Phục Sinh – Tuần I – Năm B

0
340

Chúa Nhật – Ngày 01 – Tháng 4

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

MỪNG CHÚA SỐNG LẠI

Lễ Trọng với tuần Bát Nhật PS (Tr).

Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).

Bài đọc 1 : Cv 10,34a.37-43

Bài đọc 2 : Cl 3,1-4 hoặc 1 Cr 5,6b-8

Tin Mừng : Ga 20,1-9

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

TIN LÀ DẤU CHỈ CỦA NIỀM HY VỌNG

Với các tông đồ và các Kitô hữu tiên khởi, ngôi mộ trống (x. Ga 20,1) và những dấu hiệu cho thấy xác Đức Giêsu không còn trong mộ (x.Ga 20,7) là một minh chứng về sự phục sinh của Đức Giêsu. Tuy nhiên, phải đến khi Đức Giêsu hiện ra, làm nhiều phép lạ thì họ mới tin. Thế nhưng, Tin Mừng ngày Lễ Phục Sinh hôm nay trình bày về chân dung của người tin chỉ dựa vào những dấu chỉ bề ngoài. Đó chính là tông đồ Gioan.

Thật vậy, ba nhân vật được đề cập trong đoạn Tin Mừng hôm nay đều nhìn thấy những dấu hiệu khác lạ ở nơi an táng Đức Giêsu; nơi chứa đựng nỗi tang thương, nơi đóng lại bao ước mơ hoài bão của họ, thì giờ đây được mở ra. Bà Maria Mácđala thấy nhưng bà nghĩ xác Thầy đã bị đánh cắp (Ga 20,2); thánh Phêrô thấy nhưng ngỡ ngàng và chưa hiểu chuyện gì mới xảy ra (Ga 20,7). Duy chỉ tông đồ Gioan, khi chứng kiến những sự việc lạ lùng như thế, đã tin là Thầy đã sống lại (Ga 20,8).

Cùng chứng kiến một sự kiện nhưng vì sao chỉ mình thánh Gioan tin Thầy đã sống lại? Vì rằng, ông là người đã yêu mến Thầy mình nhiều. Vì chỉ khi yêu mến và hằng tâm niệm trong lòng, và với những dấu hiệu rõ ràng, tông đồ Gioan mới có thể tin rằng điều Thầy đã nói lúc còn ở với họ nay đã ứng nghiệm (Ga 20,9). Hơn thế, cũng chỉ với niềm hy vọng sâu xa nơi Thầy, thánh Gioan mới có thể có niềm tin vững chắc như thế. Còn chúng ta, những Kitô hữu đã sống niềm tin bao lâu nay, chúng ta có thực sự tin cách chắc chắn và sống niềm tin cách chân thật?

Lạy Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, Ngài là nguồn sống, nguồn hy vọng và là cùng đích của đời con. Xin gia tăng thêm lòng tin cho chúng con.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Công Lai, SVD

Thứ Hai – Ngày 02 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 2,14.22b-33

Tin Mừng : Mt 28,8-15

Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay. Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay.

NHỮNG NỖI SỢ

Trong kiếp nhân sinh, con người luôn phải đối diện với nhiều nỗi sợ thường ngày. Nỗi sợ hãi từ quá khứ, của hiện tại và có cả những nỗi lo sợ cho tương lai. Bao giờ con người hết lo sợ? Có điều gì giúp con người vượt qua nỗi lo sợ?

Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả nỗi sợ của những người nghe tin về Chúa Giêsu Phục Sinh. Đối với những người phụ nữ, nỗi sợ ấy biến thành niềm vui khi gặp lại được Thầy Chí Thánh sau bao ngày mong ngóng đợi chờ và sống trong lo âu. Giờ đây, các bà phải có trách nhiệm loan báo về sự phục sinh cho các mô đệ đang lo âu, sợ hãi.

Còn đối với những người lính, có lẽ họ sợ hãi và hoang mang tột cùng khi không biết chuyện gì đã xảy ra. Tuy nhiên, họ không đứng về phía sự thật để làm chứng những điều họ đã nghe, đã thấy liên quan đến Đức Kitô. Trong nỗi sợ hãi đó, họ đã bị các thượng tế lợi dụng để phao tin sai sự thật.

