Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Lễ Phục Sinh – Năm B

0
844

Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó (c. 24).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. – Ðáp.

2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. – Ðáp.

3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

Alleluia: 1 Cr 5, 7b-8a

Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 1-9

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

ÁNH SÁNG, NIỀM VUI PHỤC SINH ĐIỂM NỐI KẾT TÂM HỒN MUÔN NGƯỜI

Lm. Antôn Đỗ Quang Quốc, SVD

Không biết quí vị đã nghe, được thấy, được đụng chạm, và đặc biệt là được quan sát thấu kính hội tụ hay chưa? Khi quan sát, quí vị có cảm thấy thú vị hay không? Phần tôi, tôi thấy rất thú vị khi quan sát nó, đặc biệt là khi thử nghiệm công dụng của nó. Công dụng của kính này là hội tụ ánh sáng lại thành một (tâm) điểm. Khi ánh sáng được hội tụ lại thành một điểm, mức độ chiếu sáng và độ nóng tăng lên có thể đốt cháy một tờ giấy. Có lẽ nhiều người trong quí vị thắc mắc vì sao tôi lại nêu ra hình ảnh kính hội tụ? Nó có liên quan gì tới ý nghĩa thánh lễ mà chúng ta đang cử hành hôm nay hay không? Nó lại chẳng có liên quan gì đến niềm vui của ngày kỷ niệm một biến cố có một không hai, biến cố Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết? Xin thưa với quí vị, tôi có lý do để nêu lên hình ảnh này. Bởi vì tựa như chiếc kính hội tụ, đã hội tụ nhiều tia sáng yếu ớt thành một điểm; thì ánh sáng, niềm vui Phục Sinh cũng chính là điểm hội tụ, điểm nối kết những tia sáng, nỗi buồn đang mập mờ và vật vờ trong tâm hồn mỗi người, để tạo nên một luồng sáng mạnh mẽ của niềm vui, bình an chiếu soi vào bóng đêm tâm hồn chúng ta.

Bầu khí Phụng vụ của Tuần Thánh, đặc biệt ngày thứ Năm, thứ Sáu là bầu khí của chia ly,tang tóc. “Chiếc khăn tang” phủ rợp mặt địa cầu, phủ đầy tâm hồn của chúng ta. Bầu khí này cũng chính là bầu khí của năm xưa khi Đức Giêsu chịu Tử Nạn. Mỗi người chúng ta thử hình dung khuôn mặt đau buồn, âu sầu, ủ rũ của Mẹ Maria, các môn đệ, những người phụ nữ và của những ai yêu mến Đức Giêsu. Quả thật, không có gì khó, để chúng ta hiểu được nỗi đau khổ, niềm uất ức của họ. Các môn đệ và những người yêu quí Đức Giêsu rất khó và có thể nói rằng không thể hiểu được ý nghĩa cái chết tang thương của Thầy Giêsu. Làm sao hiểu được một con người trước đó đã từng chữa lành bệnh tật, phục sinh kẻ chết, quyền thế trong lời giảng dạy; vậy mà giờ đây đang nằm bất động trong nấm mồ vô hồn.

Như thế, chúng ta có thể hiểu rằng bầu khí đau buồn vẫn còn kéo dài cho đến ngày thứ nhất trong tuần như Tin Mừng hôm nay trình thuật: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala ra mộ” (Ga 20,1). Có thể Maria Mácđala vẫn còn mang trong tim nỗi đau mất Thầy. Do đó, điều này cho chúng ta có thể hình dung bước chân của người phụ nữ này. Với bước chân thất thểu vì đau buồn và “đơn thân độc mã[1], bà đã ra mộ. Khác với các tác giả trong Tin Mừng Nhất Lãm, tác giả Tin Mừng Gioan không cho biết bà ra mộ làm gì trong lúc sáng sớm. Phải chăng bà ra mộ viếng mộ (x. Mt 28,1) hoặc đem hương liệu để ướp xác Thầy Giêsu (x. Mc 16,1; Lc 24,1)? Có thể lắm. Phải chăng bà ra mộ khóc thương cho số phận đen tối của một con người “vang tiếng một thời”(x. Ga 20,11)? Phải chăng bà ra mộ để dễ dàng tỏ lộ tình yêu thương của người còn sống dành cho người đã khuất? Phải chăng bà ra mộ để “quay chậm lại những thước phim” về cuộc đời, công việc, lời giảng dạy, tình thầy nghĩa trò mà bấy lâu nay bà đã từng cảm nhận? Phải chăng bà ra mộ để hồi tưởng phép lạ khử trừ bảy quỷ mà Đức Giêsu đã yêu thương dành cho bà?[2]Phải chăng và phải chăng…?

Hình ảnh “tảng đá đã bị đem đi khỏi mộ” (Ga 20,1), hành động “bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và môn đệ kia” (Ga 20,2a) và hơn nữa, câu nói “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2b) có thể cho phép chúng ta hình dung nỗi đau tột cùng của bà như thế nào. Thầy đã được an táng trong mộ rồi. Thế mà, họ (có thể là những người bạn: ông Giuse, ông Nicôđêmô hoặc những lính canh mộ người Rôma hoặc người Do Thái)[3]cũng không để Ngài được yên nghỉ. Hơn nữa, từ diễn tả hành động của bà “liền chạy” có thể cho thấy sự hối hả của bà như thế nào. Sự hối hả đó cho chúng ta cảm nhận được rằng bà rất đau buồn, vội báo cho các ông để cùng các ông có thể tìm ra xác Thầy yêu quí.

