LƯỢNG GIÁ & SỬA LỖI (CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN C)

0
247

Tin mừng: Lc 6,43-49

43 “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.

44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho.

45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.

46 “Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’, mà anh em không làm điều Thầy dạy ?

47 “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai.

48 Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc.

49 Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.”

BÀI GIẢNG

LƯỢNG GIÁ & SỬA LỖI (Lm. Antôn Phạm Thanh Thịnh, SVD)

Cũng khá lâu rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ những năm tháng sống và tu học tại Học Viện Ngôi Lời Sài Gòn. Cũng như bao anh em khác, tôi được học triết học và thần học, được tập tành những điều hay lẽ phải mà một người tu sĩ linh mục truyền giáo tương lai phải có. Ấn tượng nhưng cũng hơi ái ngại, vì hằng năm, tôi phải tự lượng giá chính mình và lượng giá cả anh em nữa. Thật sự tôi chưa làm thế bao giờ, nhưng đây là một phần quan trọng trong chương trình đào tạo linh mục của Dòng Ngôi Lời. Ấn tượng vì thấy cũng có lý, muốn tiến bộ về đời sống thiêng liêng, về học tập, về đời sống cộng đoàn hay về các công việc truyền giáo, không gì khác hơn là tôi phải tự nhận xét và sửa sai cách nghiêm túc, cũng giống như là ta xét mình mỗi khi đi xưng tội vậy. Ái ngại vì những lỗi lầm, những điều tế nhị kín đáo của anh em và của chính tôi, giờ đem ra nói giữa thanh thiên bạch nhật, làm sao tôi có thể làm thế được? Nhưng rồi các kỳ lượng giá cũng trình tự diễn ra, đôi khi trong sự to tiếng giữa anh em với nhau, nhưng rất chân thành.

Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: Sao anh có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6,42). Đó cũng là thứ mù quáng và giả hình giả tạo mà Đức Giêsu nhiều lần cảnh báo cho những người đương thời, nhất là giới lãnh đạo Do Thái giáo, cũng như cho chúng ta ngày hôm nay. Tôi xin được chia sẻ với cộng đoàn hai điểm sau đây:

  1. Tự Lượng Giá Và Sửa Lỗi

Có thể nói, tự lượng giá và sửa lỗi là hình thức nhận thấy và lấy cái xà ra khỏi mắt mình, để thấy rõ mà lấy cái rác trong mắt người anh em. Thế nhưng, ta dễ dàng thấy một cái rác nhỏ trong mắt người khác, để lượng giá, để góp ý, thậm chí để lên án và trù dập, còn lỗi lầm của mình to lớn như cái xà chắn ngang, nhưng ta cố che đậy và bỏ qua.

Tin Mừng trong Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta một nguyên tắc để tự lượng giá và sửa lỗi, đó là làm sao để bản thân mình phải tốt mới có thể góp ý hay sửa lỗi người khác được. Nếu trong vai trò hay cương vị buộc ta phải có trách nhiệm lượng giá và sửa lỗi về người khác, thì trước hết phải biết mình, phải tự lượng giá về chính mình trước đã. Biết mình với những ưu khuyết điểm để tự sửa đổi bản thân, nếu không thì giống như Đức Giêsu nói: “Mù mà dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không lăn cù xuống hố. (Lc 6,39).