Trong cuộc sống đời thường của chúng ta, nỗi sợ luôn là trở ngại và thách đố lớn lao để chúng ta có thể làm chứng cho sự thật, cho tình yêu của Thiên Chúa. Đặc biệt chúng ta đang sống trong một xã hội với tình trạng đạo đức xuống cấp trầm trọng, nạn ô nhiễm môi trường đến mức báo động, sự gian dối lan tràn khắp nơi … thì sứ vụ ngôn sứ của người Kitô hữu đóng một vai trò cực kỳ quan trọng hơn bao giờ hết. Sự sợ hãi và sự im lặng của toàn xã hội đối với sự bất công và cái ác đang hoành hành là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cho nền đạo đức hiện nay bị rẻ rúng hơn bao giờ hết.

Lạy Chúa, bài Tin Mừng hôm nay thúc bách mỗi người chúng con luôn can đảm vượt thắng nỗi sợ hãi để ra đi làm chứng cho lẽ công bằng, tình yêu và sự thật. Xin Chúa luôn đồng hành với tất cả chúng con để chúng con biết sống chứng nhân giữa đời vì Danh của Ngài.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Quốc Đại, SVD

Thứ Ba – Ngày 03 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 2,36-41

Tin Mừng : Ga 20,11-18

Khi ấy, bà Maria Mácđala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Rápbuni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’) […]

TÔI ĐANG TÌM AI?

Qua trình thuật của thánh Gioan hôm nay nói về Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với bà Maria Mácđala, tôi bị đánh động bởi câu hỏi của Đức Giêsu dành cho bà Maria Mácđala: “Bà tìm ai?” (Ga 20,15).

Câu hỏi này giúp tôi suy gẫm về người tu sĩ trẻ hôm nay. Với cái nhìn chủ quan của bản thân, tôi cảm nhận rằng nhiều người trẻ đi tu không chỉ là muốn được theo sát Chúa Kitô nhưng còn có những lý do khác nữa, đó có thể là vì gia đình, hay có khi đi vì phong trào… và chính bản thân tôi cũng không ngoại lệ.

Trước đây khi quyết định đi tu, mục đích của tôi là để có cơ hội được đi học vì có người nói với tôi rằng, đi tu mới có người giúp cho đi học. Khi mới bước vào đời tu, dù đã được nghe những chia sẻ của quý cha về ơn gọi cũng như mục đích của đời dâng hiến là hướng về Đức Kitô, nhưng tôi chưa hiểu thấu được. Điều này đôi khi làm tôi cảm thấy áp lực và muốn dừng lại. Tuy nhiên, khi tôi đã khoác trên mình chiếc áo của người tu sĩ, tôi mới dần hiểu ra được chút ít về căn tính và ý nghĩa cho bước đường của mình. Thời gian đã giúp tôi có câu trả lời và có suy nghĩ tích cực hơn, giúp tôi khám phá chính mình và tình yêu của Đức Kitô.

Theo tôi bước theo Chúa thì phải luôn khao khát tìm gặp Chúa trong cuộc đời của mình, trong mọi biến cố của cuộc sống, để được Ngài nâng đỡ và bổ sức mỗi ngày. Cần phải luôn cảm nhận được: “Chúa đang sống trong tôi”, để có được sự bình an của Ngài. Tuy nhiên, trong cuộc sống khó tránh khỏi những tác động bên ngoài như sự lo lắng về học tập, về gia đình… nên đôi khi tạo cho tôi sự vô tình hoặc cố tình bỏ quên Chúa. Vì thế, câu hỏi: “Bà Tìm ai?” như là một lời nhắc nhớ để tôi ý thức “tôi đang tìm ai” trong cuộc sống hằng ngày của tôi.

Lạy Chúa, xin giúp con khao khát kiếm tìm Chúa để được gần Chúa mỗi ngày. Amen.

Tu sĩ Antôn A Bảo, SVD

Thứ Tư – Ngày 04 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Thánh Isiđôrô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.

Bài đọc : Cv 3,1-10

Tin Mừng : Lc 24,13-35

[…] Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Câu chuyện về cuộc đời Chúa Giêsu đã truyền cảm hứng cho nhiều người, trong đó những gì xảy ra với hai môn đệ trên đường trở về làng Emmau để lại cho chúng ta một hình ảnh đẹp về hành trình đức tin.

