ít nhất bốn lần trong chương bốn, tác giả ghi lại Đức Giêsu giảng dạy trong các hội đường (4,16.28.33.38). Đây là lần hiếm hoi trong Tin Mừng thứ ba, tác giả nói Đức Giêsu được tôn vinh. Hầu hết các lần khác, Đấng được tôn vinh là Chúa Cha (5,25.26; 7,16; 13,13; 17,15.18; 23,47), cho dù dấu lạ được thể hiện qua Đức Giêsu. Điều đó có nghĩa rằng Đức Giêsu không dành vinh quang cho riêng mình mà dành tất cả cho Chúa Cha. Đức Giêsu rất chủ động trong việc hướng vinh quang về cho Chúa Cha. Điển hình là trong phép lạ chữa lành mười người phong hủi, khi có một người trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, Đức Giêsu liền hỏi: “Không phải mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?”.

4,16-21: Rao Giảng Tại Nada-rét

  1. Na-da-rét: Sau khi giới thiệu tổng quát về sứ vụ của Đức Giêsu tại vùng Galilaia, tác giả giới thiệu sứ vụ của Đức Giêsu tại một thị trấn cụ thể tại vùng này. Theo truyền thống của cả bốn Tin Mừng, Nadarét là nơi Đức Giêsu lớn lên (Lc 4,16). Theo tác giả Luca, đây là quê nhà của Đức Maria, nơi Đức Maria nhận lời thiên sứ truyền tin (Lc 1,26) và là nơi thánh Giuse sinh sống (Lc 2,4). Tác giả Luca cũng gọi địa danh này là “thị trấn của họ” (Đức Maria và thánh Giuse): “Sau khi đã làm mọi việc theo Luật Chúa, họ trở về Galilaia, về thị trấn của họ là Nadarét (Lc 2,39). Đức Giêsu được gọi là Giêsu Nadarét (“Ἰησοῦ Ναζαρηνέ”-Iesou Nadarene): Lc 4,34; 18,37; 24,19). Chính vì dân của thị trấn Nadarét quá quen thuộc với Đức Giêsu nên họ khó có thể chấp nhận căn tính Mêsiah và sứ vụ rao giảng của Người (Mc 6,1-6; Mt 13,53-58; Lc 4,16-30). Ông Nathanael còn nói thẳng thừng về sự tầm thường của thị trấn này rằng: “Ở Nadarét có cái gì tốt được?” (Ga 1,46). Nadarét là nơi thân thương của Đức Giêsu thời thơ ấu nhưng lại là nơi không mấy thuận tiện cho sứ vụ của Người.
  2. Theo thói quen(κατὰ τὸ εἰωθὸς): Luca lả tác giả duy nhất nhấn mạnh đến thói quen này của Đức Giêsu.[11] Cụm từ này cho thấy mức độ thường xuyên và đều đặn của những hành động của Đức Giêsu: Vào hội đường, đứng và đọc sách vào ngày Sabát. Trong đoạn giới thiệu tổng quát ngay trước đoạn này, tác giả đã giới thiệu rằng “Người giảng dạy trong các hội đường”, ở đây Người đứng và đọc. Hành động tiếp theo đương nhiên sẽ giảng dạy trong hội đường ở quê hương Người. Trong sách Công Vụ, tác giả Luca cũng diễn tả các Tông Đồ và những người tín hữu ở Giê-ru-sa-lem có thói quen thường xuyên lui tới Đền Thờ (2,46; 3,1; 4,1; 5,12.42; 21,26).
