Bài Ðọc I: Is 62, 1-5
“Người chồng sẽ vui mừng vì vợ”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi, cho đến khi Ðấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Ðấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời. Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Ðấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người. Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi, ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa, và đất ngươi sẽ có dân cư.
(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 9-10ac
Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân (c. 3).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên chúa, hãy chúc tụng danh Người. – Ðáp.
2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. – Ðáp.
3) Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người. – Ðáp.
4) Hãy mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 4-11
“Cùng một Thánh Thần ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích. Người thì được Thánh Thần cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh, theo cùng một Thánh Thần; người khác được đức tin, trong cùng một Thánh Thần; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh, trong cũng một Thánh Thần đó; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng. Nhưng cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó. Người ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 2, 1-12
“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
{Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.}
Ðó là lời Chúa.
Bài giảng chủ đề:
ĐỨC MARIA TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỦA NGƯỜI TÍN HỮU
✍️ Lm. Phêrô Vũ Đức Thắng, SVD
Trong Tin Mừng hôm nay, tháng Gioan kể cho chúng ta nghe chuyện đám cưới ở Cana, đám cưới này có Đức Maria, Chúa Giêsu và các thánh Tông Đồ đến tham dự. Thời Chúa Giêsu cách đây hơn 20 thế kỷ, người Do Thái sống thành từng làng và vì thế đám cưới là lễ hội không chỉ của một gia đình mà là của cả làng, do vậy gia đình và cả làng tổ chức ăn tiệc suốt tuần. Trong dịp đó nếu có người khách nào đi qua làng thì gia đình mời họ cùng tham dự, cho nên chuyện thiếu rượu là hoàn toàn có thể xảy ra, và một đám cưới ở miền quê mà lại thiếu rượu thì đâu còn gì vui nữa.
Cũng trong câu chuyện này, thánh Gioan nói đặc biệt về Mẹ Maria, Đức Mẹ có mặt ở trong tiệc cưới và Đức Mẹ làm những gì? Chúng ta theo sát chi tiết mà thánh Gioan kể: “Khi thấy thiếu rượu” (Ga 2,3), thông thường đi ăn cưới thì ngồi lo ăn, ngoài ăn là lo nói và bàn tán với nhau xem là cô dâu mặc có đẹp không? Chú rể như thế nào? Làm sao mà Đức Mẹ biết là thiếu rượu được? Tuy nhiên trong trình thuật thánh Gioan nói rất rõ: “Khi thấy thiếu rượu” (Ga 2,3). Đức Mẹ thấy bởi vì Đức Mẹ nhạy bén khi quan sát từ khuôn mặt âu lo của ông chủ tiệc cưới, hay Đức Mẹ có thể thấy gia nhân chúm lại với nhau nói to nói nhỏ về bữa tiệc mà hết rượu. Đức Mẹ nhạy bén trước nhu cầu của gia đình tiệc cưới tại Cana. Nhà văn Công giáo lão thành người Pháp là Jean Guitton nói rằng nhạy bén trước nhu cầu của người khác, đó là nét tinh tế nhất của tình yêu. Đức Mẹ có lòng yêu thương mênh mông và vì thế Mẹ nhạy bén trước nhu cầu của con cái và khi Mẹ thấy gia đình của người ta bối dối khi thiếu rượu thì Mẹ làm hai việc: Thứ nhất là đến nói nhỏ với Chúa Giêsu họ hết rượu rồi (Ga 2,3) và thứ hai là đến nói với gia nhân trong tiệc cưới, Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo (Ga 2,4). Đức Mẹ làm hai việc và sau đó thì phép lạ diễn ra: nước hoá thành rượu, làm cả gia đình tổ chức đám cưới thoát khỏi nỗi băn khoăn, âu lo, buồn phiền, và niềm vui trở lại với đôi tân hôn với tất cả mọi người.
Trong lịch sử của Hội Thánh Công Giáo, Đức Mẹ tiếp tục sống như vậy, Đức Mẹ nhạy bén trước nhu cầu của con cái. Đấy là lý do tại sao người tín hữu Công Giáo kính mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Trên thế giới, có rất nhiều trung tâm hành hương kính Đức Mẹ. Ở Việt Nam cũng thế, không những có nhiều trung tâm hành hương mà còn có nhiều đền đài xây dựng để kính Đức Mẹ nữa. Thêm nữa, chúng ta thấy người tín hữu mỗi ngày mỗi tháng đọc kinh Kính Mừng nhiều hơn Kinh Lạy Cha, là kinh Chúa Giêsu dạy nữa. Tại sao mà tín hữu lại yêu mến Đức Mẹ như vậy? Thưa, bởi vì Đức Mẹ nhạy bén trước nhu cầu của họ và tìm cách giúp đỡ họ. Họ được làm con cái của Đức Mẹ, được Đức Mẹ hết lòng yêu thương và chăm sóc.
