KHAO KHÁT SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (10/10, Chúa Nhật XXVIII TN-B)

0
348

Bài đọc 1: Kn 7,7-11; Bài đọc 2: Hr 4,12-13

Tin Mừng: Mc 10,17-30

(17) Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quì xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. (18) Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. (19) Hẳn anh biết điều răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. (20) Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. (21) Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (22) Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (23) Đức Giê-su rảo mắt nhìn xung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (24) Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại nói tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! (25) Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. (26) Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa, và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” (27) Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”. (28) Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (29) Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, (30) mà bây giờ ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau”.

—oOo—

Bài giảng của linh mục Martinô Lê Quang Tuấn, SVD

Mong muốn được sống trường sinh vĩnh cửu, đó là khát vọng căn bản của cuộc sống nhân sinh. Hôm nay chúng ta nghe lại bài Tin Mừng nói lên khát vọng đó: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10, 17). Người thanh niên đặt câu hỏi với lòng khát khao chân lý.

Chúng ta biết chắc chắn đây là người thanh niên tốt lành, tâm hồn cao thượng và nhiều nghị lực. Bằng chứng là Chúa Giêsu có cảm tình ngay với anh khi anh vừa đến. Anh là người giữ đạo với hết bổn phận của mình. Anh đến gặp Chúa không vì tò mò muốn biết giáo lý của Ngài, nhưng với một tâm hồn khao khát chân lý, khao khát lý tưởng cao thượng. Anh muốn tìm một con đường dẫn đến Nước Trời.

Chúa Giêsu thấy rõ tâm hồn thiện chí và đại lượng của anh, nên Ngài nhìn anh với lòng trìu mến. Ngài yêu mến tâm hồn muốn vươn cao của anh. Nhưng Ngài cũng đòi anh phải hiến thân hoàn toàn cho sứ mệnh rao giảng Nước Trời. Sự quảng đại hiến thân đó không phải hệ tại tinh thần thanh thoát khỏi của cải vật chất, mà còn phải thực sự từ khước chúng, phân phát chúng cho người nghèo khó, người xung quanh. Như vậy, Chúa mời gọi anh đi tìm “kho tàng trên trời” chứ không chỉ quanh quẩn với những nhu cầu vật chất trần thế. Ngài muốn anh có một lẽ sống chứ không chỉ bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Lời mời gọi từ bỏ và theo Thầy là một thách đố cho anh để nhận ra đâu là những giá trị đang làm chủ cuộc sống của anh. Lời mời gọi này đã làm anh thất vọng. Anh buồn rầu bỏ đi. Anh buồn vì tưởng là đến với Thầy Giêsu để học được bí quyết trường sinh bất tử. Nào ngờ, Ngài lại cho anh một bài học về thái độ đối với của cải vật chất. Ngài bắt anh phải từ bỏ tất cả. Đây không phải là sự từ bỏ nửa vời, mà là từ bỏ tận gốc, từ bỏ tận căn.

Ước mơ của anh thanh niên này thật đẹp nhưng không thể thực hiện được. Anh là mẫu người say mê lý tưởng nhưng tiền bạc của cải đã trói buộc anh. Chúng làm nhạt nhòa lời mời gọi vươn lên cao của Chúa. Thật sự, anh đã để của cải làm chủ cuộc đời anh và đã làm cho anh mất tự do. Anh không thể xa chúng. Anh không đủ can đảm trả giá cho lẽ sống mà Chúa đề nghị với anh.

Nhân dịp này, Chúa Giêsu đưa ra giáo huấn của Ngài về sở hữu của cải. Của cải là để phục vụ con người chứ không phải là một ông chủ. Của cải cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng đem lại cho chúng ta niềm vui. Kinh nghiệm cuộc sống quanh chúng ta đã chứng minh điều này. Vì đất đai tài sản mà nhiều gia đình tan nát, huynh đệ tương tàn, coi nhau như kẻ thù. Vì tiền bạc mà nhiều người coi thường luân lý đạo đức, bán rẻ lương tâm, dùng mọi thủ đoạn mánh lới để kiếm thật nhiều tiền.