  3. “Thần Khí ở trên tôi”: Nội dung Người đọc trong lần giảng dạy này là một đoạn sách ngôn sứ Isaiah. Như đã nói trên, Thần Khí luôn hiện diện trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu. Với quyền năng Thần Khí, Đức Giêsu trở về miền Galilaia (Lc 4,14). Chắc chắn, Người đến Nadarét nơi Người đã trải qua thời thơ ấu cũng với sự đồng hành của Thánh Linh. Đoạn Is 61,1-2 là lời tự bạch của ngôn sứ Isaiah về ơn gọi của mình. Đoạn này được Đức Giêsu đọc lại và sau đó long trọng công bố: “Hôm nay, lời đã được viết, văng vẳng trong tai quý vị đã được hoàn tất” (Lc 4,21). Thần Khí ngự xuống, trong bối cảnh Chúa xức dầu Đấng Mêsiah có lẽ là cảnh Đức Giêsu chịu Phép Rửa. Tác giả Luca kể rằng, sau khi Đức Giêsu chịu Phép Rửa, đang khi Người cầu nguyện, Thánh Linh ngự xuống trên Người dưới hình dáng con chim bồ câu, kèm theo đó là “tiếng từ trời”: “Con là Con của Ta, người Con yêu dấu, với Con, Ta hài lòng” (Lc 3,21-22). Đó là hình ảnh tượng trưng cho việc Chúa xức dầu Đức Giêsu nhằm khai mạc sứ vụ ngôn sứ của Đấng Mêsiah.[12] Việc Đức Giêsu được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần được ông Phêrô làm chứng tại nhà ông Cornelio: “Đức Giêsu xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Đi tới đâu Người thi ân giáng phúc đến đó và chữa lành mọi kẻ bi ma quỷ kiềm chế bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38). Các Tông Đồ cũng xác tín Đức Giêsu là Đấng mà Chúa đã xức dầu (Cv 4,26.27). Khi ghép đoạn sách ngôn sứ Isaiah nói về ơn gọi của mình, tác giả Luca muốn diễn tả Đức Giêsu là Mêsiah ngôn sứ.[13] Người có vai trỏ giảng dạy và công bố Tin Vui cho những người bất hạnh như sẽ thấy sau.
Is 61,1-2 (LXX) Lc 4,18-19
Thần khí của Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai đi loan báo tin mừng cho những người nghèo khổ, chữa lành những cõi lòng tan vỡ, công bố sự giải thoát cho những tù nhân, sự phục hồi thị giác cho những người khiếm thị

