Lời Chúa + Bài giảng Chúa Nhật 3 Thường Niên – Năm B

0
341

Bài Ðọc I: Gn 3, 1-5. 10

“Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay”.

Trích sách Tiên tri Giona.

Lời Chúa phán cùng Giona rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi”. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9.

Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. (c. 4b).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. – Ðáp.

2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. – Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 29-31

“Bộ mặt thế gian này đang qua đi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 1, 15

Alleluia, alleluia! – Nước Chúa đã gần đến, hãy tin tưởng vào Phúc Âm. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 14-20

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

Bài giảng chủ đề:

HÃY SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

 Lm. F.X Nguyễn Văn Phú, SVD

Chuyện kể rằng: Trong khi thực hiện bức hoạ nổi tiếng “Bữa tiệc ly” Leonardo da Vinci đã cãi vã với một người bạn. Ông nhiếc mắng bạn mình bằng lời lẽ gay gắt và những cử chỉ doạ nạt. Khi cuộc cãi vã đã qua, ông trở lại công việc đang làm là vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu. Nhưng ông không thể phác hoạ được một nét. Cuối cùng ông nhận ra sự lo lắng phiền lòng. Ông liền bỏ bút vẽ, đi tìm người bạn mà ông đã xúc phạm và xin người bạn ấy tha thứ cho mình. Thế rồi ông trở về và bình tĩnh vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu.(sưu tầm)

Giống như vị họa sĩ, bổn phận của tôi – một người có đức tin – là vẽ lên bức tranh cuộc đời mình khuôn mặt của Đức Giêsu. Nhưng nét vẽchỉ có thể phất đi đúng hướng và có hồn khi lòng người nhẹ nhàng, an vui và thanh thản. Điều đó đòi hỏi nơi tôi một sự vượt qua và trở về, vượt qua sự ồn ào để trở về với thế giới thinh lặng, vượt qua những quan tâm lo lắng bên ngoài để trở về với thế giới bên trong, trở về với lòng mình. Trong cái thinh lặng tận nơi sâu thẳm nhất, tôi có cơ hội đối diện với bản thân và gặp gỡ Thiên Chúa. Rồi chính nơi đó, chính cuộc gặp gỡ đó đưa tôi vào hành trình thực hiện sứ điệp của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!”

Leonardo da Vinci đã không thể vẽ lấy được một nét nào để hoàn thành khuôn mặt của Đức Giêsu. Phải chăng do năng lực của ông yếu kém? Đương nhiên là không, vì ông đã hoàn thành biết bao kiệt tác một cách tài tình và dễ dàng. Vậy thì tại sao? Cái hay của vị họa sĩ là ở chỗ: ông không nản chí, không thất vọng, không bỏ ngang công việc mà là can đảm đối diện với chính mình để hỏi “tại sao?”. Nhờ đó ông tìm ra nguyên nhân là sự vắng bóng bình an trong tâm hồn vì cuộc cãi vã, vì sự xúc phạm đối với người bạn của mình.

Bắt chước vị họa sĩ, tôi cũng cần tự hỏi bản thân mình: tại sao tôi chưa thể hoàn thành bức tranh cuộc đời của mình trong tư cách là một kitô hữu mà ở đó khuôn mặt của Đức Giêsu phải được nhìn thấy rõ? Tại sao bức tranh cuộc đời tôi vẫn không có gì nổi trội giữa một rừng bức tranh, nơi mà gian dối, lọc lừa, tham lam, ích kỉ, hận thù đang chiếm ưu thế?

Thử một lần trở về đối diện với chính mình, cản đảm nhìn rõ từng nét trên bức tranh cuộc đời, có lẽ tôi sẽ khám phá ra nhiều lý do, nhiều cái “vì” đã làm cho tôi phải dừng tay khi vẽ khuôn mặt của Chúa:Phải chăng vì tôi quá chú trọng đến bản thân, đến cái tôi, đến những gì thuộc về mình mà ít khi hay không bao giờ quan tâm đến tha nhân: cha mẹ, vợ, chồng, anh chị em, con cái, bà con, bạn bè, đồng nghiệp, người nghèo đói, người cô đơn…? Phải chăng vì tôi chỉ biết đề cao việc riêng nhưng lại hạ thấp việc chung: việc của gia đình, việc của cộng đoàn, việc của công ty? Phải chăng vì tôi chỉ coi trọng những điều mình muốn, những lợi ích cá nhân nhưng lại thiếu quan tâm tới suy nghĩ của những người chung quanh và sống thiếu trách nhiệm? Phải chăng vì tôi hay tự cho mình là quan trọng, là nhất để xem thường, phê phán, quy chụp, chỉ trích người khác một cách thiếu cảm thông, bao dung và quảng đại? Phải chăng vì tôi luôn muốn người khác giúp đỡ mình trong khi tôi lại thờ ơ và vô cảm trước những nhu cầu của tha nhân? Phải chăng vì tôi thích thu gom của cải vật chất trần gian bất chấp mọi thủ đoạn mà lại không quan tâm đến việc tích trữ kho tàng trên trời khi thiếu sự chia sẻ và trao ban trong tinh thần yêu thương và phục vụ? Phải chăng vì tôi sống hình thức bên ngoài nhưng thiếu nội dung và chiều sâu, phải chăng tôi sống giả tạo mà thiếu sự chân thật, phải chăng tôi thích hiểu biết, sống nguyên tắc nhưng lại thiếu bao dung và tha thứ?….

