Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 5 Phục Sinh – Năm C

0
377

Bài Ðọc I: Cv 14, 20b-26

“Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo.

Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 8-9. 10-11. 12-13ab

Ðáp: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. – Ðáp.

2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Ðáp.

3) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Kh 21, 1-5a

“Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.

Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình. Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: “Ðây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi”. Và Ðấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: “Này đây, Ta đổi mới mọi sự”.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 13, 34

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 13, 31-33a. 34-35

“Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

“Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

DẤU CHỈ NGƯỜI MÔN ĐỆ

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Linh, SVD

Người ta thường nói: “Áo dòng không làm nên thầy tu. Sáng ngời nhân đức, đường tu mới bền”. Tu phục tuy cần thiết, nhưng nó không phải là thứ quyết định. Người ta nhận ra thầy tu không hệ tại ở chiếc áo dòng, mà là bởi đức độ của người tu sĩ. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng dạy các môn sinh cách thức giúp người khác nhận biết họ là môn đệ đích thực của Ngài là: “Anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).

Điều Đức Giêsu dạy các môn đệ xem ra rất quen thuộc vì các tôn giáo và tất cả những ai có lương tri cũng dạy về bác ái yêu thương. Tuy nhiên, giới răn yêu thương của Đức Giêsu lại rất khác biệt so với phần còn lại nơi các tôn giáo và các hệ tư tưởng khác. Yêu thương mà Đức Giêsu muốn các môn đệ của Ngài thực thi đó là yêu như Ngài đã yêu, một tình yêu vô vị lợi, không hề so đo toan tính. Yêu như Thầy đã yêu chính là dám hy sinh tất cả vì người mình yêu, yêu đến mức dám chết vì người mình yêu mà không đòi hỏi được đền đáp. Dẫu biết rằng người mình yêu sẽ phản bội bằng việc chối bỏ, trao nộp cho kẻ thù, bỏ mình cô đơn, dẫu biết rằng sẽ bị những người mình yêu phụ bạc, Đức Giêsu vẫn không chọn lối hành xử của người đời “thà ta phụ người hơn để người phụ ta,” mà Ngài vẫn sẵn sàng tha thứ và đón nhận. Một Giuđa gian dối tìm cách nộp Thầy, nhưng Thầy không nỡ đuổi sớm để tránh một mối họa. Thầy Giêsu vẫn ân cần quỳ xuống để rửa chân cho kẻ phản đồ và còn tìm mọi cách để nhắc nhở, cảnh tỉnh, với mong ước trò sẽ thay đổi. Cũng vậy, một Phêrô năm lần bảy lượt thề thốt nhưng rồi chối Thầy đến ba lần mà vẫn được Thầy tin yêu đặt làm tông đồ trưởng. Thêm nữa, một nhóm môn đệ thân tín được Thầy ra sức dạy dỗ, cùng Thầy chia ngọt sẻ bùi, nhưng rồi lại bỏ trốn khi Thầy gặp nạn, thế mà Ngài vẫn hết mực yêu thương… Tình yêu lạ lùng đến mức khi thoi thóp những lời sau cùng thì vẫn là những lời tha thứ: “Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Có lẽ Đức Giêsu là người đầu tiên dám lấy tình yêu đáp lại sự thù hận và phản bội, và Ngài mời gọi tất cả những ai muốn làm môn đệ của Ngài đều phải dùng tình yêu để chinh phục người khác. Lời nhắn nhủ của vị tôn sư trước lúc ly biệt “anh em hãy yêu thương nhau” nghe dường như đơn giản, nhưng không dễ để thực hiện đúng theo cách của Thầy.

Người ta sẽ nhận biết Thầy qua đời sống của người môn đệ. Lịch sử Giáo Hội đã có nhiều chứng nhân thực thi tình yêu thương theo cách của Thầy Chí Thánh. Trong những tấm gương chứng nhân ấy phải kể đến những vị tiêu biểu như: Thánh linh mục Maximilianô Kolbê (1894-1941), người dám chết thay cho người bạn tù. Thánh Têrêsa thành Calcutta (1910-1997) suốt đời dấn thân phục vụ những người nghèo khổ bất hạnh. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005) xin tha cho Mehmet Ali Agca là kẻ đã bắn ngài. Đời sống và những nghĩa cử cao đẹp của các chứng nhân này đã minh chứng rằng họ là môn đệ đích thực của Thầy Giêsu. Người ta thường nói “trông quả thì biết cây”, nhìn thấy đời sống đạo hạnh của người môn đệ nên nhiều người đã tin vào vị tôn sư Giêsu. Những vị thánh này đã dùng cuộc đời của mình để khắc họa một cách sống động về dung mạo khả ái của Đức Giêsu. Từ đó, các ngài đã giúp nhiều người đón nhận đức tin.

Nhìn vào Giáo Hội hôm nay, không ít người thất vọng ngao ngán vì bức tranh màu tối dường như đang lấn át bởi những bê bối về tội lạm dụng tình dục nơi một số tu sĩ và giáo sĩ. Đó đây vẫn còn những cãi cọ tranh giành quyền lực và ảnh hưởng nơi các giáo phận và giáo xứ. Nhiều gia đình Công Giáo cũng đổ vỡ, li dị hoặc thiếu chung thủy trong đời sống hôn nhân. Mối liên hệ mật thiết giữa cha mẹ với con cái cũng như giữa anh chị em với nhau có lúc bị phá vỡ chỉ vì ích kỷ lo bảo vệ quyền lợi của mình mà không thèm quan tâm đến người khác… Thiếu gương mẫu trong lối sống của người Kitô hữu đã ngăn cản người ta tìm về với Chúa Kitô. Người ta không thấy bóng dáng của Chúa nơi những người được xem là môn đệ của Ngài, thậm chí họ còn ác cảm và xa Chúa vì lối sống bê tha của một số tín hữu. Hơn lúc nào hết, Giáo Hội đang rất cần những môn đệ đích thực dám sống như Thầy đã sống, yêu như Thầy đã yêu để “đánh thức thế giới”[1]. Người ta nhận ra môn đệ của Chúa không phải vì những lễ lạc rước xách hoành tráng hay nơi những công trình xây dựng nguy nga, nhưng là sự yêu thương hy sinh dấn thân phục vụ. Đức ái với mọi người chung quanh chính là men là muối và ánh sáng đích thực để biến đổi thế giới nguội lạnh và vô cảm này.

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở thành con cái và là môn đệ của Chúa. Chúng ta có trách nhiệm giới thiệu Chúa cho người khác bằng nhiều cách thế, nhất là qua lối sống đượm tình bác ái. Tuy nhiên, đời sống của chúng ta nhiều lúc trở nên phản chứng bởi những chia rẽ, bất hòa, bất thuận, khiến người khác không nhận ra Chúa. Chúng ta xin Chúa thứ tha và tiếp tục ban ơn giúp chúng ta biết biến đổi con người của mình để trở thành môn đệ đích thực của Chúa, sẵn sàng dấn thân mà không sợ thiệt thân. Nhờ đó, chúng ta có thể mang niềm vui, tình thương và bình an của Chúa đến với những nơi mà chúng ta hiện diện.

[1] Xc. ĐTC Phanxicô, Tông thư gửi tất cả các người Thánh hiến dịp Năm đời sống Thánh hiến, số 2.

Bài trướcCĐ Triết Học Ngôi Lời và Ngày Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu tại Gp. Vĩnh Long và Gp. Long Xuyên (năm 2019)
Bài tiếp theoPhục Sinh – Tuần V – Năm C

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.