công bố một năm hồng ân của Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than

 

18 Thần Khí Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khổ. Người đã sai tôi đi để công bố sự giải thoát cho những tù nhân, sự phục hồi thị giác cho những người khiếm thị, để giải thoát cho những người cùng khổ.

19 công bố một năm hồng ân của Chúa.

 

  1. “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ[14]: Một loạt hành động được liệt kê đóng vai trò như là giới thiệu cho những điều mà Đấng được xức dầu sẽ thi hành. Hành động đầu tiên của Người được xức dầu là loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ. Đây là lối diễn tả về sứ vụ của Đức Giêsu chỉ có trong Tin Mừng Luca. Động từ “loan báo Tin Mừng” (euvaggeli,sasqai) là động từ đặc trưng của tác giả Luca. Tác giả Máccô không bao giờ dùng động từ này và tác giả Mátthêu chỉ dùng một lần duy nhất. Thiếu sinh kế thường có thể được coi là “nghèo”. Tuy nhiên, “người nghèo” có thể bao gồm cả những người có địa vị thấp kém, những người bị loại trừ ra khỏi theo luật bất thành văn về đánh giá danh dự. Vì thế, khi nói người nghèo, ngoài tình trạng kinh tế ra, tác giả Luca còn nhắm tới ý nghĩa rộng lớn hơn về sự đánh mất danh dự, địa vị trong xã hội Địa Trung Hải cổ xưa.[15] Trong mối phúc đầu tiên, Đức Giêsu đã công bố phúc lành dành cho các môn đệ là những người nghèo khổ: “Phúc cho anh em là những người nghèo vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20). Khi trả lời cho các môn đệ của Gioan, Đức Giêsu cũng ngụ ý rằng họ đã thấy người nghèo được đón nhận Tin Mừng: “Hãy đi và nói với Gioan điều mà các anh đã nghe và thấy: Người mù nhìn thầy, người què đi được, người cùi được sạch, và người điếc được nghe, người chết được sống lại và người nghèo được đón nhận Tin Mừng” (Lc 7,22). Người nghèo là người được ưu tiên được mời đầu tiên trong những thực khách của bữa tiệc: “Khi đãi tiệc, hãy mời những người nghèo, người què, người cụt và người mù” (Lc 14,13). Câu chuyện người nghèo khó Ladarô (Lc 16,19-31) là câu chuyện độc quyền của tác giả Luca, với kết cục là người nghèo được “ở trong lòng tổ phụ Ápraham”. Dĩ nhiên, tác giả Luca không muốn nói rằng chỉ có người nghèo được nghe Tin Mừng mà thôi. Điều ông muốn nhấn mạnh là, những người nghèo khó, khốn khổ, bị xã hội bỏ rơi là đối tượng đặc biệt trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đấng được xức dầu. Rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người là nhiệm vụ bắt buộc của Đức Giêsu khi đến trần gian: “Tôi phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho những thành khác nữa; vì tôi được sai đi là cho mục đích này” (Lc 4,43).[16] Động từ “sai đi” và “loan báo Tin Mừng” được lặp lại giống như trong bản văn này.
  2. “Tù nhân, người mù, người bị áp bức: Đây là ba loại người tượng trưng tiếp theo mà Đấng được xức dầu hướng đến. “Những người bị giam cầm” và “những người cùng khổ” đều có chung một hồng phúc. Đó là “sự giải thoát” (a;fesin). Trong khi “những tù nhân” được giải thoát khỏi xích xiềng, hay tù ngục, “những người cùng khổ” thoát khỏi cảnh khốn cùng của họ, được trở nên sướng hơn, hạnh phúc hơn. “Những người mù” được phục hồi thị giác.