Giống như trong tiệc cưới Cana, ngày hôm nay, mỗi người chúng ta cũng được Đức Mẹ chỉ cách cho chúng ta đến Chúa Giêsu và làm theo những gì Người dạy. Chẳng hạn, Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, dạy chúng ta ăn năn sám hối, là điều Chúa Giêsu đã dạy; Lần chuỗi mân côi để ôn lại cả cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu; Tôn sùng trái tim Mẹ để mang lấy tâm tư như Mẹ đã mang. Thế nên, chúng ta đến với Đức Mẹ để cầu xin. Đặc biệt, là khi chúng ta gặp khó khăn thử thách. Đồng thời, chúng ta đến với Đức Mẹ để học với Mẹ những bài học căn bản trong đời sống đức tin.
Thứ nhất là bài học về sự bén nhạy trước nhu cầu của người khác. Đây là điều rất cần thiết trong thời đại chúng ta, thời đại mà lối sống vô cảm ngày càng lan tràn. Nhiều khi từ trong gia đình, các thành viên sống với nhau mà không còn nhạy bén trước nhu cầu của những người thân yêu, nhiều khi cha mẹ già bị bỏ bê, nhiều khi con cái cũng bị đánh đập cách tàn nhẫn, nhiều khi vợ chồng cũng không quan tâm đến nhau… Chúng ta cần học lại với Đức Mẹ với bài học nhạy bén trước nhu cầu của người khác.
Thứ hai là bài học về cầu nguyện, Đức Mẹ đến với Chúa Giêsu và nói rất vắn tắt: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Đức Mẹ trình bày cái nhu cầu của gia đình đãi tiệc và Đức Mẹ không áp đặt Chúa Giêsu phải làm cái gì. Đức Mẹ không nói với Chúa Giêsu là Con kiếm cách nào giúp cho người ta hay là Con sai các môn đệ đi mua rượu. Nhiều khi chúng ta cầu nguyện với Chúa mà chúng ta áp đặt lên Chúa phải làm thế này, phải làm thế kia theo như ý của mình muốn. Như vậy, mình muốn biến Chúa thành công cụ của mình. Cầu nguyện đích thực là mình trong tư thế của người con thân thưa với cha với mẹ của mình, cầu nguyện là trình bày những nhu cầu và tin tưởng Chúa sẽ ban cho chúng ta những điều gì tốt nhất, không phải theo ý của mình mà theo thánh ý của Ngài.
Cuối cùng là bài học lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa, Đức Mẹ đến nói với các gia nhân trong tiệc cưới thế này: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,4). Chúng ta thử hình dung các gia nhân lúc mà tiệc cưới thiếu rượu mà Chúa Giêsu lại nói: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” (Ga 2,7) có dễ thực hiện không? Nhưng thật kỳ lạ họ lại thực hiện y như lời Chúa Giêsu nói: “Và họ đổ đầy tới miệng”. Rồi Chúa Giêsu lại nói tiếp: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Họ làm ý như vậy: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,4). Chính vì vậy mà phép lạ diễn ra.
Có lẽ chúng ta cũng phải nghĩ lại, nhiều khi mình cầu xin với Chúa rất là nhiều nhưng lời Đức Mẹ căn dặn Người bảo gì con hãy làm theo (Ga 2,4) chúng ta lại không làm, đã không làm mà còn đổ tội cho Chúa không thực hiện lời cầu nguyện của mình. Nếu chúng ta dừng lại một chút suy nghĩ và coi đây là lời nhắc nhớ cho mình những điều hết sức căn bản trong đời sống Đức tin, để mình sét mìh suy nghĩ lại.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Đám cưới Cana này đã mời Mẹ Maria đến dự tiệc cưới, ước gì mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình chúng ta cũng mời Mẹ vào nhà của mình để có sự hiện diện Mẹ ở trong gia đình, chúng ta thân thưa với Mẹ những nhu cầu của cộng đoàn, của gia đình. Chúng ta lắng nghe những điều Mẹ dạy bảo để sống đời sống Kitô hữu trong bình an, trong niềm vui mà câu chuyện tiệc cưới Cana đã kể cho chúng ta hôm nay. Amen.