Chúa Giêsu nêu lên mối nguy hiểm của tiền của trong cuộc sống con người. Ngài dùng hình ảnh bình dân của người Do Thái lúc bấy giờ: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời” (Mc 10,25). Câu nói bất hủ này của Chúa đã làm các môn đệ ngỡ ngàng và làm sửng sốt biết bao người. Không phải giàu có là được Thiên Chúa chúc phúc sao? Chẳng lẽ theo Chúa thì phải chấp nhận nghèo khổ suốt đời sao? Chắc chắn là không phải như thế. Lời của Chúa hôm nay là một lời cảnh báo chúng ta về cách sống của mình. Vấn đề không phải là của cải nhưng là thái độ đối với việc sở hữu của cải vật chất cũng như tinh thần. Nếu chúng ta để tâm hồn mình bị trói buộc bởi những gì mình sở hữu thì chúng ta sẽ mất tự do, chúng ta sẽ làm nô lệ cho chúng.

Đối với Phật giáo, Tứ Diệu Đế là căn bản giáo lý Nhà Phật. Đức Phật đã chỉ ra nguồn gốc của đau khổ là tham – sân – si. Đó là chạy theo những cái vô thường, những cái chóng qua, dễ thay đổi. Một khi bám chặt vào của cải vật chất, kể cả của cải tinh thần như quyền lực, danh vọng … thường mang lại cho chúng ta nhiều sầu khổ hơn là an vui. Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng phải lo cho cơm áo gạo tiền, tính toán cho tương lai. Chúa cũng không muốn chúng ta sống nghèo khổ. Nhưng Chúa cảnh giác chúng ta về thái độ đối với của cải. Ngài không muốn chúng ta chỉ lo xây dựng cuộc sống trên trần gian, mà quên tìm kiếm kho tàng trên Trời.

Người ta thường nói: “Hà tiện là nguyên nhân của mọi nết xấu” như kiêu ngạo, tham lam, bất công, ham mê lạc thú, … Nhưng nết xấu đầu tiên phải kể là nô lệ tiền của. Một khi nô lệ chúng thì sẽ dễ dàng quên Thiên Chúa, quên ân huệ Ngài ban, quên bổn phận tôn thờ Ngài. Người nô lệ tiền của rất khó có thể được cứu rỗi.

Thật sự, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải xa lánh hay chê ghét của cải trần thế, nhưng cần tấm lòng thanh thoát, không nô lệ chúng. Hãy coi chúng như là quà tặng, như ân huệ và như món nợ Thiên Chúa cho vay. Ta sử dụng chúng mà không kiêu căng. Mất chúng mà không đau xót. Đừng để thái độ dính bén, lệ thuộc vào những gì tạm bợ bóp nghẹt đời sống tâm linh chúng ta. Nếu chúng ta bắt đầu nhận ra đâu là giá trị vĩnh cửu, đâu là cái chóng qua: được rồi mất, mất rồi được, và nếu giữ được tâm hồn mình bình an thì đó là thái độ của con người có ‘tâm hồn nghèo khó’. Thái độ này cũng là ơn Thiên Chúa ban chứ không phải do hành động con người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta cùng nhìn lại cuộc sống của mình. Điều gì đang làm chủ trái tim tôi? Cuộc sống tôi đang bị chi phối bởi những giá trị nào? Tâm hồn tôi có chỗ cho Chúa ngự không?

Người Kitô hữu chúng ta đi theo Chúa là chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình. Vì chọn Chúa mà chúng ta dám từ bỏ tất cả những gì ngăn cản chúng ta đến với Chúa. Những cản trở đó có thể là tiền bạc, danh vọng, quyền lực, thú vui. Những cản trở đó có thể là một người mà ta gắn bó, một nơi mà ta không thể dứt bỏ. Những cản trở đó có thể là sự tự ái, ghen ghét, đố kỵ, bất mãn, … Nếu chúng ta biết từ bỏ tất cả những gì cản trở để đến với Chúa, thì ta sẽ đạt được chính Chúa. Được Chúa là được tất cả. Vì Chúa là hạnh phúc ngàn đời của ta.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết trông cậy vào Chúa, biết đi tìm Chúa là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu, thay vì chỉ biết xây dựng đời mình bằng những thứ chóng qua của đời này. Amen.

Bài trướcChú giải Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII TN B (Mc 10,17-30)
Bài tiếp theoCộng đoàn Mân Côi SVD: BỨC TRANH MỚI