  • Người mù được phục hồi thị giác: Tác giả Luca ghi lại rằng trong bối cảnh hai môn đệ của ông Gioan đến hỏi xem Đức Giêsu có phải là Đấng phải đến không, Đức Giêsu đã ban ơn cho nhiều người mù được nhìn thấy (Lc 7,21). Cũng như các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, tác giả Luca ghi lại câu chuyện Đức Giêsu chữa người mù thành Giêrikhô (Lc 18,35-43; Mt 20,29-34; Mc 10,46-52). Phép lạ phục hồi thị giác cho người mù được tìm thấy nơi những Tin Mừng khác: “Phép lạ chữa lành người mù từ thuở mới sinh” (Ga 9,1-41); Chữa lành người mù ở Bết-sai-đa (Mc 8,22-26); Chữa lành hai người mù (Mt 9,27-31). Dĩ nhiên, Đức Giêsu không chỉ phục hồi thị giác thể lý cho những người mù. Người là ánh sáng thế gian. Điều mà người nhắm đến cuối cùng là họ phải vươn đến ánh sáng Đức Tin, chứ không chỉ dừng lại ở ánh sáng thể lý. Đáp trả của anh mù thành Giê-ri-khô: “Nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10,52; Lc 18,43). Tương tự anh mù từ thuở mới sinh cuối cùng cũng tuyên xưng niềm tin vào Đấng đã chữa lành đôi mặt thể lý của anh: “Thưa Ngài, tôi tin!” (Ga 9,38).
  • Người bị giam cầm được phóng thích: Các tác giả sách Tin Mừng không kể lại một câu chuyện nào về việc Đức Giêsu giải thoát một tù nhân khỏi ngục tù thể lý. Tuy nhiên, có nhiều trình thuật nói về việc Đức Giêsu giải thoát các bệnh nhân khỏi quỷ dữ.[17] Tù ngục đáng sợ nhất là tù ngục của ma quỷ. Câu chuyện Đức Giêsu giải thoát người bị quỷ ám ở Ghêrasa (Lc 8,26-39; Mt 8,28-34; Mc 5,1-20) đưa ra những hình ảnh sống động về cảnh tù ngục của những người bị quỷ ám. Anh ta ở trong đám mồ mả. Nhiều lần người ta dùng “gông cùm, xiềng xích mà trói buộc và giữ anh”; “quỷ đưa anh ta vào nơi hoang vắng”. Quả thật, quỷ đã trói buộc và khống chế bệnh nhân, không cho nó sống như con người, và không thể ở chung với con người. Khi Đức Giêsu giải thoát anh ta, anh “xin được ở với Đức Giêsu” và “rao truyền cho cả thành biết mọi điều Đức Giêsu đã làm cho anh”. Đó là tư thế của một người được giải thoát khỏi quỷ. Anh sống với Chúa và nói về Chúa cho người khác. Tật câm cũng được các tác giả Tin Mừng diễn tả như là một hậu quả của sự khống chế của quỷ. Tên quỷ này được gọi là quỷ câm. Khi Đức Giêsu trục xuất quỷ rồi, người câm mới nói được (Lc 11,14). Trong phép lạ chữa người “vừa điếc và vừa ngọng” Mc 7,31-37), tác giả Máccô còn diễn tả hình ảnh sống động rằng lưỡi của người câm bị quỷ “buộc lại”. Sau khi Đức Giêsu nói: “Épphata”, “lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”. Đức Giêsu cũng diễn tả bệnh “còng lưng” của một người phụ nữ là “bị Satan trói buộc”:  “Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm, lại không được tháo cởi khỏi gông cùm này trong ngày Sa-bát hay sao?” (Lc 13,16). Bệnh tật con người cách nào đó được hiểu như là bị quỷ khống chế. Tuy nhiên, tình trạng bị giam cầm đáng sợ nhất là tình trạng nô lệ tội lỗi (Ga 8,34), vì tội lỗi dẫn người ta đến cái chết đời đời (Rm 6,16). Chính vì thế, Đức Giêsu đến để giải thoát con người “khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21).
  • Người cùng khổ được giải thoát: Nhìn vào bảng đối chiếu bản văn của Isaiah và Luca trên đây, chúng ta có thể thấy rằng tác giả Luca bớt đi ý tưởng “chữa lành những con tim tan vỡ” của sách Isaiah, nhưng lại thêm vào câu “giải thoát những người cùng khổ”. Suy cho cùng, hai ý tưởng này cũng không khác nhau là mấy “chữa lành” là phương thức để “giải thoát”[18], và “những con tim tan vỡ” là những con tim của “những người cùng khổ” về thể xác lẫn tinh thần. Tất cả đều nhắm đến việc xoa dịu những thương đau của những người cùng khổ và giúp họ vượt ra khỏi tình cảnh éo le để sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. “Những người cùng khổ” trong Tin Mừng có thể là những bệnh nhân, hay những