Theo cách nói của Kinh Thánh, từng bước xa rời khỏi trung tâm thờ phượng Giêrusalem cũng có nghĩa là từng bước rời xa khỏi niềm tin vào Đức Chúa. Hai môn đệ đang từ bỏ Giêrusalem để về với làng quê Emmau yên bình khi niềm hy vọng khôi phục Ítraen đã tan biến qua biến cố đau thương của thầy Giêsu. Sự kiện các phụ nữ loan tin “Người vẫn sống” (24,23) cũng không đủ sức giữ chân họ ở lại Giêrusalem nhưng ít ra nó là câu chuyện giúp cho hành trình của hai người bớt đi tẻ nhạt và buồn chán. Chỉ cần yếu tố nhỏ này thôi cũng đủ là cái cớ để Đức Kitô Phục Sinh xuất hiện và từng bước thắp lại ngọn lửa niềm tin đã tắt ngấm nơi các ông qua việc giải thích Kinh Thánh và qua sự kiện cùng bẻ bánh với họ.

Trên hành trình đức tin, có nhiều lúc chúng ta phải đối diện với những khoảng tối bởi sự nghi ngại hay thất vọng chán chường. Khi đứng trước những thách đố ấy, nếu tâm hồn còn chút khắc khoải tìm kiếm Chúa thì Người sẽ không bao giờ bỏ mặc chúng ta. Vì Đức Kitô luôn đem lại cho con người niềm hy vọng vì chính Người là nguồn hy vọng.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, trên hành trình đức tin nhiều chông gai và lắm thử thách, xin cho chúng con luôn biết mở lòng để Ngài thắp lại ngọn lửa nhiệt thành và yêu mến, nhất là những khi ngọn lửa đó đã bị thời gian làm cho phai nhạt.

Tu sĩ G.B. Phan Tuấn Thể, SVD

Thứ Năm – Ngày 05 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Thánh Vinh Sơn Ferrê, linh mục

Bài đọc : Cv 3,11-26

Tin Mừng : Lc 24,35-48

Khi ấy, hai môn đệ từ Emmau trở về thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông […]

SỢ HÃI VÀ BÌNH AN

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một nỗi sợ của các môn đệ Chúa: sợ ma. Các ông sợ đến nỗi kinh hồn bạt vía; đó không chỉ là nỗi sợ vu vơ nhưng là một nỗi sợ rất lớn.

Nỗi sợ của các môn đệ cũng là nỗi sợ của mỗi người chúng ta trong đời sống đức tin. Các môn đệ, những người đi theo Chúa, những người diễm phúc được nghe trực tiếp Chúa giảng dạy, được cùng ăn cùng uống với Ngài, thế nhưng sau khi Chúa chịu khổ hình, các ông đã hoang mang lo sợ, đã như đánh mất niềm tin, vì các ông chưa hiểu, chưa xác tín về sự phục sinh của Chúa sau khi chết. Thế là, khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các ông, các ông đã tưởng là ma, đã sợ đến kinh hồn bạt vía. Chúng ta thì sao? Có nhiều lúc chúng ta cũng kém tin, có nhiều lúc chúng ta cũng chưa xác quyết niềm tin vào Chúa Phục Sinh, nên chúng ta vẫn thường sợ hãi và cảm thấy như Chúa vắng mặt, nhất là khi chúng ta gặp gian nan thử thách.

Hiểu được nỗi sợ hãi của các môn đệ nên khi hiện ra Chúa đã ban Bình An Phục Sinh và làm cho các ông không còn sợ hãi và hết sức vui mừng. Chúa Kitô củng cố niềm tin cho các ông bằng cách nhắc lại những lời Sách Thánh chép về Người; đồng thời Chúa sai các ông ra đi làm chứng cho niềm tin ấy.

Hôm nay, Chúa cũng hiểu hết mọi nỗi sợ hãi trong chúng ta; Người muốn chúng ta xác tín vào Người và vẫn luôn ban Bình An Phục Sinh cho mỗi người chúng ta. Đồng thời, Chúa cũng mời gọi chúng ta, trong bậc sống và môi trường sống của mình, hãy làm chứng về niềm tin phục sinh cho mọi người.

Lạy Chúa, dẫu luôn xác tín vào Chúa, nhưng những khi gặp gian nan thử thách, đức tin của chúng con dễ bị chao đảo; chúng con hay sợ hãi và không dám đối diện với khó khăn. Xin Chúa Phục Sinh luôn ở cùng chúng con để chúng con đủ can đảm làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.