Thật là nhiều nguyên nhân, những thứ đã ngăn cản tôi hoàn thành khuôn mặt Đức Giêsu lên bức tranh cuộc đời mình. Vậy tôi phải làm gì để tháo gỡ vấn đề?

Leonardo da Vinci đã can đảm đứng lên để đến với người bạn của mình, đã khiêm nhường nhìn ra lỗi lầm của mình và xin bạn tha thứ. Rồi từ đó ông bắt đầu vẽ và hoàn thành bức tranh “bữa tiệc ly” quá xuất sắc.

“Hãy sám hối” không chỉ còn là một lời mời gọi mà còn hơn thế, đó là một yêu cầu, một lệnh truyền mà Chúa dành cho tôi. Đã là người thì ai cũng có tội, ai cũng có những sai trái, ai cũng có những trải nghiệm “điều phải làm thì tôi không làm nhưng điều không được làm tôi lại làm” (x.Rm 7,15). Khiêm nhường nhìn ra những việc làm sai trái của mình cũng như những việc đáng phải làm mà tôi không làm là tôi bắt đầu hành trình trở về, bắt đầu hành trình “sửa đường”, bắt đầu công việc vẽ khuôn mặt Đức Giêsu.

“Sám hối” – tự nó có hai ý nghĩa: Sám là thú nhận lỗi lầm, hối là hứa không tái phạm nữa.  Hay nói cách khác, sám hối là cảm thấy đau buồn gớm ghét tội đã phạm và quyết tâm chừa cải. Do đó, sám hối không chỉ dừng lại ở sự hối tiếc mà cần thay đổi, cần canh tân con người của mình, cần khép lại quá khứ ở hiện tại để hướng tới tương lai trên một con đường mới, con đường mang tên Giêsu. Con đường đó đòi hỏi tôi giảm đi những điều chưa được nơi bản thân để dành chỗ cho tinh thần của Tin Mừng: Giảm một chút ích kỷ hẹp hòi để sống bao dung, quảng đại và rộng lượng hơn đối với tha nhân; giảm một chút tự cao tự đại để sống khiêm nhường hơn trong tương quan với người khác; giảm một chút lười biếng để siêng năng hơn trong việc hoàn thành bổn phận cũng như việc phụng thờ Thiên Chúa; giảm một chút tính cố chấp và thành kiến để hiểu và thông cảm cho người khác; giảm một chút tính nóng nảy để sống hiền hậu, để cùng nhau xây dựng đời sống chung trong bầu khí nhẹ nhàng, yêu thương và phục vụ.

Sám hối là hành trình thăng tiến bản thân cho tới khi thuộc về trời, là sự trở về cùng Thiên Chúa (x.Dt 12.23) và tham dự vào cuộc sống của Ngài, là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài (Gal 3,27), là được ở trong Ngài và Ngài ở trong ta (Ga 15), là trở nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Ðấng hoàn thiện (Mt 5,48).

Trở nên một với Chúa là có thể nói với anh chị em của mình bằng sự bao dung độ lượng như Chúa đã nói với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình “tôi cũng không kết án chị đâu. Chị hãy về đi và từ đây đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,1-11); trở nên một với Chúa là có ánh mắt nhìn đầy thông cảm và yêu thương như Chúa đã nhìn Phêrô khi ông chối Ngài tới ba lần (Lc 22,61); trở nên một với Chúa là có tinh thần yêu thương tha thứ như Chúa trên thập giá đã tha thứ cho người trộm lành (Lc 23,43) và cầu nguyện cho những kẻ giết mình “lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc mình làm!” (Lc 23,34); trở nên một với Chúa là vui mừng như bác sĩ khi bệnh nhân được chữa lành, là vui tươi hớn hở như vị mục tử vác chiên lạc trên vai, như người cha nhân hậu ôm chầm lấy đứa con hoang trở về và mở tiệc ăn mừng (Lc 15)

Xin Chúa ban cho con lòng can đảm và sự khiêm nhường để con dám trở về, ban cho con lòng tin tưởng và sự trung thành trên con đường theo Chúa, ban cho con sự hi sinh và lòng quảng đại để con dám trao ban như Chúađã trao ban chính Ngài trên thập giá vì con.

 

Bài trướcTang lễ của cha Inhaxiô Hồ Kim Thanh, SVD
Bài tiếp theoThường Niên – Tuần III – Năm B

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.