người bị quỷ ám. Những người bị quỷ câm ám, hay quỷ làm cho động kinh (Lc 9,37-43; Mc 9,14-27) là những người đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần vì bi quỷ khống chế. Những người bị chứng bệnh như là bệnh phong hủi (Lc 17, 11-19) hay bệnh rong huyết (Lc 8,43-48), cũng chịu đau khổ về thể xác và tinh thần khi phải sống xa dân chúng vì tình trạng ô uế theo Luật. Họ cần được Đức Giêsu chữa lành và giải thoát họ khỏi nỗi khốn cùng. Hơn nữa, trong xã hội Do Thái có những người đau đớn về tinh thần như người tội lỗi và những người thu thuế. Họ luôn bị những người đồng hương xem thường và xa cách. Đức Giêsu đã gọi Lêvi, một người thu thuế làm Tông Đồ (Lc 5,27-28; Mc 2,13-14). Điều đó có nghĩa là Người giải thoát ông khỏi mặc cảm và đau đớn về tinh thần để tái hòa nhập vào xã hội vì sứ vụ cao cả. Hơn nữa, Người đã đến thăm và ban ơn cứu độ cho Giakêu, một thủ lãnh thu thuế, và cả nhà ông (Lc 19,1-10). Người thường lui tới qua lại và ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi, để tìm cách cứu họ (Lc 5,32; 7,36-50; 15,1). Loạt dụ ngôn ba trong một: “Con chiên lạc”; “Đồng bạc bị mất”; “Người cha nhân hậu” (Lc 15,4-32) là bức tranh sống động về tình yêu, sự chữa lành, tha thứ và giải thoát của Thiên Chúa qua Đức Giêsu. Đức Giêsu giải thoát những người cùng khổ qua những hành động như chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, tha thứ tội lỗi[19] và qua lời dạy “uy quyền” mang lại sự hoán cải thật sự.
  1. Một năm hồng ân”: Cuối cùng, Đấng được xức dầu công bố một năm ân thưởng của Chúa. “Năm hồng ân của Chúa” là một giai đoạn được Chúa thiết lập trong đó dân Ítrael và đặc biệt những người nghèo có thể lãnh nhận ân sủng, sự chúc lành và ơn cứu độ. Trong bối cảnh của Tin Mừng Luca, thuật ngữ này đề cập đến kỷ nguyên cứu độ được Đức Giêsu khai mạc với hình thức cứu độ mới được Đức Giêsu công bố và hiện thực hóa trong sứ vụ dạy dỗ và chữa lành của Người.[20] Như vậy, lời công bố này như lời kết bao quát cho toàn bộ sứ vụ của Đấng được xức dầu được giới thiệu từ đầu lời trích: “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo; Công bố ơn giải thoát cho các tù nhân, sự phục hồi thị giác cho những người khiếm thị; Giải thoát cho những người cùng khổ. Năm hồng ân là năm mang lại ơn cứu độ và ơn giải thoát cho tất cả những thành phần kể trên. Một số tác giả liên kết “năm hồng ân” ở đây với “năm toàn xá” trong sách Lê-vi (25,10-18), khi tất cả mọi nợ nần được xóa bỏ và nô lệ được trả tự do.[21] Trong bản văn gốc của sách Ngôn Sứ Isaiah, ngoài “công bố một năm hồng ân” còn có “công bố một ngày báo oán” nữa. Tuy nhiên, tác giả Luca đã bỏ phần sau, có lẽ ông muôn tập trung hoàn toàn vào chủ đề niềm vui ơn cứu độ phổ quát và tạm thời bỏ qua một bên chủ đề về sự phán xét cuối cùng.[22]
  2. Ngồi xuống”: “Ngồi xuống” đối lại với phần đầu Đức Giêsu đứng và đọc sách. “Ngồi” cũng là vị thế của một thầy dạy.
  3. Hôm nay lời được viết văng vẳng bên tai quý vị đã được hoàn tất”. Với chỉ một câu ngắn gọn Đức Giêsu đã biến lời trích của ngôn sứ Isiah thành chính thông điệp về sứ vụ của Người. Người chính là Đấng được xức dầu. Người sẽ thi hành tất cả những điều đã được ngôn sứ nói đến. Thuật ngữ chỉ thời gian “hôm nay” (σήμερον) có thể có nghĩa là “chính ngày hôm nay” hoặc là “thời gian này”, “thời gian hiện tại”. Nghĩa sau có vẻ phù hợp hơn trong ngữ cảnh này vì lời này diễn tả toàn sứ vụ công khai của Đức Giêsu chứ không phải những gì Người xảy ra trong ngày ấy.