Tu sĩ Phêrô Hán Duy Hạp, SVD

Thứ Sáu – Ngày 06 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Bài đọc : Cv 4,1-12

Tin Mừng : Ga 21,1-14

Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Ðiđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay […]

KHI NÀO CHÚA HÀNH ĐỘNG?

Lời Thánh Vịnh 127,1 “ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” rất phù hợp với trình thuật trong Tin Mừng hôm nay khi của các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Chỉ khi họ vâng lời Đức Giêsu thả lưới bên phải mạn thuyền thì mới thu được kết quả mỹ mãn. Không ít người đã thắc mắc tại sao Chúa không ra tay sớm hơn cho các môn đệ đỡ vất vả?

Thông thường khi làm bất cứ việc gì, người ta thường dựa vào kinh nghiệm của mình trước đã, nếu gặp khó khăn thì mới nhờ sự trợ giúp từ người khác. Các môn đệ cũng vậy. Họ là những ngư phủ lành nghề, nên chuyện đánh cá xem ra quá quen thuộc và dễ dàng. Tuy nhiên, kinh nghiệm thì mang tính chủ quan nên sẽ có những lúc thất bại. Đây có thể là lý do khiến các môn đệ cực nhọc suốt đêm mà không bắt được gì; họ phải bó tay thừa nhận thất bại. Chính lúc này Chúa Giêsu mới ra tay. Điều thú vị là Người chỉ chỗ cho các môn đệ thả lưới mà không làm thay cho các ông.

Chúa Giêsu muốn con người cộng tác với Người và làm theo cách Ngài hướng dẫn. Người tôn trọng tự do của ta, nên không ngăn cản khi ta dựa vào sức mình, dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết của mình. Chỉ khi ta cố gắng hết mình và chấp nhận giới hạn của bản thân để biết kêu cầu sự trợ giúp của Chúa thì khi đó Người sẽ ra tay. Những lời hô hào duy ý chí, “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” hay “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” không đem lại sự no đủ, mà phải là “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng đợi Chúa làm thay, cũng đừng kiêu căng cậy vào sức mình, nhưng biết dựa vào ơn Chúa và tích cực công tác với Ngài. Amen.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Thứ Bảy – Ngày 07 – Tháng 4

TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Thánh Gioan Lasan, linh mục.

Bài đọc : Cv 4,13-21

Tin Mừng : Mc 16,9-15

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê.  Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này. Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

LỆNH TRUYỀN CỦA ĐỨC GIÊSU

Lệnh truyền ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo được Đức Giêsu ban bố ngay sau khi Ngài sống lại.

Lệnh truyền này, trước hết được ban cho các Tông đồ, sau đó tiếp nối các vị là tất cả những ai mang danh Kitô hữu. Bởi là Kitô hữu, họ không có quyền hay không nên thoái thác việc làm mà chính vị Thầy Chí Thánh của mình đã thực thi và mong ước được thực hành trong Giáo Hội Ngài.

Lịch sử cho thấy rằng, theo gương Thầy Chí Thánh, có biết bao nhiêu người đã hy sinh tính mạng cho công cuộc loan báo Tin Mừng Tình Yêu. Và dĩ nhiên, công cuộc loan báo này sẽ không dừng lại cho đến khi Chúa lại đến. Do đó, truyền giáo là căn tính, là hơi thở, là sức sống của Giáo Hội. Ngày nào Giáo hội không làm công việc này, ngày đó Giáo hội bỏ quên lệnh truyền của Đấng Sáng Lập và mặc nhiên, một khi không thi hành lời Thầy, Giáo Hội sẽ không tồn tại.

Là một Kitô hữu, chúng ta có bổn phận thực thi lệnh truyền của Đức Giêsu. Đây là lệnh truyền và là ân ban vì được chia sẻ sứ vụ với Đấng Cứu Thế. Sứ vụ “đi khắp tứ phương thiên hạ” nhắc nhở chúng ta không được giới hạn hay lưu luyến dừng lại ở một nơi chốn nào. Đồng thời, Tin Mừng cũng không loại trừ bất kỳ ai vì đó là “Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài tiếp tục biến đổi và ban sức mạnh để chúng con hăng say thực hiện sứ vụ quan trọng lớn lao này ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh chúng con được sai tới.

Lm. Antôn Nguyễn Tất Bính, SVD

Bài trướcLời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật Lễ Phục Sinh – Năm B
Bài tiếp theoThông điệp Phục Sinh Urbi et Orbi 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.