Nhưng làm thế nào để biết mình? Khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu trong việc rao giảng Tin Mừng, điều đầu tiên mà Đức Giêsu kêu gọi mọi người là hãy sám hối. Như vậy, sám hối là nhìn lại bản thân, với những suy nghĩ, lời nói và việc làm, để biết rõ con người thật của chính mình. Vì thế, sám hối là tâm tình đầu tiên và cơ bản nhất để biết rõ mình. Bốn Chúa Nhật của Mùa Vọng là thời gian để người tín hữu sám hối, ăn năn. Bắt đầu Mùa Chay, chúng ta có một nghi thức sám hối thật đặc biệt, đó là nghi thức xức tro. Có nhận thấy thân phận tội lỗi yếu kém của mình, chúng ta mới có thể nhận ra được sự cần thiết của ơn cứu độ. Đó chính là điều Giáo Hội nhắc nhở chúng ta khi bắt đầu Thánh Lễ mỗi ngày. Chính vì thế, bắt đầu mỗi Thánh Lễ cũng là nghi thức sám hối. Nói tóm lại, sám hối là tâm tình cơ bản nhất để biết mình. Nhưng trong thực tế, chúng ta thường chỉ nhận thấy những sai lầm, khuyết điểm và tội lỗi người khác, mà ít khi nhận ra những yếu kém, những tội lỗi và sai quấy của bản thân, nên chúng ta không chịu đấm ngực sám hối tội lỗi của mình. Do đó, chúng ta dễ dàng phê bình, chỉ trích và lên án người khác. Vì thế, Đức Giêsu dạy các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta, trước khi sửa lỗi người khác, chúng ta cần phải có sự thống nhất giữa cách ăn nết ở bên ngoài của mình với tâm tình và ý hướng bên trong, nếu không chúng ta cũng sẽ bị Chúa lên án là đạo đức giả, là kẻ đui mù. Để làm được điều quan trọng này, đòi hỏi chúng ta phải thực sự khiêm nhường, có khiêm nhường ta mới thấy được con người bất toàn và đầy khuyết điểm để sám hối và sửa sai, hầu thăng tiến bản thân mỗi ngày. Tôi kể cho cộng đoàn nghe câu chuyện về sự khiêm nhường:

Đức thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII kể lại một kinh nghiệm độc đáo trong cuộc đời của ngài như sau: “Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo Hội, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe như có tiếng phán bảo: Này Gioan, đừng tự xem mình là quan trọng! Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấy thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời của tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Này Gioan, đừng tự xem mình là quan trọng!”.

Khiêm nhường thật sự phải xuất phát từ một tâm hồn biết nhìn nhận sự thật về chính mình với những ưu khuyết điểm. Điều này có lẽ hơi khó cho mỗi người chúng ta, nhưng không có nghĩa là không làm được. Đức thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã làm gương cho chúng ta, ngài đã thể hiện một con người sống khiêm nhường thật sự, ngài đã làm được điều khó ấy, và chúng ta hãy bắt chước ngài. Hãy khiêm nhường nhìn nhận những khuyết điểm, những tội lỗi của bản thân để sửa sai, có như vậy cặp mắt tâm hồn của chúng ta mới sáng, mới thấy rõ mọi thứ xung quanh, nhất là thấy rõ người anh em bên cạnh, để giúp và lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em mình.

  1. Lượng Giá Và Sửa Lỗi Anh Em

Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm tới trong bài Tin Mừng hôm nay là giới lãnh đạo Do Thái giáo, gồm các thượng tế, kinh sư và Pharisiêu, họ giữ luật hình thức hầu che mắt người ta, để rồi chỉ lo xăm soi những lầm lỗi nhỏ nhặt của người khác, còn chính họ lại đui mù trước những lỗi lầm nghiêm trọng của họ. Đọc và để ý thì chúng ta sẽ thấy, Đức Giêsu không chỉ nói đến giới lãnh đạo Do Thái giáo ngày xưa, nhưng với hai từ “anh em”, Ngài muốn nói với từng người trong chúng ta ngày hôm nay nữa.

Đức Giêsu lên án những người suốt ngày chỉ biết xăm soi những khuyết điểm của người khác, trong khi chính bản thân mình thì đầy bất toàn mà cứ tưởng như là tốt lành, “đồ giả hình”. Chính vì thế, biết xét mình và tự phê phán là mấu chốt cho những tương quan chân thật. Nói cách khác, tương quan của chúng ta với nhau thường là giả tạo. Chúng ta đeo mặt nạ để che giấu con người thật của mình. Chúng ta ngụy tạo những điều chúng ta không có. Nhiều khi chúng ta muốn vùi dập người khác xuống bùn đen, còn bản thân mình thì lại muốn được ca tụng, được trổi vượt lên đến tận mây xanh, sự ghen ghét làm ta mờ mắt. Đáng lẽ ra chúng ta phải cư xử nghiêm khắc với bản thân mà rộng lượng với người khác, thì chúng ta lại hành động ngược lại, cư xử nghiêm khắc với người khác mà dễ dãi với chính bản thân mình.