Bình luận tổng quát

Lc 1,1-4 là “Lời Tựa” của Tin Mừng Luca. Trong thế giới văn chương lịch sử Hy Lạp, các tác giả thường viết lời tựa cho các tác phẩm hoặc các bài khảo luận của mình. Tác giả Luca, một người thấm nhuần văn chương Hy Lạp, cũng không ngoại lệ. Qua Lời Tựa, độc giả biết được, tác giả đề tặng cho một nhân vật tên là, Theophilos. Cách xưng hô của tác giả (thưa ngài!) cho thấy ông Theophilos có thể là một người có địa vị cao trong xã hội thời bấy giờ và có thể ông là người đạo mới. Dù ông đã được chỉ dạy ít nhiều về Giáo Lý, nhất là về cuộc đời và sứ vụ của Đấng Mêsiah, ông vẫn cần một nền tảng kiến thức bài bản và chắc chắn hơn. Tác giả Luca viết cuốn Tin Mừng này, cũng như sau đó, sách Công Vụ Tông Đồ nhằm giúp ông gia cố kiến thức của ông về Tin Mừng của Đức Giêsu. Thông điệp của tác phẩm này có tính chắc chắn và độ tin cậy vì tác giả đã dựa trên nguồn văn, cũng như truyền khẩu của những người đi trước, đã xem xét kỹ lưỡng và quyết định viết ra theo tuần tự. Tin Mừng Luca vì thế trở thành Tin Mừng có giá trị cao cho riêng ông Theophilos, cho các tín hữu thuộc cộng đoàn thánh Luca và cho các tín hữu qua mọi thời đại.

Lc 4,14-15 là “lời giới thiệu tổng quát về sứ vụ của Đức Giêsu”. Vào giai đoạn đầu của sứ vụ công khai của mình, Người thi hành sứ vụ tại vùng Galilaia. Thánh Linh luôn hiện diện và tác động trong cuộc đời Người. Thật vậy, Người được thụ thai do quyền năng Thánh Linh; Thánh Linh đi xuống trên Người trong lúc Người chịu Phép Rửa; Thánh Linh dẫn Người vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ; rồi Người trở về vùng Galilaia, khởi đầu sứ vụ với quyền năng Thánh Linh. Hoạt động đặc trưng của Người là “giảng dạy” và nơi giảng dạy là “các hội đường”. Người được mọi người tôn vinh và danh tiếng lan rộng ra khắp các vùng lân cận. Tất cả những chi tiết này sẽ được thể hiện trong những phần tiếp theo của đoạn này.

Lc 4,16-21, tiếp theo đoạn “giới thiệu tổng quát” về sứ vụ của Người, kể về một buổi giảng dạy của Đức Giêsu tại quê nhà Nadarét. Trong buổi giảng dạy này Đức Giêsu giới thiệu về căn tính của mình và phác họa những hoạt động mà Người sẽ thực hiện trong suốt sứ vụ công khai của Người. Đoạn này cũng là đoạn giới thiệu tổng quát, nhưng rõ ràng và chi tiết cụ thể hơn đoạn trên. Qua lời ngôn sứ Isaiah, độc giả hiểu rằng Đức Giêsu giới thiệu mình như một Đấng Mêsiah ngôn sứ. Người đã được Chúa Cha xức dầu bằng Thánh Linh. Một lần nữa, Người khẳng định sự hiện diện và tác động của Thánh Linh trên thánh vụ của Người. Đấng được xức dầu, Đấng Kitô sẽ thi hành sứ vụ cụ thể: “Rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khổ”; “công bố”: (i) Ơn giải thoát cho những người bị giam cầm; (ii) Ơn phục hồi thị giác cho những người khiếm thị; Giải thoát những người cùng khổ. Nói tóm lại, Người “công bố một năm hồng ân của Chúa”. Đó là thời kỳ cánh chung do Đấng Mêsiah công bố. Trong thời kỳ này, những người nghèo về kế sinh nhai, hay nghèo vì địa vị thấp kém trong xã hội; những người bị cầm tù trong những bệnh tật do ma quỷ gây nên, hay trong những thói hư tật xấu, tội lỗi của mình; những người cùng khổ về thể xác lẫn tinh thần, bị xã hội loại bỏ vì ô uế, hay vì hành nghề thu thuế và tội lỗi, đều được giải thoát, bước vào một đời sống mới vui vẻ hơn và hạnh phúc hơn.