HIỆN THỰC TÌNH THƯƠNG CHÚA
✍️ Lm. Antôn P. Nguyễn Phi Tiến, SVD
Vào ngày 8 tháng 12 năm 2015, tức là trùng vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố năm thánh Lòng Chúa Thương Xót qua Tông Sắc “Misericordiae Vultus”, nghĩa là “Dung Nhan của Lòng Thương Xót”. Với việc công bố này, Đức Thánh Cha đã khai mạc năm thánh Lòng Chúa Thương Xót để khẳng định và xác tín lại chân lý ngàn đời không bao giờ phai mờ, đó là tình thương yêu của Thiên Chúa và sự trung tín của Ngài đối với con người.
- Thiên Chúa Yêu Thương Dân Người
Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã biểu lộ dung mạo của lòng thương xót qua sự tín trung đối với dân Do Thái, dân riêng của Thiên Chúa. Ngược dòng lịch sử cứu độ, chúng ta có thể thấy rằng vào thời bấy giờ Giêrusalem bị tàn phá, dân Do Thái bị lưu đày qua Babylon và bị bắt làm nô lệ nên họ luôn khao khát được tự do, được hồi hương, nghĩa là trở về quê hương đích thực của họ, đó là Giêrusalem. Bị đày ải rời xa quê hương và làm nô lệ cho một dân tộc khác là một sự tủi hổ và nhục nhã ê chề đối với họ. Bởi thế, dân Do Thái nhiều lần cho rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, không còn yêu thương và không trung tín với lời Ngài đã hứa đối với họ. Cuộc đời đày ải, lưu vong đầy chông gai, khó khăn và khổ sở nhiều lần làm cho dân Chúa chùn bước, nản lòng, thất vọng, dẫn đến vong ân, bội nghĩa và bất trung với Thiên Chúa. Họ đã nhiều lần than thân, trách phận; nhiều lần nguyền rủa và kêu trách Chúa và còn phản bội Ngài bằng cách thờ các ngẫu tượng. Thế nhưng, tình yêu thương và lòng trung tín của Thiên Chúa không bao giờ chuyển lay: “Vì lòng mến Xion, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giêrusalem, tôi nghỉ yên sao đành” (Is 62,1). Điều đó cho thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn luôn rủ lòng thương xót và trung tín với con người như lời tán tụng của Thánh Vịnh 136: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”; và quả là xứng với lời xác quyết trong câu định nghĩa của thánh Gioan tông đồ: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16). Thân phận của những kẻ lưu đày, nô bộc cho người khác luôn bị người đời buông lời chế giễu và xem là “đồ bị ruồng bỏ” hay là “phận bạc duyên đơn” (Is 62,4). Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn dành cho họ một chỗ đứng trong tim và thể hiện lòng thành tín đó mãi muôn đời, không bao giờ đổi thay: “Nhưng ngươi được gọi ái khanh lòng Ta hỡi! xứ sở ngươi nức tiếng là duyên thắm chỉ hồng” (Is 62,4b). Những ngôn từ đượm nét yêu thương và tín thành mà Thiên Chúa ưu ái dành cho dân riêng của Ngài cho thấy rằng không những Thiên Chúa không bỏ rơi mà còn “đem lòng sủng ái” và “thiết lập hôn ước” với họ (x. Is 62, 4c).
- Thiên Chúa Yêu Thương và Quan Tâm Đến Mỗi Người
Tình thương của Thiên Chúa không dừng lại ở một thời điểm hay chỉ dành riêng cho một dân tộc mà trải rộng đến vô biên, vô tận, cho muôn vàn thế hệ và cho từng hoàn cảnh sống của mỗi con người. Tác giả Tin Mừng Gioan đã làm nổi bật tình thương của Thiên Chúa một cách cụ thể qua việc thuật lại phép lạ hoá nước thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana. Đây là phép lạ đầu tiên khởi sự giai đoạn hoạt động công khai của Đức Giêsu. Nói cách khác, Đức Giêsu bước vào thời kỳ hiện thực hoá tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.