Bên cạnh đó, sự hối hả của Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến cũng lột tả tâm trạng cấp bách vì sự kiện ngôi mộ trống. Cũng như bà Maria Mácđala, các ông và những môn đệ khác cũng đang rất đau buồn vì cái chết bi thương của Thầy Giêsu. Tất cả đều đau buồn nhưng cách thể hiện rất khác nhau. Bà Maria Mácđala ra mộ có thể để khóc thương; các ông cũng có thể đang thương khóc, tiếc nuối vì cảnh đời bi đát của Đức Giêsu và thất vọngvì không còn gì. Tham vọng thúc đẩy các ông đi theo Đức Giêsu, giờ đây không còn nữa.

Thế nhưng, ngôi mộ trống, những băng vải, khăn che đầu được cuộn lại, xếp riêng ra một nơi,có thể đã trở thành dấu hiệu cho một biến cố lạ thường đã xảy ra. Không thể nào là một cuộc trộm hay dời xác được, bởi vì “các khăn liệm được xếp gọn gàng cho thấy không có hấp tấp, vội vàng trong việc dời xác”.[4] Như thế, dù ngôi mộ trống hay những băng vải, khăn che đầu “không phải là một bằng chứng về sự sống lại của Đức Giêsu, một sự kiện làm nền tảng cho lòng tin vào mầu nhiệm đó[5]; thế nhưng chúng đã trở thành dấu hiệu để người môn đệ Đức Giêsu thương mến tin vì “theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20,9). Và nếu chúng ta đọc tiếp những trang Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với bà Maria Mácđala và gọi tên bà cách thân thương. Chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ trong những cảnh huống khác nhau, để củng cố niềm tin và ban lại niềm vui cho các ông.

Do đó, ánh sáng, niềm vui Phục Sinh cũng chính là điểm hội tụ, điểm nối kết những tia sáng yếu ớt, nỗi buồn đang mập mờ và vật vờ trong tâm hồn mỗi người, để tạo nên một luồng sáng mạnh mẽ của niềm vui, bình an chiếu soi vào bóng đêm tâm hồn các môn đệ và của chúng ta. Như các môn đệ ngày xưa,ngày hôm qua, hôm nay và mãi đến muôn đời,trong Đức Giêsu Phục Sinh, chúng ta cảm nếm được niềm vui cách lạ thường. Vui vì Ngài đã chết một lần và sống lại mãi mãi vì chúng ta và cho chúng ta. Vui vì dẫu rằng chúng ta vẫn còn mang trong mình thân phận yếu đuối và tội lỗi, nhưng trong và với Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã chiến thắng sự chết, Ngài sẽ ban sự sống viên mãn cho những con người tội lỗibiết tin, cậy, mến và trở về với Ngài. Dẫu rằng cuộc đời vẫn còn đó những đau khổ, dẫu rằng đời sống gia đình vẫn còn đó những bất hòa, hay vẫn còn đó “những người cha, là gương xấu cho con trai mình, và những người mẹ, là người mẹ quái đản đối với con gái mình. Những đứa con trai bồng bột, vẫn làm phiền lòng cha mình bởi cuộc sống tội lỗi và những hành động ngông cuồng. Và những người con gái kiêu căng, khiến cho mẹ mình phải chảy nước mắt ra vì những thái độ cư xử và sự bất tuân[6]; nhưng trong niềm vui Phục Sinh, chúng ta hãy trỗi dậy và bước đi trong con đường mà chúng ta phải đi. Đó là con đường của tình yêu hôn nhân gia đình chung thủy. Con đường của tình yêu hòa thuận, đầm ấm giữa cha mẹ và con cái.

Xin ánh sáng, niềm vui của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh nối kết và làm sống lại những tâm hồn đang đau buồn vì bệnh tật, vì gia đình chia ly, và những tâm hồn đang lạc hướng. Amen

[1] Tin Mừng Mt, Mc, Lc đều trình thuật có nhiều người phụ nữ cùng đi ra mộ Đức Giêsu. Tin Mừng Ga trình thuật, chỉ riêng bà Maria Mácđala đi ra mộ.

[2] Xc. Lc 8,2.

[3]Học việnĐa Minh, Chân Ngôn,Chú giải Tin Mừng các Chúa Nhật và đại lễ – năm B, (Tp. Hồ Chí Minh: Không có Nhà Xuất Bản, 2011), trang 220.

[4] Ibid., trang 221.

[5] Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Tân Ước, bản dịch và chú thích có hiệuđính, (Hà Nội: Nhà Xuất bản Tôn Giáo, 2008), trang 445.

[6]Remigius Lafort, Những bài giảng bất hủ của cha thánh Gioan Maria Vianney, tập 2, bản dịch của Vũ Đức Thành, (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012), trang 338 – 339.

 

Bài trướcDiễn từ của ĐTC với các linh mục Rôma và toàn thế giới trong lễ truyền dầu 29/03/2018
Bài tiếp theoPhục Sinh – Tuần I – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.