Đấng Mêsiah ngôn sứ sẽ rao giảng và làm tất cả mọi điều có thể để xoa dịu những vết thương thể xác, tinh thần của những người cùng khổ trong thế gian, và cuối cùng Người sẽ dẫn họ đến hạnh phúc vĩnh cửu. Vấn đề là người ta có nhận ra và đón nhận lời dạy của Người cũng như những hoạt động trong sứ vụ của Người hay không. Trên thực tế, có nhiều người đã tin theo Người cách trọn vẹn; Cũng có những người chỉ theo Người cách nửa vời; Lại có không ít người chỉ đến với Người vì hiếu kỳ nhằm tìm phép lạ; Thậm chí, có những người chống đối Người, xua đuổi và tìm cách loại bỏ Người. Câu chuyện Đức Giêsu giảng dạy tại quê nhà Nadarét kết thúc với chi tiết đáng buồn: Những người đồng hương “lôi Người ra khỏi thành”, “kéo Người lên tận đỉnh núi để xô Người xuống vực” và Người đã phải “băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,29-30). Đó là khởi đầu cho việc Người sẽ bị chối từ và không thể “công bố năm hồng ân của Chúa” cho nhiều người. May mắn thay, cũng còn rất nhiều người vẫn tin vào Người và đón được niềm vui Tin Mừng mà Người rao giảng và những phúc lành được ban bố qua tay Người.

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD

Chú thích

[1] D.L. Bock, Luke Volume 1: 1:1-9:50 (BECNT Grand Rapids 1994) 54.

[2] R.E. Brown, An Introduction to the New Testament (AB; New Haven – London 2016) 75.

[3] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AB; New Haven – London 2008) XXVIII, 297.

[4] L. Johnson, The Gospel of Luke (SP 3; Collegeville 1991) 28.

[5] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 300; “Perhaps he was a Roman official who had the responsibility of knowing the truth about Christians who were accused of being enemies of Rome” [R.C. Blight, An Exegetical Summary of Luke 1-11 (Dallas 2008) 17].

[6] “words” is obviously awkward in English, and “things” (see 1:1) might be preferable, but the theme of God’s Word is too obvious to gloss over completely (see note on 1:2) (L.T.Johnson, The Gospel of Luke, 28).

[7] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 301.

[8] Cả Mát-thêu và Luca đều ghi lại rằng “Đức Giêsu trở về từ sông Giorđan”, nhưng chỉ có tác giả Luca thêm vào cụm từ “đầy Thánh Linh” (Lc 4,1; Mt 4,1).

[9] “his teaching activity is the disclosure of christology and the fulfillment of prophecy” [F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50 (Hermeneia; Minneapolis 2002) 152].

[10] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 78.

[11] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 530.

[12] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 186; “The descent of the Spirit upon him is a preparation for the ministry, the “beginning” of which is noted in the immediately following context” (3,23) (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 481).

[13] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 81.

[14] “Second Isaiah was announcing the Consolation of Zion to various groups in the postexilic Jerusalem community. Luke includes four of them in his quotation. The first is the “poor” (ptōchoi), a foreshadowing of a Lucan emphasis on this social class” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 532).

[15] J.B. Green, The Gospel of Luke, 221.

[16] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 79.

[17] “Jesus’ paradigmatic reference to a ministry of providing “release” is exemplified immediately in accounts of exorcism and healing” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 203).

[18] “to send forth the oppressed in release, has been added to draw special attention to the word “release” as a characteristic activity of Jesus’ ministry” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 210).

[19] “it should be recalled that Luke also uses it in the sense of “forgiveness” (especially of sins)” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 533).

[20] Ibid.

[21] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 81

[22] “but the latter (the day of vengeance of our God) is a deliberate suppression of a negative aspect of the Deutero-Isaian message” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 532).

Bài trướcNgôi Lời Việt Nam Cử Hành Chúa Nhật Lời Chúa (CN3TN-C)
Bài tiếp theoRAO TRUYỀN TIN MỪNG (Chúa Nhật III TN -C)