Phải tâm niệm một điều rằng, lỗi lầm của anh em đôi khi cũng là lầm lỗi của chính mỗi người chúng ta. Chính vì thế trong việc sửa lỗi cho anh em, theo từ ngữ của bài Tin Mừng hôm nay ta gọi là lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em mình, phải được thực hiện bằng một tình yêu thương chân thành. Không phải soi mói hay vạch lá tìm sâu, nhưng yêu thương thật lòng và mong muốn người anh em mình tốt hơn mỗi ngày.

Tự sửa lỗi đã là khó rồi, sửa lỗi người khác thì càng khó gấp bội. Thế nhưng trong cuộc sống và công việc, đôi khi chúng ta phải có trách nhiệm nhắc nhở, lượng giá hay phải sửa lỗi người khác. Theo lẽ thường tình, hầu như ai ai cũng thích khen và ghét chê. Khi được nghe những lời khen, ta thấy sung sướng trong người, thậm chí còn hãnh diện nữa là khác. Trái lại, khi phải nghe những lời chê bai hay góp ý, mặc dù là những lời góp ý đúng, chúng ta cũng cảm thấy buồn và đôi khi còn ghét luôn cả người chê bai, góp ý cho mình.

Cho nên người “thẳng thắn, thật thà, thường thua thiệt”, còn kẻ “luồn lách, lươn lẹo, lại lên lương”. Kẻ sống gian dối, giả hình, nịnh hót lại được thăng quan tiến chức. Còn người sống theo chân lý, theo sự thật, nói thật làm thật, lại bị loại trừ. Muốn lấy lòng người trên, đôi khi mình cũng giả dối, nịnh hót, không dám nói sự thật hay nhiều khi vì cả nể, mình không dám góp ý thật lòng với họ.

Câu chuyện rất thật từ một cha kể lại. Trong Thánh Lễ tạ ơn kỷ niệm ngày chịu chức linh mục, hôm đó một cha cùng lớp giảng lễ. Đó là một bài giảng hùng hồn, phải nói là “bốc lửa” nữa là khác, nhưng bài giảng dài gần nửa tiếng đồng hồ và nội dung lan man. Các cha đồng tế đều lắc đầu và xầm xì nháy nhau, biểu lộ không hài lòng. Kết thúc Thánh Lễ, sau khi vào phòng thay áo lễ, điều ngạc nhiên là các cha đều đến bắt tay cha giảng lễ và nói lời chúc mừng: “Hôm nay cha giảng rất bốc lửa”. Để cho các cha bắt tay chúc mừng hết, một cha bạn thân đến bắt tay và nói chân tình với cha giảng lễ: “Hôm nay cha giảng bốc lửa thật, nhưng mình thấy hơi dài và lan man”. Từ đó, trong suốt buổi tiệc mừng, quan sát thấy, vì những lời góp ý, lượng giá chân thành đó làm cho cha giảng lễ không vui, sự thật thường hay mất lòng.

Đời là thế đấy, nhưng các Kitô hữu thì không được như vậy, bởi chính Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta sống theo chân lý, theo sự thật. “Lời các con phải: Có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra. (Mt 5,37). Góp ý và sửa lỗi cho nhau để giúp nhau hoàn thiện hơn mỗi ngày là một đòi hỏi chính đáng của tình huynh đệ đích thực. Đây là một bổn phận, một trách nhiệm của từng người đối với người khác, có thể đó là những người trong gia đình, trong giáo xứ và xóm làng. Bổn phận này rất khó thực hiện, vì nó gây khó chịu cho người lỗi phạm, nên cần phải thật khéo léo và chân thành.

Chúng ta xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta biết sáng suốt nhận ra những lầm lỗi của chính mình. Khi cặp mắt tâm hồn chúng ta được sáng nhờ sám hối ăn năn và sửa lỗi, chúng ta mới có thể trông thấy rõ mà giúp lấy cái rác ra khỏi mắt anh chị em mình. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta một tình yêu bao dung, để chúng ta không bao giờ vạch lá tìm sâu hoặc phê bình người khác một cách ác ý. Xin cho chúng ta biết tha thứ để được Chúa thứ tha. Và xin cho mỗi người chúng ta một tâm hồn quảng đại, để biết luôn nghĩ tốt về người khác. Amen.

Bài trướcNHỊP THỞ SỨ VỤ DÒNG NGÔI LỜI Ở CHÂU ÂU NGÀY NAY
Bài tiếp theoLỜI SỐNG (27/2, Chúa Nhật VIII TN)