Việc làm cụ thể đầu tiên mà Đức Giêsu thực hiện là hoá nước thành rượu tại tiệc cưới Cana. Tiệc cưới là dấu chỉ tự nhiên tuyệt đẹp và giàu ý nghĩa của tình yêu, niềm vui, sự chung thủy, sự phong nhiêu và sự sống. Và rượu cũng là dấu chỉ niềm vui của Tin Mừng, của tình yêu, của Thánh Thần, của sinh lực mới tuôn trào ra từ sức mạnh của Đức Kitô Phục Sinh. Do đó, đối với dân Do Thái, khi tiệc cưới đang tràn ngập hân hoan, đang ở cung bậc cao trào của niềm vui mà hết rượu thì đó quả là một sự tủi hổ và nhục nhã đối với chủ nhân tiệc cưới; điều này thật không thể chấp nhận được. Sự can thiệp kịp thời của Chúa Giêsu nhờ lời thỉnh cầu của Mẹ Maria đã là một sự giải cứu tuyệt vời không gì tốt hơn để giúp gia chủ khỏi bẽ mặt trước thực khách đang vui và làm cho niềm vui của đôi tân hôn được trọn vẹn. Đức Giêsu không muốn niềm vui, tình yêu và niềm hạnh phúc của ngày tân hôn trọng đại bị dang dở và trở thành nỗi buồn. Ngài luôn muốn đem lại cho nhân loại chúng ta một niềm vui, tình yêu và hạnh phúc tròn đầy và viên mãn.
Tuy nhiên, phép lạ hoá nước thành rượu ngon không chỉ dừng lại ở một ý nghĩa đơn giản ấy, nhưng mỗi phép lạ Đức Giêsu thực hiện trước hết đều bày tỏ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với mỗi con người trong chính hoàn cảnh bi đát nhất của họ. Đồng thời phép lạ cũng là để mặc khải về quyền năng, vinh quang và chân dung đích thực của Đấng đầy lòng thương xót và qua đó giúp cho chúng ta vững tin hơn vào tình yêu thương và quyền năng của Ngài.
- Thiên Chúa Mời Gọi Chúng Ta Thi Thố Tình Thương
Thiên Chúa đã hiện thực lòng thương xót của Ngài bằng cách trao ban Người Con Duy Nhất là Đức Giêsu để “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” nhằm yêu thương, nâng đỡ, hướng dẫn và đồng hành với chúng ta trong hành trình đời sống và đức tin. Điều đó cho thấy rằng “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán và đầy yêu thương trong mọi việc người làm” (Tv 145,13). Đó là cách thế cụ thể nhất Thiên Chúa thi thố và trao ban tình thương của Ngài cho nhân loại chúng ta, dẫu chúng ta là ai, chúng ta làm gì và đang ở trong tình trạng tốt xấu thế nào đi nữa. Đồng thời, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta thể hiện và trao ban tình thương đó cho những người sống chung quanh mình.
Liên tưởng đến môi trường sống hiện tại, dường như chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự dửng dưng và vô cảm đang lên ngôi; sự nhạy cảm và mủi lòng trước bất hạnh của người khác như bị quên lãng; lòng bao dung và tình thương xót dường như đã nhường chỗ cho sự ích kỷ, hẹp hòi và gian ác. Hơn bao giờ hết nhân loại đang khốn đốn vì sự vô cảm và thiếu tình thương đối với nhau. Lời mời gọi của Thầy Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) hay “Anh em phải có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36) như luôn đòi buộc và thôi thúc chúng ta hiện thực hoá điều đó trong đời sống. Yêu như Thầy hay có lòng nhân từ như Cha, nghĩa là phải có một con mắt tinh tường nhạy bén, một trái tim bao dung thương cảm và một đôi tay sẵn sàng rộng mở trao ban để có thể đáp ứng kịp thời cho mỗi tình cảnh sống đáng thương và bi đát của những anh chị em đang lầm than khốn khổ, bất hạnh, chán nản, thất vọng và bệnh tật.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm phép lạ và phép lạ vẫn đang diễn ra chung quanh ta từng giây từng phút cho những ai luôn biết chạy đến với Chúa, đặt trọn niềm tín thác vào tình yêu thương, quyền năng và sự quan phòng của Ngài. Mặt khác, phép lạ cũng có thể diễn ra giữa chúng ta nếu chúng ta biết đối xử với nhau bằng tình người; biết quan tâm, nâng đỡ và có một trái tim yêu thương và quảng đại và nếu chúng ta biết sống cho và sống vì sự an vui, niềm hạnh phúc của người khác. Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống được như Chúa mời gọi.